QPTD -Thứ Sáu, 23/12/2022, 07:54 (GMT+7)
Bảo đảm Giao thông Vận tải trong Chiến dịch phòng không năm 1972 và bài học đối với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, Chiến dịch phòng không cuối năm 1972 nói riêng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Giao thông vận tải đã phát huy vai trò nòng cốt thực hiện tốt việc bảo đảm giao thông vận chuyển thông suốt, góp phần quan trọng cùng quân dân miền Bắc đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ và để lại nhiều bài học quý đối với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.

Trên cơ sở nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng chiến lược của giao thông vận tải đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân, nên ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Giao thông vận tải đã tích cực, chủ động khắc phục khó khăn, tập trung xây dựng và phát triển toàn diện. Cùng với đổi tên từ Bộ Giao thông công chính thành Bộ Giao thông và Bưu điện, cơ cấu, bộ máy tổ chức của Bộ cũng từng bước được củng cố, kiện toàn, bảo đảm ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ1 cũng như yêu cầu của thời kỳ cách mạng mới. Theo đó, hệ thống đường sắt được khôi phục, hoạt động hiệu quả. Một số tuyến quốc lộ, cảng đường thủy phía Bắc đã được hình thành; trong đó, cảng Hải Phòng có vai trò quan trọng để vận chuyển hàng hóa và giao thương với nước ngoài. Tuyến vận tải hàng không cũng từng bước được hình thành và phát triển với hệ thống sân bay, như: Đa Phúc (ngày nay là Nội Bài), Hòa Lạc (Hà Tây cũ), Vinh (Nghệ An), Kép (Bắc Giang),... góp phần thực hiện nhiệm vụ đối ngoại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường sức mạnh quốc phòng của đất nước.

Tuy nhiên, khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là khi đế quốc Mỹ thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc thì hệ thống giao thông này trở thành mục tiêu đánh phá quyết liệt của địch, nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam và làm suy yếu tiềm lực của đất nước. Vì thế, bảo đảm giao thông vận chuyển là vấn đề vô cùng gay go quyết liệt và có ý nghĩa chiến lược lớn của quân và dân ta trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Và trên thực tế, ngành Giao thông vận tải là một trong lực lượng đi đầu đã bảo đảm giao thông thông suốt để thực hiện nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Hàng nghìn lượt cán bộ, công nhân viên kỹ thuật, tự vệ của Ngành đã đóng góp công sức, trí tuệ cùng với lực lượng Quân đội tham gia khảo sát, hình thành, xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả hệ thống giao thông vận tải; điển hình là hai tuyến đường vận tải chiến lược huyền thoại: đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ (đường Trường Sơn) và đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Các tổ, đội rà, phá bom, mìn bảo đảm giao thông cho các tuyến vận tải, khai thông cửa sông, cảng biển,... đáp ứng nhu cầu vận chuyển cho các chiến trường và trở thành biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Đặc biệt, trong Chiến dịch phòng không cuối năm 1972, quân và dân miền Bắc phải đương đầu với cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay chiến lược B-52 vào Hà Nội, Hải phòng và một số mục tiêu lân cận trên miền Bắc. Chỉ trong 12 ngày đêm, địch đã sử dụng 193 máy bay chiến lược B-52 và hơn một nghìn máy bay chiến thuật, với tần xuất xuất kích 4.583 lần chiếc (trong đó B-52 xuất kích 663 lần chiếc) để tiến hành cuộc tập kích. Riêng khu vực Hà Nội, địch đã thực hiện 1.448 lần đánh phá có tính chất hủy diệt các mục tiêu, trong đó có hệ thống giao thông vận chuyển.

