QPTD -Thứ Ba, 20/01/2015, 09:51 (GMT+7)
Binh đoàn 15 kiên định mục tiêu, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng

Trước sự biến động của thị trường quốc tế, những năm gần đây giá mủ cao su đã xuống rất thấp, thị trường tiêu thụ kém, hàng tồn đọng nhiều đã làm cho các doanh nghiệp cao su trong nước nói chung và Binh đoàn 15 nói riêng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Trong bối cảnh đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 đã và đang phát huy truyền thống “Kiên định mục tiêu, vượt mọi gian khó, gắn bó với dân, sáng tạo chuyên cần, đoàn kết quyết thắng”, nhằm giữ vững ổn định sản xuất, hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng.

Thu hoạch cà phê

 1. Khó khăn, thách thức

Trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, Binh đoàn 15 xác định cây cao su là cây chủ lực, ngành sản xuất, chế biến cao su là ngành nghề kinh doanh cốt lõi. Kiên trì với định hướng đúng đắn đó đã giúp Binh đoàn đứng vững, phát triển sản xuất, kinh doanh (SX,KD) và thực hiện tốt chức năng của “đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất” trong suốt 30 năm qua. Cao su là cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, thời điểm những năm 2010 - 2011, cao su sơ chế được bán với giá hơn 100 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, do khủng hoảng kinh tế thế giới, nhu cầu nhập khẩu của các nước chững lại, trong khi nguồn cung tăng nhanh làm lượng tồn kho cao, giá cao su đã sụt giảm liên tục. Theo Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, sáu tháng đầu năm 2014, xuất khẩu cao su cả nước giảm 11,7% về số lượng và 33% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013; có thời điểm, giá xuất khẩu giảm xuống dưới giá thành 10 triệu đồng/tấn. Với giá bán quá thấp như vậy, người trồng cao su đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những hộ nông dân trồng với quy mô nhỏ; thậm chí ở một số nơi đã xuất hiện tình trạng người dân chặt cao su để chuyển sang trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn1. Mặc dù vậy, tính tổng thể diện tích cao su cả nước hiện nay vẫn vượt diện tích quy hoạch. Theo dự báo, trong hai năm tới mặt hàng mủ cao su sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng cung vượt cầu.

Đối với Binh đoàn 15, đến nay đã trồng, chăm sóc và khai thác 42.330 ha cao su (trong đó, cao su kinh doanh là 22.939 ha); 369 ha cà phê và 80 ha lúa nước. Binh đoàn dự kiến, đến cuối năm 2015, sẽ tạo ra từ 2.000 đến 3.000 việc làm mới, nâng tổng số lao động của Binh đoàn lên khoảng 20.000 người. Vì thế, làm thế nào để vừa duy trì, phát triển, nâng cao hiệu quả SX,KD, vừa tạo công ăn việc làm, bảo đảm đời sống cho người lao động là vấn đề mà Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn luôn trăn trở trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

2. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất

Trong bối cảnh đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, kịp thời có những chủ trương, giải pháp phù hợp. Trước hết là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, người lao động về tình hình, nhiệm vụ của Binh đoàn, những vấn đề đang đặt ra; qua đó, phát huy nội lực, khơi dậy mọi tiềm năng, thế mạnh, động viên cán bộ, người lao động của Binh đoàn phát huy truyền thống, ý chí tự lực tự cường, chủ động sáng tạo. Vì vậy, trước khó khăn, cán bộ, người lao động của Binh đoàn luôn thể hiện bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, đoàn kết, đồng thuận, chia sẻ khó khăn, thực hành tiết kiệm, cùng Binh đoàn quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức.

Vừa qua, Cơ quan Binh đoàn và các công ty đã tổ chức rà soát lại định mức kinh tế - kỹ thuật ở mọi khâu, mọi nhiệm vụ, làm cơ sở tiết giảm các chi phí không cần thiết. Nổi bật là tổ chức sản xuất hợp lý, giảm hội họp, cắt giảm chi phí sản xuất, khắc phục bệnh phô trương hình thức, các hoạt động tiết kiệm điện, hạn chế sử dụng thuốc kích thích đối với cây cao su, v.v. Đồng thời, Binh đoàn và các công ty đã giảm biên chế của bộ phận làm việc gián tiếp để tăng cường cho các đội sản xuất; điều chỉnh thu nhập của cán bộ, nhân viên khối cơ quan. Tuy nhiên, đối với người lao động trực tiếp ở các đội sản xuất, Binh đoàn thực hiện giữ nguyên tiền lương như những năm trước, nhằm giữ gìn, bồi dưỡng nguồn lực lao động. Đây là sự cố gắng lớn của Binh đoàn, có ý nghĩa thiết thực trong việc giữ vững ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh (QP-AN) trên địa bàn đứng chân.

