QPTD -Thứ Năm, 12/05/2022, 06:07 (GMT+7)
Binh chủng Tăng thiết giáp nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu

Tăng thiết giáp là lực lượng đột kích quan trọng của Lục quân - binh chủng chiến đấu chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng đã và đang thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Quán triệt, thực hiện quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, trực tiếp là các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu trong tình hình mới, những năm gần đây, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu và đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt. Nổi bật là, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục được phát huy; nội dung, biện pháp hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu được chú trọng, đi vào chiều sâu, có nền nếp và đạt hiệu quả thiết thực. Phương pháp chỉ đạo, quản lý, điều hành, kiểm tra huấn luyện, diễn tập, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu có nhiều đổi mới sáng tạo, thích ứng an toàn, linh hoạt với các trạng thái, cấp độ dịch Covid-19. Các chế độ, quy định huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu được duy trì nghiêm túc, hiệu quả; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện, đào tạo với thực hiện chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; công tác hội thi, hội thao, hợp tác quân sự quốc tế được coi trọng, v.v. Nhờ đó, kết quả huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu ngày càng được nâng cao, ổn định vững chắc, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo đảm cho Binh chủng hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị thường xuyên, đột xuất. Đồng thời, hoàn thành tốt chức năng tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng lực lượng tăng thiết giáp toàn quân, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng trong điều kiện chiến tranh hiện đại.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nhận thức của một số cán bộ, chiến sĩ về công tác huấn luyện chiến đấu, giáo dục, đào tạo còn chưa thật đầy đủ; chất lượng huấn luyện ở một số đơn vị chưa đồng đều; phương pháp huấn luyện của cán bộ khối cơ quan, cán bộ mới ra trường, cán bộ khung quản lý học viên có mặt còn hạn chế.

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tuy hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ,… tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều loại hình, hình thái và phương thức tác chiến mới. Trong nước, các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; nhiệm vụ xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc có nhiều phát triển, đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với toàn quân và Binh chủng. Để tiếp tục nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch Covid-19, Binh chủng tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu trong trạng thái bình thường mới. Cấp ủy, chỉ huy các cấp từ Binh chủng đến các cơ quan, đơn vị, nhà trường phải thường xuyên quán triệt nắm chắc và vận dụng sáng tạo các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của trên về công tác huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ của đơn vị, đặc điểm địa bàn và thực tiễn tình hình dịch. Đồng thời, tập trung đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành công tác huấn luyện chiến đấu, giáo dục, đào tạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp; chú trọng nâng cao năng lực cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của trên thành nghị quyết cấp mình, nhất là nghị quyết chuyên đề về công tác huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu để tổ chức triển khai thực hiện. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng, chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; tăng cường các biện pháp phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy, đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan tham mưu chuyên trách trong thực hiện quy trình lãnh đạo từ khâu ra nghị quyết, triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát đến sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm. Kiên quyết khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra thông qua kiểm tra công tác huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu hằng năm của Binh chủng. Gắn kết quả lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, giáo dục, đào tạo với kết quả phân loại tổ chức đảng, đảng viên và nhận xét, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu; coi trọng giáo dục chính trị, truyền thống, kinh nghiệm chiến đấu, xây dựng bản lĩnh “thép”, niềm tin vào vũ khí, trang bị, nghệ thuật tác chiến cho bộ đội Tăng thiết giáp.

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Binh chủng phát biểu chỉ đạo trong Lễ ra quân huấn luyện tại Lữ đoàn Xe tăng 201

