QPTD -Thứ Ba, 17/07/2012, 16:14 (GMT+7)
Binh đoàn 18 xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển và bảo vệ Tổ quốc

Quán triệt quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, những năm qua, Binh đoàn 18 luôn chú trọng đầu tư, phát triển có chiều sâu các nguồn lực. Trong đó, xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được Binh đoàn đặc biệt quan tâm, coi đó là nhân tố cơ bản để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.

alt
Máy bay Mi-17 của Binh đoàn

Là doanh nghiệp quốc phòng – an ninh, trực thuộc Bộ Quốc phòng,  Binh đoàn 18 – Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam – có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ trực thăng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động trên lĩnh vực vận tải hàng không hiện đại, trong bối cảnh toàn cầu hóa, Binh đoàn đã và đang phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là cạnh tranh về thị trường, công nghệ, thu hút nguồn nhân lực… ở cả trong và ngoài nước. Nhận thức sâu sắc điều đó và để tồn tại, phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy và Chỉ huy Binh đoàn đã phát huy cao tinh thần chủ động, sáng tạo để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chiến lược đã xác định. Trong đó, thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng, phát triển nguồn nhân lực được coi là nhân tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của Binh đoàn. Trong những năm gần đây, Binh đoàn đã có những chủ trương chiến lược, giải pháp và bước đi phù hợp cho từng giai đoạn để thực hiện từng khâu đột phá, nhờ đó đã đạt được kết quả quan trọng. Mô hình tổ chức các cấp của Binh đoàn thường xuyên được củng cố, kiện toàn theo đúng Luật Doanh nghiệp, phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh (SX,KD) và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Cơ cấu lao động từng bước có sự điều chỉnh theo hướng giảm tỷ lệ lao động gián tiếp, lao động giản đơn, tăng tỷ lệ lao động trực tiếp, lao động có tay nghề cao, nhất là ở các công ty bay. Công tác quy hoạch, tuyển dụng từng bước được đổi mới; việc xây dựng và áp dụng các bộ quy chế, quy trình trong quản lý, đánh giá, sử dụng nguồn nhân lực được tiến hành chặt chẽ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, phi công và nhân viên kỹ thuật hàng không (KTHK) được chú trọng ở tất cả các cấp. Chính sách về tiền lương, phúc lợi xã hội và các ưu đãi khác cho lao động có tay nghề cao, các chuyên gia giỏi được quan tâm đúng mức,v.v.

Với những định hướng chiến lược đúng đắn, tư duy sáng tạo và bước đi phù hợp, nên nguồn nhân lực của Binh đoàn đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Từ chỗ chỉ có Tổ bay (năm 1979), Phi đội dầu khí (năm 1983) với 02 máy bay MI-8, đến nay, Binh đoàn đã có hệ thống tổ chức hoàn chỉnh theo mô hình công ty mẹ, công ty con, với hàng trăm phi công, nhân viên KTHK lành nghề và hơn 20 máy bay trực thăng hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chính nguồn nhân lực này đã góp phần quan trọng giúp Binh đoàn có bước phát triển nhảy vọt, trở thành nhà cung cấp dịch vụ trực thăng có chất lượng hàng đầu Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Trong những năm qua, mặc dù chịu tác động của nhiều khó khăn, thách thức, gần nhất là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Binh đoàn vẫn phát triển bền vững, luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu khối doanh nghiệp Quân đội và Nhà nước về hiệu quả SX,KD. Năm 2011, doanh thu và lợi nhuận của Tổng Công ty lần lượt vượt 24% và 23% so với kế hoạch; năng suất lao động bình quân đạt 2,8 tỷ đồng/người/năm; đồng thời, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân sự, quốc phòng được giao, nhất là bay chuyên cơ, bay biển, đảo và tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn…, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh của đất nước.

Trong thời gian tới, trước yêu cầu cao của nhiệm vụ đặt ra, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao càng trở nên quan trọng, cấp thiết đối với Binh đoàn nhằm tạo ra năng lực cốt lõi, lợi thế và khả năng cạnh tranh, đáp ứng tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững.

