QPTD -Thứ Ba, 12/11/2019, 08:00 (GMT+7)
Binh chủng Hóa học nâng cao năng lực xử lý chất độc da cam/dioxin

Xử lý triệt để, làm “sạch” toàn bộ diện tích đất trầm tích bị ô nhiễm chất độc da cam/dioxin là việc làm có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc - “nhiệm vụ chiến đấu” trong thời bình của Bộ đội Hóa học. Ý thức rõ điều đó, Binh chủng Hóa học đã và đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực, đẩy nhanh tiến độ xử lý, khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, góp phần cùng cả nước xoa dịu nỗi đau da cam/dioxin.

Việt Nam là một trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do ô nhiễm chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh; trong đó, đặc biệt là chất độc da dacam/dioxin. Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 80 triệu lít chất độc diệt cây, trong đó 61% là chất da cam, tương ứng 366 kg dioxin để phun rải trên chiến trường miền Nam nước ta, để lại hậu quả hết sức nặng nề về nhiều phương diện, đặc biệt là đối với con người1.

Bộ đội Hóa học hực hành khắc phục xử lý sự cố môi trường trong tình huống cháy nổ nhà máy hóa chất

Ý thức sâu sắc vấn đề đó, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt đối với nhiệm vụ xử lý, khắc phục ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin; tập trung đầu tư nguồn lực đáng kể cho nhiệm vụ quan trọng này. Là lực lượng chuyên ngành trong xử lý các vấn đề về hóa học, độc xạ, ô nhiễm môi trường, những năm qua, Binh chủng Hóa học đã phát huy vai trò nòng cốt giúp Bộ Quốc phòng tham mưu cho Chính phủ hoạch định chính sách, kế hoạch, chỉ đạo xử lý khắc phục hậu quả chất độc hóa học nói chung và xử lý da cam/dioxin nói riêng; đồng thời, trực tiếp triển khai các giải pháp công nghệ để xử lý, khắc phục hậu quả và đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng. Từ năm 1996 đến nay, Binh chủng đã chủ trì phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Quân đội thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh; triển khai thực hiện hơn 20 dự án, điều tra, khoanh vùng, cảnh báo chất độc hóa học tồn lưu tại 293 quận, huyện, thị xã của 34 tỉnh, thành phố và các đơn vị Quân đội. Binh chủng đã thu gom, xử lý hơn 455 tấn chất độc CS và vũ khí, phương tiện chứa chất độc CS; hoàn thành chôn lấp, cô lập gần 170.000m3 đất nhiễm chất độc da cam/dioxin tại sân bay Biên Hòa thuộc các dự án XĐ-1, XĐ-2; tư vấn thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán xử lý, chôn lấp 7.500m3 đất nhiễm chất độc da cam/dioxin tại sân bay Phù Cát. Đặc biệt, Binh chủng đã hoàn thành nhiệm vụ giám sát công nghệ Dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) là đối tác cùng Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện và hiện nay tiếp tục triển khai thực hiện 2 Dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc da cam/dioxin tại sân bay Biên Hòa”.

Tuy nhiên, do khối lượng, diện tích ô nhiễm chất độc da cam/dioxin rất lớn, phức tạp, không theo quy luật (ngoài chất dioxin có nguồn gốc từ chất da cam, còn phát hiện phát thải và tồn lưu dioxin có nguồn gốc từ sản xuất công nghiệp hóa chất, xử lý rác thải,…). Trong khi đó, nguồn nhân lực, kinh phí, công nghệ, trang thiết bị xử lý chất độc da cam/dioxin trong nước còn nhiều hạn chế, khó khăn. Để góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đẩy nhanh tiến độ xử lý, khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin, Binh chủng tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:

Trước hết, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về công tác điều tra, xử lý và khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu. Quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về khắc phục hậu quả chất độc tồn lưu sau chiến tranh, bảo vệ môi trường sinh thái, với vai trò là thành viên của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 701 - Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh ở Việt Nam, Binh chủng Hóa học tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu, tham mưu giúp Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý, điều phối các dự án xử lý, khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin. Nhằm huy động nhiều hơn nữa nguồn nhân lực, kinh phí, công nghệ,... cho hoạt động này, Binh chủng tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài Quân đội tham mưu cho Ban Chỉ đạo 701 đề xuất với Chính phủ tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xử lý chất độc da cam/dioxin; tiếp tục vận động các chính phủ, tổ chức phi chính phủ tài trợ, hỗ trợ, liên kết, hợp tác nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực xử lý chất độc này; đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định 761/QĐ-TTg, ngày 21-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và sớm đưa Trung tâm Hành động quốc gia xử lý chất độc hóa học và môi trường vào hoạt động, thiết thực góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Binh chủng. Cùng với đó, Binh chủng tích cực tham mưu giúp Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành chức năng và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về thực trạng ô nhiễm chất độc da cam/dioxin, cũng như kết quả thực hiện các dự án, nhiệm vụ xử lý, khắc phục hậu quả chất độc tồn lưu sau chiến tranh, v.v. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành, các tổ chức trong nước và đối tác quốc tế về nhiệm vụ khắc phục hậu quả, xoa dịu nỗi đau da cam/dioxin tại Việt Nam.

