QPTD -Thứ Sáu, 09/01/2015, 08:29 (GMT+7)
An Giang thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh

Nhận thức đúng mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang đã làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp và nhân dân thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh An Giang tham gia làm đường xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: qdnd.vn)

An Giang là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của Đồng bằng Sông Cửu Long và là địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh (QP-AN) trong thế trận phòng thủ của Quân khu 9. Ý thức rõ điều đó, Tỉnh xác định cùng với việc lấy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) làm nhiệm vụ trọng tâm, phải luôn chú trọng tăng cường QP-AN, kết hợp KT-XH với QP-AN. Đây là định hướng chiến lược của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH. Theo đó, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án phát triển KT-XH của Tỉnh luôn được xây dựng gắn chặt với tăng cường QP-AN trong một thể thống nhất, đảm bảo mỗi bước phát triển KT-XH là một bước tăng cường tiềm lực QP-AN và ngược lại, QP-AN được tăng cường là tiền đề vững chắc để giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho KT-XH phát triển bền vững. Vì vậy, những năm qua, mặc dù trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực và trong nước phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng An Giang vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể; QP-AN được tăng cường, chủ quyền biên giới, lãnh thổ được giữ vững.

Để có được kết quả quan trọng đó, trước hết, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) Tỉnh luôn chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án quan trọng, như: Nghị quyết 01-NQ/TU của Tỉnh ủy về lãnh đạo tăng cường QP-AN kết hợp với phát triển KT-XH giai đoạn 2011 - 2015; Chương trình hành động 23-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Đề án xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT); Đề án phát triển KT-XH vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc; Đề án án xây dựng cơ sở chính trị nòng cốt trong phòng, chống chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, v.v. Trong đó, Nghị quyết 01-NQ/TU của Tỉnh ủy xác định rõ: “Kết hợp phát triển KT-XH gắn với củng cố QP-AN phải chặt chẽ, đồng bộ, bảo đảm cho KT-XH không ngừng phát triển toàn diện, QP-AN luôn vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, đủ sức đối phó với các tình huống xảy ra”. Để thực hiện tốt chủ trương này, Tỉnh đã triển khai xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của Tỉnh đến năm 2020. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long của Chính phủ và quy hoạch của Tỉnh, Bộ CHQS Tỉnh đã tiến hành khảo sát, điều tra, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan đánh giá tác động, ảnh hưởng đối với QP-AN để kịp thời tham mưu cho Tỉnh, nhằm bổ sung hoàn thiện, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch quốc phòng, quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong KVPT, bảo đảm tốt cả mục tiêu KT-XH và QP-AN. Đối với các dự án lớn, liên vùng, nhất là đối với những khu vực nhạy cảm, có yếu tố nước ngoài, Bộ CHQS Tỉnh chủ động xin ý kiến Quân khu, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, tham mưu cho Tỉnh “đúng, trúng, hiệu quả”, bảo đảm không chạy theo kinh tế đơn thuần, song cũng không để bỏ lỡ cơ hội đầu tư, phát triển. Các quy hoạch đó được Tỉnh xem xét bổ sung, điều chỉnh, thực hiện có lộ trình phù hợp với sự phát triển của từng ngành, địa phương trong từng giai đoạn.

Để đảm bảo an ninh lương thực và chuẩn bị nguồn lực hậu cần tại chỗ phục vụ dự trữ chiến lược cho KVPT, Bộ CHQS Tỉnh đã phối hợp với các ngành tham mưu cho Tỉnh phát huy thế mạnh nông nghiệp, nuôi trồng, chế biến nông - lâm - thủy sản, đẩy mạnh chương trình “3 giảm, 3 tăng”1, “1 phải, 5 giảm”2; quy hoạch, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”, khu nuôi trồng, chế biến tập trung,… tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất lớn, nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng sản lượng nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục ưu tiên quy hoạch, xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện đường giao thông, khơi thông các tuyến kênh huyết mạch, kênh nội đồng, vừa đảm bảo thủy lợi phục vụ nông nghiệp, vừa là đường cơ động lực lượng khi có tình huống QP-AN. Công tác trồng rừng trên các thân đê, khu vực rừng nghèo, núi trọc và bảo vệ, phát triển các khu rừng tràm hiện có, như: Tân Tuyến, Tà Đảng, Trà Sư, Vĩnh Tế, Vĩnh Châu,… nhằm cải thiện môi trường, phát triển du lịch, tạo thế liên hoàn từ biên giới đến đồng bằng, rừng núi, đảm bảo yếu tố bí mật trong bố trí, cơ động lực lượng KVPT.

Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Tỉnh tích cực thực hiện các biện pháp thu hút đầu tư, xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tăng cường đầu tư phát triển sản xuất. Tập trung huy động vốn từ các nguồn lực xã hội để hoàn thiện các khu công nghiệp, các làng nghề truyền thống, phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu, như: cơ khí, đóng mới, sửa chữa tàu, thuyền, may mặc, chế biến thực phẩm, v.v. Trên cơ sở đó, Tỉnh đầu tư phát triển các khu công nghiệp lớn, như: Bình Hòa, Bình Long, thị trấn Tịnh Biên,… kết hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động địa phương, xóa đói giảm nghèo, vừa đào tạo chuẩn bị nguồn nhân lực và sẵn sàng chuyển đổi dây chuyền sang phục vụ nhu cầu QP-AN và tăng cường thế trận của KVPT Tỉnh.

