Thứ Sáu, 22/11/2024, 22:12 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Mùa Xuân năm 1968, Bộ đội xe tăng đã lập chiến công xuất sắc trong trận đầu (Tà Mây - Làng Vây), góp phần xây dựng nên truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng”. Phát huy truyền thống vẻ vang đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Sau năm 1954, để đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng ta chủ trương củng cố, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy và tương đối hiện đại; trong đó, đề ra phương hướng xây dựng một số quân chủng, binh chủng. Thực hiện chủ trương đó, ngày 05-10-1959, Trung đoàn Xe tăng 202 được thành lập và từng bước phát triển thành Binh chủng Tăng thiết giáp.
Với chức năng, nhiệm vụ là binh chủng chiến đấu - lực lượng đột kích quan trọng của lục quân, được trang bị phương tiện, vũ khí kỹ thuật hiện đại, Binh chủng nhanh chóng ổn định tổ chức, biên chế, xây dựng, phát triển lực lượng; tổ chức tiếp nhận cán bộ được đào tạo về chỉ huy, kỹ thuật xe tăng và thành viên kíp xe từ nước ngoài về1; chủ động nghiên cứu thực tiễn chiến trường miền Đông Nam Bộ để khái quát thành lý luận nghệ thuật, phương pháp tác chiến tăng thiết giáp, bảo đảm phù hợp với đặc điểm địa hình, cách đánh của binh chủng hợp thành trong thế trận chiến tranh nhân dân Việt Nam. Đồng thời, tổ chức huấn luyện, luyện tập, diễn tập, nâng cao trình độ, khả năng tác chiến hiệp đồng binh chủng; phối hợp cùng lực lượng Phòng không - Không quân đánh máy bay Mỹ phá hoại ra miền Bắc, v.v.
Sau gần 10 năm xây dựng, phát triển lực lượng, cuối năm 1967, Binh chủng Tăng thiết giáp được giao nhiệm vụ phối hợp với Sư đoàn 304, Sư đoàn 325 và một số binh chủng tham gia Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (1968), trực tiếp tiến công cứ điểm Tà Mây trong cụm cứ điểm Huội San và cứ điểm Làng Vây thuộc cụm cứ điểm Tà Cơn. Đây là trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng đầu tiên của Bộ đội Tăng thiết giáp, tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc và giành chiến công vang dội, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Lực lượng. Đồng thời, là cơ sở thực tiễn - khoa học cho nghệ thuật sử dụng tăng thiết giáp trong các chiến dịch, trận đánh tiếp theo, mở ra một khả năng mới về tác chiến hiệp đồng binh chủng có tăng thiết giáp tham gia, mở đầu trang sử truyền thống hào hùng “Đã ra quân là đánh thắng” của Bộ đội Tăng thiết giáp.
Chiến thắng trận đầu “Tà Mây - Làng Vây” đã đi vào lịch sử Bộ đội Tăng thiết giáp, được coi là một trang vàng truyền thống, thành quả tất yếu sau gần 10 năm “luyện cán, rèn quân” với tinh thần hướng ra tiền tuyến, hướng ra chiến trường, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Chiến thắng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý về nghệ thuật sử dụng tăng thiết giáp trong tác chiến, đó là: nghệ thuật hành quân đường dài hàng nghìn ki-lô-mét từ miền Bắc vào Quảng Trị; cơ động triển khai lực lượng, ngụy trang, nghi binh giữ bí mật, bất ngờ; chọn hướng, mục tiêu, cách đánh; công tác bảo đảm hậu cần, nhất là bảo đảm kỹ thuật trong hành quân, trú quân và thực hành tác chiến hiệp đồng với các binh chủng, v.v.
