QPTD -Thứ Sáu, 09/12/2022, 14:13 (GMT+7)
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 – bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam

Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược, chủ yếu bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương trên miền Bắc. Cùng với những kết quả to lớn trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam, thắng lợi của Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng tháng 12 năm 1972 trên bầu trời miền Bắc là sự bất ngờ, nỗi kinh hoàng cho đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn; cổ vũ, động viên nhân dân Việt Nam và làm nức lòng bạn bè quốc tế, đã góp phần tạo bước ngoặt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, buộc chính quyền Richard Nixon phải xuống thang chiến tranh, trở lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Trận địa tên lửa SAM 2 trong Chiến dịch phòng không năm 1972. Ảnh: Tư liệu

Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong thời đại Hồ Chí Minh, biểu hiện sinh động, cụ thể ở nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức và sử dụng lực lượng, tạo lập thế trận phòng không nhân dân thống nhất và cách đánh được chuẩn bị, tính toán từ trước, kết hợp với sự chuyển hóa linh hoạt trước các tình huống cụ thể, tập trung lực lượng tác chiến hiệp đồng, liên tục, kết hợp đánh mạnh tại chỗ với rộng khắp trên các địa bàn,… giành thắng lợi quyết định. Trong đó, biểu hiện tập trung ở một số nội dung sau:

Một là, phân tích, đánh giá đúng tình hình; dự đoán chính xác âm mưu, thủ đoạn và các bước phiêu lưu quân sự của đế quốc Mỹ. Thắng lợi của quân và dân ta trong Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng tháng 12 năm 1972 thể hiện tầm nhìn chiến lược nhạy bén, sâu rộng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và các cơ quan tham mưu chiến lược. Trên cơ sở phân tích, đánh giá chính xác tình hình trong nước và quốc tế, nhận rõ bản chất đối tượng của cách mạng Việt Nam, tương quan so sánh lực lượng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoạch định đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, phù hợp với điều kiện của đất nước ở mỗi giai đoạn cách mạng. Qua đó, từng bước đánh bại các hình thức chiến thuật và các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ trên chiến trường Việt Nam ở cả hai miền Nam, Bắc. Trước khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (tháng 7/1954) đã nhận định: Đế quốc Mỹ là một trở lực chính ngăn cản việc lập lại hòa bình ở Đông Dương và “đang trở thành kẻ thù chính, trực tiếp của nhân dân Đông Dương”1. Đầu năm 1965, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những dự báo chính xác về âm mưu, thủ đoạn leo thang và mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ. Người căn dặn: “Địch có thể bắn phá thành phố Hải Phòng, Hà Nội và mở rộng việc bắn phá ra nhiều nơi khác ở miền Bắc”. Đối với hậu phương miền Bắc, Đảng ta xác định: Trong khi đề cao khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến lớn miền Nam, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “tiếp tục xây dựng miền Bắc, kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế và tăng cường quốc phòng, kiên quyết bảo vệ miền Bắc, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa bằng không quân và hải quân của địch, chuẩn bị sẵn sàng để đánh bại địch trong trường hợp chúng đưa cuộc chiến tranh phá hoại đến một trình độ ác liệt gấp bội, hoặc chuyển nó thành một cuộc “chiến tranh cục bộ” ở cả miền Nam lẫn miền Bắc”2.

Cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội”3. Dự báo chiến lược chính xác của Người về việc đế quốc Mỹ “chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội” là định hướng quan trọng để các cơ quan tham mưu chiến lược chủ động đề ra những chủ trương, kế hoạch, biện pháp tác chiến có hiệu quả nhất. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng hạ quyết tâm: Chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ để đánh thắng, kiên quyết bắn rơi máy bay B-52 tại chỗ, tập trung lực lượng từ vĩ tuyến 20 trở ra, lấy Hà Nội là mục tiêu bảo vệ, nơi tập trung lực lượng chủ yếu. Tháng 4 năm 1972, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân và các quân khu: Phải sẵn sàng đối phó với khả năng đế quốc Mỹ sử dụng không quân, kể cả không quân chiến lược, đánh phá trở lại miền Bắc.