Hai là, tập trung xây dựng, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiện nay, Binh chủng có gần 100 cán bộ có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân các chuyên ngành: hóa học, sinh học, môi trường. Đây là nguồn lực quan trọng trong nghiên cứu, làm chủ công nghệ xử lý dioxin. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, trên cơ sở kế hoạch xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đã được phê duyệt, Binh chủng tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, làm tốt công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo; gắn quy hoạch, đào tạo với sử dụng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật chất lượng cao, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh, ứng phó, xử lý sự cố môi trường. Trọng tâm là phối hợp với các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội nâng cao chất lượng đào tạo kỹ sư phòng hóa; các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xử lý chất độc tồn lưu; tích cực tổ chức cán bộ tham gia tập huấn, phân tích chất độc dioxin do các tổ chức quốc tế tài trợ; tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Đồng thời, nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ những sinh viên tốt nghiệp đại học, sau đại học các chuyên ngành phù hợp, có đủ các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nhất là trình độ ngoại ngữ về Binh chủng công tác.

Ba là, tích cực huy động các nguồn lực đầu tư trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh. Tiêu tẩy, xử lý chất độc hóa học là nhiệm vụ có tính chất đặc thù rất cao, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc; khối lượng đất đá, trầm tích bị ô nhiễm cần xử lý lớn, ở địa hình khó khăn, phức tạp, v.v. Vì vậy, để nâng cao năng lực xử lý chất độc da cam/dioxin, cùng với chuẩn bị con người, Binh chủng đặc biệt coi trọng huy động các nguồn lực, đầu tư mua sắm trang thiết bị chuyên dùng hiện đại. Trước mắt, thực hiện Chỉ thị 05/CT-BQP, ngày 03-02-2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Về việc tổ chức thực hiện các dự án, chương trình khắc phục, xử lý chất độc hóa học/dioxin trong Quân đội”, Binh chủng chủ động phối hợp với Cục Khoa học quân sự, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và Học viện Quân y đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án nâng cao năng lực nghiên cứu, xử lý chất độc hóa học dioxin. Trọng tâm là triển khai thực hiện các dự án đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm phân tích chất độc, phòng thí nghiệm công nghệ xử lý chất độc hóa học da cam/dioxin, xưởng thực nghiệm; các trung tâm nghiên cứu xử lý chất độc hóa học dioxin, xét nghiệm, nghiên cứu và hỗ trợ điều trị nạn nhân dioxin, v.v. Cùng với đó, Binh chủng tiếp tục đầu tư các trạm quan trắc nhằm nâng cao năng lực đánh giá tác động và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường nảy sinh, làm cơ sở xử lý và ngăn ngừa.

Bốn là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, hướng trọng tâm vào nghiên cứu, làm chủ công nghệ xử lý chất độc da cam/dioxin. Dioxin là một trong những loại hóa chất cực độc; tồn tại bền lâu trong môi trường2 và khó xử lý. Hiện nay, thế giới chưa có công nghệ riêng biệt để xử lý triệt để dioxin. Những năm qua, Binh chủng đã triển khai nghiên cứu, thực nghiệm nhiều đề tài khoa học về công nghệ và lựa chọn công nghệ xử lý triệt để dioxin trong đất và trầm tích phù hợp điều kiện Việt Nam và thu được kết quả bước đầu. Trên cơ sở kết quả đạt được và thực tế giám sát triển khai xử lý chất độc da cam/dioxin tại sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát, Binh chủng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, trực tiếp là Viện Hóa học - Môi trường quân sự đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu công nghệ xử lý chất độc da cam/dioxin vào thực tiễn, nhằm xử lý triệt để các khu nhiễm độc, tiết kiệm chi phí, không để môi trường không khí, đất, nước bị ô nhiễm thứ cấp. Mở rộng hợp tác thử nghiệm tại thực địa kết quả của Đề tài Nghiên cứu lựa chọn công nghệ xử lý triệt để dioxin trong đất và trầm tích phù hợp điều kiện Việt Nam”, nhằm hoàn thiện công nghệ để áp dụng rộng rãi xử lý triệt để đất, trầm tích ô nhiễm chất độc da cam/dioxin nói riêng và các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy nói chung. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ hợp tác với Tập đoàn Shimizu - Nhật Bản thử nghiệm công nghệ rửa đất và với liên danh Tập đoàn Shimizu và Công ty Terra Therm - Hoa Kỳ thử nghiệm công nghệ nhiệt xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa; phối hợp với Tập đoàn Haemers - Vương quốc Bỉ thử nghiệm công nghệ giải hấp nhiệt xử lý dioxin, v.v. Từ đó, tìm ra công nghệ xử lý dioxin phù hợp với điều kiện Việt Nam, phấn đấu đến năm 2020, xử lý, khoanh vùng chống lan tỏa 50% diện tích đất nhiễm da cam/dioxin ở các điểm nóng và đến năm 2030, hoàn thành việc xử lý triệt để tồn lưu chất độc da cam/dioxin tại các điểm nóng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân xoa dịu nỗi đau da cam/dioxin, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thiếu tướng HÀ VĂN CỬ, Tư lệnh Binh chủng
______
______________

1 - Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, đã có hàng trăm nghìn nạn nhân chết và hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo.

2 - Trong môi trường không khí, dioxin tồn tại khoảng 12 ngày; môi trường nước, dioxin tồn tại khoảng 150 ngày; trong đất và trầm tích, dioxin tồn tại khoảng 100 năm.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.