Để đạt được mục tiêu trên, trước hết, Binh đoàn đẩy mạnh quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cấp ủy, chỉ huy các cấp và mọi cán bộ, nhân viên đối với công tác quan trọng này. Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực ở Binh đoàn 18, suy cho cùng là xây dựng, phát triển nhân tố con người và các tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu tồn tại và phát triển trong điều kiện mới. Vì vậy, việc quán triệt nâng cao nhận thức về công tác này cần được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ đến mọi cá nhân, từng tổ chức mà trước hết là đối với cấp ủy, chỉ huy và cơ quan chức năng các cấp. Tập trung làm cho mọi người hiểu rõ vị trí, vai trò và các quan điểm của Đảng về phát triển nguồn nhân lực đã được thể hiện trong các chỉ thị, nghị quyết, nhất là Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ IX và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Binh đoàn lần thứ V. Trên cơ sở đó, các đơn vị cụ thể hóa thành mục tiêu, kế hoạch, chương trình và các biện pháp cụ thể về xây dựng, phát triển nguồn nhân lực cho phù hợp với từng loại đối tượng và mô hình tổ chức của Binh đoàn. Trong quá trình thực hiện, cần vận dụng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, phù hợp với đặc thù của Binh đoàn; trong đó, chú trọng phát huy vai trò của cả hệ thống, nhất là vai trò của cấp ủy các cấp trong việc đưa nội dung phát triển nguồn nhân lực vào nghị quyết lãnh đạo tháng, quý, năm của từng đơn vị. Thông qua đó, tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch, chiến lược phát triển nguồn nhân lực của từng đơn vị và toàn Binh đoàn trong những năm tiếp theo; gắn kết chặt chẽ chiến lược phát triển nguồn nhân lực với chiến lược SX,KD; đồng thời, khắc phục mọi biểu hiện của tư tưởng thỏa mãn, dừng lại, thiếu cố gắng học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ của từng cá nhân, tổ chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Hai là, thường xuyên coi trọng việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao chất lượng toàn diện nguồn nhân lực. Những năm tới, cùng với tiến trình hội nhập quốc tế, các ngành kinh tế và các dịch vụ liên quan đến hoạt động của Binh đoàn, như: cho thuê máy bay, phi công và dịch vụ kỹ thuật trực thăng sẽ tiếp tục phát triển và cạnh tranh gay gắt. Vì vậy, vấn đề đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên sẽ có ý nghĩa quyết định đến phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ của Binh đoàn. Trên cơ sở rà soát, đánh giá chất lượng số lao động hiện có, các đơn vị cần chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực theo hướng cơ bản, chuyên sâu, chuyên nghiệp phù hợp với từng đối tượng, ngành nghề, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ SX,KD và quân sự, quốc phòng cả trước mắt và lâu dài. Đối với cán bộ quản lý các cấp, cần được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức tổng hợp, nhất là kiến thức về quản lý kinh tế, quản lý cơ sở vật chất kỹ thuật; thường xuyên được bổ túc, cập nhật thông tin mới về chính sách, về thị trường và các cơ chế kinh tế để vận dụng kịp thời, hiệu quả vào thực tiễn theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Đối với phi công, phải được đào tạo cơ bản, chuyên sâu, sử dụng thành thạo nhiều loại máy bay trực thăng hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới và có khả năng làm việc độc lập trong môi trường quốc tế. Trong đó, chú trọng đào tạo phi công trẻ, phi công mới về đơn vị và đội ngũ phi công kế cận; tăng cường huấn luyện buồng tập, huấn luyện chuyển loại và nâng cao trên các loại máy bay hiện đại, như: EC-225, EC-155B1; đồng thời, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, văn hóa ứng xử…, để thích ứng nhanh với môi trường cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Đối với nhân viên KTHK, tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyển loại, nâng cao, đáp ứng yêu cầu của từng trình độ; trong đó, coi trọng đào tạo nâng cao năng lực khai thác kỹ thuật máy bay trực thăng cho đội ngũ kỹ sư hàng không, thợ kỹ thuật, bảo đảm có thể tiếp cận, khai thác, bảo dưỡng có hiệu quả nhiều loại máy bay trực thăng hiện đại.