Đi đôi với xác định nhiệm vụ chiến lược của miền Bắc, Đảng đã chỉ đạo đẩy mạnh toàn diện các mặt công tác ở hậu phương, nhất là công tác tư tưởng và tổ chức trong điều kiện chiến tranh lan rộng ra cả nước. Đối với công tác tư tưởng, Đảng đặt ra yêu cầu: Khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước quật cường, sức sáng tạo cao nhất của mọi lực lượng trong Chiến dịch. Cần phải làm cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhận rõ âm mưu và hành động mới của đế quốc Mỹ, nhận rõ chỗ mạnh và chỗ yếu, thuận lợi và khó khăn của ta và của địch; nhận rõ ta đang chiến thắng, nhất định sẽ thắng lợi, Mỹ đang thất bại và nhất định sẽ thất bại hoàn toàn. Trên cơ sở đó, xây dựng niềm tin, ý chí quyết chiến, quyết thắng, dám đánh và biết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; sẵn sàng đánh bại bất cứ thủ đoạn chiến tranh nào của chúng; đồng thời, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, xây dựng tinh thần tự lực cánh sinh, chống chủ quan, khinh địch.

Tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiền đề quan trọng, là điều kiện tiên quyết để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nói chung, quân và dân miền Bắc nói riêng chủ động, bình tĩnh xử lý và thực hiện thắng lợi các tình huống, giữ vững và tăng cường thế tiến công trước và trong cuộc đụng đầu lịch sử với không quân chiến lược Mỹ.

Hai là, tích cực, chủ động xây dựng và tổ chức lực lượng nòng cốt, triển khai đồng bộ các biện pháp động viên sự nỗ lực của toàn dân, tạo thế trận liên hoàn, vững chắc, giành và giữ quyền chủ động tác chiến. Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bất cứ ở đâu, bất kỳ lúc nào, chúng ta cũng phải tích cực chuẩn bị sẵn sàng để đánh bại mọi âm mưu tăng cường và mở rộng chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ”4. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, quân và dân miền Bắc đã cùng nhân dân cả nước bình tĩnh, chủ động bước vào cuộc trường chinh chống Mỹ và đương đầu với sự đánh phá ác liệt của không quân, hải quân Mỹ. Ý chí và niềm tin tất thắng đã tạo ra và nhân lên sức mạnh vô cùng to lớn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn đánh phá của kẻ thù. Hậu phương lớn miền Bắc không những trụ vững trước mưa bom, bão đạn của địch, mà còn tăng cường chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Trên cơ sở dự báo chính xác âm mưu, thủ đoạn và quy luật đánh phá của địch, việc điều chỉnh lực lượng, đội hình chiến đấu, triển khai sở chỉ huy dự bị các cấp, huấn luyện các kíp chiến đấu, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng quyết tâm, công tác bảo đảm vũ khí, khí tài, bảo đảm cơ sở vật chất,... cơ bản hoàn thành đúng thời gian quy định. Sau khi kế hoạch tác chiến được thông qua, Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương điều chỉnh lực lượng, xây dựng thế trận phòng không ba thứ quân, triển khai kế hoạch phòng không nhân dân, sẵn sàng đối phó với âm mưu, thủ đoạn chống phá mới của địch.

Ngay sau khi đế quốc Mỹ sử dụng máy bay B-52 tham chiến ở miền Nam, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chủ trương thành lập và kiện toàn Quân chủng Phòng không - Không quân; tập trung nguồn lực trong nước và viện trợ quốc tế để xây dựng các đơn vị rađa, không quân tiêm kích, tên lửa phòng không, pháo phòng không và một số đơn vị bảo đảm kỹ thuật vững mạnh, trang bị hiện đại, kết hợp với củng cố lực lượng phòng không địa phương rộng khắp, sẵn sàng đối phó với các hoạt động leo thang của địch. Lực lượng nòng cốt đánh máy bay và tàu chiến Mỹ là Quân chủng Phòng không - Không quân và Quân chủng Hải quân. Hai lực lượng này được tăng cường về nhiều mặt, nhất là về vũ khí, trang bị, kế hoạch tổ chức hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng, tạo thế trận liên hoàn của chiến tranh nhân dân đất đối không, đất đối biển. Lực lượng cao xạ từ 12 trung đoàn và 14 tiểu đoàn từ ngày đầu thành lập đến năm 1972 đã phát triển thành 21 trung đoàn, 41 tiểu đoàn, trong đó có 8 trung đoàn cơ động, hình thành một mạng lưới phòng không tầm thấp và tầm trung mạnh ở các yếu địa; đồng thời, có khả năng cơ động, tạo thành những cụm pháo cao xạ bảo vệ từng khu vực. Ngày 07/01/1965, Trung đoàn 236 - Trung đoàn Sông Đà, đơn vị bộ đội Tên lửa phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Công tác huấn luyện binh chủng kỹ thuật hiện đại của lực lượng phòng không được tiến hành bài bản, khẩn trương, với sự hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô. Bộ đội Không quân phát triển từ 01 trung đoàn lên 03 trung đoàn, sử dụng máy bay chiến đấu MiG-17 và MiG-21. Bộ đội Rađa phát triển từ 02 trung đoàn lên 04 trung đoàn thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân5.

