QPTD -Thứ Hai, 10/08/2015, 17:01 (GMT+7)
70 năm giữ vững “mạch máu” Thông tin liên lạc

Binh chủng Thông tin liên lạc trải qua 70 năm xây dựng, trưởng thành. Nhân dịp này, Phóng viên Tạp chí Quốc phòng toàn dân có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Vũ Anh Văn, Tư lệnh Binh chủng. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Triển khai xe TTLL bảo đảm truyền hình cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với quân, dân Huyện đảo Trường Sa

Phóng viên: Thưa đồng chí Tư lệnh, Thông tin liên lạc là một trong những Binh chủng ra đời rất sớm của Quân đội và đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đề nghị đồng chí Tư lệnh cho biết khái quát quá trình trưởng thành, phát triển của Binh chủng trong 70 năm qua?

Thiếu tướng Vũ Anh Văn: Bắt nguồn từ công tác giao thông cách mạng của Đảng, từ trong cao trào đấu tranh vũ trang (1941 - 1945), tại căn cứ địa Việt Bắc, những cán bộ, chiến sĩ thông tin đầu tiên được Đảng giao nhiệm vụ tổ chức bảo đảm liên lạc từ Trung ương đến các cấp lãnh đạo và truyền đạt chỉ thị, mệnh lệnh, nhiệm vụ cho cấp dưới, nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân, xây dựng lực lượng cách mạng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Theo đó, ngày 07-9-1945, Phòng Thông tin liên lạc quân sự ra đời. Ngày 09-9-1945, Phòng bắt đầu triển khai mạng thông tin quân sự độc lập; đến cuối tháng 9-1945, hệ thống thông tin liên lạc quân sự đã hình thành trên phạm vi toàn quốc, bảo đảm cho lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy từ Trung ương đến hầu hết các khu, tỉnh và các đơn vị giải phóng quân. Đây là một mốc son lịch sử và ngày 09 tháng 9 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội Thông tin liên lạc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bộ đội Thông tin liên lạc vừa chiến đấu, vừa xây dựng,;bảo đảm thông tin liên lạc cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp phối hợp giữa các chiến trường; xây dựng các đại đoàn chủ lực; chỉ huy tác chiến của lực lượng vũ trang ba thứ quân, nhất là các chiến dịch, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ; đồng thời, phục vụ đấu tranh chính trị và ngoại giao,... góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân  Pháp xâm lược.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Thông tin liên lạc tích cực xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc rộng khắp, kết hợp chặt chẽ các phương thức bảo đảm thông tin: vô tuyến điện, hữu tuyến điện, quân bưu, các hình thức thông tin nhân dân,... bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, vững chắc, phục vụ cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy tác chiến trên các chiến trường, cả miền Nam và miền Bắc. Chỉ tính trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Bộ đội Thông tin liên lạc đã chuyển, nhận hàng chục ngàn bức điện, tiếp chuyển hàng triệu cuộc điện thoại, hàng trăm tấn công văn, tài liệu; trong đó có bức điện của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”. Đúng 10 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, tổ đài vô tuyến điện tiếp sức của Tiểu đoàn 4 đã truyền đi bức điện lịch sử “Bộ đội ta đã làm chủ toàn bộ thành phố Sài Gòn, ngụy quyền Dương Văn Minh đã đầu hàng vô điều kiện”.

Sau ngày thống nhất đất nước, Binh chủng tiếp quản hệ thống thông tin liên lạc thu được của địch; nghiên cứu, khai thác nhiều loại khí tài thông tin, bảo đảm thông tin liên lạc Bắc - Nam. Đồng thời, nhanh chóng chuyển hướng xây dựng hệ thống thông tin phòng thủ đất nước, từng bước hiện đại hóa trang bị, khí tài thông tin ở các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng. Trong công cuộc đổi mới, Bộ đội Thông tin liên lạc đã mạnh dạn đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, bằng nhiều giải pháp mang tính đột phá, đi trước đón đầu, tập trung xây dựng lực lượng, cải tạo và phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự theo hướng đi thẳng vào công nghệ hiện đại, tạo sự chuyển đổi căn bản về chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ghi nhận những thành tích xuất sắc của Bộ đội Thông tin liên lạc, Đảng, Nhà nước và Quân đội đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh; 59 tập thể, 36 cá nhân vinh dự được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Phóng viên: Binh chủng Thông tin liên lạc là một trong năm lực lượng được Đảng, Nhà nước, Quân đội xác định xây dựng tiến thẳng lên hiện đại. Vậy xin Tư lệnh cho biết, kết quả qua 05 năm triển khai thực hiện?

