QPTD -Thứ Sáu, 31/03/2023, 09:58 (GMT+7)
Binh đoàn 15 tăng cường “thế trận lòng dân” trên địa bàn chiến lược

Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, được vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, không ngừng tăng cường “thế trận lòng dân” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn các tỉnh Bắc Tây Nguyên vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm nặng nề được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tin tưởng, giao cho Binh đoàn 15. Đồng thời, đây cũng là vấn đề then chốt nhằm làm thất bại âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, phản động hòng chia rẽ mối đoàn kết máu thịt, gây xói mòn niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Từ nhận thức đó, những năm qua, đứng chân và làm nhiệm vụ trên địa bàn chiến lược, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp vừa nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, vừa góp phần tăng cường đoàn kết máu thịt với nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên địa bàn. 

Trước hết, Binh đoàn phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, lực lượng chức năng giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ bình yên cuộc sống của nhân dân. Đây là giải pháp quan trọng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo sự ổn định vững chắc trên địa bàn để các địa phương, nhân dân yên tâm sinh sống, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự; gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn tập trung thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Binh đoàn với Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình trong bảo đảm an ninh trật tự, an ninh biên giới và thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng theo Nghị định số 03 của Chính phủ1. Thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng nắm chắc âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, dự báo chính xác tình hình; nhất là, tình hình an ninh khu vực biên giới, từ đó kịp thời đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng các biện pháp xử lý, không để phát sinh, tạo “điểm nóng” về an ninh trật tự, giữ ổn định địa bàn, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

Để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc và tạo được thế trận cụm làng, xã chiến đấu, Binh đoàn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, bố trí các cụm, điểm dân cư xen kẽ với các thôn, làng, phù hợp với các khu sản xuất tập trung của các công ty, đơn vị, đội sản xuất cũng như các phương án chiến đấu phòng thủ2. Đồng thời, phối hợp cùng với nhân dân khu vực biên giới tích cực tuần tra, kiểm soát địa bàn, giữ vững an ninh chính trị; phát huy vai trò của các già làng, trưởng thôn, những người có uy tín trong cộng đồng tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và xử lý các tình huống phức tạp về quốc phòng, an ninh.

Những năm gần đây, Binh đoàn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới, khu vực, nhất là tác động bởi dịch bệnh Covid-19, việc sản xuất, tiêu thụ mặt hàng chủ lực gặp khó khăn. Song, để vượt qua mọi khó khăn, giữ vững hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, nâng cao đời sống của người lao động và nhân dân, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn bám sát phương châm “đặt lợi ích của người lao động và nhân dân trên địa bàn làm trung tâm, bảo đảm việc làm, thu nhập và ổn định đời sống là ưu tiên hàng đầu”, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ, người lao động để phục vụ sản xuất, kinh doanh; thích ứng linh hoạt, không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng và các hoạt động kinh doanh. Thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn đóng quân thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; hỗ trợ công nhân, người lao động, đồng bào các dân tộc về cơ sở vật chất, thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm,… trong những thời điểm khó khăn, giáp hạt, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Cùng với đó, Binh đoàn chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện tốt ba đột phá về tái cơ cấu theo hướng “tinh, gọn, hiệu quả”; trọng tâm là cơ cấu lại sản xuất, phát triển kinh doanh theo chiều sâu; tiết giảm chi phí đầu tư, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Binh đoàn chủ động liên hệ và phối hợp với các đơn vị tư vấn, liên doanh, liên kết đầu tư xây dựng các dự án: năng lượng tái tạo, chế biến gỗ cao su, nông nghiệp công nghệ cao, qua đó nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm phù hợp thực tiễn, góp phần cải thiện đời sống của người lao động và nhân dân các dân tộc trên địa bàn;  nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, thị trường trong nước và nước ngoài. Binh đoàn chỉ đạo Trường Cao đẳng nghề số 21 nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho các đối tượng; trong đó, tập trung vào đối tượng chính sách, bộ đội xuất ngũ, đồng bào dân tộc thiểu số, tham gia xây dựng nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao trên địa bàn; thành lập mới phân xưởng chế biến gỗ cao su, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, giữ vững thị trường truyền thống và tìm kiếm thị trường mới để duy trì sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ổn định; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm quy trình kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến mủ cao su và thu hoạch cà phê. Đầu tư trồng thử nghiệm một số loại cây trồng, vật nuôi trên diện tích cao su phát triển kém, đất rừng khộp để đánh giá khả năng thích nghi, từ đó bố trí cây trồng phù hợp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tổ chức vận hành trại chăn nuôi bò theo mô hình công nghiệp; đồng thời, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lao động, khuyến khích tăng gia, trồng xen cây ngắn ngày góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập của người lao động. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng năm 2022, Binh đoàn vẫn tạo việc làm cho hàng nghìn người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn3; tổng sản lượng mủ cao su đạt trên 54.500 tấn, (đạt 111% kế hoạch); năng suất mủ quy khô đạt 1,83 tấn/ha; lợi nhuận đạt 47 tỉ đồng; thu nhập bình quân của người lao động trên 7,5 triệu đồng/người/tháng, qua đó giúp người lao động và nhân dân các dân tộc cải thiện đời sống, luôn yên tâm, gắn bó, xây dựng đơn vị, buôn, làng và củng cố vững chắc niềm tin với Binh đoàn.

