QPTD -Thứ Tư, 21/12/2022, 07:42 (GMT+7)
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và yêu cầu mới đối với Bộ đội Phòng không - Không quân

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972 có ý nghĩa quyết định, buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân về nước, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi đó đã để lại nhiều bài học vô giá, nhất là bài học về sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự trên mặt trận đối không. Để vận dụng, phát huy những bài học đó vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Bộ đội Phòng không - Không quân cần tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết, chủ động khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Cuối năm 1972, nhằm cứu vãn nguy cơ thất bại trên chiến trường Việt Nam, Tổng thống Mỹ Nixon đã quyết định tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược “Linebacker II”, ném bom hòng hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương lân cận bằng máy bay ném bom chiến lược B-52. Trong 12 ngày đêm, đế quốc Mỹ đã huy động 193 máy bay chiến lược B-52 (chiếm gần 50% lực lượng không quân chiến lược), hơn một nghìn máy bay chiến thuật các loại thuộc 06 tàu sân bay và các căn cứ không quân trên đất Thái Lan tham gia, với nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện chiến tranh điện tử hiện đại nhất lúc bấy giờ để tiến hành cuộc tập kích.

Nắm chắc mưu đồ của địch, thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ đội Phòng không - Không quân đã cùng quân và dân miền Bắc làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ. Nổi bật là trận đầu tiên (đêm 18/12), các lực lượng phòng không ba thứ quân đã chủ động quan sát, phát hiện, báo động, hiệp đồng chiến đấu, bắn rơi 06 máy bay, bắt sống 07 phi công Mỹ.

Phát huy kết quả trận mở đầu Chiến dịch, quân và dân ta tiếp tục chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt nhiều máy bay địch. Đêm 20, rạng ngày 21/12, Bộ đội Tên lửa phòng không Hà Nội thực hiện xuất sắc trận đánh, bắn rơi 07 máy bay B-52 (05 chiếc rơi tại chỗ). Tiếp đó, đêm 26, sáng 27/12, quân, dân miền Bắc bắn rơi 08 máy bay B-52 và 10 máy bay chiến thuật khác, riêng Hà Nội trong hơn 01 giờ bắn rơi 05 máy bay B-52 (04 chiếc rơi tại chỗ). Đây là trận đánh then chốt quyết định, làm suy sụp tinh thần và ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Với bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần, quyết tâm chiến đấu cao độ, trong 12 ngày đêm chiến đấu oanh liệt, Bộ đội Phòng không - Không quân cùng với quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay ném bom chiến lược B-52 (chiếm 17,6% tổng số máy bay B-52 được huy động) 47 máy bay chiến thuật khác (05 máy bay F-111). Bị tổn thất quá lớn về không lực, nhất là “Pháo đài bay” B-52, sáng 30/12, Tổng thống Mỹ Nixon buộc phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận họp lại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ vào miền Bắc Việt Nam đã bị thất bại hoàn toàn.

Đây là thất bại nặng nề nhất trong lịch sử chiến tranh của không lực Hoa Kỳ - lực lượng hiện đại nhất thế giới lúc đó. Quân và dân ta, nòng cốt là Bộ đội Phòng không - Không quân đã kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông, phát huy bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ, làm nên Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Nửa thế kỷ trôi qua, nhưng ý nghĩa, tầm vóc của Chiến thắng để lại nhiều bài học quý, còn nguyên giá trị, nhất là bài học về đường lối lãnh đạo đúng đắn, tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; về tổ chức, xây dựng lực lượng, bồi dưỡng ý chí chiến đấu, tinh thần quyết chiến, quyết thắng cho Bộ đội Phòng không - Không quân; về xây dựng thế trận phòng không nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, động viên cán bộ, phi công Trung đoàn 937, Sư đoàn 370 (tháng 4/2022)