Trải qua quá trình chiến đấu, lực lượng tác chiến phòng không của Quân đội phát triển, trưởng thành, thực sự là nòng cốt cho thế trận phòng không nhân dân. Các lực lượng tác chiến phòng không của Quân đội ta vừa ra đời đã bước vào cuộc thử lửa trước không quân hiện đại Mỹ. Thực hiện phương châm vừa huấn luyện, vừa chiến đấu, vừa rút kinh nghiệm, chúng ta đã từng bước phát triển về mọi mặt, nhất là kỹ thuật chiến đấu và khả năng tác chiến hiệp đồng giữa các lực lượng.

Trong cuộc đối đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, trên cơ sở đường lối chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, một thế trận phòng không nhân dân với lực lượng phòng không - không quân là nòng cốt, được thiết lập và ngày càng hoàn chỉnh. Mạng lưới phòng không nhân dân được xây dựng rộng khắp cả ở thành thị và nông thôn, kết hợp vũ khí thô sơ với vũ khí hiện đại, sẵn sàng đối đầu với các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại. Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, lực lượng phòng không cơ động của Bộ cùng với lực lượng phòng không tại chỗ và các đơn vị, tổ, đội dân quân, tự vệ tại khu phố, phường, xã, quận, huyện, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện,... phối hợp tổ chức thế trận hiệp đồng chiến đấu nhiều tầng, nhiều lớp, với hàng chục trận địa tên lửa, hàng trăm trận địa pháo cao xạ, súng bắn máy bay tầm thấp được đặt trên các nóc nhà, các vị trí trọng yếu.

Song song với công tác tổ chức và bảo đảm lực lượng chiến đấu, Quân đội phối hợp với chính quyền, nhân dân làm tốt công tác phòng không, sơ tán, bảo đảm an toàn về người và vật chất. Nhiều trường học, nhà trẻ, bệnh viện, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp được di dời khỏi trọng điểm đánh phá, được bố trí ở nơi tránh trú an toàn.

Với lực lượng và thế trận hoàn chỉnh, sự phối hợp chiến đấu nhịp nhàng, linh hoạt, hiệu quả, quân và dân Thủ đô Hà Nội cùng quân và dân miền Bắc, nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ.