Hiện nay, trước yêu cầu xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, từng bước hiện đại hóa lực lượng Tăng thiết giáp, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tăng thiết giáp không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn, đoàn kết, tự lực, tự cường,… phát huy truyền thống “Ra quân đánh thắng trận đầu”, tiếp tục đẩy mạnh huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng Binh chủng có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Trước hết, Binh chủng chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng xác định, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là nội dung quan trọng hàng đầu quyết định sức mạnh đột kích của tăng thiết giáp; từ đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho các đối tượng. Để công tác giáo dục đạt hiệu quả, Binh chủng tập trung đổi mới mạnh mẽ, toàn diện cả nội dung, hình thức, phương pháp, bảo đảm phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của từng đơn vị, nhận thức của từng đối tượng. Nội dung giáo dục toàn diện, trong đó tập trung vào vị trí, ý nghĩa, sự cần thiết phải đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu trong giai đoạn hiện nay. Giáo dục cho bộ đội nắm chắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; chủ trương điều chỉnh tổ chức biên chế, hiện đại hóa Quân đội, Binh chủng; âm mưu, thủ đoạn của địch; chỉ tiêu, yêu cầu huấn luyện cần đạt được của từng đơn vị theo Nghị quyết 438-NQ/ĐUBC của Đảng ủy Binh chủng về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”. Đồng thời, giáo dục lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; truyền thống chiến đấu mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, phát huy sức mạnh đột kích, giành thắng lợi trong trận đầu,… khơi dậy tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, say mê, nhiệt huyết, sáng tạo, không ngừng nghiên cứu, cải tiến, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật. Về phương pháp giáo dục, Binh chủng chỉ đạo các đơn vị đa dạng hóa, kết hợp giáo dục cơ bản theo chương trình với giáo dục kinh nghiệm truyền thống, định hướng tư tưởng, hành động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bộ đội trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, làm tiền đề hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Để tăng cường sức mạnh đột kích, Binh chủng coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu. Tiếp tục nghiên cứu đột phá đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác huấn luyện, đào tạo; từ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, kiểm tra, bảo đảm, đến sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu cho phân đội, kíp xe, làm chủ vũ khí, khí tài trên xe mới và xe cải tiến. Huấn luyện cho bộ đội nắm chắc kỹ thuật, chiến thuật và nghiệp vụ chuyên ngành; tăng cường huấn luyện theo tình huống, sát thực tế chiến đấu, huấn luyện hiệp đồng tác chiến với các quân chủng, binh chủng và lực lượng vũ trang địa phương trong khu vực phòng thủ. Các cơ quan, đơn vị, nhà trường kết hợp chặt chẽ giữa nâng cao chất lượng huấn luyện với đẩy mạnh xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật; duy trì nghiêm túc, hiệu quả chế độ, nền nếp huấn luyện, coi trọng chế độ kiểm tra của chỉ huy và cơ quan các cấp; tập trung truyền thụ những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn chiến đấu của Bộ đội Tăng thiết giáp, nhất là kinh nghiệm trong “Chiến thắng trận đầu”, nhằm củng cố niềm tin, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá kết quả, hội thi, hội thao, nâng cao năng lực thực hành huấn luyện cho đội ngũ cán bộ và kết quả huấn luyện đơn vị; tham gia hội thao quân sự quốc tế giành kết quả cao. Bên cạnh việc huấn luyện cho các đơn vị trong Binh chủng, cơ quan quân huấn cấp chiến dịch tăng cường kiểm tra công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Tăng thiết giáp toàn quân, làm cơ sở chấn chỉnh, rút kinh nghiệm kịp thời khâu yếu, mặt yếu.
Cùng với đó, đẩy mạnh luyện tập, diễn tập, nâng cao khả năng tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng cho Bộ đội Tăng thiết giáp trong điều kiện chiến tranh hiện đại; kết hợp chặt chẽ giữa thường xuyên rà soát, điều chỉnh bảo đảm đầy đủ số lượng, chất lượng hệ thống văn kiện sẵn sàng chiến đấu các cấp với duy trì nghiêm túc, chặt chẽ các chế độ, quy định sẵn sàng chiến đấu; tổ chức tuần tra, canh gác bảo đảm an toàn cơ quan, đơn vị, v.v.