Thiếu tướng Vũ Anh Văn: Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước những thách thức mới và đặt ra yêu cầu cao đối với Binh chủng. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ IX xác định: “Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; trước tiên xây dựng lực lượng Hải quân, Phòng không - Không quân, Thông tin, Tác chiến điện tử và Trinh sát kỹ thuật hiện đại…”. Quán triệt sâu sắc tinh thần đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng đã chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Bộ Quốc phòng xây dựng “Chiến lược phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự giai đoạn 2011 - 2020”.

Để xây dựng Binh chủng tiến thẳng lên hiện đại, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng xác định tập trung hiện đại hóa phương tiện, trang bị thông tin và xây dựng con người; trong đó con người là nhân tố quyết định. Theo đó, Binh chủng đã có nhiều chủ trương, giải pháp thiết thực, đồng bộ, kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, công tác tổ chức và công tác chính sách, tạo động lực mạnh mẽ để đội ngũ cán bộ, nhân viên gắn bó, yên tâm cống hiến xây dựng Binh chủng. Trong đó, chú trọng bồi dưỡng cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Cùng với đó, công tác giáo dục, đào tạo trong các nhà trường và công tác huấn luyện chiến đấu tại các đơn vị được Binh chủng luôn coi trọng. Trong huấn luyện, quán triệt và thực hiện tốt phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc và sẵn sàng chiến đấu. Binh chủng chú trọng huấn luyện cơ bản và huấn luyện theo nhiệm vụ; huấn luyện cán bộ, chiến sĩ giỏi về thông tin truyền thống, tinh nhuệ về thông tin cơ động, làm chủ khí tài thông tin công nghệ cao; nâng cao trình độ cán bộ trong chỉ huy tham mưu tác chiến, khả năng nắm vùng mạng, quản lý điều hành mạng lưới. Binh chủng đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cán bộ, nhân viên kỹ thuật; cử hàng trăm lượt cán bộ tham gia học tập, công tác, tiếp thu công nghệ, khí tài thông tin mới ở nước ngoài, phục vụ cho các dự án thông tin. Đến nay, 100% cán bộ của Binh chủng đư­ợc đào tạo qua trư­ờng, trong đó 97,3% có trình độ cao đẳng trở lên (tăng 7,5%), sau đại học 12,8% (tăng 6,7% so với năm 2010).

Về trang bị, Binh chủng đã mạnh dạn đầu tư chiều sâu công nghệ, với lực lượng nòng cốt là Trung tâm Kỹ thuật Thông tin công nghệ cao và Nhà máy Z755. Đồng thời, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông trong và ngoài Quân đội để đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu, chế thử, sản xuất các trang bị, khí tài thông tin công nghệ cao và quy hoạch mạng lưới, trao đổi hạ tầng, từng bước vươn lên tự chủ về bảo đảm trang bị và bảo đảm kỹ thuật cho thông tin liên lạc cấp chiến dịch, chiến thuật bằng sản xuất trong nước; chủ động tư vấn cho các đơn vị thông tin toàn quân triển khai các công trình, dự án hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc quân sự, xây dựng mạng viễn thông quân sự đồng bộ, vững chắc. Tiếp tục đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống các tuyến cáp quang, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; phát triển và khai thác có hiệu quả mạng truyền số liệu quân sự, nối mạng máy tính toàn quân, làm nền tảng cho thực hiện tự động hóa chỉ huy ở các cấp; đổi mới trang bị vô tuyến điện hiện đại có tính năng thông minh, như: tự thiết lập đường truyền, nhảy tần, số hóa băng cơ sở, truyền số liệu (có truyền ảnh), điều khiển xa,… đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc trong mọi điều kiện, tình huống và có khả năng phát triển trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Mạng thông tin vệ tinh VINASAT thành phần Bộ Quốc phòng giai đoạn 1 được triển khai tích cực, đồng bộ, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm thông tin liên lạc, truyền hình cho các điểm đảo, nhà giàn, các tàu Hải quân, Cảnh sát biển, các đồn Biên phòng, trạm ra-đa phòng không - không quân,... các xe cơ động cấp chiến lược, chiến dịch, đáp ứng đầy đủ các dịch vụ thoại, truyền số liệu, truyền hình chất lượng cao. Mạng thông tin vô tuyến điện cầm tay (Radio Trunking) được triển khai và phủ sóng rộng khắp tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, bảo đảm thông tin liên lạc trong các tình huống, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và trong cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai, bão lụt. Cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng, độ ổn định, tính vững chắc của hệ thống thông tin cố định, Binh chủng tập trung đầu tư, đổi mới thông tin cơ động theo hướng hiện đại, đồng bộ; sẵn sàng bảo đảm thông tin cho sở chỉ huy dã chiến trong các tình huống đặc biệt.

