QPTD -Chủ Nhật, 27/01/2013, 03:14 (GMT+7)
Binh đoàn 15 với phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”

Gắn bó với nhân dân, tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đứng chân là truyền thống, là việc làm thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 15. Điều đó càng có ý nghĩa và được đẩy mạnh khi Binh đoàn vinh dự được Bộ Quốc phòng chọn là đơn vị điểm của phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”.

 

Binh đoàn 15 thành lập ngày 20-02-1985, có nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh (SX,KD) và tham gia phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH), tăng cường quốc phòng – an ninh (QP-AN) trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Những năm qua, Binh đoàn đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, cải biến những vùng đất hoang hóa, đầy tàn tích chiến tranh, hình thành những cụm dân cư trù phú. Đến nay, địa bàn hoạt động của Binh đoàn được mở rộng trên 220 thôn, làng của 33 xã (phường, thị trấn), thuộc các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình..., phần lớn giáp biên giới, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp, kinh tế chưa phát triển. Thực hiện phương châm: "Phát triển và mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút người lao động địa phương và xây dựng cơ sở hạ tầng, khu dân c­ư đến đó", Binh đoàn đã xây dựng mới 8 cụm làng với hàng trăm điểm dân cư­ dọc tuyến biên giới; khai thác, quản lý hơn 41.000 ha cao su, gần 600 ha cà phê, trên 90 ha lúa nước, 6 nhà máy chế biến mủ cao su, 1 nhà máy chế biến phân bón vi sinh…

Lễ phát động phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”  

 

 Đáng chú ý là, bằng hiệu quả từ SX,KD, Binh đoàn đã xây dựng hàng loạt công trình vừa phục vụ SX,KD, vừa góp phần xây dựng nông thôn mới, nh­ư: các hồ đập, nhà máy thuỷ điện; đầu tư­ làm mới, sửa chữa hơn 1.000 km đường giao thông liên thôn, liên xã; xây dựng hệ thống l­ưới điện cao thế, trạm biến áp đưa điện đến các bản làng; 01 Trường tiểu học nội trú ở Công ty 78; 10 trư­ờng mầm non với 130 điểm trư­ờng, nuôi dạy hơn 5.000 cháu... Binh đoàn còn thường xuyên tham gia chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; sửa chữa và làm mới hàng trăm Nhà tình nghĩa và Nhà chính sách; quan tâm chăm lo bảo vệ môi trường sinh thái và tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp trên địa bàn. Hiện nay, Binh đoàn đang thu hút gần 2 vạn lao động; trong đó, có hơn 4.000 hộ với hơn 6.000 lao động là đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân hoặc nhận khoán v­ườn cây của Binh đoàn, tạo ra những nhân tố tích cực trong xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở bố trí lại dân cư theo quy hoạch sản xuất và mục tiêu của nhiệm vụ QP-AN, hình thành các cụm làng, xã, các đơn vị của Binh đoàn đã thực hiện phương châm: “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng”. Những năm gần đây, mô hình “gắn kết hộ” đã phát huy hiệu quả và được nhân rộng ở nhiều địa phương. Các công ty, đơn vị thuộc Binh đoàn đã tổ chức kết nghĩa với 33 xã, các đội sản xuất kết nghĩa với 220 thôn, làng; 4.276 hộ công nhân người Kinh gắn kết với 4.276 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Hoạt động kết nghĩa đó được triển khai toàn diện, từ việc tham gia xây dựng hệ thống cơ sở chính trị vững mạnh, phát triển cơ sở hạ tầng (hệ thống điện, đường, trường, trạm, hồ đập thủy lợi...), giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế “xóa đói giảm nghèo” đến việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa ph­ương. Đó là cơ sở, nền tảng quan trọng để Binh đoàn tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên các địa bàn đứng chân.

Thực hiện Kế hoạch số 21/KH-CT, ngày 03-01-2012 của Tổng cục Chính trị về phát động toàn quân hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" và Hướng dẫn số 22/HD-CT của Tổng cục Chính trị, Binh đoàn 15 được Bộ quốc phòng chọn chỉ đạo điểm để tổ chức phát động phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Theo đó, Binh đoàn đã khẩn trương tổ chức triển khai Phong trào và đề ra các chỉ tiêu cụ thể; đó là:

1. Tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng KT-XH, như: đường giao thông liên xã, liên thôn, trường học, cơ sở y tế, các công trình văn hóa, hệ thống hồ đập chứa nước, nhà ở dân cư, vừa phục vụ đời sống dân sinh, vừa phục vụ nhiệm vụ sản xuất của đơn vị theo quy hoạch của địa phương và Binh đoàn, phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Theo đó, mỗi công ty, đơn vị phấn đấu giúp 1 đến 2 xã trên địa bàn đóng quân xây dựng nông thôn mới, mỗi xã: 1 đến 2 công trình có giá trị và có hiệu quả thiết thực.

2. Tiếp tục mở rộng địa bàn, ngành nghề SX,KD, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương; chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cao su, cà phê, lúa nước cho đồng bào địa phương. Hướng dẫn nhân dân chuyển đổi vật nuôi, cây trồng để phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Binh đoàn phấn đấu trong vùng dự án không còn hộ nghèo.