Trong huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, Binh chủng chú trọng bảo đảm đầy đủ, kịp thời các mặt, trọng tâm vào công tác bảo đảm kỹ thuật. Hiện nay, lực lượng Tăng thiết giáp đang huấn luyện, sử dụng cả hai loại xe tương đối hiện đại và hiện đại, nên công tác bảo đảm đặt ra yêu cầu cao, phức tạp. Từ thực tế đó, Binh chủng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới, thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm, như: phối hợp với Cục Quân huấn - Bộ Tổng Tham mưu, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội bảo đảm mô hình mặt cắt các loại đạn, khí tài trên xe tăng thiết giáp, máy nâng hạ bia hạng nhẹ, hạng trung; lắp đặt hệ thống thao trường mô phỏng và thông tin liên lạc trên xe tăng thiết giáp phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo. Đồng thời, bảo đảm đầy đủ, kịp thời lượng dự trữ sẵn sàng chiến đấu, nhất là nhiên liệu, trang bị đồng bộ theo quy định cho các nhiệm vụ, ưu tiên nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, xử lý tình huống bạo loạn, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai, v.v. Tiếp tục tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng triển khai cải tiến, sản xuất, mua sắm trang bị tăng thiết giáp theo Đề án “Bảo đảm vũ khí, trang bị lục quân đến năm 2025 và những năm tiếp theo”. Đẩy mạnh nghiên cứu cải tiến, nâng cấp, hiện đại hóa từng phần, tiến tới hiện đại hóa đồng bộ xe tăng biên chế trước đây; kết hợp chặt chẽ giữa bảo quản, sử dụng, sửa chữa, khôi phục tình trạng kỹ thuật xe tăng cũ với khai thác làm chủ các loại xe tăng mới biên chế; tập trung bảo đảm kỹ thuật theo hướng đồng bộ, công nghệ và khoa học, phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Ngoài ra, Binh chủng còn chỉ đạo các cơ quan, nhất là Phòng Khoa học quân sự phối hợp với các đơn vị, nhà trường tập trung nghiên cứu phát triển nghệ thuật tác chiến tăng thiết giáp, trọng tâm vào những vấn đề thực tiễn đặt ra. Nếu chiến tranh xảy ra, đối tượng tác chiến của ta sử dụng phương tiện trinh sát hiện đại; trong khi đó, kích thước và tiếng động cơ xe tăng thiết giáp lớn. Để khắc phục thực tế đó, Binh chủng tập trung nghiên cứu nghệ thuật nghi binh giữ bí mật, giảm tiếng ồn; biện pháp cơ động xe tăng thiết giáp ở địa bàn thành phố khi có biểu tình, bạo loạn; bảo đảm thông tin liên lạc, hiệp đồng tác chiến giữa xe tăng thiết giáp với các lực lượng tác chiến trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, tác chiến phòng thủ quân khu trong điều kiện địch tiến hành chiến tranh thông tin, chế áp điện tử mạnh,… để đưa vào huấn luyện bộ đội. Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng điều chỉnh thế bố trí các đơn vị tăng thiết giáp, bảo đảm phù hợp với quyết tâm tác chiến phòng thủ chiến lược trên các chiến trường, hướng chiến lược, sẵn sàng phối hợp tác chiến kịp thời, hiệu quả với các lực lượng trong các quy mô chiến dịch do Bộ, Quân khu mở (khi có chiến tranh).
Trong quá trình nghiên cứu, chú trọng kế thừa, phát triển, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm chiến đấu trong “Trận đầu ra quân đánh thắng” vào công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh đột kích, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại tá ĐỖ ĐÌNH THANH, Tư lệnh Binh chủng
____________
1 - Từ giữa năm 1955, Quân đội đã cử 02 đoàn cán bộ, chiến sĩ đi nước ngoài học tập về chỉ huy, kỹ thuật xe tăng và thành viên kíp xe.
Tăng thiết giáp,chất lượng huấn luyện,đánh thắng trận đầu
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng