Thứ Sáu, 22/11/2024, 23:28 (GMT+7)
Năm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Kỷ niệm trọng thể 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954 – 07-5-2014) trong bối cảnh cả nước đang phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XI và các nghị quyết của Đảng, đưa Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (năm 2013) vào cuộc sống, biến ý chí, khát vọng của toàn dân thành hiện thực.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, trận quyết chiến chiến lược kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp của đế quốc Mỹ. Chiến thắng vĩ đại đó mãi mãi đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc như một bản hùng ca bất hủ, một “chiến công chói lọi bằng vàng” trong thế kỷ XX. Đó là thắng lợi rực rỡ của dân tộc Việt Nam anh hùng và cũng là thắng lợi chung của các lực lượng tiến bộ, của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ có giá trị thời đại và ý nghĩa quốc tế sâu sắc - “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là đòn giáng chí mạng vào hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, báo hiệu sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa thực dân cũ.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là niềm tự hào của cả dân tộc ta, để lại nhiều bài học quý. Trong đó, phát huy nhân tố chính trị - tinh thần là bài học thành công nhất, quyết định nhất đến thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Biểu hiện tập trung nhất của nhân tố chính trị - tinh thần trong chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như toàn bộ cuộc kháng chiến chống Pháp là vấn đề đường lối lãnh đạo của Đảng. Trên cơ sở nắm vững chủ nghĩa Mác – Lê-nin đồng thời xuất phát từ tình hình cụ thể của cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo, khoa học. Đó là đường lối “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính. Với đường lối ấy, Đảng ta đã động viên toàn dân, tập hợp các giai tầng cách mạng, các lực lượng yêu nước; đoàn kết các dân tộc; củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất,… tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả nước cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thực hiện đường lối đó, Đảng ta đã phát động thành công chiến tranh nhân dân độc đáo, sáng tạo; củng cố và mở rộng hậu phương kháng chiến, huy động sức người, sức của ngày càng lớn cho mặt trận với khẩu hiệu “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”. Toàn dân tham gia kháng chiến, cả nước đổ ra mặt trận với một sức mạnh vô địch và tinh thần quyết chiến, quyết thắng cao độ, nhất là ở mặt trận chính Điện Biên Phủ đã chứng minh đường lối chính trị đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta.
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, của cuộc kháng chiến là do Đảng ta có đường lối chính trị, quân sự đúng và sự chỉ đạo chiến lược tài tình, sắc sảo. Đó là đường lối tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài, bằng cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, lấy lực lượng chính trị làm cơ sở để xây dựng lực lượng vũ trang; lấy lực lượng vũ trang ba thứ quân, gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Trong suốt cuộc kháng chiến, Đảng ta đã quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công, lấy đấu tranh vũ trang làm hình thức đấu tranh chủ yếu, giữ vai trò trực tiếp quyết định, kết hợp với đấu tranh chính trị ở vùng sau lưng địch; đồng thời, coi trọng đấu tranh trên mặt trận kinh tế, văn hóa và ngoại giao. Nét đặc sắc của đường lối quân sự, nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân của Đảng ta là phát triển dần từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy và kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; thực hiện đánh địch với mọi quy mô (đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn), bằng mọi hình thức tác chiến: tập kích, phục kích, đánh vận động, đánh địch trong công sự vững chắc,... để tiêu diệt và đánh đổ từng bộ phận quân địch, giành thắng lợi từng bước, tiến tới trận quyết chiến chiến lược là chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược xét từ góc độ chính trị - tinh thần còn được biểu hiện ở sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên cơ sở liên minh công nông dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”1, nhân dân ta đã nhất tề đứng dậy, đoàn kết xung quanh Đảng, Chính phủ và Bác Hồ, quyết tâm kháng chiến bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến đầy cam go, thử thách đó, quân và dân ta đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực tự cường, “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” để đánh bại thực dân Pháp, có sự giúp sức của đế quốc Mỹ. Thực tiễn cho thấy, sự đoàn kết của toàn dân, toàn quân với khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng cùng tinh thần quyết chiến, quyết thắng rất cao là nguồn sức mạnh chính trị - tinh thần vô cùng lớn, nguồn sức mạnh vô địch, sức mạnh tuyệt đối của ta so với kẻ thù. Đó cũng là một trong những nhân tố quyết định đưa chiến dịch Điện Biên Phủ đến thắng lợi rực rỡ.
Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của quân viễn chinh Pháp lúc bấy giờ. Tiến công vào đó, bên cạnh những thuận lợi, ta cũng gặp rất nhiều khó khăn về tác chiến, bảo đảm hậu cần, đời sống, sinh hoạt của bộ đội,… Để phát huy sức mạnh, đồng thời khắc phục những khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ của trận quyết chiến chiến lược, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ,CTCT) bằng nhiều biện pháp, phương thức hoạt động thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt, trước khi mở màn Chiến dịch, cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) tại mặt trận đã nhận được Thư của Bác Hồ, trong thư Bác viết: “Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới”2. Những lời dạy của Bác là nguồn động viên vô cùng to lớn tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho bộ đội. Có thể thấy, công tác lãnh đạo tư tưởng, giáo dục quán triệt nhiệm vụ cho các lực lượng tham gia Chiến dịch, bồi dưỡng tinh thần chiến đấu cho hàng vạn bộ đội, tinh thần phục vụ chiến trường cho hàng chục vạn dân công được thực hiện rất tốt và thực sự là một thành công lớn của chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đó, nổi bật là công tác lãnh đạo đấu tranh giải quyết tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, củng cố quyết tâm được thực hiện ngay tại mặt trận và trong suốt quá trình thực hiện Chiến dịch.
Ngay trong giai đoạn chuẩn bị, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã nghiên cứu, thảo luận rất kỹ để thống nhất nhận thức về phương châm, cách đánh Chiến dịch. Lúc đầu ta chọn phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”3 là phù hợp với tình hình địch và cũng sát hợp với tình hình tư tưởng của CB,CS vào thời điểm đó. Nhưng, khi tình hình địch thay đổi, lực lượng và hệ thống phòng thủ của chúng đã được củng cố vững chắc, trong khi công tác chuẩn bị của ta chưa hoàn tất, ta đã kịp thời thay đổi, chuyển sang phương châm: “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là quyết định rất khó khăn, táo bạo, nhưng hết sức chính xác, thể hiện tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh chính trị cao, tư duy quân sự nhạy bén của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Quyết định đó là bước ngoặt quan trọng có ý nghĩa quyết định thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng thời, thể hiện sự thấm nhuần sâu sắc tư tưởng “chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”4 - một nguyên tắc cơ bản trong chỉ đạo chiến tranh cách mạng của Đảng ta. Đó cũng là thành công nổi bật về công tác đảng, về sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang, đấu tranh vũ trang. Tuy nhiên, khi chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, chúng ta gặp trở ngại không nhỏ về tư tưởng bộ đội. Nắm vững tình hình tư tưởng diễn biến không có lợi cho việc hoàn thành nhiệm vụ, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã kịp thời triệu tập Hội nghị cán bộ các cấp để thống nhất nhận thức về cách đánh mới, đồng thời đấu tranh với những nhận thức, tư tưởng lệch lạc. Đây là cách làm sáng tạo về hoạt động CTĐ,CTCT trong chiến đấu. Hội nghị thành công đã tạo được sự thống nhất, đoàn kết và niềm tin trong CB,CS vào phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, nhờ đó chúng ta đã giành thắng lợi giòn giã ngay trong đợt 1 của Chiến dịch. Nhưng sau những thắng lợi bước đầu đó, trong CB,CS lại xuất hiện tư tưởng chủ quan, coi thường địch và tiếp đó khi gặp khó khăn ở một số trận đánh ở đầu đợt 2 của Chiến dịch thì bộ đội lại có tư tưởng bi quan, đánh giá cao địch, thiếu niềm tin vào chiến thắng,… Trước diễn biến bất lợi đó, đồng thời nhận thấy rõ tầm quan trọng của nhân tố chính trị - tinh thần trong chiến đấu, Đảng ủy mặt trận đã triệu tập hội nghị Bí thư Đại đoàn ủy để tiến hành kiểm điểm và sửa chữa những tư tưởng sai lầm, hữu khuynh, tiêu cực, củng cố quyết tâm hoàn thành bằng được yêu cầu nhiệm vụ của Chiến dịch. Hội nghị đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, những trở ngại và tính chất nguy hại của nó đối với việc thực hiện nhiệm vụ chiến dịch, từ đó tạo sự thống nhất và chuyển biến tốt về tình hình tư tưởng, khích lệ tinh thần của CB,CS. Tiếp đó, để phát huy kết quả của công tác tư tưởng, Đảng ủy mặt trận còn kịp thời chỉ đạo kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức. Một mặt, lựa chọn những vụ việc điển hình về vi phạm kỷ luật chiến trường, vi phạm chính sách để thi hành kỷ luật, nhằm giáo dục chung; mặt khác, kịp thời kiện toàn tổ chức biên chế lực lượng, chấn chỉnh công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, chăm sóc thương bệnh binh, giải quyết vấn đề chiến thuật, tổ chức bồi dưỡng và rút kinh nghiệm hiệp đồng tác chiến giữa bộ binh và binh chủng,… Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, bằng nhiều biện pháp tích cực, sáng tạo nên đã làm chuyển biến tình hình mọi mặt, thúc đẩy Chiến dịch phát triển.