Ba là, chủ động xây dựng phương án tác chiến, sẵn sàng đối phó với phương tiện tối tân nhất của đối phương. Đặc điểm nổi bật của cuộc đối đầu giữa quân và dân ta với không quân Mỹ tháng 12 năm 1972 là cuộc đấu trí có tính chất và hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, với khả năng làm chủ vũ khí, khí tài. Trong quyết định “dốc túi”, đế quốc Mỹ đã tung vào cuộc tập kích đường không chiến lược những phương tiện chiến đấu và vũ khí tối tân, trong đó có máy bay B-52, bom điều khiển, máy tạo nhiễu,…; trong khi đó, vũ khí của Quân đội ta chỉ ở mức tương đối hiện đại như: máy bay MiG-17, MiG-21, tên lửa SAM2, pháo phòng không cỡ 100 mm, rađa P-35.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, “bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”6, ngay từ năm 1962, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu lực lượng phòng không “phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm”7 đến loại máy bay B-52. Tháng 01 năm 1963, Quân chủng Phòng không - Không quân được thành lập, trên cơ sở hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân. Đây là bước phát triển mới về tổ chức và sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bộ Tư lệnh Quân chủng tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu về máy bay B-52. Các cơ quan tác chiến, quân báo tích cực thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến máy bay B-52, nhất là tính năng, tác dụng của “siêu pháo đài bay”. Ngay sau khi Mỹ sử dụng máy bay B-52 ném bom Bến Cát (ngày 18/6/1965), đèo Mụ Giạ - Quảng Bình (ngày 12/4/1966),… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không - Không quân nghiên cứu cách đánh B-52. Quân chủng Phòng không - Không quân đã thể hiện rõ tư tưởng chủ động tiến công, kịp thời điều động lực lượng, vũ khí, trang bị; bộ đội Rađa, Trinh sát điện tử, Không quân phối hợp hoạt động, nghiên cứu tính năng kỹ thuật, đặc điểm, quy luật hoạt động của máy bay B-52 và nghiên cứu cách đánh B-52.

Dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, việc nghiên cứu và biên soạn tài liệu cách đánh B-52 được tiến hành từ rất sớm. Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng Dự thảo cách đánh máy bay chiến lược B-52. Đây là tài liệu rất có ý nghĩa, kịp thời cung cấp cho các đơn vị thông tin về tính năng, kỹ chiến thuật và quy luật hoạt động của B-52, cách đánh B-52 trong điều kiện thông thường.

Việc nghiên cứu cách đánh, xây dựng kế hoạch đánh B-52 được triển khai gấp rút và căn bản hoàn thành vào đầu tháng 9 năm 1972. Cẩm nang đỏ “Cách đánh B-52” sau nhiều lần bổ sung, hoàn chỉnh, được phổ biến đến từng chiến sĩ trực tiếp chiến đấu của bộ đội Tên lửa, Rađa, Không quân, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, chiến đấu của bộ đội. Các chuyên gia kỹ thuật Liên Xô sát cánh cùng đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên lực lượng phòng không và không quân hoàn thành kế hoạch cải tiến, đồng thời tiến hành kiểm tra toàn bộ khí tài điện tử và đạn tên lửa các loại theo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định. Các đơn vị tên lửa, rađa, pháo phòng không 100 mm mở đợt huấn luyện đột kích với nội dung và mục tiêu chủ yếu là đánh máy bay B-52. Bộ đội Không quân tích cực luyện tập theo phương án đánh máy bay B-52 trên năm hướng xung quanh Hà Nội. Quân chủng Phòng không - Không quân đẩy mạnh nghiên cứu cải tiến và sử dụng trang bị vũ khí của ta, sử dụng các rađa cũ kết hợp khí tài quang học với điện tử, điều chỉnh độ nhạy của đầu đạn tên lửa. Quân chủng Phòng không - Không quân tích cực phối hợp với Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, Bộ Tư lệnh Hải quân, Cục Tình báo, Cục Quân lực bảo đảm trinh sát kỹ thuật, sức kéo, thông tin,… xây dựng phương án bắn rơi máy bay B-52.

Bằng tinh thần chủ động, xác định rõ quyết tâm đánh bại âm mưu, thủ đoạn sử dụng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ, quân và dân ta đã sẵn sàng bước vào cuộc đối đầu có tính chất quyết định. 10 giờ 30 phút ngày 17/12/1972, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân trực tiếp chỉ thị cho các sư đoàn 361, 363, 365, 375 và các binh chủng ra đa, không quân, nhất là hai khu vực trọng điểm Hà Nội và Hải Phòng chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất.

