Thứ Năm, 24/04/2025, 12:05 (GMT+7)
Thắng lợi của quân và dân ta đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu quan trọng khác ở miền Bắc cuối năm 1972 là thắng lợi của ý chí và trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Thắng lợi đó là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố; trong đó, sức mạnh chính trị tinh thần của quân và dân ta giữ vị trí hàng đầu, có ý nghĩa quan trọng nhất.
Sức mạnh đó biểu hiện tập trung ở tinh thần dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng của quân và dân ta trước cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ, loại vũ khí được quảng cáo là “bất khả xâm phạm”, “không thể bị bắn rơi bởi bất cứ vũ khí nào của đối phương”. Giới quân sự Mỹ còn hăm dọa: với việc sử dụng B-52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng thì “các trung tâm dân cư cũng như các mục tiêu quân sự sẽ bị quét sạch… khu vực mục tiêu chỉ còn là những đống gạch vụn…”1. Các thế lực hiếu chiến trong chính phủ Mỹ hy vọng với việc sử dụng đòn tập kích chiến lược đường không bằng B-52 đánh vào Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, họ sẽ đè bẹp được ý chí, tinh thần của quân và dân ta, buộc ta phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định đình chiến theo điều kiện của Mỹ. Tuy nhiên, họ đã phạm sai lầm nghiêm trọng, khi không đánh giá đúng được sức mạnh chính trị tinh thần to lớn của quân và dân ta trong cuộc đọ sức này.
Trước hết, đó là tinh thần dám đánh của quân và dân ta trước sự hăm dọa về sức mạnh tàn phá của máy bay chiến lược B-52. Điều đó thể hiện ở chỗ, trước kẻ thù có vũ khí tối tân, được các chuyên gia quân sự Mỹ tung hô có sức mạnh hủy diệt ghê gớm, quân và dân ta không hề nao núng, dao động hoặc lo sợ, mà ngay từ sớm đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, quyết tâm dám đánh và quyết tâm phải bắn rơi bằng được máy bay B-52. Ngay từ những ngày đầu đế quốc Mỹ sử dụng B-52 trên chiến trường miền Nam, ngày 19/7/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt quân và dân ta khẳng định quyết tâm dám đánh. Người nói: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B.57, B.52 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh… mà đã đánh là nhất định thắng”2. Khi đế quốc Mỹ cho B-52 ném bom “rải thảm” ở miền Tây Quảng Bình, Bác Hồ đã căn dặn đồng chí Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân: “Máy bay B-52 Mỹ đã ném bom miền Bắc. Phải tìm cách đánh cho được B-52”3. Thực hiện lời căn dặn của Bác, ngay từ năm 1966, Quân chủng Phòng không - Không quân đã cử Trung đoàn Tên lửa 238 vào đất lửa Vĩnh Linh nghiên cứu cách đánh B-52. Những năm sau đó, thêm 04 trung đoàn tên lửa cùng một số máy bay MIG được điều động vào Khu 4 để chi viện cho chiến trường Trị - Thiên và trực tiếp nghiên cứu cách đánh B-52. Tháng 02/1968, Quân chủng Phòng không - Không quân đã xây dựng xong bản kế hoạch mang tên “Phương án đánh trả cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B-52 của Mỹ, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng”; sau đó liên tục được bổ sung, hoàn thiện để có “Phương án tháng 5”, “Phương án tháng 7”, “Phương án tháng 9”, cuối cùng là “Phương án tháng 11” - Bản kế hoạch đánh B-52 hoàn chỉnh nhất. Để thực hiện quyết tâm dám đánh và quyết bắn rơi B-52 ngay trận đầu, Bộ đội Phòng không - Không quân đã sớm nghiên cứu, tổng kết thực tiễn chiến trường, xây dựng được tài liệu Cách đánh B-52 để huấn luyện bộ đội, thống nhất các phương án tác chiến; đồng thời, hạ quyết tâm trước Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp phấn đấu đạt được chỉ tiêu N2 (bắn rơi 06% - 07% máy bay B-52, tỷ lệ làm cho Nhà trắng rung chuyển) và vươn tới đạt chỉ tiêu N3 (bắn rơi trên 10% máy bay B-52, tỷ lệ buộc Mỹ phải thua cuộc). Điều đó cho thấy, quyết tâm dám đánh đã được thực hiện bằng những hành động cụ thể, thông qua việc chủ động chuẩn bị từ sớm các phương án tác chiến đánh B-52 với các chỉ tiêu rõ ràng; và chỉ có tinh thần dám đánh, quyết đánh, chúng ta mới có được sự chuẩn bị chu đáo, để đêm 18/12/1972, quân và dân ta bước vào trận chiến đấu đánh trả cuộc tập kích chiến lược đường không, chủ yếu bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ một cách chủ động, không bị bất ngờ cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Các đơn vị chiến đấu của ta đã bước vào trạng thái báo động chiến đấu cấp 1 - cấp cao nhất trước 35 phút và ngay trong đêm đầu tiên của Chiến dịch, ta đã bắn rơi 03 “siêu pháo đài bay” B-52, trong đó có 02 chiếc rơi tại chỗ.
