QPTD -Chủ Nhật, 14/02/2016, 21:32 (GMT+7)
Binh đoàn 15 thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược trong thời kỳ đổi mới

Đối với Binh đoàn 15, việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược được cụ thể hóa vào nhiệm vụ sản xuất, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, gắn với tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng - an ninh trên địa bàn Tây Nguyên.

Hội thi Thợ giỏi thu hoạch mủ cao su toàn Binh đoàn

Binh đoàn 15 thành lập ngày 20-02-1985 theo Quyết định 68/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), có nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng dân cư - xã hội trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Trải qua 31 năm xây dựng và phát triển, cùng với chặng đường đổi mới của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự đùm bọc, che chở của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, người lao động của Binh đoàn đã phát huy phẩm chất của “đội quân công tác”, “đội quân lao động sản xuất”; đoàn kết, năng động, sáng tạo, chủ động khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Tây Nguyên phát triển toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh.

Trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, nhất là những ngày đầu thành lập, Binh đoàn gặp muôn vàn khó khăn, thách thức do thiếu thốn về nguồn nhân lực, giống, vốn, đất đai; cán bộ, chiến sĩ hầu hết chưa được đào tạo về kiến thức nông nghiệp, kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật trồng trọt còn yếu; trong khi đó, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương còn hạn chế, tác phong làm việc còn mang nặng kiểu kinh tế tự cấp tự túc, phong tục tập quán còn nhiều lạc hậu. Song với tinh thần vượt khó, cán bộ, chiến sĩ, công nhân của Binh đoàn đã đồng cam cộng khổ, cùng với đồng bào địa phương từng bước biến những vùng đất còn hoang hóa, nhiều tàn tích sau chiến tranh trở thành vùng kinh tế phát triển trù phú, với bạt ngàn cao su, cà phê, tiêu, điều, lúa nước,… chạy dọc trên 215 km vùng biên giới. Hiện nay, Binh đoàn quản lý trên 41.000 ha cao su, 400 ha cà phê, 90 ha lúa nước, trên địa bàn của 4 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Quảng Bình, chủ yếu thuộc vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới. Điều đặc biệt là quy hoạch phát triển của Binh đoàn luôn gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của vùng và của các địa phương.

Nhận thức rõ đặc điểm nhiệm vụ của đơn vị kinh tế - quốc phòng, Binh đoàn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng về kết hợp phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh, từ đó chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện. Trong thực hiện nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, Binh đoàn gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với các mặt hoạt động ở địa phương, nhất là xây dựng cơ sở chính trị và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện chủ trương “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ công nhân người Kinh gắn với hộ đồng bào dân tộc thiểu số”, các công ty, đơn vị của Binh đoàn đã tổ chức kết nghĩa với 33 xã; các đội sản xuất kết nghĩa với 271 thôn, làng; 4.617 hộ công nhân người Kinh gắn kết với 4.617 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Với phương châm “Phát triển và mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó”, Binh đoàn thực hiện chính sách ưu tiên tuyển lao động tại chỗ, đặc biệt lao động là người dân tộc địa phương, kết hợp chặt chẽ giữa thu hút lao động và chăm lo về mọi mặt, từng bước cải thiện đời sống người lao động, tạo sự yên tâm, gắn bó xây dựng Binh đoàn. Do vậy, từ chỗ chỉ có gần 500 lao động với 3 cụm và 21 điểm dân cư cùng 1.718 hộ vào thời điểm năm 1990, đến nay, Binh đoàn đã có gần 2 vạn lao động và hàng vạn nhân khẩu, được bố trí trên 10 cụm với hàng trăm điểm dân cư dọc biên giới. Các thôn, làng mới ra đời không chỉ tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thay đổi cuộc sống, mà còn tạo thành các khu vực vành đai biên giới trong thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc.

Đặc biệt, Binh đoàn đã thu hút được 6.699 lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân hoặc nhận khoán vườn cây của Binh đoàn, tạo ra những nhân tố mới trong xây dựng thôn, làng văn hóa, góp phần đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu, tích cực vận động đồng bào tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Binh đoàn đã có nhiều cách làm sáng tạo, góp phần quan trọng trong việc tạo ra một vùng kinh tế - xã hội ổn định và phát triển; trong đó, mô hình “Gắn kết hộ” là một sáng tạo thực tiễn và là bước phát triển mới của hình thức “Dân vận khéo” theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Các hoạt động kết nghĩa, gắn kết được triển khai toàn diện, từ việc tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển cơ sở hạ tầng, đến giúp đỡ từng hộ dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ hủ tục, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của từng dân tộc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Đến nay, mô hình “Gắn kết hộ” của Binh đoàn đã phát huy hiệu quả; các cặp hộ người Kinh gắn kết đã hỗ trợ cách thức làm ăn cho hộ người dân tộc thiểu số; nhiều mô hình sản xuất giỏi đã ra đời, mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều hộ gia đình. Cũng chính vì có cuộc sống ổn định, nên mặc dù trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số vẫn yên tâm gắn bó, xây dựng Binh đoàn.