Binh đoàn tiếp tục vận dụng nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng ở tất cả các cấp; kết hợp giữa đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ với gửi đi đào tạo ở các cơ sở trong và ngoài nước; coi trọng khuyến khích cán bộ, nhân viên tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ thông qua thực tiễn công tác. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư, hoàn thiện và phát triển Trung tâm huấn luyện trực thăng về tổ chức biên chế, cơ sở vật chất kỹ thuật và hệ thống giáo trình, tài liệu để nâng cao chất lượng đào tạo; phấn đấu xây dựng Trung tâm không chỉ là nơi đào tạo phi công cho Binh đoàn, mà còn phục vụ nhu cầu của các đơn vị ở trong nước, xuất khẩu ra khu vực và thế giới.

Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, quy hoạch, bố trí, sử dụng và đổi mới chính sách đãi ngộ nhằm gìn giữ, phát triển nguồn nhân lực cho Binh đoàn. Trên cơ sở mô hình tổ chức biên chế đã xác định, Binh đoàn tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện quy trình, cơ chế tuyển dụng cho từng đối tượng cụ thể, nhất là đối với lao động thuộc ngành, nghề Quân đội chưa đào tạo được, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng theo từng vị trí, chức danh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong quá trình tuyển dụng, phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan, nhất là với Quân chủng Phòng không – Không quân và các trường đại học trong và ngoài Quân đội; thực hiện đúng quy trình và các tiêu chí đã ban hành, bảo đảm công khai, dân chủ; gắn phát triển về số lượng với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trong đó, lấy chất lượng về chính trị, năng lực chuyên môn và trình độ ngoại ngữ làm tiêu chí hàng đầu. Đi đôi với công tác tuyển dụng, Binh đoàn tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ, nhân viên theo mô hình và tổ chức biên chế mới. Trong bố trí, sử dụng phải bảo đảm phương châm đúng người, đúng việc, đúng ngành nghề, thực hiện “vì việc xếp người”; đồng thời, chủ động tạo nguồn bổ sung, kế cận, nhất là đối với cán bộ quản lý, chuyên môn kỹ thuật và phi công theo tinh thần Nghị quyết của Đảng ủy Binh đoàn về phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn mới. Mặt khác, tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của cơ quan quản lý nhân sự các cấp; kết hợp chặt chẽ việc quản lý con người với quản lý công việc; xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí đánh giá cho từng vị trí, chức danh, làm cơ sở đánh giá, bình xét lao động hằng năm của Binh đoàn.

Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, vận dụng các chế độ chính sách của Nhà nước vào hoạt động đặc thù của Binh đoàn, nhằm bảo đảm thu nhập cho người lao động. Hiện nay, mức lương và điều kiện làm việc của cán bộ, nhân viên thuộc Binh đoàn tuy có khá hơn thu nhập bình quân của xã hội, nhưng so với các đơn vị cùng ngành nghề, hoặc lao động có cùng trình độ thì còn thấp; do đó, việc thu hút, gìn giữ lao động có tay nghề cao, các chuyên gia giỏi làm việc tại Binh đoàn gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, Binh đoàn tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chính sách tiền lương, tiền thưởng phù hợp với sự phát triển của thị trường lao động; thực hiện trả lương cho cán bộ, nhân viên theo trình độ tay nghề và hiệu quả công việc; có chế độ, chính sách riêng biệt để ưu đãi các chuyên gia đầu ngành, các tài năng; đồng thời, quan tâm, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, nhân viên, góp phần xây dựng Binh đoàn vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.


 Thiếu tướng HÀ TIẾN DŨNG

Tư lệnh Binh đoàn

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.