Thứ Bảy, 23/11/2024, 12:12 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia ở khu vực biên giới. Những năm qua, các đơn vị biên phòng đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh, trật tự ở khu vực biên giới.
Nước ta có đường biên giới trên đất liền dài 4.653 km, tiếp giáp với các nước: Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia, thuộc địa phận của 428 xã, phường, 100 huyện 25 tỉnh (thành phố). Nhìn chung, địa hình khu vực biên giới (KVBG) đất liền nước ta rất phức tạp, hiểm trở; thời tiết, khí hậu khắc nghiệt; giao thông chưa phát triển. Cư dân trên địa bàn KVBG chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều khó khăn, có nơi còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu; nhiều trường hợp có mối quan hệ dân tộc, dòng họ khá chặt chẽ với nhân dân bên kia biên giới. Điều đó, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng. Những năm gần đây, thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa của Đảng và Nhà nước ta, các hoạt động giao thương, du lịch ở KVBG diễn ra sôi động. Lợi dụng những đặc điểm trên, các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động chống phá xâm phạm chủ quyền, an ninh, gây mất ổn định chính trị – xã hội ở KVBG. Chúng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, vừa công khai, vừa bí mật, với thành phần và đối tượng đa dạng, như: lợi dụng các quan hệ kinh tế, thương mại, dân tộc, dòng họ giữa hai bên biên giới để móc nối, gây cơ sở, thu thập tin tức; chỉ đạo một số đối tượng xâm nhập, tuyên truyền, kích động, lôi kéo tập hợp lực lượng. Điển hình là việc một số đối tượng phản động người Mông ở các tỉnh Tây Bắc tuyên truyền, kích động thành lập cái gọi là: “Vương quốc Mông tự trị” thông qua các hình thức phát triển đạo Tin lành, phát tán tài liệu có nội dung phản động dưới dạng đĩa CD, VCD, thẻ nhớ; tổ chức cho thanh niên người Mông học võ thuật, đưa người Mông ra nước ngoài; lôi kéo tập hợp lực lượng, tạo ra các điểm nóng về an ninh, trật tự, như vụ Mường Nhé (5-2011)…
Thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), những năm qua, các đơn vị biên phòng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp công tác biên phòng, chủ động phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa nhiều hoạt động của các loại đối tượng xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia (ANQG), giữ vững ổn định địa bàn KVBG, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng. Kết quả đó thể hiện nổi bật trên một số mặt công tác sau:
Trong công tác nắm tình hình. Chỉ huy các đơn vị BĐBP đã bám sát các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, quán triệt, triển khai, thực hiện đồng bộ các biện pháp, chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, tình hình hoạt động của các loại đối tượng ở trong, ngoài biên giới và tình hình liên quan đến các di, biến động của đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp. Thông qua đó, đã phát hiện, xác minh, xử lý kịp thời nhiều nguồn tin có giá trị, chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa nhiều âm mưu và hoạt động chống phá của các loại đối tượng. Trên cơ sở công tác nắm tình hình, các đơn vị đã kịp thời đánh giá, dự báo, tham mưu, đề xuất cho chỉ huy giải quyết các vấn đề phức tạp diễn ra trên KVBG.
Công tác tham mưu, hướng dẫn chỉ đạo. Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng ban hành nhiều văn bản liên quan, nhằm thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh ở địa bàn KVBG; tham mưu, đề xuất các chủ trương, đối sách đấu tranh với các loại đối tượng; phối hợp giải quyết có hiệu quả các vấn đề phức tạp về tôn giáo, dân tộc; vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động biểu tình, gây rối ở địa bàn biên giới, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ công tác quốc phòng - an ninh. Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh BĐBP còn ra nghị quyết, ban hành nhiều chỉ thị, nhằm quán triệt và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG. Trong đó, tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị BĐBP tích cực đổi mới nội dung, biện pháp công tác nghiệp vụ trinh sát biên phòng; chỉ đạo BĐBP các tỉnh biên giới chủ động xây dựng kế hoạch đón bắt bọn phản động lưu vong xâm nhập; phát hiện, ngăn chặn các hoạt động tuyên truyền, lôi kéo quần chúng nhân dân vượt biên trái pháp luật…
Công tác đấu tranh, ngăn chặn các đối tượng hoạt động xâm phạm ANQG. Các đơn vị BĐBP đã tổ chức sử dụng lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng; chủ động phát hiện, đấu tranh với các loại đối tượng xâm phạm ANQG; trong đó, đã tập trung ngăn chặn hoạt động lôi kéo người dân tộc thiểu số vượt biên ở địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; hoạt động di cư tự do, phát triển đạo Tin lành trái pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc Mông; hoạt động của các đối tượng lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc; các hoạt động móc nối, gây cơ sở nội bộ để thu thập tin tình báo của các cơ quan đặc biệt nước ngoài; hoạt động của các đối tượng phản động lưu vong xâm nhập. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị BĐBP đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, tiến hành đồng bộ các giải pháp đảm bảo ANQG; xác lập hàng trăm chuyên án và kế hoạch nghiệp vụ, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm, tổ chức tội phạm xâm phạm ANQG, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG. Nhiều vụ việc phức tạp về an ninh trật tự đã được xử lý kịp thời, kiên quyết, không để lan rộng, kéo dài; không để các thế lực thù địch bên ngoài tạo cớ can thiệp, chống phá.