3. Tham gia thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, thực hiện các phong trào, công tác chính sách xã hội, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới. Bệnh viện 15 và Trường Trung cấp nghề số 15có kế hoạch tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa bàn công tác, gắn với chức năng giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện có hiệu quả chương trình quân - dân y kết hợp, phấn đấu không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, không có trẻ em thất học, bảo vệ tốt môi trường sinh thái trên địa bàn đóng quân.

4. Tham gia xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể vững mạnh xuất sắc, góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh toàn diện. Tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình “gắn kết”, phấn đấu 100% các đơn vị trực thuộc Binh đoàn và đội sản xuất kết nghĩa với địa phương; 100% hộ công nhân đồng bào dân tộc thiểu số địa phương gắn kết với hộ công nhân người Kinh.

5. Phối hợp, tham gia đấu tranh phòng chống các loại tệ nạn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Binh đoàn phấn đấu trên địa bàn đóng quân không có các tệ nạn xã hội xảy ra, không xảy ra các “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện tốt công tác chính sách, “đền ơn đáp nghĩa”, cùng địa phương xây dựng 100% thôn, làng đạt tiêu chuẩn “Làng văn hóa”.

Lễ khởi công làm đường giao thông nông thôn ở xã Iachía, huyện Ia Grai

 

Theo kế hoạch, phong trào thi đua "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới" trong Binh đoàn được triển khai thực hiện từ năm 2011 đến năm 2020; chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ năm 2011 đến hết năm 2015), Binh đoàn tập trung xây dựng và ban hành kế hoạch, kiện toàn Ban Chỉ đạo, cơ quan thường trực và bộ phận giúp việc; tổ chức phát động, đăng ký chỉ đạo điểm; đánh giá việc chỉ đạo điểm, nhân rộng phong trào. Triển khai sâu rộng phong trào để thực hiện các nội dung kế hoạch; đồng thời, tổ chức sơ kết, bình xét, biểu dương, khen thưởng ở các cấp trong năm 2015. Giai đoạn 2 (từ năm 2016 đến năm 2020), trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện của giai đoạn 1 và sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Tổng Cục Chính trị, Binh đoàn tiếp tục triển khai rộng khắp và tổng kết vào năm 2020. Hiện nay, các công ty, đơn vị của Binh đoàn đều phối hợp với địa phương xây dựng quy chế; xác định rõ địa bàn tham gia xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng địa bàn biên giới và những xã còn nhiều khó khăn, như: trên địa bàn huyện Đức Cơ, Công ty 72 tham gia xây dựng tại các xã Ia Dom, Ia Nan, Ia Pnôn; Công ty 74 tham gia tại các xã Ia Kla, Ia Dơk; Công ty 75 tham gia tại các xã Ia Krêl, Ia Din, Ia Kriêng và Ia Lang...

Để thực hiện tốt kế hoạch, chỉ tiêu trên, trước hết, Binh đoàn tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; nhất là quan điểm về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn vững mạnh. Đồng thời, chăm lo xây dựng tổ chức đảng các cấp có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, là hạt nhân lãnh đạo xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Binh đoàn. Trên cơ sở đó, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, xây dựng động cơ, quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ và người lao động trong việc thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng nói chung và phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” nói riêng. Từng công ty, đơn vị chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương nơi đóng quân xây dựng mô hình điểm và nhân rộng điển hình tiên tiến; thường xuyên làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình trong quá trình thực hiện Phong trào. Kết hợp chặt chẽ việc thực hiện Phong trào với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và các phong trào, cuộc vận động đang triển khai rộng khắp trong Binh đoàn.

Từ đặc điểm địa bàn, Binh đoàn tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Các công ty, đơn vị của Binh đoàn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương (huyện, xã) để khảo sát, thống nhất lựa chọn địa bàn, xây dựng kế hoạch, đề ra nội dung, hình thức tổ chức thực hiện cụ thể, phù hợp; giúp đỡ các thôn, làng phát triển toàn diện; đồng thời, trong từng giai đoạn sẽ lựa chọn một số tiêu chí mang tính đột phá, nhằm giải quyết những vấn đề thiết thực nhất đang đặt ra. Binh đoàn tiếp tục thực hiện tốt phương châm "Phát triển và mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút người lao động địa phương và xây dựng cơ sở hạ tầng, khu dân c­ư đến đó"; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số, người địa phương vào làm cao su, cà phê với Binh đoàn và xây dựng khu dân cư. Xây dựng “làng công nhân” và các thôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đứng chân thực sự là điểm sáng về xây dựng nông thôn mới; trước mắt, phấn đấu đạt các tiêu chí về giao thông, an ninh, y tế, điện, tỷ lệ hộ nghèo, giáo dục, môi trường...

Phát huy truyền thống "Kiên định mục tiêu; vượt mọi gian khó; gắn bó với dân; sáng tạo chuyên cần; đoàn kết quyết thắng", cán bộ, chiến sĩ, người lao động của Binh đoàn tiếp tục thực hiện tốt chức năng của “đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất” bằng những việc làm thiết thực để “chung sức xây dựng nông thôn mới”, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá ĐẶNG ANH DŨNG

Tư lệnh Binh đoàn

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.