Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:02 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh là chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước ta. Đối với An Giang - địa bàn biên giới, giữ vị trí trọng yếu trong thế phòng thủ chung của Quân khu 9 và khu vực phía Nam nên việc kết hợp đó càng có ý nghĩa quan trọng, được Tỉnh tập trung thực hiện, với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp.
An Giang là tỉnh biên giới, thuộc miền Tây Nam Bộ, có đường biên giới dài gần 100 km tiếp giáp với Campuchia; có nhiều tuyến đường giao thông thủy, bộ, thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế; có dãy Thất Sơn hùng vĩ với nhiều hang động, điểm cao có giá trị quân sự. Nhận thức rõ điều đó, trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm của Đảng về thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Tỉnh luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, thu được kết quả tích cực.
Bám sát nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về công tác quân sự, quốc phòng, thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tham mưu giúp Tỉnh ủy xây dựng Chương trình hành động số 30-CTr/TU, ngày 24/7/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 10-NQ/TU về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, công tác đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng, an ninh giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở đó, triển khai nhiều chủ trương, giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế để phát triển cơ sở hạ tầng, khu, cụm công nghiệp và làng nghề; khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chuyển dịch nhanh hơn cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị từ cơ sở.
Tỉnh đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển đô thị; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là giao thông, thông tin, viễn thông, thủy lợi1; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp,… tạo cú hích để phát triển kinh tế, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Bằng các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, những năm gần đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19, song tốc độ tăng trưởng GRDP của Tỉnh vẫn đạt bình quân trên 5%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của địa phương. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn đạt 41%; trường học đạt chuẩn quốc gia là 48,64%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 1,0% - 1,2% năm; có 9,5 bác sĩ và 26,93 giường bệnh/01 vạn dân. Các khu công nghiệp: Bình Hòa, Bình Long, Xuân Tô và các khu kinh tế cửa khẩu: Tịnh Biên, Vĩnh Xương, Long Bình được xây dựng cơ bản hoàn thiện, có tính lưỡng dụng cao, vừa giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động trên địa bàn, tạo nguồn lực phát triển kinh tế, vừa sẵn sàng huy động chuyển sang sản xuất phục vụ quốc phòng, an ninh khi cần thiết.
Tuy nhiên, việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trong một số ngành, lĩnh vực có mặt còn bất cập; kết cấu hạ tầng tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng còn chưa toàn diện, thiếu đồng bộ; nhận thức một số cơ quan, đơn vị, địa phương về nhiệm vụ quan trọng này chưa thật đầy đủ, sâu sắc; khả năng chuyển nền kinh tế sang nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khi có tình huống ở một số địa phương cơ sở chưa cao.
Hiện nay, mặc dù kinh tế - xã hội của Tỉnh có bước phát triển khá, nhưng đời sống một bộ phận nhân dân còn gặp khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới; các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, tăng cường các hoạt động chống phá, v.v. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, An Giang chủ trương tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy địa phương; vai trò quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với củng cố quốc phòng, an ninh, tạo động lực để phát triển nhanh, bền vững.
Trước hết, tiếp tục tăng cường quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, địa phương, lực lượng vũ trang và toàn dân về sự cần thiết phải kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Quán triệt, thực hiện quan điểm “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, chặt chẽ công tác giáo dục, tuyên truyền ở tất cả các cấp với nội dung, hình thức, phương pháp phong phú, phù hợp. Trong đó, chú trọng giáo dục, bồi dưỡng làm cho đội ngũ cán bộ các cấp nhận thức sâu hơn về quan hệ mật thiết, hữu cơ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh; giữa bảo vệ và tự bảo vệ, lấy tự bảo vệ là chủ yếu, nhất là đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Để đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, cùng với quan tâm kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp, Tỉnh tích cực nghiên cứu, biên soạn, bổ sung hệ thống tài liệu cũng như đổi mới nội dung, chương trình giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng ở cơ sở, đảm bảo sát tình hình thực tiễn. Quan tâm mở rộng đối tượng tham gia giáo dục, bồi dưỡng, nhất là đối với chức sắc, chức việc các tôn giáo, chủ doanh nghiệp; chú trọng lồng ghép giáo dục, bồi dưỡng thông qua các đợt tập huấn về quốc phòng, an ninh, diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, chiến đấu phòng thủ ở xã, phường, thị trấn,… và thông qua các lễ hội, phương tiện thông tin đại chúng, v.v. Qua đó, góp phần làm cho các cấp, ngành, địa phương, lực lượng vũ trang và toàn dân hiểu rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước và Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh về mối quan hệ giữa kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh; xác định quyết tâm, trách nhiệm trong triển khai thực hiện.
Cùng với giải pháp nâng cao nhận thức, Tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp chặt chẽ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường thế trận quốc phòng, an ninh ngay từ trong quy hoạch tổng thể đến triển khai thực hiện của từng ngành, lĩnh vực. Quán triệt, thực hiện Nghị định số 164/2018/NĐ-CP, ngày 21/12/2018 của Chính phủ về kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế để phát triển kinh tế. Nhằm tạo đột phá trong phát triển, Tỉnh chủ trương lấy nông nghiệp là nền tảng, dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực; tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển dịch hợp lý từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ; tăng chất lượng, giá trị lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và du lịch; nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các chủ thể kinh tế.
Để đảm bảo mỗi bước phát triển kinh tế là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, trên cơ sở quy hoạch tổng thể về kinh tế - xã hội, Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, thẩm định, giám sát kỹ việc phân vùng, quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị mới gắn với quy hoạch quốc phòng, an ninh để điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Trong đó, chú trọng quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch và nông nghiệp; gắn quy hoạch với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng theo một kế hoạch thống nhất. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực kinh tế cho quốc phòng, an ninh; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển và quy hoạch của Tỉnh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh của cấp ủy, chính quyền các cấp, thông qua kế hoạch, chỉ tiêu, biện pháp tổ chức thực hiện. Duy trì nghiêm cơ chế lãnh đạo xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ; thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong khu vực phòng thủ, nhất là Ban Chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ; phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan Quân sự, Công an trong tham mưu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, quản lý, thẩm định các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến thế trận quân sự khu vực phòng thủ.
Cùng với đó, Tỉnh quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách với người có công; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng làng, xã, cụm làng, xã chiến đấu trong khu vực phòng thủ. Tích cực triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia về giáo dục, đào tạo, y tế, lao động, giảm nghèo bền vững tại các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Tăng cường củng cố, mở rộng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với chính quyền, lực lượng vũ trang thuộc Vương quốc Campuchia trên các lĩnh vực, nhất là hoạt động giao lưu hữu nghị truyền thống, quản lý biên giới, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối,... đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá NGUYỄN VĂN LÈO, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh _________________
1 - Từ năm 2016 đến nay, Tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn thiện 245 cụm, tuyến dân cư vượt lũ và quy hoạch xây dựng 05 cụm dân cư biên giới ở các xã: Lạc Quới, Nhơn Hưng, Vĩnh Ngươn, Nhơn Hội, Vĩnh Xương; xây dựng, nâng cấp 36 công trình kè chống sạt lở bờ sông, 378 tuyến đê bao và 570 cống đập, nạo vét 636 tuyến kênh,… góp phần tạo lập thế trận quốc phòng, an ninh ngày càng vững chắc.
An Giang,phát triển kinh tế,quốc phòng,an ninh
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng