Thứ Năm, 24/04/2025, 14:06 (GMT+7)
1. Trước thất bại nặng nề, liên tiếp trên chiến trường miền Nam, nhưng với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang chiến tranh, đánh phá trở lại miền Bắc bằng nỗ lực quân sự cao nhất, nhằm gây sức ép với Chính phủ ta, buộc ta phải chấp nhận điều kiện có lợi cho Mỹ trên bàn đàm phán. Thực hiện âm mưu đó, đêm 18/12/1972, đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược đường không mang mật danh: “Linebacker II”, chủ yếu dùng máy bay chiến lược B-52 - “siêu pháo đài bay”, “thần tượng bất khả chiến bại”, ồ ạt đánh phá các tỉnh phía Bắc nước ta, trọng tâm là Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng, với tuyên bố hùng hồn “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời đồ đá”. Để thực hiện mưu đồ điên cuồng đó, trong 12 ngày đêm tập kích đánh phá, không quân Mỹ đã dội xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc hơn 80.000 tấn bom đạn. Riêng Hà Nội, Mỹ đã sử dụng 441 lượt máy bay B-52, cùng hàng nghìn lượt máy bay chiến thuật, ném hơn 10.000 tấn bom, hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga, giết hại 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác, v.v. Với đòn tập kích đường không mang tính hủy diệt này, kẻ thù hí hửng sẽ đánh sập ý chí chiến đấu của quân và dân ta, buộc ta phải ký Hiệp định Paris theo ý đồ của Mỹ.
Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng ý chí, trí tuệ, sự sáng tạo, linh hoạt, dũng cảm, kiên cường, quân, dân Hà Nội cùng các lực lượng và các tỉnh phía Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B-52 (chiếm 17,6% trong tổng số B-52 tham gia cuộc tập kích); bắt sống 43 giặc lái. Riêng quân, dân Thủ đô bắn rơi 30 máy bay Mỹ, bao gồm 25 chiếc B-52, góp phần quan trọng đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược lớn chưa từng có trong lịch sử chiến tranh của đế quốc Mỹ. Chiến thắng lừng lẫy: “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là mốc son chói lọi, bản hùng ca bất diệt trong thời đại Hồ Chí Minh và lịch sử oai hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc; tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân Hà Nội. Chiến thắng vĩ đại đó do nhiều yếu tố hợp thành; song, một trong những yếu tố quan trọng nhất là sự kết tinh ý chí, niềm tin và sức mạnh tổng hợp của quân, dân Thủ đô.
Thực vậy, thấm nhuần dự báo chính xác, tài tình, từ rất sớm (tháng 7-1965) và cũng là Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỹ có thể dùng máy bay B-52 đánh phá Hà Nội và chúng chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội”1, Thành ủy đã chủ động bám sát thực tiễn, ban hành nhiều nghị quyết tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai phát triển chiến tranh nhân dân tại Thủ đô phù hợp yêu cầu tác chiến mới. Trong đó, chú trọng xây dựng tinh thần, ý chí quyết đánh, quyết thắng, tuyệt đối nâng cao cảnh giác; chỉ đạo các ngành, các cấp huy động, chuẩn bị tốt mọi mặt, sẵn sàng đương đầu cuộc tập kích đặc biệt ác liệt này; v.v. Để giảm thiểu thiệt hại, tạo điều kiện tốt nhất cho bộ đội chủ lực, nhất là Bộ đội Phòng không - Không quân cùng dân quân, tự vệ Hà Nội bám trụ chiến đấu, Thành ủy chỉ đạo quyết liệt công tác sơ tán. Hội đồng Phòng không Thành phố khẩn trương chỉ đạo các khu phố, cơ quan, xí nghiệp, trường học sơ tán nhân dân bằng mọi hình thức, phương tiện, từ cơ giới đến thô sơ. Các cụ già, em nhỏ tạm rời Thành phố; máy móc, trang thiết bị kỹ thuật của các nhà máy, xí nghiệp nhanh chóng di chuyển đến các tỉnh lân cận. Tính đến giữa năm 1972, các huyện ngoại thành đã đón khoảng 50 vạn người cùng 1.200 cơ quan, trường học, nhà máy của Trung ương và Thành phố. Đây là lần sơ tán lớn nhất, triệt để nhất kể từ khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, tạo kỳ tích mới trong lịch sử.
