Thứ Sáu, 22/11/2024, 22:12 (GMT+7)
Sư đoàn Bộ binh 312 - Đoàn Chiến Thắng (tiền thân là Đại đoàn 312, một trong những sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta) thuộc Quân đoàn 1, được thành lập ngày 27-12-1950. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Sư đoàn được Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ đánh trận Him Lam mở đầu mang ý nghĩa then chốt. Giành thắng lợi trong trận này sẽ là đòn “điểm huyệt”, làm “rạn nứt” toàn bộ hệ thống phòng ngự của quân Pháp, làm hoảng loạn tinh thần, giảm sức mạnh chiến đấu của địch, mở đường cho quân ta cơ động từ Tuần Giáo đến Điện Biên để đánh chiếm các cứ điểm thuộc phân khu Bắc và Nam, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là niềm vinh dự, tự hào, nhưng cũng đặt lên trách nhiệm nặng nề, khó khăn rất lớn cho cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn. Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng đó, ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Sư đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện công tác chuẩn bị, cả con người, vũ khí, trang bị, xây dựng phương án chiến đấu chu đáo, kỹ càng, bảo đảm chắc thắng. Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu dũng cảm, Sư đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Him Lam, diệt 300 tên, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị. Ngay sau đó, Sư đoàn phối hợp cùng với đơn vị bạn tiếp tục đánh chiếm cứ điểm đồi Độc Lập, đồi E, D1, D2,… sau đó tiến vào tung thâm Mường Thanh, bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri và toàn bộ Bộ Tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp, kết thúc thắng lợi Chiến dịch.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Sư đoàn đã tham gia 20 trận đánh lớn, tiêu diệt 17 đại đội địch, bắt sống hơn 4.000 tù binh, góp phần cùng các đơn vị bạn làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, Sư đoàn 312 đã rèn luyện được đội ngũ cán bộ, chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm chiến đấu, đoàn kết, trên dưới một lòng, tự phê bình và phê bình nghiêm khắc, thắng không kiêu, bại không nản; trước mọi thử thách ác liệt, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn luôn bình tĩnh, mưu trí, linh hoạt, chiến đấu anh dũng và chiến thắng oanh liệt. Nhiều trận đánh, như: Him Lam, Độc lập, Mường Thanh,… cùng các anh hùng liệt sĩ, như: Trần Cừ, Trần Can, Phan Đình Giót của Sư đoàn đã đi vào lịch sử kháng chiến hào hùng của quân dân cả nước. Với chiến công xuất sắc đó, ngày 13-5-1954, trong lễ duyệt binh của các đơn vị mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức trọng thể ngay trên cánh đồng Mường Thanh, Sư đoàn vinh dự được nhận vĩnh viễn cờ thưởng luân lưu “Quyết chiến, Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thành tích đó có rất nhiều yếu tố, nhưng nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định là Sư đoàn đã làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ.
Thực tiễn Chiến dịch Điện Biên Phủ đã khẳng định: công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị, quyết tâm chiến đấu cho bộ đội đã được Sư đoàn thực hiện có hiệu quả cả trước và trong suốt Chiến dịch. Bước vào Chiến dịch, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được Sư đoàn tiến hành với nội dung toàn diện, tập trung tuyên truyền, giáo dục cho bộ đội nhận thức rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của địch khi xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; ý nghĩa, tầm quan trọng của Chiến dịch - “trận quyết chiến chiến lược”. Đồng thời, giáo dục cho bộ đội nhận thức rõ tính chất ác liệt của Chiến dịch, khắc phục tư tưởng ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh ngay từ khi nhận nhiệm vụ; kịp thời phát hiện tư tưởng nảy sinh, phân tích, đánh giá đúng thực chất tư tưởng bộ đội, chủ động, tích cực, sáng tạo tiến hành công tác tư tưởng theo phương châm từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ trong tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy ra đến quần chúng, bằng các phương pháp, hình thức phù hợp với điều kiện cụ thể của chiến trường và từng đơn vị. Đặc biệt, khi thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, ở thời điểm “kéo pháo vào”, “kéo pháo ra” hết sức khó khăn, xuất hiện tư tưởng bi quan, giao động, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tích cực, kiên trì lãnh đạo, chỉ đạo giáo dục, động viên giải quyết tư tưởng cán bộ, chiến sĩ có hiệu quả. Nhờ đó, xây dựng cho bộ đội ý chí quyết chiến quyết thắng, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, khẩn trương, bí mật thực hiện nhiệm vụ theo đúng kế hoạch. Đây là thành công về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị cho bộ đội - nhân tố có ý nghĩa quyết định tạo nên sức mạnh chiến đấu của Sư đoàn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bài học đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong công tác quản lý, huấn luyện, rèn luyện bộ đội của Sư đoàn.