Bốn là, lựa chọn hình thức chiến thuật phù hợp; tổ chức sử dụng lực lượng hợp lý; sáng tạo nhiều cách đánh hay, đánh hiểm, tập trung tiêu diệt đối tượng chủ yếu, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt cuộc tập kích. Nắm bắt chính xác âm mưu, thủ đoạn, quy mô, cường độ và thời điểm không kích của đế quốc Mỹ, quân và dân Thủ đô đã chủ động thiết lập thế trận phòng không ba thứ quân hoàn chỉnh, vững chắc, nhiều tầng, nhiều lớp. Đó là thế trận xen kẽ trong chiến đấu, hình thành ba cụm phòng không chiến dịch. Các lực lượng phòng không - không quân đã phân công nhiệm vụ khu vực tác chiến, phân chia độ cao và thời gian chiến đấu chặt chẽ, tạo thế trận nhiều tầng, nhiều lớp, hiểm hóc, liên hoàn, vừa có chiều sâu, vừa có trọng tâm, trọng điểm, hoạt động nhịp nhàng, có thể đánh liên tục, từ xa đến gần, ở mọi tầng cao, đánh từ nhiều phía, trực diện, từ phía sau, bên sườn, khiến địch không thể cơ động phòng tránh. Sự phân công, hiệp đồng chặt chẽ đó khiến quân địch xâm nhập từ hướng nào, ở độ cao nào, ban ngày hay ban đêm đều bị lưới lửa phòng không chặn đánh.

Thắng lợi của Chiến dịch thể hiện nghệ thuật tác chiến phòng không trong phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng phòng không ba thứ quân, trong đó lực lượng phòng không chủ lực làm nòng cốt. Sự chỉ đạo chặt chẽ, phối hợp hoạt động tác chiến giữa phòng không chủ lực với phòng không địa phương, phòng không dân quân, tự vệ và các lực lượng khác; kết hợp đánh rộng khắp với đánh tập trung, đánh nhỏ với đánh vừa và đánh lớn, làm cho địch vô cùng hoảng sợ khi bay vào vùng trời Hà Nội. Lực lượng phòng không ba thứ quân được tổ chức chặt chẽ theo một mệnh lệnh chỉ huy thống nhất, đạt hiệu quả cao, tạo thế trận nhiều tầng, nhiều lớp, vừa có trọng điểm, vừa có thể cơ động nhanh chóng; vừa đánh địch ở các độ cao khác nhau, vừa có sức chiến đấu liên tục cả ngày lẫn đêm. Lưới lửa phòng không nhiều tầng của quân và dân miền Bắc trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 đã hợp thành thế trận liên hoàn, đón đánh và tiêu diệt lực lượng không quân chiến lược và chiến thuật của Mỹ. Chiến công hạ máy bay F-l l l của tự vệ ở trận địa Vân Đồn (ngày 22/12/1972) đã làm nức lòng dân quân, tự vệ Hà Nội.

Thế trận mới đã tạo nên sức mạnh mới cho các lực lượng vũ trang Thủ đô hạ uy thế, sức mạnh của không lực Hoa Kỳ. Lưới lửa phòng không nhân dân của quân và dân Thủ đô là một sáng tạo, độc đáo của chiến tranh nhân dân trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, đất không rộng, mật độ dân cư đông ở khu trung tâm. Với ý chí, quyết tâm cao, bằng trí thông minh trong cải tiến vũ khí, khí tài, làm chủ trận địa, ta đã làm thất bại âm mưu đưa Hà Nội trở về “thời kỳ đồ đá” của đế quốc Mỹ, giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược.

Với thế trận bố trí khoa học, sáng tạo, hợp lý, bộ đội Tên lửa và Không quân tập trung đánh tiêu diệt lực lượng không quân chiến lược ở tầm bay cao. Các lực lượng khác đánh tiêu diệt không quân chiến thuật. Lưới lửa của lực lượng ba thứ quân và thế trận phòng không nhân dân khiến cho không quân Mỹ lúng túng, bị động. Trong quá trình chiến đấu, ta chủ động chuyển hóa thế trận trước khi địch sử dụng hình thức chiến thuật mới, gây bất ngờ đối với địch.