Với tinh thần triệu người như một, đoàn kết - hiệp đồng, quyết chiến - quyết thắng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, trong thời gian ngắn, quân, dân Thủ đô đã hoàn thành khối lượng công việc vô cùng lớn, xây dựng Hà Nội thành trận địa tương đối vững chắc, sẵn sàng đánh địch từ nhiều hướng. Thành phố đã xây dựng hệ thống hào giao thông dài trên 45.000 km, 5.600 hầm tập thể, hơn 63 vạn hố cá nhân, đủ chỗ trú ẩn cho 90 vạn người, tạo nên hệ thống áo giáp bảo vệ, che chắn cho cả nhân dân và lực lượng vũ trang bám trụ chiến đấu. Do đặc thù địa bàn tác chiến đô thị, có nhiều công trình kiến trúc, nhà cao tầng,... hứng chịu bom đạn địch đánh phá cường độ lớn,… Thành phố chủ động thành lập lực lượng cứu sập, cứu hỏa với hàng trăm máy ủi, cần cẩu, xe chữa cháy; chuẩn bị 1.202 điểm và tổ cấp cứu, 266 cơ sở cấp cứu điều trị, 64 đội cấp cứu lưu động, 11 đội phẫu thuật cơ động,… tổ chức thành nhiều tuyến, phục vụ chặt chẽ từ trận địa đến trung tuyến, hậu tuyến, sẵn sàng ứng cứu, cấp cứu kịp thời khi có tình huống. Đặc biệt, Thành ủy đã lãnh đạo quân, dân Thủ đô phát huy cao độ truyền thống đánh giặc của ông cha, thực hiện phương châm “mỗi người dân là một chiến sĩ”, tập trung xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang nhân dân lên một bước mới, nhất là lực lượng phòng không nhân dân (cả trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu). Trước khi bước vào đương đầu với địch, Hà Nội đã có khoảng 54.000 chiến sĩ, trên 500 súng trung liên, đại liên, bố trí khắp Thành phố với 295 trận địa, tập trung nhiều trên các hướng dự kiến máy bay địch tiếp cận đánh phá, cùng các đơn vị pháo cao xạ tại từng khu phố, sẵn sàng phối hợp với lực lượng Phòng không quốc gia và phòng không nhân dân các tỉnh lân cận, tạo nên hệ thống phòng không ba thứ quân trong thế trận chiến tranh nhân dân dày đặc, khép kín, nhiều tầng, nhiều lớp. Do đó, mặc dù chúng dùng hàng trăm lượt “siêu pháo đài bay” B-52 cùng hàng nghìn máy bay khác, nhiều tàu sân bay, tàu chiến hiện đại điên cuồng đánh phá, quân, dân Thủ đô vẫn hoàn toàn chủ động, không bị bất ngờ; sẵn sàng, tự tin bước vào cuộc chiến đấu với tinh thần quyết chiến, quyết thắng.
Sự kết tinh ý chí, niềm tin và sức mạnh tổng hợp của quân, dân Thủ đô còn thể hiện rõ trong việc vận dụng sáng tạo cách đánh, kiên cường bám trụ chiến đấu, tiêu diệt nhiều máy bay địch, góp phần quan trọng vào thắng lợi quyết định. Để chiến đấu hiệu quả, quân, dân Hà Nội phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, thế trận phòng không nhân dân vững chắc, chủ động, sáng tạo, khéo léo vận dụng nghệ thuật quân sự độc đáo Việt Nam vào tổ chức và thực hành chiến đấu. Cách đánh máy bay Mỹ, nhất là máy bay chiến lược B-52 đã được các lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân chủ động nghiên cứu, huấn luyện, phổ biến rộng khắp được quân, dân Hà Nội vận dụng phù hợp đặc điểm tác chiến trên bầu trời Hà Nội, v.v. Bằng tinh thần cảm tử bảo vệ trái tim thân yêu của cả nước, các lực lượng và nhân dân Thủ đô kiên cường bám trụ địa bàn, trận địa suốt quá trình chiến đấu, kể cả trong những thời điểm, tại những địa điểm, khu vực bị đánh phá vô cùng khốc liệt, như: phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, khu tập thể An Dương, ga Yên Viên, v.v. Hệ thống quan sát phát hiện địch từ xa được tổ chức chặt chẽ, tạo nên hệ thống “mắt thần” trên tất cả các hướng Thủ đô, kịp thời thông báo, báo động cụ thể tình hình địch, nhất là loại máy bay, hướng bay, cự ly,… để nhân dân chủ động trú ẩn, bảo đảm an toàn, các lực lượng chiến đấu sẵn sàng đón đánh, lựa chọn phương pháp tiêu diệt, v.v. Để phát huy tối đa tính năng kỹ thuật, chiến thuật của vũ khí, nâng cao hiệu quả chiến đấu, các đơn vị phòng không Thủ đô linh hoạt điều chỉnh, chuyển hóa thế trận, nhất là tận dụng tối đa nhà cao tầng, đưa trận địa lên cao, tiện cho cả quan sát và lựa chọn cách đánh phù hợp, hiệu quả, v.v.