Cùng với đó, Bộ CHQS Tỉnh còn làm tốt công tác tham mưu cho địa phương trong công tác quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới gắn với quy hoạch, từng bước hoàn thiện sở chỉ huy các cấp, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, khu vực đảm bảo hậu cần - kỹ thuật, hình thành thế trận liên hoàn, có chiều sâu, tiện chỉ huy, cơ động, đáp ứng tốt cho nhiệm vụ quốc phòng. Tỉnh chỉ đạo tập trung xây dựng phát triển tại các khu vực trọng yếu, như: thành phố Long Xuyên, Châu Đốc, khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên, Vĩnh Xương, Long Bình. Đồng thời, tiếp tục đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh tuyến lộ 943, 941, 948, đường tuần tra biên giới, đường Hồ Chí Minh,… đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và bảo đảm cơ động trong KVPT Tỉnh. Cùng với đó, Bộ CHQS Tỉnh tham mưu cho UBND Tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh phong trào “xây dựng nông thôn mới” gắn với xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh toàn diện, xây dựng làng, xã vững mạnh về QP-AN trong KVPT Tỉnh, huyện. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện 245 cụm, tuyến dân cư vượt lũ; quy hoạch 05 cụm dân cư dọc tuyến biên giới ở các xã: Lạc Quới, Nhơn Hưng, Vĩnh Ngươn, Nhơn Hội, Vĩnh Xương, bảo đảm việc điều tiết, phân bố dân cư trong KVPT; tập trung đầu tư kiên cố, hiện đại hóa hệ thống bệnh viện, trường học, bưu chính - viễn thông, hoàn chỉnh mạng lưới cấp điện, nước sạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, an sinh xã hội và phục vụ tốt nhiệm vụ QP-AN.

Để thực hiện chức năng vừa làm tham mưu, vừa là cơ quan chủ trì phối hợp và trực tiếp tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng KVPT, cụ thể hóa một phần cơ bản nhiệm vụ kết hợp phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN, Bộ CHQS Tỉnh tập trung chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng (QS,QP) địa phương. Là tỉnh biên giới, An Giang là địa bàn mà các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá, do đó Bộ CHQS Tỉnh đặc biệt coi trọng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ QP-AN, nhất là đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Năm 2014, Tỉnh cử 90 cán bộ đối tượng 1 và 2 đi bồi dưỡng kiến thức QP-AN; cơ quan quân sự các cấp tổ chức bồi dưỡng cho gần 7.000 cán bộ đối tượng 3, 4, 5; riêng đối tượng chức sắc, chức việc tôn giáo là 472 người.

Bộ CHQS Tỉnh cũng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương vững mạnh toàn diện, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ QS,QP địa phương. Những năm qua, công tác huấn luyện chiến đấu của LLVT Tỉnh không ngừng nâng cao, theo hướng thiết thực, sát với yêu cầu nhiệm vụ, đối tượng tác chiến, địa bàn sông nước. Trong diễn tập KVPT cấp tỉnh, cấp huyện, Tỉnh chỉ đạo tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, bảo đảm vận hành đúng cơ chế, sát tình huống và tình hình địa bàn. Lực lượng dự bị động viên được coi trọng xây dựng; thực hiện tốt các khâu từ tạo nguồn, đăng ký, quản lý, sắp xếp, huấn luyện đến việc bảo đảm chế độ, chính sách. Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, có số lượng, cơ cấu, thành phần hợp lý, chất lượng cao, nhất là chất lượng chính trị, khả năng sẵn sàng chiến đấu. Hằng năm, 100% đơn vị dân quân tự vệ hoàn thành nội dung huấn luyện theo quy định, kết quả đạt khá. Cùng với đó, Bộ CHQS Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị gắn huấn luyện với công tác dân vận, xây dựng nông thôn mới, tham gia xóa đói giảm nghèo; thực hiện có hiệu quả Đề án phòng thủ dân sự trong phòng, chống thiên tai, bão lũ, cháy nổ, cháy rừng,… bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Bộ CHQS Tỉnh thường xuyên phối hợp với lực lượng công an, kiểm lâm, quản lý thị trường,… trong nắm bắt tình hình, chủ động xử lý các tình huống, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, các tệ nạn xã hội xuyên biên giới, chống thất thu thuế, tạo điều kiện để KT-XH phát triển thuận lợi.

Trong thời gian tới, tỉnh An Giang sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững. Đồng thời, quá trình phát triển kinh tế luôn chú trọng gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN, đặc biệt là an ninh biên giới; duy trì quan hệ hữu nghị với các tỉnh láng giềng khu vực biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng LÊ HOÀNG PHÚC, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Tỉnh
________________________

1 - 3 giảm: giảm giống, giảm thuốc trừ sâu, giảm phân vô cơ; 3 tăng: tăng năng suất, tăng chất lượng lúa và tăng hiệu quả kinh tế.

2 - 1 phải: phải sử dụng giống xác nhận; 5 giảm: giảm lượng giống, giảm phân đạm, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.