Năm là, tinh thần chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm, sự linh hoạt, sáng tạo của Bộ đội Phòng không - Không quân, của quân và dân miền Bắc, trực tiếp là quân và dân Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố. Chiến đấu chống lại chiến dịch tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ cuối tháng 12 năm 1972 là một cuộc đấu trí, đấu lực đỉnh cao của cả hai phía. Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam một lần nữa được thể hiện trong tài thao lược, trong nghệ thuật chiến dịch phòng không, trong việc làm chủ vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại, trong sáng tạo cách đánh của từng binh chủng, của từng thứ quân, trong việc kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao ở bàn đàm phán Paris. Đây là một quy luật đặc sắc của chiến tranh cách mạng - một dân tộc nhỏ muốn đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của tên đế quốc đầu sỏ phải phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; biết tổng hợp các nhân tố mưu, kế, thế, thời; biết sử dụng cả ý chí và trí tuệ. Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, nơi hội tụ trí tuệ Việt Nam, qua thử thách của chiến tranh đã tự hào là “tọa độ lửa” đối với không quân Mỹ, là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, là nơi thể hiện đỉnh cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đây là một trong những nhân tố tạo nên sức mạnh vô địch của Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội, một sự bảo đảm vững chắc làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972.

Bước vào chiến dịch, vũ khí trên bầu trời và dưới mặt đất của quân và dân Việt Nam đã phát huy tác dụng, bám đánh và tiêu diệt nhiều máy bay hiện đại Mỹ, trong đó có 34 “siêu pháo đài bay” B-52. Cuộc chiến đấu có tính chất sống còn với Mỹ trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, một lần nữa minh chứng cho trí thông minh và bản lĩnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Rađa P-35 “vạch nhiễu tìm thù”, máy bay tiêm kích MiG bé nhỏ bắn rơi B-52, tên lửa SAM2 và ngay cả khẩu súng trường cũng đều bắn rơi “con ma”, “thần sấm”. Con người Việt Nam bằng ý chí học hỏi vươn lên, với lòng dũng cảm, trí thông minh và sức sáng tạo không chỉ phát huy tối đa khả năng của vũ khí, trang bị mà còn phát triển thành nghệ thuật tác chiến phối hợp các loại vũ khí, tạo thành “lưới lửa” phòng không dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp, vòng trong, vòng ngoài, khiến cho đối phương bất ngờ, khiếp sợ. Xây dựng nên thế trận và sử dụng thành thạo các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại ấy chính là những con người Việt Nam được rèn luyện và thử thách trong máu lửa của chiến tranh cách mạng, được giáo dục, bồi đắp lòng yêu nước, căm thù giặc, được truyền thụ kiến thức toàn diện về tự nhiên, xã hội, có lý tưởng cách mạng, có tinh thần, bản lĩnh, sẵn sàng nhận hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố cuối năm 1972 là một mốc son chói lọi, là biểu tượng của ý chí kiên cường, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Đó cũng là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, của thế trận phòng không nhân dân bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa; là đỉnh cao của chiến tranh nhân dân đất đối không chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ; là sự kế thừa và phát triển truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới.

Hiện nay và trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo sẽ có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; các yếu tố đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống có chiều hướng gia tăng, đặt ra không ít thách thức đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong nước, tình hình chính trị - xã hội ổn định, kinh tế tiếp tục tăng trưởng; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Tuy nhiên, các thế lực phản động, phần tử cơ hội chính trị tiếp tục tăng cường chống phá cách mạng nước ta; nhất là hoạt động “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, “phi chính trị hoá” Quân đội, với mức độ, tính chất ngày càng quyết liệt, phức tạp hơn, v.v.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang và phát huy kinh nghiệm, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam - “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cần tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng vừa là nguyên tắc, vừa là cơ sở, nền tảng vững chắc để cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân luôn có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý chí, quyết tâm cao, có niềm tin vững chắc vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng; ra sức tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”8.

Đại tướng LƯƠNG CƯỜNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
_____________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 225.

2 - Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh - Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập II (1954 - 1975), Nxb CTQG, H. 1995, tr. 296.

3 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam – Hồ Chí Minh - Biên niên sự kiện và tư liệu quân sự, Nxb QĐND, H. 1990, tr. 203.

4 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG ST, H. 2011, tr. 693.

5 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam – Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập II, Nxb QĐND, H. 1999, tr. 223 - 225.

6 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 552.

7 - Phùng Thế Tài – Bác Hồ những kỷ niệm không quên, Nxb QĐND, H. 2002, tr. 212.

8 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQG ST, H. 2021, tr. 156.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 – bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng vừa là nguyên tắc, vừa là cơ sở, nền tảng vững chắc để cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân luôn có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý chí, quyết tâm cao, có niềm tin vững chắc vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng;...