Với ý chí quyết đánh, quyết thắng, quân, dân Thủ đô hiệp đồng chặt chẽ cùng các lực lượng, hệ thống “lưới lửa” phòng không nhân dân, tạo thế trận “thiên la, địa võng”, góp phần tiêu diệt nhiều máy bay địch; số B-52 bị tổn thất lớn chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh của Mỹ. Trong hồi ký của mình, Tổng thống Nixon đã viết: nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B-52 quá nặng nề. Từ thất bại thảm hại đó, đế quốc Mỹ phải dừng ngay cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận ngồi vào đàm phán, buộc phải ký Hiệp định Paris (ngày 27/01/1973), rút quân về nước, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Thắng lợi đặc biệt quan trọng đó đã hun đúc thêm tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng, mở ra thời cơ thuận lợi chưa từng thấy để quân, dân ta tiến hành phản công, tiêu diệt ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
2. Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là nguồn cổ vũ, động viên to lớn, làm nức lòng nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc hướng về Hà Nội - trái tim của cả nước với niềm kiêu hãnh, tự hào. Bạn bè năm châu đã chuyển từ chỗ hồi hộp, lo âu trước cuộc đụng đầu lịch sử đến vui mừng ngợi ca: Hà Nội - Thủ đô của phẩm giá con người, Việt Nam là lương tri của thời đại, v.v. Đây không những là minh chứng hùng hồn về bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm, sự sáng tạo tuyệt vời của quân và dân ta, mà còn là bài học thực tiễn giá trị để tiếp tục minh chứng về đường lối tiến hành chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy cao độ lòng yêu nước của mỗi người dân để tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược cho dù chúng có vũ khí, trang bị phương tiện kỹ thuật chiến tranh hiện đại đến đâu đi chăng nữa.
Phát huy tinh thần và những bài học kinh nghiệm quý từ Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, 50 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô không ngừng nỗ lực, phấn đấu xây dựng và phát triển. Đặc biệt, sau hơn 35 năm Thủ đô cùng đất nước thực hiện sự nghiệp đổi mới đã đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần tạo nên cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế chưa từng có của đất nước. Khát vọng của nhân dân về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, về xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh từng bước được hiện thực hóa.
Đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, tận dụng lợi thế, vượt qua khó khăn thách thức, nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, v.v. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị Thành phố trong sạch, vững mạnh; phát huy trí tuệ, đoàn kết, thống nhất, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Thủ đô trong tình hình mới. Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt, triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, liên thông, hiệu lực, hiệu quả gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng và cơ chế, chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước, nhất là ở cấp cơ sở. Thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp, phát huy trách nhiệm cá nhân. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có năng lực, trình độ cao, chuyên nghiệp, có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển Thủ đô. Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế; thực hiện tốt cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung theo quy định. Tiếp tục đổi mới hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng, năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và các tổ chức quần chúng; xây dựng, củng cố khối đoàn kết toàn dân, mở rộng, phát huy dân chủ trong Đảng và toàn xã hội, phát huy vai trò nhân dân vừa là trung tâm, chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng các thành tựu trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.
Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng lực lượng thường trực theo hướng “tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt”; lực lượng dự bị động viên hùng hậu, đủ số lượng, chất lượng cao; lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp. Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, xây dựng vững chắc “thế trận lòng dân”; đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; chú trọng xây dựng các công trình có tính lưỡng dụng cao. Thẩm định chặt chẽ các chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế, đầu tư nước ngoài tại khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh; bảo đảm phát triển kinh tế Thủ đô với quy hoạch tổng thể bố trí thế trận quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ, v.v.
Cùng với đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng Công an Thủ đô vững mạnh, làm nòng cốt trong đảm bảo an ninh; thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động phương án ứng phó kịp thời, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Bảo đảm tuyệt đối an toàn các mục tiêu, sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn, tạo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước. Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, các đối tượng cơ hội chính trị phản động. Tăng cường rà soát, triệt phá các loại tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, duy trì môi trường an ninh, an toàn cho Thủ đô phát triển.
Thắng lợi của quân, dân Hà Nội trong đối đầu cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ cuối năm 1972 không những là minh chứng hùng hồn về bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm, sự sáng tạo tuyệt vời của Đảng bộ, quân, dân Thủ đô, mà còn là bài học lịch sử có giá trị để tiếp tục vận dụng vào xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trong tình hình mới.
ĐINH TIẾN DŨNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội _________________
1 - Hồi ký của Thượng tướng Phùng Thế Tài, Tạp chí Lịch sử quân sự, tháng 12/1987.
“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”,sự kết tinh ý chí,niềm tin,sức mạnh tổng hợp
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - giá trị dân tộc và thời đại 28/12/2022
“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - nửa thế kỷ nhìn lại 28/12/2022
Xây dựng Sư đoàn 361 vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ 28/12/2022
Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 26/12/2022
Phát huy bài học công tác tư tưởng trong chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 26/12/2022
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - sự hội tụ và phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam 25/12/2022
Phát huy nghệ thuật bảo đảm kỹ thuật Chiến dịch phòng không cuối năm 1972 trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 24/12/2022
Bảo đảm Giao thông Vận tải trong Chiến dịch phòng không năm 1972 và bài học đối với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc 23/12/2022
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và yêu cầu mới đối với Bộ đội Phòng không - Không quân 21/12/2022
Sức mạnh chính trị tinh thần của quân và dân ta trong Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 20/12/2022