Cơ động tên lửa vào trận địa trong chiến dịch phòng không tháng 12-1972. Ảnh: Tư liệu

Trong cuộc đụng đầu lịch sử này, ngành Giao thông vận tải tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ vận chuyển lực lượng, phương tiện, vật chất và sơ tán nhân dân, các nhà máy, xí nghiệp,... ra khỏi các thành phố lớn. Tại trọng điểm Hà Nội, ta đã tổ chức nhiều tuyến đường, thiết lập cấp tốc nhiều bến phà, như: Chương Dương, Khuyến Lương, Chèm,... và một số cầu phao, phà qua sông Đuống để đưa 50 vạn dân trong tổng số 60 vạn dân nội thành sơ tán đến nơi an toàn. Đặc biệt, với tinh thần chủ động, sáng tạo, Ngành đã tổ chức lắp ráp thành công phà, cầu phao cho xe lửa trên tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên, vận chuyển hàng hóa từ bờ Bắc sang bờ Nam sông Hồng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội để bảo đảm đường cơ động cho các đơn vị tên lửa, pháo phòng không triển khai và chuyển hóa thế trận đối không bảo vệ vùng trời Hà Nội. Cán bộ, công nhân và lực lượng tự vệ của Ngành đã băng mình dưới làn mưa bom của địch, cùng với bộ đội chủ lực và quân, dân các địa phương giữ vững và bảo đảm giao thông thông suốt cho các đơn vị tên lửa, pháo phòng không từ Thanh Hóa ra, Hải Phòng lên; nhất là vận chuyển các dây chuyền lắp ráp đạn tên lửa tăng cường vào trận địa Hà Nội,… góp phần quan trọng làm thất bại mục đích làm tê liệt ý chí chiến đấu của dân tộc Việt Nam và đe dọa phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc trên thế giới, buộc chính quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và quay trở lại bàn đàm phán. Đây là một thành công rất lớn và cũng là một nét độc đáo trong Chiến dịch phòng không cuối năm 1972 đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của địch. Vì thế, có thể khẳng định rằng, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là tổng hợp của nhiều yếu tố; sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; trong đó có sự đóng góp quan trọng của Ngành giao thông vận tải.

Từ thực tiễn bảo đảm giao thông vận chuyển trong Chiến dịch phòng không cuối năm 1972 có thể rút ra những bài học kinh nghiệm quý. Đó là, phải tổ chức một hệ thống điều hành chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở để phân luồng giao thông, nhất là ở các trọng điểm, tình huống ác liệt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp. Phải kết hợp sức mạnh tổng hợp của các lực lượng: giao thông vận tải của Nhà nước, địa phương, vận tải quân sự,... và lực lượng vận tải rộng khắp của nhân dân; kết hợp mọi phương tiện, mọi tuyến đường để bảo đảm giao thông vận chuyển. Chủ động nắm chắc tình hình địch, tận dụng thời cơ giữa các đợt không kích và chuyển mục tiêu đánh phá của chúng để tập trung vận chuyển. Đồng thời, phải khai thác, tận dụng những thành tựu khoa học, công nghệ để nghiên cứu khắc phục các chướng ngại, bom mìn,... bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống, v.v.

Kế thừa và phát triển sáng tạo những bài học kinh nghiệm về bảo đảm giao thông vận tải trong sự nghiệp giải phóng dân tộc nói chung; cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là trong Chiến dịch phòng không cuối năm 1972 nói riêng vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, nhất là bài học về bảo đảm hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, thông suốt cả trên không, trên bộ và đường biển; ở từng khu vực, địa bàn và cả nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, trực tiếp là của Ban Cán sự đảng, ngành Giao thông vận tải đã, đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu đặt ra, tạo bước phát triển mạnh mẽ2. Trước hết về kết cấu hạ tầng đường bộ tiếp tục được quan tâm đầu tư, có nhiều đột phá so với các lĩnh vực khác. Trong giai đoạn 2011 - 2020, Bộ đã hoàn thành đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163 km; mạng lưới quốc lộ đạt 24.598 km, các tuyến quốc lộ chính yếu từng bước được đưa vào cấp kỹ thuật, tập trung đầu tư các tuyến đường vành đai biên giới, đường bộ ven biển tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, giảm ùn tắc giao thông, phục vụ bảo đảm cho cơ động, cất dấu lực lượng, phương tiện kỹ thuật trong xử lý các tình huống về quốc phòng, an ninh khi có chiến tranh, tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh của từng địa phương, địa bàn và vùng chiến lược.

