QPTD -Thứ Ba, 07/05/2019, 20:57 (GMT+7)
Xây dựng tỉnh Điện Biên ngang tầm với giá trị của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện lịch sử trọng đại, niềm tự hào to lớn của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên nói riêng. Phát huy giá trị lịch sử quý báu đó, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã và đang quyết tâm xây dựng Tỉnh vững mạnh về mọi mặt, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, cửa ngõ phía Tây Bắc của Tổ quốc, tiếp giáp với nước bạn Lào và Trung Quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, thực hiện toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, lập nên nhiều chiến công vang dội. Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - trận quyết chiến chiến lược, kết thúc gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp đối với nước ta, quân và dân tỉnh Điện Biên đã tích cực, chủ động phối hợp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Trong đó, Tỉnh đã hoàn thành tốt vai trò vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương trực tiếp của Chiến dịch; huy động, cung cấp 2.666 tấn gạo (vượt chỉ tiêu 64 tấn), 266 tấn thịt (vượt chỉ tiêu 43 tấn), 210 tấn rau xanh, gần 17.000 dân công, 348 ngựa thồ, 62 thuyền và hàng trăm bè, mảng tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, mở đường, xây dựng trận địa,... góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, 700 cá nhân, 47 tập thể (xã, bản) của Tỉnh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”; hàng nghìn lượt cá nhân, tập thể được tặng thưởng huân chương, huy chương và các phần thưởng cao quý. Trong dịp Kỷ niệm 50 Chiến thắng Điện Biên Phủ, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Điện Biên đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Thành phố Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao. Ảnh: dienbien.gov.vn

Phát huy truyền thống vẻ vang đó, những năm qua, nhất là từ năm 2004 đến nay, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Điện Biên đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,15%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 27,31 triệu đồng/người/năm; quốc phòng, an ninh được tăng cường; chủ quyền biên giới quốc gia được quản lý, bảo vệ vững chắc; công tác đối ngoại ngày càng được mở rộng; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới đất nước.

Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xứng đáng với giá trị lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Điện Biên tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm xây dựng Tỉnh trở thành địa phương phát triển trung bình trong vùng trung du, miền núi phía Bắc.

