QPTD -Chủ Nhật, 25/12/2022, 08:57 (GMT+7)
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - sự hội tụ và phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam

Đúc kết về truyền thống văn hóa giữ nước của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhờ ý chí độc lập và lòng khát khao tự do hơn là nhờ quân đông sức mạnh, nước Nam đã thắng”1. Theo Người, lòng yêu nước, ý chí độc lập, khát vọng tự do đã trở thành nền tảng văn hóa tinh thần, là động lực vĩ đại cho sự trường tồn, phát triển của dân tộc Việt Nam và Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là một trong những biểu hiện sinh động đó.

Soi chiếu vào cuộc chiến đấu của quân và dân ta trong Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu quan trọng khác ở miền Bắc cuối tháng 12/1972, có thể khẳng định, chính những giá trị văn hóa Việt Nam là nền tảng, cội nguồn làm nên chiến thắng có ý nghĩa quyết định, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt sự hiện diện trên chiến trường Việt Nam. Chiến thắng đó là sự hội tụ và phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện trên những phương diện sau:

Một là, sự hội tụ của giá trị văn hóa giữ nước. Văn hóa giữ nước của dân tộc Việt Nam được hình thành và phát triển từ khi cha ông ta bắt đầu dựng nước đã luôn phải chống lại sự xâm lăng, đồng hóa của các thế lực ngoại bang; là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các thế hệ, trở thành những câu phương ngôn từ sâu trong tâm khảm con dân đất Việt: “Nước mất - nhà tan”, “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, v.v. Cũng chính văn hóa giữ nước là nguồn cội để hình thành nên nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam bảo vệ Tổ quốc. Tính cố kết cộng đồng trong văn hóa làng xã Việt Nam là cơ sở của văn hóa giữ nước; đồng thời, cũng là cơ sở để ta xây dựng lực lượng Phòng không, Không quân trong thế trận chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không, gồm: không quân, tên lửa, pháo cao xạ, súng máy phòng không, súng bộ binh của các lực lượng dân quân, tự vệ,… tạo thành lưới lửa phòng không dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp, đánh địch từ xa đến gần, tập trung hỏa lực tiêu diệt máy bay địch. Mỗi khi các sân bay của ta bị đánh hỏng, phát huy thế trận chiến tranh nhân dân, lực lượng quân, dân tại chỗ kịp thời khôi phục lại, tạo điều kiện để Không quân ta xuất kích chiến đấu cùng với các lực lượng khác. Bên cạnh đó, việc huy động sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân đối phó với những thủ đoạn nham hiểm của địch tại các địa bàn trọng yếu ở trong và các vùng lân cận Hà Nội, Hải Phòng đã góp sức cho thắng lợi của cuộc chiến đấu 12 ngày đêm cuối năm 1972.

Nguồn: xaydungdang.org.vn

Hai là, sự khẳng định của văn hóa chiến thắng. Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, dân tộc Việt Nam luôn phải đương đầu với kẻ thù mạnh hơn gấp bội nếu xét riêng về tiềm lực kinh tế, quân sự. Tuy nhiên, quân và dân ta trải qua các triều đại phong kiến đến thời đại Hồ Chí Minh luôn biết cách dùng sức mạnh chính trị tinh thần để nhân lên sức mạnh quân sự, qua đó giành thắng lợi cuối cùng. Tất cả góp phần hình thành nên văn hóa chiến thắng của dân tộc Việt Nam, được biểu hiện ở tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, ở niềm tin tất thắng. Và niềm tin ấy, giá trị văn hóa ấy được thể hiện ở tinh thần dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng của quân và dân ta trước cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ, loại vũ khí được quảng cáo là “bất khả xâm phạm”, “không thể bị bắn rơi bởi bất cứ vũ khí nào của đối phương”. Cũng nhờ có văn hóa chiến thắng làm căn cước, quân và dân ta đã chuẩn bị một cách tích cực, chủ động cho chiến đấu và giành chiến thắng. Niềm tin chiến thắng cũng giúp cho phái đoàn ngoại giao của ta luôn vững vàng, kiên định với mục tiêu, sách lược của mình trước những tuyên bố ngạo mạn “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời đồ đá” của đế quốc Mỹ. Để rồi, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 tiếp tục là sự khẳng định giá trị trường tồn văn hóa chiến thắng của dân tộc Việt Nam.

