QPTD -Thứ Hai, 22/01/2018, 08:00 (GMT+7)
Binh chủng Hóa học phát huy vai trò nòng cốt trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh

Cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã lùi xa hơn 40 năm nhưng hậu quả để lại vẫn hết sức nặng nề; đặc biệt, bom mìn, chất nổ, chất độc hóa học đã làm hàng triệu mét vuông đất ô nhiễm và khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm. Vì vậy, khắc phục hậu quả bom mìn, chất nổ và chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh ở Việt Nam là vấn đề hết sức quan trọng. Binh chủng Hóa học, với vai trò là lực lượng nòng cốt khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, đã và đang đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ này bằng nhiều giải pháp thiết thực.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Quân đội Mỹ không chỉ sử dụng vũ khí sát thương mà còn cả vũ khí hóa học nhằm triệt hạ nguồn sống, ngăn chặn bước tiến của bộ đội ta. Theo số liệu mới nhất được công bố tại Hội thảo quốc tế “Đánh giá tác hại của chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội (ngày 8,9-8-2016): trong 10 năm (1961 - 1971), Quân đội Mỹ đã sử dụng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất da cam, chứa 336 kg dioxin (một trong những chất độc nhất trong các loại chất độc mà con người biết đến) và hơn 9.000 tấn chất độc CS phun rải xuống 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam, làm cho khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Thấy rõ hậu quả nặng nề của chất độc hóa học do Mỹ phun rải ở Việt Nam, sau khi kết thúc chiến tranh (1975), Đảng, Chính phủ đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của các tổ chức trong và ngoài nước cho thấy, ở một số nơi nồng độ dioxin còn cao, nhất là tại các sân bay quân sự, như: Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát. Để đẩy mạnh khắc phục hậu quả, ngày 24-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 701/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh ở Việt Nam. Quân ủy Trung ương đã thông qua Đề án tổ chức cơ quan Thường trực, Văn phòng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Đề án 701). Theo đó, kiện toàn, bổ sung thêm chức năng, lĩnh vực hoạt động cho Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường (Binh chủng Hóa học), có tên giao dịch tương ứng là Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường. Binh chủng Hóa học được Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt tham gia điều tra, khảo sát, thu gom và xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh - nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” của Bộ đội Hóa học. Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ được giao, với tiềm lực sẵn có, những năm qua, Binh chủng Hóa học đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về tình hình nhiễm độc và kế hoạch nghiên cứu, khắc phục hậu quả. Đồng thời, chủ trì phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Quân đội thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu công nghệ xử lý chất độc dioxin và CS. Từ năm 1996 đến 2016, Binh chủng đã thực hiện gần 20 dự án, nhiệm vụ điều tra, thu gom, xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh thuộc 34 tỉnh, thành phố và các kho thuộc Tổng cục Kỹ thuật, Quân khu 5, 7, 9; thu gom, xử lý hàng trăm tấn chất độc CS và vũ khí, phương tiện chứa chất độc CS; xử lý gần 170.000m3 đất nhiễm chất độc da cam/dioxin tại sân bay Biên Hòa thuộc các dự án XĐ-1, XĐ-2 bằng phương pháp chôn lấp cô lập; tư vấn thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán xử lý, chôn lấp 7.500m3 đất nhiễm chất độc da cam/dioxin tại sân bay Phù Cát; giám sát công nghệ xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, v.v.

Những kết quả trên đã cung cấp số liệu điều tra, khảo sát có độ tin cậy cao, góp phần quan trọng vào việc đánh giá tổng thể tình hình ô nhiễm chất độc hóa học và trực tiếp tham gia bảo vệ môi trường sinh thái trên các địa bàn, nhất là những địa bàn chiến lược. Đó cũng là cơ sở để Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới.

Mặc dù công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, đặc biệt là chất độc da cam/dioxin đã thu được nhiều kết quả quan trọng, song thực tế mới chỉ đáp ứng được một phần so với hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam. Vì vậy, xử lý triệt để các khu vực nhiễm chất độc da cam/dioxin và kiểm soát, giảm thiểu nguồn gốc phát sinh dioxin là một nhiệm vụ cấp thiết, rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, của hệ thống chính trị và toàn dân; trong đó, Bộ đội Hóa học giữ vai trò là lực lượng nòng cốt. Theo đó, thời gian tới, Bộ đội Hóa học tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, cả trước mắt và lâu dài, tập trung vào những nội dung, giải pháp chủ yếu sau:

Thiếu tướng Hà Văn Cử phát biểu chỉ đạo Hội nghị công tác phòng hóa và
tập huấn cán bộ hóa học toàn quân năm 2018

Một là, làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục cho bộ đội về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh. Trọng tâm là Chỉ thị 43/CT-TW ngày 14-5-2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; Quyết định 651/QĐ-TTg ngày 01-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”; Quyết định 701/QĐ-TTg, ngày 24-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh ở Việt Nam”; Chỉ thị 05/CT-BQP, ngày 03-02-2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Về việc tổ chức thực hiện các dự án, chương trình khắc phục, xử lý chất độc hóa học/dioxin trong Quân đội”, v.v. Qua đó, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ, trước hết là cấp ủy, chính ủy (chính trị viên), chỉ huy các cấp nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh đối với đời sống nhân dân cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân về các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu ảnh hưởng của chất độc tồn lưu, góp phần bảo đảm sản xuất, phát triển kinh tế và cuộc sống của nhân dân.

Hai là, tập trung xây dựng lực lượng, đầu tư trang thiết bị công nghệ và các nguồn lực khác, nhằm nâng cao khả năng xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, bảo vệ môi trường sinh thái quốc gia. Trước hết, Binh chủng tập trung chỉ đạo xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, bảo đảm về số lượng và có chất lượng cao; chú trọng xây dựng cán bộ đầu ngành, chuyên gia giỏi trong lĩnh vực công nghệ xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh. Trong đó, thực hiện đồng bộ một số giải pháp mang tính đột phá, như: phối hợp với các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội đào tạo kỹ sư phòng hóa; đào tạo cán bộ có trình độ sau đại học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xử lý chất độc tồn lưu và làm chủ, chuyển giao công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường; tham gia các khóa tập huấn phân tích hóa chất bảng, phân tích chất độc dioxin do các tổ chức quốc tế tài trợ, v.v. Đồng thời, tích cực nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực từ những sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành phù hợp với nhu cầu của Binh chủng. Hiện nay, Binh chủng có gần 100 cán bộ nghiên cứu các chuyên ngành hóa học, sinh học, môi trường. Số cán bộ này cần tiếp tục được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn bằng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ, tại chức, tham gia vào các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, v.v.

Để xây dựng lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh, khắc phục sự cố hóa chất độc, phóng xạ, bảo vệ môi trường, các đơn vị lựa chọn những cán bộ, chiến sĩ đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, có ý thức tổ chức kỷ luật cao; được huấn luyện, bồi dưỡng trình độ chuyên môn sâu, được trang bị các loại khí tài, phương tiện ngày càng hiện đại. Binh chủng tiếp tục đầu tư để nâng cao năng lực hành động của Trung tâm Ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ, hạt nhân và Đội Khắc phục hậu quả môi trường, do Bộ Tư lệnh đang chỉ huy, quản lý, bảo đảm đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trên phạm vi cả nước cũng như trong khu vực ASEAN. Đồng thời, triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án 701, phát huy tốt vai trò của Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, làm chủ công nghệ xử lý chất độc hóa học chứa dioxin. Xử lý dioxin ở Việt Nam rất phức tạp, do lượng dioxin tồn lưu rất cao, diện tích đất và trầm tích bị ô nhiễm rất lớn, phân bố trên phạm vi rộng, v.v. Do đó, việc nghiên cứu, lựa chọn công nghệ khả thi để xử lý dioxin rất khó khăn, phức tạp. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ của Binh chủng đã nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu công nghệ xử lý chất độc da cam/dioxin vào thực tiễn. Tuy nhiên, để xử lý triệt để chất da cam/dioxin, nhất là tại các “điểm nóng”, cần tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn công nghệ khả thi để vừa bảo đảm xử lý triệt để, vừa tiết kiệm được chi phí, không để môi trường không khí, đất, nước bị ô nhiễm thứ cấp. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học, Binh chủng tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện công nghệ để áp dụng rộng rãi, xử lý triệt để đất, trầm tích bị ô nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội và địa phương trong điều tra, đánh giá, phát hiện và xử lý các điểm ô nhiễm. Xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, có tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, với vai trò làm nòng cốt, Binh chủng Hóa học tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, lực lượng và địa phương, tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Cùng với phối hợp xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh, Binh chủng coi trọng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp quản lý các cơ sở hóa chất, khu công nghiệp có nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất cao; quản lý, sử dụng đất, khu dân cư xung quanh khu vực bị ô nhiễm, đặc biệt là các “điểm nóng”. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, giáo dục nhân dân về nguy cơ phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin và các biện pháp phòng tránh.

Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xử lý chất độc da cam/dioxin. Nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng; do đó, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, bảo vệ môi trường là rất cần thiết. Trước hết, cần quán triệt sâu sắc quan điểm về đối ngoại của Đảng, thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng để thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này; trong đó, chú trọng huy động nguồn lực, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, kinh nghiệm của các nước có trình độ khoa học, kỹ thuật tiên tiến. Trước mắt, phối hợp với một số tập đoàn của Mỹ, Nhật Bản, I-xra-en theo kế hoạch đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt; xây dựng thiết kế thực hiện dự án thử nghiệm xử lý triệt để toàn bộ khối lượng đất, trầm tích nhiễm chất da cam/dioxin tại sân bay Biên Hòa, các “điểm nóng” ô nhiễm dioxin với mục đích tìm kiếm công nghệ khả thi, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Thiếu tướng HÀ VĂN CỬ, Tư lệnh Binh chủng

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.