Đối với lĩnh vực hàng không dân dụng, tiếp tục tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng; đẩy nhanh xây dựng giai đoạn 1 Cảng hàng không sân bay quốc tế Long Thành; nâng cấp, xây dựng các cảng hàng không khác theo quy hoạch, như: Chu Lai, Cam Ranh, Phú Quốc, Phan Thiết, Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Điện Biên,… để kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế; thiết lập, khai thác các tuyến bay bảo đảm công tác quản lý, bảo vệ vùng trời, vùng biển; hoạt động của các cảng hàng không, sân bay bảo đảm phối hợp nhịp nhàng giữa hàng không dân dụng và quân sự, thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các hoạt động khẩn cấp, như: phòng, chống thiên tai, bạo loạn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, v.v. Đối với lĩnh vực đường sắt, bước đầu tập trung cải tạo các điểm nghẽn và nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, như: Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai,… nhằm mục tiêu vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, vừa tăng cường quốc phòng giữa các vùng chiến lược. Trong lĩnh vực hàng hải, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương có biển, tập trung đầu tư các cảng biển, luồng tuyến để đảm bảo đồng bộ về quy mô và nhu cầu khai thác, xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Đà Nẵng, cảng Nghi Sơn để bước đầu hình thành hệ thống cảng biển Việt Nam liên hoàn, vững chắc, bảo đảm vừa là nơi giao thương giữa các vùng, miền và địa phương, vừa là cửa ngõ trung chuyển quốc tế và là căn cứ hậu cần, kỹ thuật cho các lực lượng làm nhiệm vụ chấp pháp, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển. Đây thực sự là những định hướng và mục tiêu quan trọng để Ngành khẳng định vị thế và tiếp tục vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, song niềm kiêu hãnh, tự hào về những đóng góp quan trọng bảo đảm giao thông vận tải trong Chiến dịch phòng không 12 ngày đêm bảo vệ vùng trời Thủ đô và miền Bắc vẫn luôn là động lực, nguồn cổ vũ tinh thần lớn lao cho thế hệ cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động ngành Giao thông vận tải Việt Nam hôm nay tiếp tục nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nỗ lực phấn đấu, tích cực cống hiến, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, không ngừng phát triển, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; góp phần thực hiện thành công khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

NGUYỄN DANH HUY, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
_________________

1 - Gồm: Văn phòng Bộ, Tổng cục Đường sắt, Tổng cục Bưu điện, Nha Giao thông; Ngành vận tải Đường thuỷ; Sở Vận tải, Ty Công chính phi trường, Trường Cao đẳng giao thông công chính; ở cấp tỉnh có Ty Giao thông.

2 - Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, trong kỳ đánh giá 2017 - 2018, năng lực và chất lượng kết cấu hạ tầng của Việt Nam liên tục tăng bậc; trong đó, chỉ số về chất lượng kết cấu hạ tầng đường bộ đứng thứ 92 (tăng 28 bậc), cảng biển đứng thứ 82 (tăng 31 bậc), chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam năm 2018 tăng 25 bậc so với năm 2016, mức tăng cao nhất là năng lực chất lượng dịch vụ (xếp hạng 33, tăng 29 bậc) và khả năng theo dõi, truy xuất hàng hóa (xếp hạng 34, tăng 41 bậc).

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 – bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng vừa là nguyên tắc, vừa là cơ sở, nền tảng vững chắc để cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân luôn có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý chí, quyết tâm cao, có niềm tin vững chắc vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng;...