Sau gần 5 năm thực hiện “Chiến lược phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự giai đoạn 2011 - 2020”, hệ thống thông tin liên lạc quân sự đã có bước phát triển mới về chất ở cả 3 cấp: chiến lược, chiến dịch, chiến thuật; cả hệ thống thông tin cố định và thông tin cơ động, tạo được thế vu hồi vững chắc và nâng cao khả năng độc lập của thông tin liên lạc quân sự, bảo đảm thông tin liên lạc “Kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn” trong mọi tình huống.

Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết rõ hơn phương hướng, giải pháp xây dựng Binh chủng trong thời gian tới?

Thiếu tướng Vũ Anh Văn: Trên cơ sở phát huy truyền thống của đơn vị 02 lần Anh hùng, trong thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh tổng hợp, chủ động, sáng tạo, xây dựng Binh chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp mang tính đột phá sau:

Một là, thường xuyên quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng Binh chủng hiện đại; phấn đấu hoàn thành “Chiến lược phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự giai đoạn 2011 - 2020”, với mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin liên lạc quân sự ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Hai là, xây dựng Binh chủng và lực lượng thông tin toàn quân vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; chủ động, nhạy bén phát hiện, phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch; làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; đưa việc “làm theo” trở thành việc làm thường xuyên, có chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các cơ quan, đơn vị. Tiến hành có hiệu quả công tác dân vận, giúp dân xóa đói giảm nghèo, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tô thắm hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, “Người chiến sĩ Thông tin ưu tú” trong lòng nhân dân. Tiếp tục điều chỉnh tổ chức biên chế lực lượng theo hướng “tinh, gọn, mạnh” đúng sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng.

Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo theo Nghị quyết 765-NQ/QUTW về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo” và Nghị quyết 86-NQ/ĐUQSTW “Về công tác giáo dục - đào tạo trong tình hình mới”. Nâng cao chất lượng xây dựng “Binh chủng học tập”, “Binh chủng điện tử”; chủ động hội nhập và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bốn là, tích cực đổi mới công tác kỹ thuật theo phương châm “Chủ động, sáng tạo, phát triển”, ưu tiên cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới. Nâng cao năng lực các trung tâm bảo đảm kỹ thuật cấp chiến lược, các cơ sở bảo đảm kỹ thuật vùng, miền, chiến dịch, chiến thuật, đảm bảo tự chủ về công tác kỹ thuật. Chủ động mở rộng hợp tác quốc tế; tích cực nghiên cứu, chế thử các trang bị thông tin đầu cuối, tiến tới chủ động bảo đảm trang bị thông tin cấp chiến dịch, chiến thuật bằng sản xuất trong nước; xây dựng các tổ bảo đảm kỹ thuật chuyên sâu, tinh nhuệ.

Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Bộ đội Thông tin liên lạc đã phát triển, trưởng thành toàn diện, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có được kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân và nhân dân cả nước cùng sự nỗ lực phấn đấu của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ Binh chủng trong suốt 70 năm qua. Đó là cơ sở nền tảng để Binh chủng hoàn thành tốt nhiệm vụ thời gian tới.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn đồng chí Tư lệnh!

Trần Thanh Phúc (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.