QPTD -Thứ Năm, 21/05/2015, 09:21 (GMT+7)
Binh chủng Hóa học phát huy vai trò nòng cốt thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường

Ngày 28-7-2014, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định 2887/QĐ-BQP phê duyệt “Chiến lược Bảo vệ môi trường của Bộ Quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Triển khai thực hiện tốt Chiến lược bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân; trong đó, Bộ đội Hóa học là lực lượng nòng cốt.

Chiến sĩ Tiểu đoàn 907 (Binh chủng Hóa học) thực hành dùng hóa chất tiêu độc (Ảnh: qdnd.vn)

Ô nhiễm môi trường hiện đang là một trong những hiểm họa của nhân loại. Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài và là trách nhiệm của mọi quốc gia, dân tộc và của mỗi công dân. Ý thức sâu sắc vấn đề đó, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và đã tập trung đầu tư nguồn lực đáng kể cho nhiệm vụ quan trọng này. Là lực lượng chuyên ngành trong xử lý các vấn đề về hóa, độc xạ, ô nhiễm môi trường, những năm qua, Binh chủng Hóa học đã phát huy vai trò nòng cốt giúp Bộ Quốc phòng tham mưu cho Chính phủ hoạch định và chỉ đạo xử lý các vấn đề về môi trường; đồng thời, trực tiếp triển khai các biện pháp chuyên môn về bảo vệ môi trường, nhất là xử lý các sự cố về hóa, độc xạ.

Binh chủng đã tổ chức nhiều trạm quan trắc, kịp thời đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường, điển hình là phát hiện gia tăng đột biến hoạt độ các đồng vị phóng xạ trong không khí, sinh vật chỉ thị và bụi rơi lắng sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) năm 2011. Để có cơ sở khoa học, Binh chủng chỉ đạo lấy mẫu phân tích, kết luận và xử lý mẫu lạ; trực tiếp tham gia truy tìm, đánh giá, kết luận mức độ nguy hiểm của các nguồn phóng xạ, hóa chất độc hại, ô nhiễm ở các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, v.v. Từ đó, chỉ đạo triển khai nghiên cứu, xây dựng quy trình công nghệ phù hợp và trực tiếp xử lý ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương; tổ chức các đội khắc phục sự cố về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, nhất là trong các đợt tiêu hủy gia cầm cúm A/H5N1, dịch lợn tai xanh, sự cố hóa chất độc hại, v.v. Cùng với xử lý ở các địa bàn trọng điểm, Binh chủng còn chỉ đạo các đơn vị tích cực tiêu hủy số hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, làm sạch đất nhiễm thuốc bảo vệ thực vật ở các địa phương bằng giải pháp công nghệ mới.

Với tinh thần trách nhiệm cao, Bộ đội Hóa học đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, tổ chức lực lượng cứu hộ cứu nạn trong các tình huống sập hầm, lò hoặc giếng sâu (có khí độc), tham gia dập cháy hàng ngàn héc-ta rừng phòng hộ; nghiên cứu, chế tạo nhiều hệ thống thiết bị xử lý nước ô nhiễm, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch cho đồng bào vùng lũ lụt, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Cùng với đó, Binh chủng đã triển khai thực hiện nhiều dự án điều tra chất lượng môi trường (đất, nước, không khí) ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bộ đội ở các đồn Biên phòng và địa bàn dân cư thuộc các tỉnh Tây Nguyên, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa; tham gia điều tra cơ bản hiện trạng kim loại nặng, dư lượng thuốc trừ sâu, chất độc khác trong các lớp trầm tích ở khu vực ven biển và các khu kinh tế từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Ngoài ra, Binh chủng còn chủ trì triển khai nhiều công trình nghiên cứu khoa học và lựa chọn công nghệ xử lý triệt để chất độc da cam/dioxin trong đất và trầm tích phù hợp điều kiện Việt Nam; tham gia Chương trình nghiên cứu kỹ thuật an toàn hạt nhân phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng giai đoạn 2013 – 2015, định hướng đến năm 2020 của Bộ Quốc phòng, v.v.

