QPTD -Thứ Bảy, 24/12/2022, 14:19 (GMT+7)
Phát huy nghệ thuật bảo đảm kỹ thuật Chiến dịch phòng không cuối năm 1972 trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Thắng lợi của Chiến dịch phòng không cuối năm 1972 đánh dấu bước phát triển vượt bậc về nghệ thuật tác chiến phòng không, không quân Việt Nam, trong đó có nghệ thuật bảo đảm kỹ thuật. Những bài học về nghệ thuật quân sự đó vẫn giữ nguyên giá trị và là kinh nghiệm quý để chúng ta vận dụng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Sau những thất bại nặng nề trên khắp các chiến trường ở Việt Nam, nhất là thất bại của chiến dịch Linebacker I, đế quốc Mỹ buộc phải tuyên bố dừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, nhưng vẫn rắp tâm chuẩn bị cho cuộc tiến công mới. Về phía ta, với nhãn quan chính trị sắc bén, sự phân tích, dự báo khoa học và tinh thần cảnh giác cao, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã nhận định: khả năng cao địch sẽ tiếp tục đánh phá trở lại miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, kể cả việc sử dụng B-52 để đánh phá Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác. Quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và trên cơ sở nắm chắc tình hình, bám sát đặc điểm, nhiệm vụ chiến đấu của các lực lượng, cùng với chuẩn bị đầy đủ, chu đáo về mọi mặt, Quân chủng Phòng không - Không quân đã chủ động đi trước một bước trong tổ chức chuẩn bị kỹ thuật đồng bộ ở tất cả các cấp, phục vụ tác chiến quy mô lớn, liên tục, dài ngày. Trọng tâm là điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện Kế hoạch bảo đảm kỹ thuật, kiện toàn lực lượng, bố trí lại hệ thống kho tàng, trạm, xưởng ở khu vực phía Bắc, nhất là xung quanh Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, tạo lập thế trận kỹ thuật phù hợp với kế hoạch tác chiến. Đồng thời, tích cực nghiên cứu cải tiến khí tài tên lửa, kỹ thuật chống nhiễu mục tiêu; bổ sung vật chất kỹ thuật, lượng dự trữ đạn dược ở các cấp, các khu vực, bảo đảm có trọng điểm, chiều sâu, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu tác chiến của các lực lượng.

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 1216/BTL, ngày 03/11/1972 của Bộ Tư lệnh Quân chủng về công tác bảo đảm kỹ thuật và đạn dược, ngành Kỹ thuật Quân chủng và các đơn vị đã nỗ lực tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa hỏng hóc các loại xe máy, khí tài tên lửa, máy bay. Đồng thời, cấp mới đồng bộ 04 bộ đài điều khiển, 02 dây chuyền lắp ráp đạn tên lửa cho Trung đoàn 274; 01 bộ đài điều khiển tên lửa cho Sư đoàn 363; 01 xe thu phát, 01 xe tính toán, 01 bộ anten, 02 bệ phóng, 34 máy nổ, 06 bộ rađa П-12; đổi 03 đài rađa П-12, 80 máy đo cho các đơn vị ở Hà Nội, Hải Phòng, nâng cao hiệu suất chiến đấu của vũ khí, trang bị. Đến ngày 15/12/1972, 100% khí tài các tiểu đoàn tên lửa đều sẵn sàng chiến đấu; có từ 95% đến 100% khí tài pháo phòng không có tình trạng kỹ thuật tốt; rađa cảnh giới dẫn đường tốt đạt 87%, máy bay phản lực tốt đạt 70%. Về đạn tên lửa, các trung đoàn tên lửa đã chuẩn bị sẵn sàng đủ đạn chiến đấu (ở Hà Nội là 2,16 cơ số; ở Hải Phòng là 1,8 cơ số); đạn pháo phòng không, bình quân mỗi đại đội có 06 - 08 cơ số. Lực lượng không quân tiêm kích phát triển nhanh thành 04 trung đoàn, đủ máy bay chiến đấu MiG-17, MiG-19 và MiG-21 (MiG-21 là máy bay tiêm kích được chọn để đánh B-52).

