QPTD -Thứ Năm, 06/10/2022, 08:42 (GMT+7)
Binh đoàn 15 thực hiện tốt công tác dân tộc trên địa bàn

Đứng chân và thực hiện nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, những năm qua, Binh đoàn 15 luôn nỗ lực vượt mọi khó khăn, gắn bó chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc, thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, tạo sự phát triển toàn diện, đồng bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Binh đoàn thăm đồng lúa trồng trong vườn cao su tái canh

Vượt qua khó khăn, thách thức, đồng hành giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Tây Nguyên là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với những nét văn hóa lâu đời, đậm bản sắc dân tộc. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm vừa qua của dân tộc, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên đã một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, đóng góp sức người, sức của, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bộ mặt Tây Nguyên đã có nhiều khởi sắc, thay da đổi thịt, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, do hậu quả của chiến tranh để lại rất nặng nề, đất đai bị nhiễm bom mìn, chất độc hóa học, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu, đồng bào các dân tộc thiểu số sống du canh du cư, canh tác nông nghiệp thô sơ, lạc hậu, năng suất thấp, y tế, giáo dục chưa phát triển, đời sống vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động dùng mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây bất ổn về an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Trước tình hình đó, Binh đoàn 15 đã có nhiều chủ trương, cách làm đồng bộ, từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng, ổn định dân cư, phát huy thế mạnh về đất đai, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, phát triển sản xuất cây công nghiệp, từng bước đào tạo nghề, tạo việc làm, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống, vốn cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế gia đình.

Những năm đầu thành lập, để giúp đồng bào các dân tộc ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo, Binh đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân định canh, định cư, từ bỏ các hủ tục, từng bước xây dựng cuộc sống mới. Binh đoàn đã tiến hành cải tạo, làm sạch hàng chục nghìn héc ta đất hoang hóa, nhiễm chất độc hóa học và bom mìn, chọn cây cao su, cà phê,… là cây trồng chủ lực, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Tây Nguyên. Hàng chục nghìn lao động là người dân tộc thiểu số được Binh đoàn đào tạo, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, khai thác chế biến cao su, cà phê, bố trí việc làm, thu nhập ổn định và bảo đảm đầy đủ các chế độ chính sách. Đến nay, Binh đoàn quản lý, khai thác hơn 40.000 ha cao su, 200 ha cà phê, 70 ha lúa nước, 06 nhà máy chế biến mủ cao su, 01 nhà máy sản xuất phân vi sinh, 01 nhà máy chế biến gỗ cao su,… tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 17.000 lao động, trong đó có hơn 8.000 lao động là người dân tộc thiểu số, tiền lương bình quân 05 năm qua trên 6,5 triệu đồng/người/tháng. Song song với phát triển sản xuất, Binh đoàn đẩy mạnh xây dựng hàng trăm điểm, khu dân cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, cùng hệ thống hạ tầng cơ sở: điện, đường, trường trạm,... tương đối đồng bộ, tạo điều kiện để nhân dân ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn ngày càng vững chắc.

Để giúp đồng bào thoát nghèo bền vững, Binh đoàn tiếp tục khuyến khích các hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế hộ gia đình. Đẩy mạnh việc chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống, vật tư sản xuất, kỹ thuật canh tác, xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi,... phát triển sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và phát triển tư duy sản xuất hàng hóa, biết tích lũy và đầu tư phát triển sản xuất để tự vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Phát huy nội lực, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội

Đây là nội dung được Binh đoàn hết sức chú trọng, nhất là công tác giáo dục, đào tạo và y tế. Trường Cao đẳng nghề của Binh đoàn có chế độ ưu tiên, hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho hàng nghìn lượt thanh niên các dân tộc thiểu số. Đến nay, Binh đoàn đã xây dựng 08 trường trung học cơ sở, tiểu học, bàn giao cho các địa phương, 10 trường mầm non với 132 điểm trường, nhà trẻ ở các công ty, đoàn kinh tế - quốc phòng, nuôi dạy trên 6.000 cháu là con em đồng bào các dân tộc. Các cháu được chăm sóc, học đúng độ tuổi, phát triển ngôn ngữ, tỷ lệ theo học ở các bậc phổ thông ngày càng cao. Bệnh viện Quân y 15 và hệ thống bệnh xá quân - dân y cơ sở của Binh đoàn đã thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh cho cán bộ, chiến sĩ, người lao động và nhân dân trên địa bàn; hằng năm tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số với kinh phí hàng tỉ đồng. Binh đoàn cũng làm tốt công tác hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch Covid-19, tổ chức tiêm vaccine, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các thôn, làng, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua đại dịch.

Cùng với sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng và bằng nguồn vốn tự có, Binh đoàn đã xây tặng hàng trăm nhà “Đại đoàn kết”, “Nhà tình thương”, “Nhà đồng đội”, “Nhà mái ấm công đoàn” cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống các gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng là người dân tộc thiểu số, các già làng, trưởng thôn, người có uy tín ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới; tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, Tết, động viên đồng bào vượt qua khó khăn, gương mẫu chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tặng quà Têt cho Già làng trên địa bàn

Các mô hình dân vận khéo hướng đến xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng bền chặt.