Hiện nay, ngoài nhiệm vụ chính trị trọng tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, Sư đoàn còn được Bộ Quốc phòng chọn xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Kế thừa bài học về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 vào điều kiện mới, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng cho bộ đội bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Hằng năm, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn chỉ đạo từng cơ quan, đơn vị, căn cứ vào tình hình thực tiễn để ra nghị quyết lãnh đạo xác định mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu, nội dung, biện pháp tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị. Trên cơ sở đó, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên ở từng cấp xây dựng kế hoạch thực hiện theo từng giai đoạn và từng nhiệm vụ cụ thể; cơ quan chính trị các cấp thường xuyên hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, bảo đảm để công tác này được tiến hành thống nhất. Trong đó, tập trung xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao lòng tự hào về truyền thống Sư đoàn, tinh thần cảnh giác cách mạng, ý chí quyết tâm, vươn lên làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Hằng năm, Sư đoàn thực hiện có hiệu quả “Đề án đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” và kế hoạch giáo dục chính trị cho các đối tượng bảo đảm đúng, đủ nội dung, chương trình. Trong thực hiện, Sư đoàn tập trung vào chương trình giáo dục cơ bản và học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, các chuyên đề học tập của sĩ quan, giáo dục truyền thống đơn vị; đồng thời, tích cực đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục. Ngoài nội dung giáo dục do cấp trên quy định, các cơ quan, đơn vị trong toàn Sư đoàn đã tự xác định nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng phù hợp với từng đối tượng. Trong đó, tập trung quán triệt, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Chỉ thị 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; các nhóm giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, công hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị kết hợp giữa giáo dục lịch sử truyền thống, kinh nghiệm chiến đấu của đơn vị với giáo dục pháp luật; giáo dục thường xuyên với giáo dục chuyên đề, chủ đề gắn với từng đối tượng. Ngoài các hình thức giáo dục, tuyên truyền theo Quy chế của Tổng cục Chính trị, Sư đoàn đã chủ động thành lập “Tổ cán bộ nói chuyện chuyên đề bổ trợ”, với nhiều chủ đề phù hợp tâm lý bộ đội, như: về giới tính, tình yêu, hôn nhân, gia đình, thanh niên với văn hóa giao thông, mặt trái của mạng xã hội, v.v. Qua đó, góp phần định hướng tư tưởng và hướng dẫn hành động cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là đối tượng chiến sĩ mới, hạn chế thấp nhất vi phạm kỷ luật, xây dựng tốt mối đoàn kết, gắn bó, trách nhiệm với đơn vị, kịp thời cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, chiến sĩ hăng hái, thi đua trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, các đơn vị luôn làm tốt công tác quản lý tư tưởng bộ đội, nhất là trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động truyền thụ kinh nghiệm với sinh hoạt chính trị, tư tưởng, làm tốt công tác tuyên truyền, cổ động thao trường, với nhiều mô hình, như: hộp sách báo thao trường, tổ chức các trò chơi quân sự, văn nghệ giữa giờ, v.v. Qua đó, tạo không khí sôi nổi, thoải mái, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho bộ đội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, Sư đoàn duy trì chặt chẽ các nền nếp chế độ, như: thông báo chính trị, đọc báo, xem thời sự, Ngày Chính trị và văn hóa tinh thần ở cơ sở, Ngày Pháp luật hằng tháng, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các thiết chế văn hóa, quy chế dân chủ trong đơn vị; thường xuyên quan tâm bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, cán bộ giảng dạy chính trị, tuyên truyền viên trẻ, thông qua tổ chức hội thi, hội thao hằng năm. Nhằm hướng bộ đội vào hoạt động thực tiễn và quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị trong Sư đoàn thường xuyên duy trì tốt các mô hình: mỗi tuần một điều luật, mỗi ngày một câu hỏi pháp luật, thành lập “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân” ở các cấp; tổ chức hội thi, diễn đàn, tọa đàm, như: “Thanh niên với chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội”, “Thanh niên Sư đoàn với văn hóa giao thông”, cuộc thi “Tiếng hát từ những miền quê”,… tạo sức cuốn hút bộ đội. Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị coi trọng xây dựng môi trường văn hóa quân sự phong phú, lành mạnh; thường xuyên quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hậu phương gia đình cán bộ, chiến sĩ, xây dựng mối quan hệ đoàn kết trong đơn vị. Đội ngũ cán bộ các cấp luôn gương mẫu, làm tốt công tác nắm, giải quyết tình hình tư tưởng, dư luận, tâm trạng của bộ đội, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những biểu hiện vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, chế độ quy định của đơn vị ngay từ khi mới manh nha, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong đơn vị.
Vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vào xây dựng bản lĩnh chính trị cho bộ đội đã mang lại hiệu quả to lớn. Cán bộ, chiến sĩ Đơn vị luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, không suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu không ngừng được nâng lên. Nhiều năm liền Sư đoàn đạt danh hiệu “Đơn vị huấn luyện Giỏi”. Năm 2018, Sư đoàn được Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 tặng Cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào Thi đua Quyết thắng khối các sư đoàn, nhà trường trong Quân đoàn. Đó là minh chứng về sự thành công, kinh nghiệm quý trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đồng thời, là yếu tố quyết định để cán bộ, chiến sĩ “Sư đoàn Chiến thắng” vượt qua mọi khó khăn, thử thách, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Đại tá PHẠM QUANG HẢI, Chính ủy Sư đoàn
Sư đoàn 312,Chiến dịch Điện Biên Phủ,giáo dục chính trị
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - giá trị dân tộc và thời đại 28/12/2022
“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - nửa thế kỷ nhìn lại 28/12/2022
Xây dựng Sư đoàn 361 vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ 28/12/2022
Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 26/12/2022
Phát huy bài học công tác tư tưởng trong chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 26/12/2022
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - sự hội tụ và phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam 25/12/2022
Phát huy nghệ thuật bảo đảm kỹ thuật Chiến dịch phòng không cuối năm 1972 trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 24/12/2022
Bảo đảm Giao thông Vận tải trong Chiến dịch phòng không năm 1972 và bài học đối với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc 23/12/2022
“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - chiến thắng của sự kết tinh ý chí, niềm tin và sức mạnh tổng hợp 22/12/2022
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và yêu cầu mới đối với Bộ đội Phòng không - Không quân 21/12/2022