Đưa tên lửa phòng không vào bệ phóng

Cùng với làm tốt công tác chuẩn bị, ngành Kỹ thuật Quân chủng tích cực tham mưu với trên và chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị sử dụng đạn đã qua sửa chữa, đạn quá niên hạn; đẩy mạnh nghiên cứu cải tiến quy trình, công đoạn sửa chữa, lắp ráp đạn; đồng thời, tăng cường lực lượng, tăng ca làm việc tại các dây chuyền lắp ráp đạn, tăng số lượng đạn tên lửa, đáp ứng yêu cầu Chiến dịch. Với ý chí quyết chiến, quyết thắng và lòng dũng cảm, không sợ hy sinh, gian khổ, công tác tổ chức, bảo đảm kỹ thuật của Quân chủng trong Chiến dịch phòng không tháng 12/1972 đã có bước phát triển vượt bậc, giải quyết thành công nhiều vấn đề về tổ chức chuẩn bị và thực hành bảo đảm kỹ thuật,… với nhiều biện pháp, phương án bảo đảm linh hoạt, sáng tạo, góp phần đảm bảo cho Quân chủng phát huy vai trò lực lượng nòng cốt, cùng với quân và dân ta đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ, lập nên chiến thắng vang dội, có ý nghĩa lịch sử - “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) sẽ là cuộc chiến tranh hiện đại, đối tượng tác chiến trên mặt trận đối không có sự phát triển cả về quy mô lực lượng, vũ khí, trang bị,  phương thức tiến hành, tác động trực tiếp đến mọi hoạt động tác chiến phòng không của ta, trong đó có hoạt động bảo đảm kỹ thuật. Kế thừa, phát triển những bài học kinh nghiệm về công tác bảo đảm kỹ thuật Chiến dịch phòng không tháng 12/1972 trong điều kiện mới của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo đảm cho tác chiến đối không trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử rộng khắp, Quân chủng cần tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn, đẩy mạnh triển khai các biện pháp xây dựng tiềm lực, thế trận kỹ thuật cùng các phương án bảo đảm, đáp ứng cho Quân chủng xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống cả trong thời bình và thời chiến.

Trước hết, đẩy mạnh thực hiện tổ chức, xây dựng lực lượng kỹ thuật “tinh, gọn, mạnh”. Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức lại lực lượng hậu cần, kỹ thuật các cấp có cơ cấu và quân số hợp lý; giảm đầu mối chỉ huy, quản lý, tăng lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ và cân đối các nhóm nhân viên chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm gọn tổ chức, tinh nhuệ, hoạt động hiệu quả. Quá trình triển khai, các cơ quan, đơn vị quan tâm làm tốt công tác tư tưởng, xây dựng kế hoạch chặt chẽ, sắp xếp nhân sự hợp lý, bảo đảm tính vững chắc trong lãnh đạo, chỉ huy và tổ chức thực hiện.

Cùng với đó, Quân chủng coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật phù hợp với định hướng trang bị kỹ thuật của Quân chủng đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Thực hiện phương châm đi trước, đón đầu trong mua sắm trang bị và đào tạo chuyên sâu, thời gian tới, Quân chủng tích cực đề xuất với Bộ Quốc phòng cử cán bộ đi học tập chuyên sâu về công nghệ cao, kỹ sư thiết kế chế tạo, kỹ sư khai thác sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật mới ở nước ngoài, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, làm chủ được công nghệ mới, tiên tiến, từng bước giải quyết số thiếu, mất cân đối, chuẩn bị đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật cho nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

