QPTD -Thứ Hai, 03/12/2018, 10:16 (GMT+7)
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang thực hiện tốt công tác tham mưu trong quản lý nhà nước về quốc phòng

Quản lý nhà nước nói chung, trên lĩnh vực quốc phòng nói riêng có vai trò hết sức quan trọng nhằm góp phần tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng của đất nước. Nhận thức rõ điều đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả công tác này.

An Giang là tỉnh biên giới, có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh trong thế trận phòng thủ của Quân khu 9 và cả vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long. Ý thức rõ điều đó, cùng với triển khai toàn diện các mặt công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh luôn phát huy vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quốc phòng. Đây là vấn đề khó, rất phức tạp, bởi nó liên quan đến nhiều cấp, ngành, lĩnh vực, với nhiều nội dung đan xen, ảnh hưởng đến lợi ích của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và tác động trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Vì thế, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tập trung chỉ đạo làm tốt công tác này từ khâu nghiên cứu, rà soát, xác định chủ trương, lập kế hoạch,… đến tham mưu, thực hiện và đạt hiệu quả thiết thực.

Kết quả nổi bật là, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quân sự, quốc phòng. Trong đó, tập trung vào một số kế hoạch, đề án quan trọng, như: Kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh đến năm 2020, Đề án xây dựng khu vực phòng thủ và phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, v.v. Đây là cơ sở quan trọng, mang tính pháp lệnh để Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự trên địa bàn. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh và cơ quan quân sự các cấp đã tham mưu cho chính quyền quản lý, chỉ đạo xây dựng toàn diện khu vực phòng thủ, cả về lực lượng, tiềm lực và thế trận. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền quản lý chặt chẽ đối với các dự án kinh tế - xã hội, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch, triển khai đến hoạt động nhằm đảm bảo đạt cả mục tiêu kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Trong đó, coi trọng gắn xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, như: xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, hạ tầng giao thông, thủy lợi, v.v. Theo đó, Tỉnh ưu tiên xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện Quốc lộ N1 (Châu Đốc - Tri Tôn), các tuyến tỉnh lộ, đường tuần tra biên giới, đường Hồ Chí Minh,… khơi thông tuyến giao thông thủy, đảm bảo cho hệ thống này vừa phục vụ sản xuất, vừa là đường cơ động khi có tình huống quốc phòng - an ninh. Cùng với đó, Tỉnh chỉ đạo tích cực trồng rừng trên các thân đê, khu vực rừng nghèo, núi trọc và bảo vệ, phát triển rừng hiện có, vừa góp phần cải thiện môi trường, phát triển du lịch, vừa đảm bảo yếu tố bí mật trong bố trí, cơ động lực lượng, từng bước xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ vững chắc, rộng khắp. Nhờ sự tham mưu của Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh, đến nay, Tỉnh đã xây dựng hoàn chỉnh một số sở chỉ huy, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần kỹ thuật, khu tập kết các cấp và chốt dân quân - biên phòng biên giới, v.v.

Tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng được Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh thực hiện tốt; tạo cơ sở, nền tảng để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng. Hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tham mưu giúp Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng theo quy định; tập trung đổi mới nội dung, chương trình, nhất là chuẩn hóa kiến thức cho cán bộ chủ trì các cấp, ngành. Từ năm 2008 đến nay, Tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 89.476 cán bộ; 1.057 chức sắc, chức việc các tôn giáo; 100% học sinh, sinh viên theo quy định. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng và lồng ghép vào các buổi sinh hoạt được 812 cuộc, cho gần 66.000 lượt người. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ công dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và ý thức tự giác chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực quốc phòng, an ninh cho toàn dân.