Cùng với đó, Binh đoàn đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng: tinh, gọn và hiệu quả, nhằm tiến tới thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ SX,KD và bảo đảm QP-AN một cách bền vững. Binh đoàn xác định và kiên định với chiến lược lấy ngành sản xuất, chế biến cao su làm ngành nghề kinh doanh cốt lõi; các ngành khác là phụ trợ, kiên quyết không đầu tư ra ngoài ngành; mạnh dạn cắt bỏ những hoạt động đầu tư không hiệu quả; đồng thời, đa dạng hóa cây trồng; lấy ngắn nuôi dài, cơ cấu lại vốn, tài sản, nâng cao hiệu quả SX,KD và sức cạnh tranh, kết hợp với tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường QP-AN ở vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác tổ chức, quản lý của Binh đoàn được điều chỉnh theo hướng: giữ nguyên cơ cấu bộ máy quản lý, điều hành, nhưng tiến hành rà soát, bổ sung, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của từng công ty, phòng, ban và trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ quản lý các cấp. Đồng thời, phối hợp với một số nhà trường, như: Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II, Đại học Tây Nguyên, Đại học Công đoàn,… mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản trị doanh nghiệp cho cán bộ các cấp. Tăng cường thực hiện phân quyền, giao quyền tự chủ cho cấp dưới trong bộ máy quản lý, nhằm thể hiện rõ quyền và trách nhiệm của từng vị trí trong hệ thống tổ chức. Đối với các công ty trực thuộc, Binh đoàn chủ trương rà soát toàn diện các mặt, trên cơ sở đó chuyển đổi và thành lập thêm một số chi nhánh mới phù hợp với yêu cầu sản xuất. Theo đó, sẽ có 16 chi nhánh được phân chia diện tích cây cao su theo địa giới hành chính, phù hợp với quy mô phát triển của từng công ty. Đồng thời, Binh đoàn kiên trì phát triển cây cao su trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Cùng với tái cơ cấu doanh nghiệp, Binh đoàn chủ trương đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện chiến lược phát triển thị trường là: xuất khẩu cao su trực tiếp và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Theo đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ bộ phận kinh doanh, tập trung vào việc bám sát thị trường, vừa coi trọng duy trì bạn hàng truyền thống, cùng nhau chia sẻ khó khăn, vừa chú trọng mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Với những giải pháp đó nên mặc dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng SX,KD của Binh đoàn vẫn ổn định. Trong giai đoạn 2009 - 2014, giá trị sản xuất của Binh đoàn đạt trên 13.500 tỷ đồng, nguồn doanh thu đạt gần 11.200 tỷ đồng; trong 3 năm 2010 - 2012, Binh đoàn đã trích lợi nhuận tăng vốn nhà nước gấp 3 lần (từ 850 tỷ đồng lên 2.487 tỷ đồng); đặc biệt, đã ổn định việc làm cho trên 17.600 lao động với mức lương bình quân đạt hơn 6 triệu đồng/người/ tháng. Ngoài ra, Binh Đoàn còn thành công trong việc triển khai hàng loạt các dự án đầu tư ở nước ngoài, với việc đầu tư trồng mới hàng ngàn héc ta cao su đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động của hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống với Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước. Đến nay, uy tín, vị thế của Binh đoàn đã được khẳng định và đánh giá cao; hoạt động SX,KD của Binh đoàn ổn định, nguồn vốn được bảo toàn và phát triển; hoạt động tài chính lành mạnh. Binh đoàn luôn hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách; đời sống của người lao động được bảo đảm.

3. Đẩy mạnh kết hợp phát triển SX,KD với bảo đảm QP-AN trên địa bàn

Là đơn vị kinh tế - quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với QP-AN trong tình hình mới; qua đó, xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ của việc kết hợp trong từng đơn vị. Vì thế, sự kết hợp giữa phát triển SX,KD với bảo đảm QP-AN của Binh đoàn luôn được tiến hành đúng định hướng, chặt chẽ, chủ động, sáng tạo, kể cả trong điều kiện SX,KD có khó khăn.