Với chủ trương nhất quán, xuyên suốt là “phát triển, mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó”, Binh đoàn phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương giúp đỡ đồng bào các dân tộc xóa đói giảm nghèo, trong đó chú trọng thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, từ đó tích cực tham gia phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Để thực hiện có hiệu quả chủ trương này, Binh đoàn tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc mượn đất trên diện tích cao su kiến thiết cơ bản để xen canh, gối vụ, tăng gia, sản xuất; thường xuyên cử cán bộ, công nhân có kinh nghiệm, tay nghề cao đến từng hộ gia đình, buôn, làng hướng dẫn nhân dân kỹ thuật canh tác. Phát huy và nhân rộng mô hình “gắn kết hộ” - giữa hộ công nhân người Kinh gắn với hộ đồng bào dân tộc thiểu số để giúp nhau xóa bỏ phương thức canh tác cũ, lạc hậu, phát triển kinh tế hộ gia đình. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác an sinh xã hội; trong đó, chú trọng thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình “Vì sức khỏe cộng đồng”4.

Bên cạnh đó, Binh đoàn còn chủ động tổ chức quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ nhân dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, cứu trợ đồng bào trong giai đoạn giáp hạt, thắp sáng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, “tình đồng chí, nghĩa đồng bào”5. Phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc; xây dựng các thiết chế văn hóa trên tinh thần lấy người dân làm trung tâm; đồng thời, xây dựng, củng cố, bảo tồn Nhà rông, Nhà sinh hoạt cộng đồng; hỗ trợ kinh phí mua sắm các loại cồng chiêng; phục dựng các lễ hội truyền thống đang bị mai một; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các buôn, làng từ đó trao đổi, học tập những nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc và tạo sự “giao thoa” giữa các nền văn hóa.

Tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới cũng là một trong những nội dung được Binh đoàn hết sức coi trọng nhằm không ngừng tăng cường “thế trận lòng dân” vững chắc trên địa bàn. Theo đó, Binh đoàn đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình phúc lợi của các công ty, cơ quan, đơn vị bảo đảm đồng bộ và mang tính lưỡng dụng, vừa phục vục có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa góp phần thay đổi diện mạo các thôn, làng. Phối hợp đưa hàng trăm cán bộ, công nhân viên, người lao động tham gia hệ thống chính trị huyện, xã, thôn ở các địa phương (đại biểu hội đồng nhân dân, các tổ chức chính chị xã hội, đoàn thể cấp huyện, xã). Chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, tập trung vào hệ thống đường giao thông nông thôn, cơ sở y tế khám chữa bệnh, đầu tư mua sắm vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường, xây dựng và cải tạo các công trình thủy lợi, hệ thống đường điện, nước sạch trên địa bàn, tạo diện mạo mới cho các vùng đồng bào dân tộc6, góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào “Quân đội chung tay xây dựng nông thôn mới”, v.v.

Với những cách làm trên, Binh đoàn góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là an ninh ở những địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới; thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển, nâng cao đời sống người lao động, nhân dân trong vùng. Qua đó, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Binh đoàn và cấp ủy, chính quyền địa phương, vững chắc “thế trận lòng dân” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

Từ những kết quả đã đạt được, Binh đoàn rút ra một số kinh nghiệm quý, cần tiếp tục được vận dụng trong thời gian tới: Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ các cấp. Hai là, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Ba là, cùng với các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là nhân dân vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Bốn là, thường xuyên giáo dục quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân viên, chiến sĩ, người lao động nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện có hiệu quả công tác dân vận. Năm là, tham gia có hiệu quả chính sách an sinh xã hội và các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thiếu tướng HOÀNG VĂN SỸ, Tư lệnh Binh đoàn
_______________

1 - Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 05/9/2019 của Chính phủ về “Phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.

2 - Hình thành 266 cụm, điểm dân cư trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào thuộc 41 xã của 9 huyện các tỉnh Gia Lai, Kon Tom, Quảng Bình.

3 - Thu hút được hơn 8.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số vào lao động cho Binh đoàn.

4 - Trong năm 2022, Binh đoàn tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc cho 97.530 lượt người lao động và nhân dân trên địa bàn; tiêm chủng mở rộng cho 1.400 người; hỗ trợ nuôi dạy trên 2.500 con, em đồng bào dân tộc thiểu số, v.v.

5 - Năm 2022, Binh đoàn đã hỗ trợ hơn 10 tỉ đồng cho công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, v.v.

6 - Đầu tư xây dựng hệ thống đường điện, đường giao thông, cầu, cống và xây mới, sửa chữa 23 căn nhà với trị giá hơn 32 tỉ đồng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.