Hiện nay, tình hình an ninh, chính trị thế giới, khu vực, nhất là trên Biển Đông diễn biến phức tạp, khó dự báo, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định. Phương thức tiến hành chiến tranh, tiến công hỏa lực đường không có nhiều thay đổi, xuất hiện nhiều loại hình chiến tranh mới: phong tỏa đường không, thiết lập vùng cấm bay, chiến tranh ủy nhiệm, tác chiến không gian mạng,... cùng với vũ khí, phương tiện hỏa lực đường không phát triển hiện đại. Những vấn đề đó đặt ra yêu cầu rất cao đối với nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc, đòi hỏi Bộ đội Phòng không - Không quân phải tiếp tục phát huy truyền thống, nhất là ý nghĩa, bài học từ Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972, nhằm xây dựng Quân chủng vững mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao; trong đó, cần tập trung giải quyết tốt một số vấn đề sau:

1. Xây dựng Bộ đội Phòng không - Không quân có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc. Theo đó, cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng về xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; trọng tâm là xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo đảm toàn Quân chủng thành một khối thống nhất về ý chí và hành động. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Xây dựng Bộ đội Phòng không - Không quân có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng cách mạng; trung thành tuyệt đối với với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; tin tưởng vào sức mạnh vũ khí, trang bị và nghệ thuật tác chiến phòng không, không quân. Chú trọng giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào chiến sĩ Phòng không - Không quân, xây dựng, bồi dưỡng ý chí, quyết tâm khắc phục khó khăn vươn lên hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Đồng thời, nhận diện rõ đối tác, đối tượng, không mơ hồ, mất cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong lực lượng Phòng không - Không quân.

2. Tiếp tục điều chỉnh lực lượng theo hướng “tinh, gọn, mạnh, cơ động”. Tập trung quán triệt, triển khai nhiều giải pháp hiện thực hóa Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo và Đề án điều chỉnh tổ chức, biên chế Quân chủng giai đoạn 2019 - 2025 tầm nhìn 2030, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; vũ khí, trang bị; nghệ thuật tác chiến phòng không, không quân, nhằm đạt được yêu cầu: “tinh thông” về nghiệp vụ, “gọn, nhẹ” về tổ chức, biên chế, “mạnh” về sức chiến đấu, “cơ động” tác chiến linh hoạt, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện các chủ trương, kế hoạch, lộ trình xây dựng Quân chủng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; điều chỉnh lực lượng Phòng không - Không quân chiến lược bảo đảm phù hợp với tổ chức, biên chế mới của Quân đội, phương án tác chiến chiến lược trên các chiến trường, Quyết tâm tác chiến bảo vệ Tổ quốc, nhằm bảo vệ an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm quốc gia mới được xây dựng, phát triển trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới đất nước. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu tổ chức xây dựng lực lượng nòng cốt, phát triển các lực lượng tác chiến mạng, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật, v.v. Phân định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, nhất là các cơ quan Quân chủng, nâng cao hiệu quả công tác.

3. Đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu. Quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 60-KL/QUTW, ngày 18/01/2019 của Quân ủy Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW về “nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”. Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm”; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, theo hướng hiện đại. Kết hợp huấn luyện với truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu cho bộ đội. Tổ chức huấn luyện toàn diện cả chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật,... cho các đối tượng, lực lượng; trong đó, lấy huấn luyện phòng không, không quân làm trung tâm, tác chiến đối không làm nòng cốt. Chú trọng huấn luyện nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, canh trực, bảo vệ vùng trời cho Bộ đội Phòng không, huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay, cứu hộ, cứu nạn và làm nhiệm vụ trên hướng biển, đảo cho Không quân. Tăng cường huấn luyện theo tình huống, phương án, thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, sát đặc điểm, môi trường, yêu cầu chiến tranh hiện đại; kết hợp diễn tập chiến đấu, tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng với hợp tác quốc tế trong huấn luyện tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, cũng như khả năng ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Duy trì chặt chẽ, nghiêm túc các chế độ canh trực quản lý vùng trời, vùng biển, sẵn sàng chiến đấu, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống trên không, không để bị động bất ngờ ở cả cấp chiến thuật, chiến dịch và chiến lược. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quốc phòng với các nước, các đối tác, nhằm học hỏi kinh nghiệm, phương pháp; đồng thời, tạo cơ sở quan trọng “ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