Trước hết, Tỉnh tập trung xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ. Hiện nay, Điện Biên vẫn là tỉnh nghèo, tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao; trong khi đó, các thế lực thù địch gia tăng chống phá bằng nhiều chiêu thức ngày càng tinh vi, xảo quyệt; hoạt động buôn lậu, di cư, dịch cư, xuất cảnh trái phép,... diễn biến phức tạp; hệ thống chính trị cơ sở còn chưa đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, quản lý địa phương, nhất là các xã vùng sâu, biên giới. Do vậy, việc xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh, có năng lực, kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các phong trào hành động cách mạng của địa phương là nội dung cấp thiết hiện nay. Để làm được điều đó, Tỉnh tập trung đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Đồng thời, đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị; xây dựng, phát huy vai trò tuyên truyền, tập hợp, vận động quần chúng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn, hội; nâng cao chất lượng tham mưu của các ban, ngành trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII); đồng thời, chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ này. Trong quá trình thực hiện, Tỉnh ưu tiên bảo đảm số lượng, chất lượng cán bộ cho cấp cơ sở, nhất là các đơn vị hành chính mới thành lập và các địa bàn trọng điểm. Về lâu dài, Tỉnh chủ trương xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút sinh viên là người của địa phương về công tác tại quê hương. Bên cạnh đó, Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và quần chúng nhân dân; tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận, nội chính; phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp, thanh tra, đặc biệt là duy trì nghiêm chế độ đối thoại dân chủ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp với nhân dân, nhằm giải quyết kịp thời, thấu đáo các vướng mắc nảy sinh. Quyết tâm đặt ra là, xây dựng hệ thống chính trị từ Tỉnh đến cấp cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, Tỉnh chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn, phát triển các giá trị lịch sử, văn hóa. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu thoát nghèo nhanh, bền vững, trước hết, Tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng các ngành kinh tế. Để có “một Điên Biên Phủ thoát nghèo hiện tại và phát triển trong tương lai”, Tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động, phát triển các thành phần kinh tế và vùng kinh tế. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Cùng với đó, Tỉnh đẩy mạnh sản xuất lương thực, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản và bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng, nhất là rừng đầu nguồn; phấn đấu đến năm 2020, tổng sản lượng lương thực đạt 260 nghìn tấn, tốc độ phát triển đàn gia súc bình quân đạt 4,85%/năm, tỷ lệ che phủ rừng đạt 45%. Về công nghiệp, tập trung đầu tư sản xuất điện, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, lâm sản, vùng nguyên liệu; nâng cao hiệu quả quản lý các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng đô thị theo Đề án phát triển hệ thống đô thị của Tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và Quy hoạch nâng cấp thành phố Điện Biên Phủ thành đô thị loại II; đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng thủy điện, năng lượng tái tạo, giao thông nông thôn, phấn đấu đến năm 2020, đưa công suất các nhà máy thủy điện lên 244 MW. Tỉnh tăng cường các biện pháp tìm kiếm, quản lý thị trường, chống hàng giả, gian lận thương mại, buôn lậu qua biên giới; gắn công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ với phát triển kinh tế cửa khẩu, mở rộng xuất khẩu nông sản, lâm sản chế biến,... khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch, đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát triển các giá trị lịch sử truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên, quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp nối, phát huy khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa và trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia,... Tỉnh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, tạo nền tảng giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Theo đó, Tỉnh chú trọng xây dựng lực lượng và thế trận trong khu vực phòng thủ; đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện, diễn tập, xây dựng lực lượng Quân sự, Công an, Biên phòng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đủ sức đối phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống quốc phòng, an ninh, trọng tâm là làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Đồng thời, chỉ đạo các các huyện, thị xã, thành phố huy động nguồn lực đầu tư xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ theo lộ trình đã xác định, bảo đảm liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu, phù hợp với khả năng kinh tế, đặc điểm địa bàn, thế trận tác chiến phòng thủ của Quân khu 2. Tổ chức điều chỉnh, bổ sung kịp thời hệ thống kế hoạch, phương án tác chiến phòng thủ, động viên quốc phòng, bảo vệ biên giới; thực hiện tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật phục vụ các nhiệm vụ. Đặc biệt, Tỉnh tiếp tục kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh; phát huy hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế quốc phòng, đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn trong xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cơ sở. Cùng với đó, Tỉnh tập trung nâng cao chất lượng thực hiện các chương trình, đề án quốc gia về phòng, chống tội phạm; chủ động phòng ngừa, đấu tranh kiềm chế, làm giảm các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma tuý và tội phạm nghiêm trọng; giải quyết có hiệu quả tình trạng dân di cư tự do, xuất cảnh trái phép.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, Tỉnh chủ trương đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đối ngoại; trong đó, tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt và hợp tác toàn diện với các tỉnh Bắc Lào; duy trì quan hệ hợp tác, trao đổi thương mại với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), các tỉnh Đông Bắc Thái Lan và các nước trong khu vực theo đúng đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Mặt khác, Tỉnh tập trung đưa công tác ngoại giao nhân dân đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả; kết hợp chặt chẽ giữa quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới với nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại. Thông qua đó, vừa thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, vừa xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, tạo môi trường thuận lợi để Tỉnh phát triển toàn diện, bền vững.

Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Điện Biên quyết tâm xây dựng Tỉnh ngày càng vững mạnh, xứng tầm với giá trị Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ cũng như niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và đồng bào, chiến sĩ cả nước.

MÙA A SƠN, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 – bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng vừa là nguyên tắc, vừa là cơ sở, nền tảng vững chắc để cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân luôn có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý chí, quyết tâm cao, có niềm tin vững chắc vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng;...