Xây dựng cầu phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế

Những năm qua, Binh đoàn đã tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, thực hiện tốt công tác chính sách xã hội; đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phòng, chống và bài trừ các tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Hệ thống cơ sở hạ tầng: điện - đường - trường - trạm phục vụ sản xuất và dân sinh trong vùng dự án được đầu tư đồng bộ; Binh đoàn đã làm mới và sửa chữa gần 1.500 km đường giao thông liên thôn, liên xã, gần 400 km đường điện trung, hạ thế; xây dựng gần 100 cây cầu bê tông, hồ đập thủy lợi, hàng chục hệ thống nước sạch, trường học và hàng trăm nhà trẻ, v.v. Đến nay, Binh đoàn đã phối hợp với địa phương ổn định 8 khu dân cư: Yên Thế, Đức Cơ, Ia Grai, Chư Prông (Gia Lai); Ngọc Hồi, Sa Thầy, Nam Mo Rai (Kon Tum); phía Tây Lệ Thủy (Quảng Bình). Các cụm dân cư được tổ chức gắn với những khu sản xuất tập trung của các công ty, đội sản xuất đan xen với các thôn, làng của địa phương, tạo thành thế trận kinh tế - QP-AN vững chắc. Được Bộ Quốc phòng chọn làm đơn vị điểm thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, Binh đoàn tích cực gắn kết giữa phát triển SX,KD với thực hiện công tác dân vận, công tác chính sách xã hội, hậu phương quân đội và tham gia có hiệu quả vào công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, v.v. Sự đóng góp tích cực của Binh đoàn trong xây dựng cơ sở hạ tầng KT-XH, điều chỉnh, phân bố lại dân cư vùng biên giới có ý nghĩa thiết thực trong việc xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Đặc biệt, Binh đoàn đã phát triển sáng tạo, sinh động các hình thức dân vận “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng”; “Hộ công nhân người Kinh gắn kết với hộ đồng bào dân tộc thiểu số” và mô hình “Gắn kết hộ”. Đến nay, đã có 169 đội sản xuất của Binh đoàn kết nghĩa với 220 thôn, làng trên dọc 220 km biên giới từ Ngọc Hồi (Kon Tum) đến Nam Chư Prông (Gia Lai). Trong đó, mô hình “Gắn kết hộ” là một bước phát triển mới, sáng tạo, một hình thức điển hình về “Dân vận khéo” theo tư tưởng của Hồ Chí Minh. Hiện nay, mô hình này tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, đã có 4.283 hộ gia đình công nhân người Kinh gắn kết với 4.283 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và có tính nhân văn sâu sắc.

Cùng với SX,KD, Binh đoàn chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Hăng năm, Binh đoàn phối hợp với Học viện Lục quân tổ chức huấn luyện chiến dịch cho cán bộ chủ trì theo chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng của Bộ Tổng Tham mưu. Năm 2012, tổ chức diễn tập tác chiến bảo vệ biên giới, bảo vệ cơ sở sản xuất có một phần thực binh đạt kết quả tốt. Binh đoàn còn thực hiện tốt quy chế phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 5, cơ quan quân sự các tỉnh, huyện trên địa bàn đứng chân về công tác quân sự, quốc phòng; tập trung vào việc thống nhất hiệp đồng xử trí các tình huống khẩn cấp; về tổ chức xây dựng và huấn luyện lực lượng dự bị động viên và lực lượng tự vệ. Các công ty, đơn vị trực thuộc đều xây dựng quy chế phối hợp với cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng theo tinh thần Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ; tập trung vào việc thực hiện tốt chế độ giao ban, trao đổi thông tin, nắm tình hình, đề xuất biện pháp xử lý các tình huống nảy sinh về QP-AN, giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan theo đúng thẩm quyền..., góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế ở địa bàn đứng chân.

Phát huy truyền thống, cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 15 quyết tâm phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, gian khó, gắn bó với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng, xứng đáng với danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Nhà nước đã trao tặng.

Thiếu tướng ĐẶNG ANH DŨNG, Tư lệnh Binh đoàn
___________________

1 - Trong cả nước đã có gần 4.000 ha cao su bị chặt bỏ do nhiều nguyên nhân.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.