“Gắn bó với dân” là chủ trương xuyên suốt, trở thành truyền thống trong quá trình xây dựng và phát triển của Binh đoàn. Với phương châm “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty, đoàn kinh tế - quốc phòng gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ gia đình người Kinh gắn với hộ đồng bào dân tộc thiểu số”, các đơn vị trực thuộc Binh đoàn đều tổ chức kết nghĩa với các xã, thôn, làng trên địa bàn đứng chân, nhằm thường xuyên động viên, hỗ trợ, giúp nhau về kiến thức, kỹ thuật sản xuất,... để cùng nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào. Các mô hình sáng tạo, thiết thực hướng đến đồng bào các dân tộc thiểu số, như: “Gắn kết hộ”, “Hũ gạo gắn kết”, “Vườn rau gắn kết”, “Giọt nước sạch”, “Thắp sáng đường quê”, “Bữa sáng đoàn kết”,… được phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa rộng rãi trên toàn địa bàn. Từ năm 2007 đến nay, thực hiện mô hình “Gắn kết hộ”, đã có trên 4.000 cặp hộ người Kinh và người Jrai được tổ chức gắn kết, hiện nay các đơn vị nhân rộng, phát triển gắn kết hộ giữa hộ gia đình công nhân cũ với hộ gia đình công nhân mới, giữa các hộ gia đình dân tộc thiểu số khác với nhau. Đây là một trong những mô hình dân vận rất thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa bàn, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình và giúp nhau cùng ấm no, hạnh phúc. Từ kết quả đạt được, Binh đoàn tiếp tục đẩy mạnh các mô hình dân vận theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và bền vững; bảo đảm 100% hộ đồng bào các dân tộc đều được gắn kết bền vững, góp phần vun đắp, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn.

Chăm lo xây dựng môi trường văn hóa, hệ thống chính trị ở cơ sở, thực hiện tốt các chính sách đối với dân tộc rất ít người.

Tây Nguyên là vùng đất có nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc các dân tộc, với nhiều di sản văn hóa được thế giới vinh danh, nổi bật là không gian văn hóa cồng chiêng, kiến trúc nhà rông, các lễ hội của đồng bào các dân tộc, v.v. Ý thức rõ vấn đề đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn xác định phát triển kinh tế phải gắn liền với xây dựng văn hóa và chỉ đạo cho các cấp phải thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Binh đoàn thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng hỗ trợ nhân dân xây dựng, củng cố, bảo tồn các thiết chế văn hóa, như: nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng; hỗ trợ kinh phí mua sắm cồng chiêng; tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống; phát động và tổ chức giao lưu văn hóa giữa 28 dân tộc anh em để trao đổi, học tập những nét văn hóa đặc sắc của từng dân tộc, tạo sự “giao thoa” văn hóa. Đi đôi với công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nếp sống văn hóa, các hoạt động hội thao, thể dục thể thao, chiếu phim, hội diễn nghệ thuật quần chúng, hội thi thợ giỏi khai thác mủ cao su,… được Binh đoàn đẩy mạnh, vừa góp phần tôn vinh, gìn giữ nét văn hóa độc đáo của từng dân tộc, vừa nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Cùng với các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa, Binh đoàn luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị tích cực chăm lo xây dựng củng cố hệ thống chính trị ở các địa phương, nhất là ở các xã, thôn, làng vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, quản lý, điều hành có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Theo đó, bên cạnh việc chú trọng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, các cơ quan, đơn vị của Binh đoàn tích cực chung tay xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, coi đây là nhân tố hết sức quan trọng, quyết định thắng lợi trong giải quyết vấn đề dân tộc ở địa phương, cơ sở. Hiện nay, nhiều cán bộ đội sản xuất của Binh đoàn được địa phương bố trí làm trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn; công nhân, lực lượng tự vệ của đơn vị cũng là dân quân, công an viên ở các thôn, làng. Đồng thời, với nhiều phương thức, Binh đoàn chủ động tham gia xây dựng và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các già làng, trưởng thôn, những người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số cùng nâng cao trách nhiệm vận động đồng bào nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chú trọng xây dựng củng cố lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh về mọi mặt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với các dân tộc rất ít người, Binh đoàn tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, phát triển dân tộc Rơ Măm (chỉ còn 685 người - số liệu điều tra dân số đến ngày 01/4/2019), giúp nhân dân định canh, định cư, phát triển kinh tế vườn rừng, người Rơ Măm được ưu tiên đào tạo nghề, tuyển dụng vào làm việc tại các công ty, với mức lương ổn định và bảo đảm đầy đủ các chế độ chính sách. Đồng thời, chú trọng công tác y tế phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền đồng bào không kết hôn cận huyết thống, sinh hoạt lành mạnh, nâng cao chế độ dinh dưỡng, bảo đảm trẻ em đến trường đúng độ tuổi, khôi phục các nghề và lễ hội văn hóa truyền thống,… góp phần quan trọng bảo tồn, phát triển dân tộc Rơ Măm trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Công tác dân tộc là vấn đề có tầm chiến lược, lâu dài và là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Vấn đề này càng có vai trò và ý nghĩa quan trọng khi được tiến hành trên địa bàn chiến lược. Điều đó càng đòi hỏi Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về công tác dân tộc, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tập trung bồi dưỡng kiến thức dân tộc, học tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng trong toàn đơn vị. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tiếp tục xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao là người dân tộc thiểu số, gắn đào tạo các ngành nghề sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao với truyền thụ kinh nghiệm nuôi trồng các sản phẩm truyền thống của bà con các dân tộc. Song song với phát triển kinh tế - văn hóa, đẩy mạnh hơn nữa công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo bền vững, góp phần cùng quân và dân cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Đại tá KHUẤT BÁ CAO, Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh Binh đoàn

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.