Thứ hai, sức mạnh chính trị tinh thần của quân và dân ta trong Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 còn thể hiện ở hành động biết đánh và quyết đánh thắng. Trên cơ sở tinh thần dám đánh, quân và dân ta đã dũng cảm vượt qua mọi gian khổ, ác liệt, mưu trí, linh hoạt, sáng tạo, vững tin vào khả năng chiến thắng để quyết tìm ra cách đánh và quyết đánh thắng B-52. Trước thủ đoạn địch gây nhiễu điện tử hòng “bịt mắt” hệ thống ra đa và phòng không của ta, Bộ đội Ra đa đã dày công nghiên cứu, tìm ra cách khắc phục; có đơn vị còn cõng vác khí tài, vượt đèo cao, suối sâu, sự đánh phá ác liệt của địch,… lên đỉnh Trường Sơn lập trạm để vươn cánh sóng tìm B-52. Nhờ dày công nghiên cứu, Bộ đội Ra đa đã tách được B-52 ra khỏi nền nhiễu và tách được B-52 ra khỏi lực lượng hộ tống trong một khối nhiễu dày đặc, sớm phát hiện chính xác vị trí của máy bay B-52, kịp thời thông báo cho các đơn vị chiến đấu tiêu diệt chúng. Bộ đội Tên lửa đã khắc phục được những hạn chế về tính năng của binh khí kỹ thuật, phân biệt mục tiêu thật và giả, tránh được tên lửa tự dẫn của máy bay địch (tên lửa không đối đất); đồng thời, chủ động chuyển hóa thế trận một cách linh hoạt, kết hợp sử dụng nhiều phương pháp điều khiển, tập trung bắn rơi 36 máy bay các loại, trong đó có 29 máy bay B-52 trong cả Chiến dịch. Bộ đội Không quân với khát khao tiêu diệt địch, đã bí mật sử dụng sân bay dã chiến, ở xa để xuất kích đêm, với cách đánh độc đáo, sáng tạo, cộng với ý chí, quyết tâm đánh thắng, bản lĩnh vững vàng, để khi cần, phi công Vũ Xuân Thiều đã điều khiển máy bay lao thẳng vào B-52 để tiêu diệt chúng. Nhờ có lòng tin vào sức mạnh chiến thắng, quân và dân ta đã chủ động khắc phục các giới hạn về tính năng kỹ thuật của vũ khí, trang bị hiện có để tổ chức thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, thiết lập lưới lửa nhiều tầng, với phương án tác chiến hợp lý, dành tên lửa và phi công bay đêm để đánh B-52, còn các lực lượng khác đánh máy bay chiến thuật, đảm bảo lực lượng nào cũng có thể bắn rơi máy bay địch, vũ khí nào cũng có thể phát huy được tác dụng. Kết quả cả Chiến dịch 12 ngày đêm, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay địch; trong đó, có 34 chiếc B-52 (chiếm 17,6% số máy bay B-52 của Mỹ tham gia cuộc tập kích), vượt xa chỉ tiêu N3, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấp nhận mọi yêu cầu cơ bản của ta theo “thỏa thuận tháng 10/1972”, rút hết quân về nước, mở ra cục diện và thời cơ mới cho quân và dân ta - thời cơ giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sức mạnh chính trị tinh thần của quân và dân ta trong Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”4. Trước thủ đoạn đế quốc Mỹ sử dụng máy bay B-52 đánh phá dã man Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu quan trọng khác ở miền Bắc, nhân dân ta không hề run sợ; tinh thần yêu nước và truyền thống chống giặc ngoại xâm một lần nữa đã gắn kết toàn dân tộc thành một khối thống nhất xung quanh Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh để chủ động xây dựng thế trận phòng không nhân dân nhiều tầng, nhiều lớp với quyết tâm “dám đánh và quyết đánh thắng”. Sức mạnh đó còn bắt nguồn từ tầm nhìn xa, trông rộng, sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình, nhạy bén của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, với lời tiên đoán “Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”, để sớm có sự chỉ đạo công tác chuẩn bị mọi mặt đối đầu với cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 của đế quốc Mỹ. Trên cơ sở dự báo sớm và dự báo chính xác về khả năng đế quốc Mỹ sẽ dùng B-52 đánh phá Hà Nội và Hải Phòng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm xây dựng niềm tin, ý chí quyết đánh và quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược cho toàn dân và toàn quân ta, với tinh thần “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”5.