Không chỉ tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Binh đoàn còn đầu tư hàng trăm tỷ đồng để tạo ra bộ mặt nông thôn mới cho các vùng đồng bào dân tộc; đầu tư hơn 1.450 km giao thông liên thôn, xã; 390 km đường dây trung, hạ thế, hàng chục hồ, đập thủy lợi, hàng trăm giếng khoan; xây mới 01 trường tiểu học nội trú, 10 trường mầm non, 132 nhà trẻ mẫu giáo, 11 bệnh xá quân - dân y kết hợp,… tạo ra những điểm sáng về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, tạo niềm tin yêu, gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương, góp phần xây dựng cơ sở chính trị và “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

Trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, Binh đoàn thường xuyên quán triệt, nắm vững phương hướng, mục tiêu, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; từ đó, thực hiện tốt việc tổ chức lực lượng, xây dựng khu vực phòng thủ và các quy định về sẵn sàng chiến đấu. Trong đó chú trọng việc rà soát, luyện tập kế hoạch tác chiến, các phương án chiến đấu tại chỗ và phương án bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn. Để nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng tự vệ và dự bị động viên, Binh đoàn tổ chức sắp xếp, biên chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị; chú trọng tăng cường công tác huấn luyện quân sự hằng năm cho các đối tượng. Đến nay, tỷ lệ đăng ký, quản lý quân nhân dự bị đạt trên 95%; kết quả huấn luyện hằng năm có 100% đạt yêu cầu, trong đó trên 75% khá, giỏi.

Cùng với đó, Binh đoàn luôn chủ động phối hợp với lực lượng Quân sự, Công an, Bộ đội Biên phòng trên địa bàn xây dựng các phương án sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ sản xuất, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân trong vùng dự án; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị bạn giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ sự bình yên của nhân dân. Trước những diễn biến phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn và những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng, Binh đoàn đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện xác định chủ trương, phương hướng phối hợp giải quyết. Nhờ vậy, đã góp phần tích cực vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương trên địa bàn biên giới. Sự phối hợp chặt chẽ, tham gia tích cực với trách nhiệm chính trị cao giữa Binh đoàn và các lực lượng chức năng trong tiến hành xây dựng cơ sở chính trị - xã hội đã trở thành nhân tố hết sức cần thiết cho sự ổn định và phát triển của địa bàn, nhất là trong những năm gần đây. Điểm đặc biệt là trong các đợt gây rối ở địa bàn Tây Nguyên (năm 2001 và 2004), trong khu vực do Binh đoàn quản lý, không có hộ gia đình công nhân người dân tộc thiểu số tham gia biểu tình, gây rối. Đây là kết quả của quá trình vừa xây dựng, vừa vận động, giáo dục thuyết phục; điều quan trọng là sự có mặt của Binh đoàn đã tạo nên sự thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình đồng bào địa phương, từ nếp nghĩ, cách làm đến thói quen sinh hoạt, làm việc, giúp họ yên tâm gắn bó xây dựng địa phương, xây dựng Binh đoàn. Đội ngũ cán bộ, công nhân của Binh đoàn tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; đồng thời vạch rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, làm cho nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đoàn kết, cảnh giác, không mắc mưu trước những luận điệu lừa bịp, lôi kéo của địch.

Có thể khẳng định, Binh đoàn 15 là một trong những mô hình khá thành công trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, vừa tham gia phát triển kinh tế - xã hội, vừa gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Những đóng góp to lớn của Binh đoàn khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước và Quân đội khi triển khai thực hiện mô hình kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh là đúng đắn, hiệu quả và hết sức cần thiết. Đây là cơ sở thực tiễn rất quan trọng để Đảng, Nhà nước nghiên cứu, tổng kết và tiếp tục triển khai phát triển các khu kinh tế - quốc phòng ở địa bàn chiến lược biên giới vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc - một trong những vấn đề quan trọng để Đảng ta tổng kết 30 năm đổi mới.

Hiện nay, mặc dù phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức do giá sản phẩm cao su giảm mạnh, nhưng Binh đoàn vẫn quyết tâm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định trên cơ sở hạ tầng sẵn có. Theo đó, Binh đoàn quyết tâm thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, hiệu quả; đồng thời, triển khai tốt công tác quản lý tài chính, thực hành tiết kiệm tối đa; huy động các nguồn lực để ưu tiên đầu tư sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc  thiểu số ở địa phương. Trong đó, tập trung tạo bước đột phá nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh; chủ động hợp tác, mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài, tìm lời giải tốt nhất cho bài toán tiêu thụ sản phẩm cao su. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phát triển một số loại cây trồng, vật nuôi thay thế, trên cơ sở tận dụng và phát huy thế mạnh về đất đai, nguồn nhân lực. Đối với các vườn cây đang trong thời kỳ sinh trưởng, Binh đoàn chủ trương khuyến khích tổ chức trồng xen canh các giống cây ngắn ngày, bảo đảm vừa tăng thu nhập, vừa là biện pháp “lấy ngắn nuôi dài”. Để tiếp tục duy trì sự ổn định và phát triển, Binh đoàn rất cần sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách đặc thù của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, nhất là việc ưu tiên hỗ trợ, bảo đảm nguồn vốn (trung hạn và dài hạn) để giữ diện tích vườn cây cao su; đồng thời, có chính sách đồng bộ, toàn diện, lâu dài trong thời gian tới, để Binh đoàn hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của đơn vị kinh tế - quốc phòng trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

Thiếu tướng ĐẶNG ANH DŨNG, Tư lệnh Binh đoàn

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.