Thực hiện Quyết định 67/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động giai đoạn 2004 - 2010 khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, Binh chủng đã tổ chức điều tra, thu gom, khoanh vùng, tẩy độc, phục hồi môi trường ở nhiều khu vực trên địa bàn cả nước. Theo đó, từ năm 1997 đến nay, Binh chủng triển khai 12 dự án, 02 đề tài cấp nhà nước, 03 đề tài cấp Bộ Quốc phòng và 04 nhiệm vụ khoa học khắc phục hậu quả chất độc do Mỹ sử dụng ở miền Nam Việt Nam. Kết quả đã thu gom, xử lý, tiêu hủy hàng trăm tấn chất độc, bom đạn hóa học, hàng vạn mét khối đất nhiễm chất độc da cam/dioxin; phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội nghiên cứu các giải pháp công nghệ xử lý chất da cam/dioxin phù hợp với điều kiện Việt Nam, tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng ngân sách Nhà nước.

Những chiến công thầm lặng của Bộ đội Hóa học đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn môi trường và cuộc sống yên bình của nhân dân, tô thắm hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của nền kinh tế nảy sinh những hệ lụy về môi trường, cùng với đó là những hạn chế về nhận thức, trách nhiệm đối với vấn đề môi trường đang là trở ngại, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ này. Vì thế, đòi hỏi quyết tâm cao của các cấp, các ngành và sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả “Chiến lược Bảo vệ môi trường của Bộ Quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Binh chủng tập trung chỉ đạo làm tốt công tác tổ chức quan trắc, cảnh báo ô nhiễm môi trường do các tác nhân hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân, kịp thời tham mưu cho Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng chỉ đạo ứng phó với các sự cố, thảm họa về môi trường liên quan đến hoạt động quân sự. Cùng với tiếp tục phát huy hiệu quả của các trạm quan trắc, Binh chủng triển khai xây dựng Trung tâm Ứng cứu hóa chất độc, phóng xạ, hạt nhân khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam theo Quyết định của Tổng Tham mưu trưởng; tổ chức Đội Khắc phục hậu quả về môi trường theo Quyết định 5570/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động hỗ trợ nhân đạo và ứng cứu thiên tai, thảm họa trong nước, giúp các nước ASEAN và quốc tế khi có yêu cầu. Triển khai thực hiện Quyết định 1636/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia đến năm 2020”1, Binh chủng tiếp tục phối hợp với Cục Khoa học Quân sự - Bộ Quốc phòng đẩy mạnh thực hiện Đề án “Xây dựng, kiện toàn hệ thống quan trắc, cảnh báo phóng xạ môi trường trong Quân đội”, nhằm nâng cao năng lực của các trạm quan trắc, tạo sự liên kết chặt chẽ với mạng lưới quan trắc quốc gia. Đồng thời, thường xuyên cập nhật hiện trạng phóng xạ môi trường trên các địa bàn, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Bộ Quốc phòng và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý tình huống, khuyến cáo, tư vấn, hướng dẫn nhân dân khắc phục hậu quả.

Cùng với làm tốt công tác tham mưu để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống vũ khí hủy diệt lớn, ứng phó với các sự cố môi trường có liên quan hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự, Binh chủng tích cực chỉ đạo công tác huấn luyện, diễn tập kiểm soát, phòng tránh, khắc phục hậu quả ứng phó sự cố thảm họa môi trường, phối hợp với các lực lượng triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia trước những thách thức an ninh phi truyền thống. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức cho cán bộ, chiến sĩ thấy rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường trong tình hình mới.