Ba là, phản ánh tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam và tranh thủ sự giúp đỡ của bầu bạn quốc tế. Trong cuộc tập kích chiến lược này, đế quốc Mỹ đã huy động 193/tổng số 400 chiếc máy bay B-52 hiện có; hơn một nghìn máy bay chiến thuật: (trong đó có 01 liên đội máy bay F.111 khoảng 50 chiếc)2. Đối đầu với lực lượng khổng lồ ấy là lực lượng Phòng không, Không quân và dân quân tự vệ của ta (trong đó có 23 tiểu đoàn tên lửa SAM-2, khoảng 50 máy bay tiêm kích MIG). Đây là những vũ khí hiện đại được Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa viện trợ, thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ của bầu bạn quốc tế. Tuy nhiên, tiềm lực của chúng ta quá nhỏ bé nếu xét về tương quan lực lượng với đối phương nên ý chí, tinh thần tự lực, tự cường là vấn đề có ý nghĩa quyết định cho chiến thắng. Tinh thần, ý chí ấy đã được hình thành từ ngàn đời, trở thành giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của một dân tộc “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, luôn phải đương đầu với thiên tai, địch họa.

Bằng tinh thần tự lực, tự cường, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân chủ động cử các đơn vị chủ công trực tiếp vào chiến trường để nghiên cứu, tìm hiểu cách đánh máy bay B-52, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến. Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh các quân khu (Hữu Ngạn, Tây Bắc, Việt Bắc,…) chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp lực lượng Phòng không trên từng địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo chặt chẽ các địa phương, nhất là Thủ đô Hà Nội làm tốt công tác phòng tránh, sơ tán, bảo đảm giao thông, vận chuyển và huy động lực lượng phục vụ chiến đấu, v.v. Cũng với tinh thần tự lực, tự cường, các cán bộ kỹ thuật quân sự Việt Nam đã phát huy trí tuệ cải tạo, nâng cao hiệu quả của các vũ khí, trang bị được viện trợ3 và tìm ra phương pháp “vít cổ” máy bay B-52 trong màn nhiễu, tạo điều kiện cho bộ đội Phòng không - Không quân bắn rơi 34 “siêu pháo đài bay” của không quân Mỹ trong 12 ngày đêm của Chiến dịch, góp phần làm nên Chiến thắng.

Bốn là, phát huy phẩm chất, cốt cách con người Việt Nam dũng cảm, kiên cường, bất khuất, chí nghĩa, chí tình, tương thân, tương ái. Con người Việt Nam - chủ thể sáng tạo ra nền văn hóa, với những đức tính quý báu của mình chính là nguồn sức mạnh vĩ đại làm nên mọi chiến thắng trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Trong Chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối năm 1972 chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, những phẩm chất tiêu biểu ấy lại được phát huy tối đa. Dưới màn bom đạn khủng khiếp của kẻ thù, quân dân Hà Nội, Hải Phòng vẫn kiên cường bất khuất, nén đau thương, mất mát để chắc tay súng trên từng trận địa phòng không, từng chiến hào. Sau mỗi đợt đánh phá của không quân Mỹ, người Hà Nội tương trợ, giúp đỡ nhau gượng dậy khắc phục những đau thương, mất mát và hỗ trợ lực lượng Phòng không củng cố trận địa. Nhân dân các tỉnh lân cận giang rộng vòng tay đón người dân Hà Nội, Hải Phòng về sơ tán trong sự tương thân, tương ái của nghĩa đồng bào. Đây chính là động lực quan trọng để quân và dân ta vượt qua thử thách cam go trong mưa bom, bão đạn.

Tính quả cảm, kiên cường, bất khuất của người Việt Nam được thể hiện đậm nét trong quyết tâm của liệt sĩ, phi công, Anh hùng lực lượng vũ trang Vũ Xuân Thiều khi cùng chiếc máy bay MIG-21 của mình biến thành quả đạn thứ ba lao vào hạ gục B-52 của giặc Mỹ.

Năm là, phát huy sức mạnh của văn học nghệ thuật trong cổ vũ tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Chúng ta đã luôn coi trọng việc xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần cho quân và dân miền Bắc, coi đây là nhân tố quyết định làm nên chiến thắng trước kẻ thù, và văn học nghệ thuật đã góp phần đắc lực cho công tác giáo dục, tuyên truyền, cổ vũ quyết tâm chiến đấu. Đêm 27/12/1972, nhạc sĩ Phạm Tuyên viết ca khúc “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tiên liệu chiến thắng sánh ngang chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật của các văn nghệ sĩ cách mạng ra đời ngay trên trận địa khắc họa cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân miền Bắc đã làm lay động dư luận quốc tế và nhân loại tiến bộ, giúp cho thế giới thấy rõ tính chính nghĩa của ta và tội ác của đế quốc Mỹ xâm lược. Các họa sĩ Hà Nội tích cực tham gia vẽ những khẩu hiệu, tranh cổ động,… thể hiện tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” trên mọi đường phố Hà Nội, góp phần quan trọng cổ vũ, động viên tinh thần kiên cường, bất khuất của quân và dân ta trên những trận địa phòng không ác liệt.