Hai là, tích cực huy động nguồn lực đầu tư củng cố, nâng cấp cơ sở kỹ thuật, điều chỉnh bổ sung quy hoạch, thế bố trí chiến lược hệ thống kho, trạm, xưởng, tạo lập thế trận bảo đảm kỹ thuật liên hoàn, vững chắc. Căn cứ vào tổ chức, biên chế, lộ trình phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật và quyết tâm tác chiến đã được phê duyệt, Quân chủng tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, quy hoạch lại hệ thống cơ sở kỹ thuật theo hướng tập trung, tránh dàn trải, phù hợp đặc điểm công nghệ, phương thức bảo đảm kỹ thuật; trọng tâm là các cơ sở sửa chữa cấp chiến lược, chiến dịch, tiến tới chuyên môn hóa sản xuất, sửa chữa vật tư, linh kiện, phụ tùng thay thế. Để đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, Quân chủng tích cực huy động các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án 08-KT về quy hoạch các cơ sở sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật của Quân chủng; Đề án KA-10 về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống kho vũ khí, trang bị kỹ thuật giai đoạn 2020 - 2025 và các năm tiếp theo. Đẩy nhanh tiến độ điều chuyển, xây dựng, củng cố, nâng cấp các cơ sở bảo đảm kỹ thuật theo hướng chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là vũ khí, trang bị kỹ thuật mới theo vùng tác chiến. Tích cực làm mới, củng cố, nâng cấp nhà che khí tài, nhà che xe máy; củng cố, nâng cấp các nhà kho phương tiện sát thương hàng không, đạn dược, vũ khí bộ binh, kho vật tư kỹ thuật, kho khí tài. Bổ sung trang bị, dụng cụ, từng bước thực hiện cơ giới hóa trong kho để nâng cao chất lượng và điều kiện cất giữ; đồng thời, ưu tiên cho bổ sung phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho các sân bay; củng cố các hệ thống chống sét, tường rào, ụ chống nổ lây bảo đảm an toàn kho. Quan tâm đầu tư củng cố, nâng cao năng lực công nghệ cho các cơ sở sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là nâng cao chất lượng sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật tại các nhà máy; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện quy trình công nghệ, tăng cường kiểm soát kỷ luật công nghệ. Củng cố, kiện toàn hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm, duy trì và thực hiện nghiêm túc theo tiêu chuẩn xuất xưởng của vũ khí, trang bị kỹ thuật. Đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật theo phân cấp, phấn đấu từng bước làm chủ công nghệ sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, công nghệ cao.

Ba là, đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá về công tác huấn luyện kỹ thuật, nâng cao khả năng khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có và nghiên cứu khoa học, công nghệ. Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng công tác huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo, Quân chủng tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp huấn luyện kỹ thuật phù hợp với nhiệm vụ, vũ khí, trang bị; nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo nhân viên chuyên môn theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, giỏi chức trách được giao và biết nhiều chức trách, có khả năng làm việc nhóm; tập trung vào khai thác, bảo đảm cho trang bị mới và tổ chức bảo đảm trong một số tình huống tác chiến cụ thể. Tăng cường huấn luyện, luyện tập, diễn tập theo các phương án, kế hoạch bảo đảm kỹ thuật trong tác chiến; huấn luyện hành động của chỉ huy cơ quan, cán bộ, nhân viên kỹ thuật các cấp trong chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, cơ động, phối hợp, hiệp đồng với kỹ thuật các đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ.

Các cơ quan, đơn vị, nhà trường đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong toàn thể cán bộ, nhân viên, chiến sĩ. Quá trình triển khai, chú trọng đến mục tiêu, hiệu quả và tính thực tiễn của các đề tài nghiên cứu, gắn kết quả nghiên cứu với yêu cầu bảo đảm kỹ thuật của Quân chủng. Thường xuyên tổ chức phổ biến thông tin khoa học; ứng dụng, áp dụng các sản phẩm của đề tài phục vụ cho mục đích bảo đảm kỹ thuật. Xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, cơ sở đào tạo và các đơn vị, nhà máy trong toàn Quân chủng. Tích cực ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ, các thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật mới với cải tiến, hiện đại hóa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật cũ, nâng cao hiệu suất chiến đấu.