Trên cơ sở kế hoạch xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, Binh chủng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật chất lượng cao, các chuyên gia đầu ngành để nghiên cứu ứng phó với các sự cố và làm chủ công nghệ xử lý môi trường; lựa chọn cán bộ có chuyên môn giỏi vào các Trung tâm ứng cứu hóa chất độc, phóng xạ, hạt nhân khu vực và Đội Khắc phục hậu quả về môi trường. Đồng thời, tích cực bồi dưỡng, xây dựng nguồn cán bộ kế cận, đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nhất là trình độ ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế. Qua đó, chuẩn bị đầy đủ nguồn cán bộ, dự trữ phương tiện, mua sắm trang thiết bị khí tài phòng hóa hiện đại và tăng cường hợp tác trong nước cũng như quốc tế trong lĩnh vực ứng phó với sự cố môi trường độc, xạ, xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh.

Cùng với đó, Binh chủng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động ứng phó có hiệu quả các sự cố về môi trường do các tác nhân hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân, vũ khí hủy diệt lớn; xử lý chất thải nguy hại phát sinh trong hoạt động quân sự. Hiện nay, sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp hóa chất, việc ứng dụng năng lượng hạt nhân và biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng các nguy cơ sự cố môi trường do tác nhân hóa học, sinh học, hạt nhân. Bên cạnh đó, không loại trừ các nguy cơ tiềm ẩn từ âm mưu, hành động phá hoại của lực lượng phản động trong và ngoài nước cấu kết với lực lượng khủng bố quốc tế có thể sử dụng vũ khí hủy diệt lớn hoặc các tác nhân hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân tập kích vào mục tiêu nhạy cảm hoặc đánh phá cơ sở hóa chất, nhà máy điện hạt nhân, v.v. Đây thực sự là những thách thức không thể xem thường đối với công tác bảo vệ môi trường hiện nay, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị Hóa học trong toàn quân phải chủ động nắm tình hình, rà soát các cơ sở công nghiệp hóa chất và ứng dụng năng lượng hạt nhân; chủ động dự báo và xây dựng kế hoạch ứng cứu, khắc phục sự cố, tổ chức chặt chẽ công tác quan trắc, cảnh báo, phát hiện sớm những hiểm họa về hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân.

Tập trung nghiên cứu, làm chủ công nghệ xử lý chất độc da cam/dioxin, CS tồn lưu sau chiến tranh và đẩy nhanh tiến độ xử lý tồn lưu tại các “điểm nóng”. Hiện nay, Binh chủng đang tham gia thực hiện nhiệm vụ giám sát công nghệ dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng” do cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) là đối tác cùng Bộ Quốc phòng triển khai và tiếp tục triển khai thực hiện dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc da cam/dioxin tại sân bay Biên Hòa giai đoạn 2”. Theo đó, Binh chủng chỉ đạo tiếp tục điều tra, lập kế hoạch từng bước thực hiện xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường khu vực có tồn lưu chất độc da cam/dioxin, CS, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật mới được phát hiện; ưu tiên lựa chọn công nghệ xử lý triệt để, chi phí hợp lý, chú trọng hợp tác quốc tế để huy động vốn đầu tư, máy móc trang thiết bị, công nghệ. Từng bước hoàn thành việc xử lý triệt để tồn lưu chất độc da cam/dioxin ở các “điểm nóng” thuộc khu vực các sân bay: Đà Nẵng, Phù Cát, Biên Hòa; đồng thời, thực hiện tốt Kế hoạch hành động của Bộ Quốc phòng đến năm 2020 về xử lý tồn lưu chất độc da cam/dioxin. Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Binh chủng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, xử lý, khoanh vùng chống lan tỏa 50% diện tích đất nhiễm da cam/dioxin ở các điểm nóng và đến năm 2030, hoàn thành việc xử lý triệt để tồn lưu chất độc da cam/dioxin, CS ở các khu vực trên phạm vi cả nước.

Thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ nặng nề, thường xuyên và lâu dài của toàn xã hội. Với vai trò là lực lượng nòng cốt của Quân đội nhân dân trong thực hiện Chiến lược, Binh chủng Hóa học phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường quốc gia và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá HÀ VĂN CỬ, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Binh chủng
______________________

1 - Hệ thống quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường thuộc Bộ Quốc phòng (Trinh sát phóng xạ Quân đội) có nhiệm vụ tổ chức phòng, chống vũ khí hạt nhân, ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.