4. Tiếp tục hiện đại hóa vũ khí, trang bị, phương tiện, đáp ứng yêu cầu bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Tổ chức rà soát, triển khai biện pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phương án, lộ trình đã xác định trong các nghị quyết, kết luận, kế hoạch của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới, trọng tâm là Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01/8/2021 của Bộ Chính trị về bảo đảm vũ khí, trang bị cho Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2025; bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, hiện đại vũ khí, trang bị, phương tiện cho các nhiệm vụ. Triển khai hiệu quả các nghị quyết, chị thị, đề án của Quân chủng về mua sắm vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật; thực hiện nghiêm quy chế “xuất khẩu, nhập khẩu, mua sắm hàng quốc phòng”, quy định về nghiệm thu và bảo đảm vật tư, khí tài. Chủ động tìm kiếm, lựa chọn đối tác có uy tín để đàm phán, mua sắm các loại vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật. Kết hợp chặt chẽ giữa mua sắm, chuyển giao công nghệ vũ khí, trang bị, phương tiện chuyên ngành hiện đại với hợp tác cùng các trung tâm, viện nghiên cứu, nhà máy quốc phòng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật quân sự nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, khai thác, sử dụng các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, công nghệ cao, bảo đảm cho Bộ đội Phòng không - Không quân đủ khả năng, sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong điều kiện chiến tranh hiện đại. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Cuộc vận động 50 về “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác bảo đảm kỹ thuật và an toàn giao thông trong toàn Quân chủng.

5. Nghiên cứu, phát triển nghệ thuật tác chiến phòng không, không quân. Để đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại và góp phần vào sự phát triển chung của nghệ thuật quân sự Việt Nam, các cơ quan chức năng của Quân chủng cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan nghiên cứu, phát triển nghệ thuật tác chiến phòng không, không quân. Chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng thế trận đánh địch, quản lý, bảo vệ vùng trời của lực lượng Phòng không - Không quân với thế trận khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, thế trận tác chiến phòng thủ quân khu, thế trận các đơn vị cơ động chiến lược của Bộ; giữa thế trận của lực lượng Phòng không, Không quân quốc gia với thế trận phòng không lục quân, phòng không nhân dân,… tạo sức mạnh tổng hợp trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới trên không ở các khu vực trọng điểm và toàn bộ đất nước. Nghiên cứu xây dựng thế trận phòng không, không quân trên từng hướng chiến trường; điều chỉnh lại phương án, quyết tâm tác chiến, thế bố trí chiến lược cả lực lượng, trận địa phòng không, sân bay, công trình lưỡng dụng,… bảo vệ an toàn các mục tiêu được giao, nhất là đối với các mục tiêu mới. Chú trọng nghiên cứu phát triển, hoàn thiện hệ thống tự động hóa sở chỉ huy các cấp, công tác chỉ huy, chỉ đạo, tác chiến, trinh sát trên không,… bảo đảm thống nhất, đồng bộ, bí mật, ổn định vững chắc, đáp ứng yêu cầu chỉ huy liên tục, vượt cấp, trực tiếp (khi cần thiết). Tiếp tục nghiên cứu, phát triển cách đánh, phương pháp tác chiến các lực lượng: Ra-đa, Tên lửa phòng không, Tác chiến điện tử, máy bay chiến đấu,… phương pháp hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng, bảo đảm phù hợp với vũ khí, trang bị, phương tiện chiến đấu, tổ chức, biên chế lực lượng, mục tiêu, nhiệm vụ của ta, phương thức tác chiến mới của đối phương và yêu cầu chiến tranh hiện đại.

Cùng với đó, phải làm tốt công tác rèn luyện chính quy, quản lý kỷ luật; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; không ngừng củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận phòng không quốc gia, phòng không nhân dân rộng khắp, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.

Năm mươi năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa, tầm vóc và những bài học lịch sử của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, Bộ đội Phòng không - Không quân cần tiếp tục kế thừa và phát triển, làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam, hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao cả mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, bảo vệ vững chắc chủ quyền bầu trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Trung tướng VŨ VĂN KHA, Quyền Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 – bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng vừa là nguyên tắc, vừa là cơ sở, nền tảng vững chắc để cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân luôn có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý chí, quyết tâm cao, có niềm tin vững chắc vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng;...