Sức mạnh chính trị tinh thần của quân và dân ta trong Chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972 còn được nhân lên bởi sự chỉ đạo, chỉ huy nhạy bén, xuất sắc của Bộ Thống soái tối cao và các cơ quan tham mưu chiến lược. Trên cơ sở nhận định sớm và đúng khả năng đế quốc Mỹ sẽ có hành động phiêu lưu đánh phá Hà Nội, Hải Phòng bằng máy bay B-52, Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã sớm chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân hoàn thành Bản Kế hoạch chiến dịch đánh trả cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và các tài liệu hướng dẫn về cách đánh B-52. Nhờ đó, công tác chuẩn bị mọi mặt được tiến hành chủ động. Việc điều chỉnh đội hình, tổ chức huấn luyện các kíp chiến đấu, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng quyết tâm “dám đánh và đánh thắng”, công tác bảo đảm vũ khí, khí tài, cơ sở vật chất,… được đẩy mạnh và hoàn thành đúng thời gian theo kế hoạch, trước khi Chiến dịch diễn ra. Sự chủ động chuẩn bị chu đáo, về mọi mặt cho Chiến dịch đã góp phần rất quan trọng củng cố lòng tin của quân và dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng, vào khả năng giành chiến thắng trong cuộc đối đầu với máy bay B-52 trên bầu trời Hà Nội. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng được Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các địa phương tiến hành chủ động, thường xuyên, bền bỉ, cả trước và trong Chiến dịch cũng góp phần đặc biệt quan trọng vào khắc phục mọi biểu hiện hữu khuynh, dao động, thiếu tự tin; cổ vũ tinh thần yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc; xác định ý chí quyết tâm dám đánh, quyết đánh và quyết đánh thắng quân xâm lược Mỹ; củng cố lòng tự tin vào khả năng đánh thắng B-52 của từng cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và từng người dân. Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị Phòng không - Không quân đã luôn chú trọng giáo dục truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, không ngừng củng cố bản lĩnh chính trị và ý chí quyết chiến, quyết thắng cho bộ đội. Công tác đảng, công tác chính trị trong các đơn vị đã đi sâu vào từng đối tượng, từng nhiệm vụ, tích cực giáo dục làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ, quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, chính trị của ta, xây dựng ý chí quyết tâm “dám đánh và quyết đánh thắng” B-52. Đồng thời, động viên, cổ vũ bộ đội phát huy khả năng sáng tạo, tinh thần tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, gian khổ, làm chủ và phát huy cao độ tính năng kỹ thuật của các loại vũ khí có trong biên chế để quyết tâm bắn rơi tại chỗ B-52, bắt sống giặc lái.
Sức mạnh chính trị tinh thần của quân và dân ta trong Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 còn được tăng cường bởi sự giúp đỡ to lớn, hiệu quả về mọi mặt của chính phủ và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em; sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc, của các lực lượng cách mạng, dân chủ hòa bình và của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ. Tình đoàn kết, sự ủng hộ quốc tế đã cổ vũ và tăng thêm sức mạnh chính trị tinh thần cho quân và dân ta trong cuộc chiến đấu ác liệt này.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng bài học về phát huy sức mạnh chính trị tinh thần trong Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” của 50 năm trước vẫn còn nguyên giá trị. Để bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, trước sự tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta phải tập trung xây dựng: “kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối thống nhất”6. Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta trong bối cảnh đó vẫn là sức mạnh tổng hợp của nhiều nhân tố, là sức mạnh của chiến tranh nhân dân phát triển cao trong điều kiện mới; trong đó, sức mạnh chính trị tinh thần của toàn dân tộc vẫn giữ vị trí quan trọng hàng đầu. Điều đó đòi hỏi toàn quân, toàn dân ta phải thường xuyên, bền bỉ chăm lo xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh chính trị tinh thần, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, tạo điều kiện để thực hiện thành công khát vọng “phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”7, hùng cường như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.
NGUYỄN NGỌC HỒI _________________
1 - Giôdep A. Amtơ – Lời phán quyết về Việt Nam, Nxb QĐND, H. 1985, tr. 423.
2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 574.
3 - Lưu Trọng Lân – “Điện Biên Phủ trên không” – Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam, Nxb QĐND, H. 2007, tr. 141 - 142.
4 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 38.
5 - Sđd, Tập 15, tr. 131.
6 - ĐCSVN – Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb CTQG, H. 2013, tr. 169.
7 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQG ST, H. 2021, tr. 110.
“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”,sức mạnh chính trị tinh thần,dám đánh,biết đánh,quyết đánh thắng
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - giá trị dân tộc và thời đại 28/12/2022
“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - nửa thế kỷ nhìn lại 28/12/2022
Xây dựng Sư đoàn 361 vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ 28/12/2022
Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 26/12/2022
Phát huy bài học công tác tư tưởng trong chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 26/12/2022
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - sự hội tụ và phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam 25/12/2022
Phát huy nghệ thuật bảo đảm kỹ thuật Chiến dịch phòng không cuối năm 1972 trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 24/12/2022
Bảo đảm Giao thông Vận tải trong Chiến dịch phòng không năm 1972 và bài học đối với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc 23/12/2022
“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - chiến thắng của sự kết tinh ý chí, niềm tin và sức mạnh tổng hợp 22/12/2022
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và yêu cầu mới đối với Bộ đội Phòng không - Không quân 21/12/2022