Phần thực binh trong diễn tập khu vực phòng thủ Tỉnh năm 2018

Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, làm nòng cốt trong tham mưu và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh hết sức quan tâm. Theo đó, Tỉnh coi trọng huấn luyện, bồi dưỡng cho lực lượng thường trực, nhằm không ngừng nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chuyên môn, nghiệp vụ. Lực lượng dự bị động viên được xây dựng, tổ chức huấn luyện và động viên chặt chẽ theo đúng Pháp lệnh Dự bị động viên. Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng theo hướng “vững mạnh, rộng khắp”, có số lượng và cơ cấu, thành phần hợp lý, chất lượng cao; chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang không ngừng được nâng lên. Điều đó được kiểm nghiệm qua các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ, làm công tác dân vận, tham gia xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách xã hội, chính sách hậu phương Quân đội, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng; tích cực tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai,… được cấp trên, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận đánh giá cao. Đó cũng là cơ sở, tiền đề quan trọng để lực lượng vũ trang hoàn thành tốt công tác tham mưu và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng trên địa bàn.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về quốc phòng của Tỉnh vẫn còn những mặt hạn chế, bất cập. Việc ban hành, bổ sung, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật chưa kịp thời, chưa bám sát sự phát triển của tình hình; trách nhiệm quản lý của các cấp, các ngành chưa thật đầy đủ. Công tác kiểm tra, thanh tra quốc phòng có lúc, có nơi chưa chủ động, thường xuyên. Để không ngừng nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng trong tình hình mới, đòi hỏi Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này; trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một làtích cực tham mưu cho Tỉnh hoàn thiện, bổ sung, nâng cao chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng. Để làm được điều đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, không những giỏi về quân sự mà còn có nền tảng kiến thức toàn diện về luật pháp, quản lý nhà nước, kinh tế - xã hội, đủ sức làm tham mưu trong việc xây dựng, soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, giúp ủy ban nhân dân các cấp trong công tác quản lý nhà nước về quốc phòng. Đồng thời, tích cực tham mưu để đổi mới quy trình xây dựng, soạn thảo, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quốc phòng theo hướng khoa học, cụ thể, chặt chẽ, phù hợp với thực tế. Quá trình thực hiện, coi trọng ý kiến đóng góp của nhân dân, phản biện từ các tổ chức xã hội, phát huy dân chủ cơ sở, nhất là các văn bản pháp luật có đối tượng điều chỉnh rộng, như: Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Pháp lệnh Dự bị động viên, chính sách hậu phương Quân đội, v.v.

Hai là, đẩy mạnh tham mưu và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về quốc phòng. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh xác định: nhận thức là cơ sở của hành động. Vì vậy, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng, làm cho mọi công dân hiểu rõ, tin tưởng và tự giác chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng là một giải pháp rất quan trọng. Để thực hiện tốt nội dung này, lực lượng vũ trang Tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực quốc phòng. Trên cơ sở đó, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về nội dung này; thường xuyên bám sát đặc điểm, nhiệm vụ, yêu cầu về quốc phòng, quân sự của địa phương mình để xây dựng nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp.

Ba là, tham mưu cho Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng chức năng trong phối hợp đưa pháp luật về quốc phòng vào cuộc sống. Các cơ quan chức năng của Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tích cực nghiên cứu, nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các lực lượng, nhất là lực lượng Quân sự, Biên phòng, Công an, Kiểm lâm,… trong phối hợp tuần tra, kiểm tra, hướng dẫn nhân dân trên địa bàn chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, trong đó có lĩnh vực quốc phòng. Đồng thời, tăng cường cán bộ phối hợp với các đoàn thể, địa phương tích cực tham gia sinh hoạt, tuyên truyền pháp luật ngay tại các ấp, khóm, nơi địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo. Thực hiện hiệu quả các mô hình: “Tổ tự quản đường biên, cột mốc”, “Tổ phụ nữ cùng với Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”,… phát huy sức mạnh toàn dân trong thực hiện Luật Biên giới và Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng.

Bốn là, chú trọng tham mưu cho Tỉnh tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Theo phạm vi được phân công, cơ quan quân sự các cấp của Tỉnh phát huy trách nhiệm trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Đồng thời, đề cao vai trò của quần chúng nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng ngay tại cơ sở; duy trì nền nếp, chế độ sơ kết, tổng kết ở các cấp, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quốc phòng trong tình hình mới. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh cần duy trì chặt chẽ chế độ tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quốc phòng, theo quy định của pháp luật. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong xây dựng nhà nước pháp quyền, tăng cường quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có công tác quân sự, quốc phòng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới vùng Tây Nam của Tổ quốc.

Đại tá BÙI HỒNG LỰC, Tỉnh ủy viên, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.