Bốn là, đẩy nhanh tiến độ mua sắm vũ khí, trang bị mới và hiện đại hóa vũ khí, trang bị khí tài hiện có. Hiện nay, nền kinh tế, tiềm lực khoa học, công nghệ nước ta tuy có bước phát triển, nhưng chưa đủ mạnh so với yêu cầu đặt ra nên nhiều loại vũ khí, trang bị khí tài phải nhập khẩu. Tuy nhiên, ngay trong một lúc phải mua một số lượng lớn các loại vũ khí, trang bị khí tài đủ khả năng đánh địch ở các tầng và mọi hướng là rất khó khăn. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Quân chủng tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn chỉnh quy hoạch, kế hoạch mua sắm, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, bảo đảm đủ để duy trì và nâng cao khả năng chiến đấu và chiến đấu dài ngày. Quá trình triển khai, các cơ quan, đơn vị tích cực nghiên cứu, khảo sát tìm đối tác tin cậy thực hiện mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, bảo đảm khai thác có hiệu quả đến hết vòng đời của trang bị; phát huy hiệu quả Đề án 324-KT về bảo đảm ngân sách kỹ thuật giai đoạn 2021 - 2030 cho vũ khí, trang bị kỹ thuật mua sắm từ năm 2001 đến nay. Gắn việc mua sắm vũ khí trang bị với huấn luyện chuyển loại, bảo đảm vật tư kỹ thuật, đầu tư công nghệ từ đơn vị trực tiếp sử dụng đến các cơ sở kỹ thuật (nhà máy, kho tàng, che đậy,...) phù hợp với đặc điểm, phương thức bảo đảm của từng loại trang bị để vừa giữ gìn bảo quản, sử dụng lâu dài, vừa sẵn sàng chiến đấu cao. Tiếp tục nghiên cứu đề xuất phương thức bảo đảm kỹ thuật cho một số loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới; thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng các dự án sửa chữa nâng cấp, cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật đang triển khai; nghiên cứu, lựa chọn và đề xuất với Bộ Quốc phòng để cải tiến, nâng cấp thêm một số loại vũ khí, trang bị kỹ thuật khác phù hợp với quy hoạch sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật của Quân chủng theo từng giai đoạn.

Năm là, chủ động bảo đảm vật tư kỹ thuật, nhất là vật tư cho vũ khí, trang bị khí tài mới. Hiện nay và những năm tới, tình hình thế giới, khu vực và quan hệ quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nên việc tìm đối tác để mua sắm, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật cũng rất khó khăn. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu bảo đảm kỹ thuật một cách cơ bản, vững chắc, Quân chủng chủ trương tập trung nguồn lực, thực hiện nghiêm các nội dung bảo đảm kỹ thuật, trang bị cho các nhiệm vụ tác chiến; các trang bị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, biển, đảo và các nhiệm vụ diễn tập, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, v.v. Đồng thời, tích cực tạo nguồn bảo đảm vật tư thường xuyên, nhất là vật tư cho vũ khí, trang bị kỹ thuật mới. Trước mắt, Quân chủng tập trung nghiên cứu đề xuất sửa đổi quy chế công tác đảm bảo vật tư kỹ thuật cho phù hợp với đặc điểm tình hình mới; rà soát tổng thể thực lực vật tư hiện có, xây dựng kế hoạch tạo nguồn thiết thực, hiệu quả, kịp thời đáp ứng cho yêu cầu nhiệm vụ những năm tiếp theo. Kết hợp giữa đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất, sửa chữa phục hồi vật tư phụ tùng trong nước với tăng cường khảo sát, mở rộng thị trường để có nguồn hàng ổn định, phấn đấu có nhiều đối tác cung cấp những mặt hàng cùng chủng loại, nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, tránh độc quyền cung cấp. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, quy trình, thủ tục mua sắm bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí. Cùng với đó, Quân chủng tiếp tục làm tốt công tác hiệp đồng, hợp tác phát triển với Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Học viện Kỹ thuật quân sự, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự/Bộ Quốc phòng và các trung tâm nghiên cứu để tăng cường nội địa hóa trong sửa chữa cải tiến, sản xuất trong điều kiện mới.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng giá trị của bài học về nghệ thuật bảo đảm kỹ thuật Chiến dịch phòng không cuối năm 1972 vẫn còn nguyên giá trị. Đây là vấn đề rất quan trọng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc nói riêng trong tình hình mới. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, phát huy hiệu quả bài học quan trọng này vào thực tiễn huấn luyện, luyện tập, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu,... kiên quyết không để bị bất ngờ từ trên không trong mọi tình huống, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng PHẠM VĂN TÍNH, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 – bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng vừa là nguyên tắc, vừa là cơ sở, nền tảng vững chắc để cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân luôn có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý chí, quyết tâm cao, có niềm tin vững chắc vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng;...