Có thể nói, việc phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam đã tạo cơ sở cho việc xây dựng sức mạnh chiến tranh nhân dân trong cuộc chiến đấu đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không, chủ yếu bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” có một không hai trong lịch sử. Trong giai đoạn mới, để tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa đã góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt những nội dung sau:

Một là, tiếp tục phát huy giá trị văn hóa giữ nước của dân tộc Việt Nam trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Các giá trị truyền thống kết tinh trong văn hóa giữ nước Việt Nam như tinh thần độc lập, tự chủ,… tiếp tục hòa quyện trong đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc của Đảng ta. Trong giai đoạn hiện nay, những giá trị ấy cần được chuyển hóa thành chủ trương, biện pháp huy động sức mạnh nội sinh của toàn dân tộc, bao gồm cả sức mạnh vật chất, sức mạnh tinh thần để hợp thành tiềm lực quốc phòng mạnh mẽ, sẵn sàng đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Hai là, tiếp tục phát huy truyền thống tự lực, tự cường của dân tộc trong củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng. Bối cảnh ngày nay cho thấy, mọi sự dựa dẫm, ỷ lại vào ngoại lực đều dẫn đến nguy cơ làm mất độc lập, chủ quyền của đất nước. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát huy tối đa sức lao động, sáng tạo nhằm nâng cao tiềm lực, vị thế quốc gia; tăng cường tiềm lực quốc phòng. Cần đi trước, đón đầu, làm chủ những công nghệ hiện đại để có thể tự chủ về vũ khí, trang bị kỹ thuật, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng trong mọi tình huống.

Ba là, đẩy mạnh quá trình xây dựng nền công nghiệp văn hóa dựa trên những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc, kết hợp tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Mục tiêu của nền công nghiệp văn hóa trong thời gian tới là tạo ra ngày càng nhiều giá trị từ các sản phẩm văn hóa Việt Nam, đóng góp tỷ lệ cao trong GDP của nền kinh tế quốc dân, góp phần nâng cao tiềm lực, vị thế, sức mạnh nội lực của đất nước.

Bốn là, trao truyền, gìn giữ và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, như: dũng cảm, kiên cường, bất khuất, cần cù, chịu khó, lao động, sáng tạo, sống tình nghĩa, thủy chung, đoàn kết cộng đồng, v.v. Tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và cốt cách con người Việt Nam làm cơ sở để tiếp tục xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa có đủ phẩm chất, năng lực đảm đương sứ mệnh xây dựng đất nước hùng cường và bảo vệ Tổ quốc trường tồn, phát triển trong bối cảnh hiện nay. Phát huy nhân tố con người và các phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” làm nền tảng cho quá trình xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Năm là, tăng cường bảo tồn, quảng bá bản sắc văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Duy trì bền vững những đạo lý, phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp; đồng thời, từng bước khắc phục, hạn chế tiến tới loại bỏ những hủ tục, làm cơ sở cho việc xây dựng đời sống văn hóa mới trong cộng đồng dân cư. Lấy việc phát huy các giá trị văn hóa, lối sống tốt đẹp của người Việt Nam làm điểm tựa để đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa của các thế lực thù địch; hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực từ các sản phẩm, lối sống ngoại lai, xấu độc du nhập vào đời sống xã hội nước ta trong quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

TS. NGUYỄN MINH CƯỜNG, Trường Sĩ quan Chính trị
________________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 98.

2 - Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam – “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” – Chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, Nxb QĐND, H. 2012, tr. 15.

3 - Từ năm 1967 đến năm 1972, tên lửa SAM-2 được cải tiến 05 lần nhằm nâng cao tính năng kỹ thuật.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 – bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng vừa là nguyên tắc, vừa là cơ sở, nền tảng vững chắc để cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân luôn có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý chí, quyết tâm cao, có niềm tin vững chắc vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng;...