Công tác tuyên truyền vận động và xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh biên giới. Trước âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch, các đơn vị BĐBP đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trực tiếp là các chủ trương, chính sách của địa phương, nhằm nâng cao nhận thức chính trị cho quần chúng và xây dựng trận địa tư tưởng vững vàng trong đồng bào các dân tộc. Nội dung tuyên truyền đã tập trung làm rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại đối tượng; nhất là, thủ đoạn mua chuộc, lợi dụng, lôi kéo quần chúng vào các hoạt động chống phá cách mạng.
Kết quả hoạt động của BĐBP đã góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh, trật tự ở KVBG, đập tan nhiều âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm; đồng thời, góp phần xây dựng mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc hai bên biên giới. Tuy nhiên, hiện nay các thế lực thù địch vẫn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” để chống phá cách mạng nước ta; trong đó, KVBG vẫn là địa bàn mà chúng địch triệt để lợi dụng. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại các hoạt động xâm phạm ANQG ở KVBG đất liền, thời gian tới, các đơn vị BĐBP cần tập trung vào một số nội dung, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tăng cường bồi dưỡng, giáo dục, nâng cao kiến thức mọi mặt cho cán bộ, chiến sĩ biên phòng, nhất là ở đơn vị cơ sở. Cấp uỷ, chỉ huy các đơn vị phải thường xuyên quán triệt, phổ biến kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của các cấp, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của người chỉ huy và cơ quan nghiệp vụ cấp trên về công tác đảm bảo ANQG. Đồng thời, tập trung xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng; có kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu, tinh thần cảnh giác cao trước mọi âm mưu và thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Nội dung giáo dục cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ có liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự ở địa bàn KVBG bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể của từng đơn vị; làm rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động xâm phạm ANQG của từng nhóm, loại đối tượng trên từng địa bàn cụ thể. Để phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Phương pháp tuyên truyền, vận động cần bám sát đặc điểm tình hình, phong tục, tập quán và trình độ nhận thức của quần chúng trên từng địa bàn để đạt hiệu quả thiết thực. Đi đôi với công tác tuyên truyền, vận động, các đơn vị cần coi trọng xây dựng, củng cố, phát huy tác dụng của các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh biên giới, nhất là vai trò của đội ngũ cán bộ biên phòng tăng cường tại các xã biên giới trong việc tuyên truyền, vận động và xây dựng phong trào quần chúng. Thông qua đó, nâng cao nhận thức, động viên quần chúng, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; không nghe theo kẻ xấu xúi giục, lôi kéo tham gia các hoạt động chống phá cách mạng.
Hai là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các chương trình, kế hoạch của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh tại các xã (phường) biên giới. Các đơn vị biên phòng cần phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương, các ban, ngành liên quan tập trung xây dựng, củng cố thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên KVBG. Từng đơn vị tích cực tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương; đồng thời, tập trung thực hiện tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, đổi mới phương thức hoạt động, nắm chắc tình hình địa bàn, tình hình hoạt động của các loại đối tượng.
Ba là, thường xuyên rà soát, bổ sung các văn kiện tác chiến phòng thủ, các phương án phòng, chống gây rối, gây bạo loạn, chống khủng bố và các phương án giải quyết tình huống xâm phạm chủ quyền biên giới quốc gia hoặc các tình huống phức tạp khác, nhằm chủ động ứng phó với mọi diễn biến của tình hình. Các đơn vị cần bám sát sự chỉ đạo của cấp trên và thực tế tình hình an ninh, trật tự của địa bàn để xây dựng các kế hoạch tác chiến, bảo vệ phù hợp. Nội dung của kế hoạch phải cụ thể, sát với tình hình thực tế của địa bàn, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại đối tượng. Trên cơ sở kế hoạch đã được phê duyệt, cần tổ chức luyện tập để mọi cán bộ, chiến sĩ nắm chắc được chức trách, nhiệm vụ và cách thức tổ chức thực hiện; đồng thời, căn cứ vào thực tế để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, tránh dập khuôn, máy móc, không bảo đảm yêu cầu của công tác đấu tranh. Mặt khác, các đơn vị biên phòng còn phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác, tăng cường trao đổi thông tin, chủ động phát hiện, ngăn chặn âm mưu và hoạt động của các loại đối tượng từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ trước mọi diễn biến của tình hình. Việc phối hợp cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục trong công tác nắm tình hình và xử lý các vụ việc cụ thể.
Bốn là, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và tổ chức của lực lượng Trinh sát Biên phòng theo hướng chuyên trách về bảo vệ ANQG. Nhiệm vụ công tác đảm bảo ANQG ở KVBG rất phức tạp, vừa phải giữ vững chủ quyền lãnh thổ, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, vừa phải giữ vững môi trường ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống lý luận nghiệp vụ về đấu tranh phòng chống hoạt động xâm phạm ANQG ở KVBG; nhất là các biện pháp nghiệp vụ bảo vệ ANQG. Đồng thời, điều chỉnh tổ chức, biên chế của lực lượng Trinh sát Biên phòng theo hướng chuyên sâu về công tác đấu tranh với từng loại đối tượng xâm phạm ANQG. Ngoài ra, cần chú ý kết hợp chặt chẽ giữa công tác phản gián với công tác tình báo và hoạt động đối ngoại, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ xa các loại hoạt động xâm phạm ANQG ở KVBG./.
Thiếu tướng, PGS, TS. TRẦN HỮU PHÚC
Giám đốc Học viện Biên phòng
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng