QPTD -Thứ Năm, 02/02/2023, 20:35 (GMT+7)
Binh chủng Tăng thiết giáp tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu

Trải qua hơn sáu thập niên xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Bộ đội Tăng thiết giáp đã lập nhiều chiến công vang dội, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những chiến công đó, chiến thắng trận đầu “Tà Mây - Làng Vây” đã đi vào lịch sử như một mốc son của Binh chủng và Quân đội. Phát huy truyền thống vẻ vang, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng đã và đang thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Sau gần 10 năm thành lập, cuối năm 1967, Binh chủng Tăng thiết giáp được giao nhiệm vụ phối hợp với Sư đoàn 304, Sư đoàn 325 và một số binh chủng tham gia Chiến dịch Đường số 9 - Khe Sanh (1968), trực tiếp tiến công cứ điểm Tà Mây trong cụm cứ điểm Huội San và cứ điểm Làng Vây thuộc cụm cứ điểm Tà Cơn. Đây là trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng đầu tiên của Bộ đội Tăng thiết giáp, tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc và đã giành thắng lợi oanh liệt, khiến kẻ địch phải bàng hoàng, khiếp sợ. Chiến thắng đó đã thêm phần khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, không thể thiếu của lực lượng Tăng thiết giáp trong tác chiến, nhất là tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn - đòn quyết định kết thúc chiến tranh. Đồng thời, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng Tăng thiết giáp; là cơ sở thực tiễn khoa học để vận dụng nghệ thuật tăng thiết giáp trong các chiến dịch, trận đánh tiếp theo, mở ra hướng phát triển mới về tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng có tăng thiết giáp tham gia, mở đầu trang sử truyền thống hào hùng “Đã ra quân là đánh thắng” của Bộ đội Tăng thiết giáp.

Xe tăng mang số hiệu 555 thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn Tăng 198 lập công xuất sắc trong trận đầu (Tà Mây - Làng Vây) năm 1968

Kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang “Ra quân đánh thắng trận đầu” của Bộ đội Tăng thiết giáp và để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng đã và đang thực hiện đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, giải pháp điều chỉnh lực lượng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”; đột phá đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo; nghiên cứu phát triển nghệ thuật tác chiến tăng thiết giáp; tăng cường quản lý kỷ luật, rèn luyện chính quy, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; bảo đảm hậu cần, kỹ thuật,… nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; trong đó, tập trung vào những nội dung, giải pháp chủ yếu sau.

Trước hết, coi trọng xây dựng Binh chủng vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhà trường tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên và của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng về công tác xây dựng Đảng; chú trọng kết hợp triển khai có hiệu quả chương trình hành động (kế hoạch) thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp (trong năm 2023) với nâng cao chất lượng thực hiện các nền nếp, chế độ, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; gắn kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng với kiện toàn, phát huy vai trò tổ chức chỉ huy, đội ngũ cán bộ chủ trì, tổ chức quần chúng, Hội đồng quân nhân theo kế hoạch, lộ trình sáp nhập, tiếp nhận các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong và ngoài Binh chủng. Trước tình hình và yêu cầu mới, Binh chủng tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, xây dựng cho bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tư tưởng, tinh thần thép, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Quân đội; nắm chắc và vận dụng sáng tạo quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; tin tưởng vào vũ khí, trang bị xe tăng, nghệ thuật tác chiến tăng thiết giáp; vượt qua khó khăn, thử thách, điều kiện môi trường hoạt động khốc liệt, phát huy truyền thống, vươn lên hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, làm tốt công tác thi đua khen thưởng, chính sách, dân vận, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường các biện pháp kết hợp xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng cơ quan, đơn vị, nhà trường vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Bộ đội Tăng thiết giáp.

Hai là, điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại. Đây là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đòi hỏi Binh chủng phải quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc, triệt để theo đúng kế hoạch, lộ trình đã đề ra. Các cơ quan, đơn vị, nhà trường đẩy mạnh các biện pháp hiện thực hóa Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương, Kế hoạch số 1228/KH-BQP, ngày 25/4/2022 của Bộ Quốc phòng về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo; nghị quyết chuyên đề “lãnh đạo thực hiện tổ chức Binh chủng Tăng thiết giáp giai đoạn 2021 – 2030,…”. Kết hợp điều chỉnh lực lượng trong biên chế với tiếp nhận các đơn vị tăng thiết giáp của các quân đoàn được Bộ Quốc phòng điều động về. Để làm được điều đó, cơ quan chức năng của Binh chủng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, các đơn vị, nhà trường trực thuộc rà soát, nắm chắc lộ trình, kế hoạch điều chỉnh lực lượng; tổ chức sinh hoạt chính trị tư tưởng, phổ biến, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, nhiệm vụ, biện pháp sáp nhập, giải thể, bàn giao, tiếp nhận, v.v. Trên cơ sở đó, xây dựng quyết tâm, xác định trách nhiệm tổ chức thực hiện; hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ phận, tổ chức bàn giao, tiếp nhận về nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về con người, vũ khí, trang bị, phương tiện, xe máy, v.v. Quá trình thực hiện phải kiên quyết, kiên trì, đồng bộ; chống biểu hiện chủ quan, nóng vội, hình thức hoặc buông lỏng, thiếu quyết liệt. Kết hợp điều chỉnh lực lượng với bố trí thế trận phù hợp; đồng thời, làm tốt công tác tư tưởng, tổ chức và chính sách, bảo đảm không những không làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, nhà trường, mà còn đạt được mục đích “tinh, gọn” bộ máy, nâng cao sức mạnh đột kích của lực lượng Tăng thiết giáp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi sổ vàng Truyền thống của Binh chủng với tinh thần “BỘ ĐỘI TĂNG THIẾT GIÁP THỜI KỲ MỚI SỨC ĐỘT KÍCH MỚI”