Hai là, đột phá đổi mới nâng chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong tình hình mới. Đây là giải pháp cơ bản, mang tính động lực, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Binh chủng. Vì thế, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc đổi mới về chương trình, nội dung, phương pháp cũng như công tác quản lý, điều hành, bảo đảm huấn luyện; trong đó, hết sức coi trọng công tác chuẩn bị đầy đủ, chất lượng cả về con người, vũ khí, trang bị, cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập; kết hợp kiện toàn tổ chức biên chế, điều chỉnh lực lượng theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, của Quân ủy Trung ương, Kế hoạch của Bộ Quốc phòng, Binh chủng với tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, phương pháp huấn luyện cho đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp huấn luyện, quản lý, điều hành, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Tăng thiết giáp “tinh, gọn, mạnh, từng bước hiện đại”. Nội dung huấn luyện toàn diện cả chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật, cứu hộ, cứu nạn,… nhưng phải tập trung vào nội dung trọng tâm, trọng điểm, như: huấn luyện kỹ thuật bắn, lái, làm chủ xe tăng mới, chiến thuật phân đội tăng thiết giáp cấp trung đội, đại đội; huấn luyện cơ động, huấn luyện đêm, phòng tránh, đánh trả; huấn luyện đội tuyển tham gia hội thao quân sự quốc tế, v.v. Trong quá trình huấn luyện, thực hiện và vận dụng sáng tạo, hiệu quả các quan điểm, phương châm, nguyên tắc, mối kết hợp, các chế độ, quy định của Điều lệ công tác tham mưu huấn luyện - chiến đấu; chú trọng kết hợp huấn luyện với rèn luyện thể lực, kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy và điều chỉnh linh hoạt nội dung, chương trình, phương pháp theo các trạng thái, cấp độ dịch. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành huấn luyện theo phân cấp, bảo đảm “tập trung, thống nhất, chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo”; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra huấn luyện, kết hợp kiểm tra thường xuyên với đột xuất, coi trọng kiểm tra đột xuất, nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các sai sót, chưa phù hợp, làm cơ sở chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện tiếp theo. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch, hiệp đồng và tổ chức diễn tập tác chiến hiệp đồng với các sư đoàn bộ binh, diễn tập chỉ huy tham mưu trên bản đồ, thực địa; kết hợp huấn luyện, luyện tập, diễn tập với tổ chức tốt các cuộc hội thi, hội thao, trọng tâm là tham gia hội thao quốc tế Army Games, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Binh chủng, Quân đội trên trường quốc tế.

Ba là, coi trọng công tác giáo dục, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực Tăng thiết giáp toàn quân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cơ quan chức năng và các nhà trường trong Binh chủng tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chiến lược, chỉ thị về giáo dục, đào tạo trong Quân đội, nhất là phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”. Phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân khảo sát nhu cầu số lượng, chất lượng cán bộ, nhân viên chuyên môn Tăng thiết giáp theo biểu tổ chức biên chế mới, làm cơ sở tuyển sinh, xét duyệt đầu vào đào tạo. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đổi mới mạnh mẽ nội dung, tổ chức, phương pháp dạy, học và quản lý, giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; tổ chức giáo dục, đào tạo đầy đủ nội dung, thời gian cho các đối tượng theo chương trình quy định. Tăng cường kỹ năng thực hành trên trang bị, phương tiện chuyên ngành Tăng thiết giáp; tích cực tham gia hội thao Olympic; nâng cao chất lượng diễn tập cuối khóa gắn với cương vị, chức trách học viên khi ra trường. Tiếp tục nghiên cứu, biên soạn hệ thống tài liệu, giáo trình phục vụ công tác đào tạo, bảo đảm phù hợp với tổ chức, biên chế, trang bị mới, nghệ thuật tác chiến Tăng thiết giáp và sự phát triển của đối tượng tác chiến.

Bốn là, bảo đảm đầy đủ, kịp thời công tác kỹ thuật, hậu cần, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Kết luận số 763-KL/QUTW, ngày 19/12/2012 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới. Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng hệ thống văn kiện, kế hoạch bảo đảm kỹ thuật với nâng cao chất lượng bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất, khôi phục vũ khí, trang bị kỹ thuật, bảo đảm luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Chủ động nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và hoàn thành tốt các đề án theo kế hoạch đã xác định để đưa vào khai thác, sử dụng trong huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu. Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cơ quan kỹ thuật bảo đảm đầy đủ, kịp thời số lượng, chủng loại, chất lượng xe tăng, thiết giáp, phấn đấu hệ số kỹ thuật của nhóm xe sẵn sàng chiến đấu đạt kt=1; chú trọng, ưu tiên cho nhiệm vụ diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng, chống khủng bố, bạo loạn lật đổ,... theo phương châm đồng bộ cả về kỹ thuật, ngụy trang, nghi binh giữ bí mật.

Công tác bảo đảm hậu cần phải chủ động thực hiện tốt ngay từ đầu ở tất cả các cấp và trong suốt quá trình huấn luyện chiến đấu, giáo dục, đào tạo, cả về con người, kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện và phương án xử lý. Quá trình thực hiện phải quán triệt và duy trì chấp hành nghiêm Chỉ thị số 4740/CT-BTL, ngày 07/11/2021 của Tư lệnh Binh chủng “Về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong công tác sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, giáo dục, đào tạo, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật” và quan tâm bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết chiến tranh, làm cơ sở khoa học đề xuất phương án bảo đảm hậu cần phục vụ nhiệm vụ tác chiến Tăng thiết giáp trong tình hình mới, góp phần tăng cường sức mạnh chiến đấu bộ đội Tăng thiết giáp nói riêng, Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung.

Thiếu tướng ĐỖ ĐÌNH THANH, Tư lệnh Binh chủng

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.