Ba là, tiếp tục đột phá đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội Tăng thiết giáp. Để tạo sự chuyển biến toàn diện, vững chắc trong công tác huấn luyện, đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp huấn luyện, quản lý, điều hành và công tác bảo đảm. Nội dung huấn luyện toàn diện cả chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật,… trong đó, tập trung vào huấn luyện kỹ thuật bắn, lái, làm chủ các trang bị mới, cải tiến; huấn luyện chiến thuật tăng thiết giáp cấp đại đội; huấn luyện cơ động, huấn luyện đêm, phòng tránh, đánh trả; huấn luyện đội tuyển tham gia hội thao quân sự quốc tế Army Games, v.v. Trong quá trình huấn luyện, cần vận dụng sáng tạo, hiệu quả các quan điểm, phương châm, nguyên tắc, mối kết hợp; chú trọng điều chỉnh linh hoạt phương pháp huấn luyện, đào tạo theo thực tiễn tình hình, nhiệm vụ tác chiến mới và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, phúc tra huấn luyện, công tác hội thi, hội thao, nhất là hội thao quân sự quốc tế, nhằm khẳng định vị thế, sức mạnh của Bộ đội Tăng thiết giáp và Quân đội nhân dân Việt Nam. Kết hợp chặt chẽ huấn luyện với truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, kinh nghiệm huấn luyện ở nước ngoài, truyền thống “Ra quân đánh thắng trận đầu”; kết hợp huấn luyện với rèn luyện thể lực, kỷ luật, thực hiện nền nếp chính quy, xây dựng đơn vị an toàn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành, thực hành huấn luyện; duy trì tốt các chế độ, nền nếp sẵn sàng chiến đấu; nâng cao chất lượng diễn tập các cấp, trọng tâm là diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp kết hợp bắn đạn thật, diễn tập đối kháng và diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng trong điều kiện chiến tranh hiện đại.

Bốn là, nghiên cứu, phát triển nghệ thuật tác chiến tăng thiết giáp. Đây là nội dung rất quan trọng, quyết định sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Bộ đội Tăng thiết giáp. Do vậy, các cơ quan chức năng của Binh chủng cần phối hợp chặt chẽ với các nhà trường, đơn vị đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển lý luận nghệ thuật tác chiến, cách đánh của Bộ đội Tăng thiết giáp, bảo đảm phù hợp với sự phát triển của đối tượng tác chiến; tổ chức, biên chế; vũ khí, trang bị mới và trình độ hiện đại của một số quân chủng, binh chủng, lực lượng trong điều kiện tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng và chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Tập trung nghiên cứu phương pháp ngụy trang, nghi binh, bảo đảm kỹ thuật cơ động bí mật, an toàn trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, phương tiện trinh sát hiện đại. Nghiên cứu biện pháp nâng cao hiệu quả hiệp đồng tác chiến giữa các đơn vị của Binh chủng với các đơn vị bộ binh và các quân chủng, binh chủng khác; giữa các đơn vị tăng thiết giáp dự bị chiến lược với các quân, binh chủng, lực lượng trên các hướng chiến lược. Trên cơ sở đó, tham mưu cho Bộ Quốc phòng biên soạn, bổ sung hệ thống tài liệu, giáo trình về nghệ thuật sử dụng tăng thiết giáp, về tổ chức biên chế, vũ khí, phương tiện, trang bị mới và thực hiện thống nhất trong lực lượng Tăng thiết giáp toàn quân.

Năm là, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ công tác kỹ thuật, hậu cần. Trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 382-NQ/ĐUQSTW, ngày 29/11/2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về công tác kỹ thuật, 10 năm thực hiện Nghị quyết số 623-NQ/QUTW, ngày 29/10/2012 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần, các cơ quan, đơn vị, nhà trường khắc phục triệt để những hạn chế chỉ ra; tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật, hậu cần theo hướng toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, đào tạo, diễn tập, hội thi, hội thao. Thường xuyên bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ số lượng, chủng loại, chất lượng xe tăng, thiết giáp; tập trung nghiên cứu, cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật; khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống huấn luyện mô phỏng kíp chiến đấu xe tăng và thiết bị mô phỏng vũ khí, trang bị thế hệ mới. Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng bảo đảm các mặt công tác hậu cần ở tất cả các cấp, cho các nhiệm vụ; trong đó, chú trọng bảo đảm xăng dầu, vận tải,… phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ quan trọng, đột xuất. Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết chiến tranh, làm cơ sở khoa học đề xuất phương án bảo đảm hậu cần phục vụ nhiệm vụ tác chiến tăng thiết giáp trong tình hình mới.

Thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo đảm cho Bộ đội Tăng thiết giáp hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ là lực lượng chiến đấu đột kích của lục quân Quân đội nhân dân Việt Nam, xứng đáng với truyền thống 55 năm “Ra quân đánh thắng trận đầu”.

Thiếu tướng ĐỖ ĐÌNH THANH, Tư lệnh Binh chủng

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.