Coi trọng nhân tố chính trị - tinh thần, thực hiện tốt công tác tư tưởng, gắn chặt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng với công tác tổ chức để củng cố ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội là kinh nghiệm quý được rút ra từ chiến dịch Điện Biên Phủ. Cũng từ thắng lợi đó, chúng ta còn rút ra bài học: sau khi có phương châm và kế hoạch tác chiến Chiến dịch đúng, thì việc nhạy bén trong lãnh đạo tư tưởng, giáo dục quán triệt nhiệm vụ, xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng cho bộ đội có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện phương châm và kế hoạch tác chiến để giành thắng lợi của toàn Chiến dịch. Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá: “Đây là một thành công rất lớn của công tác chính trị trên mặt trận Điện Biên Phủ, một trong những thành công lớn nhất của công tác chính trị trong lịch sử chiến đấu của Quân đội ta”5.
Trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, chưa bao giờ quân và dân ta đồng lòng tiến ra mặt trận với một khí thế hăng hái, mạnh mẽ như trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tinh thần chi viện vô điều kiện của hậu phương chiến dịch đối với mặt trận và tinh thần quyết chiến, quyết thắng cao độ của bộ đội là cội nguồn của chiến thắng. Đó cũng là kết quả của đường lối cách mạng đúng đắn, của công tác động viên chính trị sâu rộng của Đảng ta. Trong đó, phải nói tới ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện chính sách giảm tô, cải cách ruộng đất với khẩu hiệu “Người cày có ruộng” theo chủ trương Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) (25-01-1953) đề ra. Nhờ cải cách ruộng đất, mà “tinh thần và lực lượng kháng chiến của hàng triệu nông dân được động viên mạnh mẽ, khối liên minh công nông được tăng cường, chính quyền nhân dân và mặt trận dân tộc thống nhất được củng cố, sức chiến đấu của Quân đội nhân dân (QĐND), mọi mặt hành động kháng chiến đều được đẩy mạnh. Cuộc vận động này đã góp phần quyết định vào Chiến thắng Điện Biên Phủ”6.
Hiện nay và trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tuy hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo; nhưng bên cạnh đó, sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, biến động nhanh, tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Đáng chú ý là, sự tranh giành ảnh hưởng, cạnh tranh chiến lược quyết liệt giữa các nước lớn, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia ở khu vực, nhất là trên Biển Đông diễn biến phức tạp, khó lường. Đối với nước ta, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” với những thủ đoạn mới hết sức thâm độc, nguy hiểm. Trong bối cảnh đó, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta rất nặng nề, yêu cầu cao, có cả thuận lợi và khó khăn đan xen. Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, chúng ta cần kế thừa và phát huy tốt bài học về phát huy nhân tố chính trị - tinh thần trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sáu mươi năm đã trôi qua, kể từ chiều hè lịch sử năm ấy (07-5-1954), nhưng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn in đậm trong ký ức của mỗi chúng ta với niềm tự hào sâu sắc. Những bài học quý, nhất là bài học về nhân tố chính trị - tinh thần từ chiến thắng vĩ đại đó còn nguyên giá trị. Để phát huy bài học quý báu đó trong điều kiện mới, đòi hỏi chúng ta phải tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động CTĐ,CTCT trong Quân đội.
Trước hết, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảm bảo giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. Đây là vấn đề nguyên tắc và cũng là mục tiêu, yêu cầu bức thiết của sự nghiệp xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Trong đó, coi trọng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tạo cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cho Quân đội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ IX đã xác định. Phải tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt lãnh đạo, đề cao tự phê bình và phê bình, năng lực tổ chức thực hiện nghị quyết và chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, các quy chế, quy định, hướng dẫn của Trung ương và Quân ủy Trung ương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp theo quy định của Điều lệ Đảng, với phương châm: “Giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”. Tiến hành rà soát và thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ IX đã đề ra và làm tốt công tác chuẩn bị Đại hội của tổ chức đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X và Đại hội XII của Đảng.
Hai là, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Phải thường xuyên giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bản chất giai cấp, lý tưởng cách mạng, mục tiêu chiến đấu, xây dựng bản lĩnh chính trị cho CB,CS, nhằm đảm bảo cho QĐND bất luận trong hoàn cảnh nào, khó khăn đến đâu cũng luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành nghiêm túc cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông qua giáo dục và hoạt động thực tiễn, QĐND tiếp tục khẳng định thực sự là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành tin cậy của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân và là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Các cấp ủy, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp phải bám sát, nắm chắc, quản lý chặt chẽ tình hình tư tưởng bộ đội, kịp thời phát hiện những diễn biến phức tạp về tư tưởng trong CB,CS để có biện pháp uốn nắn, khắc phục, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ và xây dựng đơn vị. Các đơn vị cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. Trong đó, cần chú trọng biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” gắn với phê phán, đấu tranh khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tư tưởng trung bình chủ nghĩa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và Đợt thi đua cao điểm “Tiếp bước chiến sĩ Điện Biên - Tiến lên giành ba Nhất”, tạo động lực để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị. Các đơn vị trong toàn quân cần chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” của Quân ủy Trung ương. Theo đó, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác giáo dục chính trị phù hợp với nhiệm vụ và tính chất đặc thù của từng đơn vị, gắn công tác giáo dục chính trị với định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động cho bộ đội và nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, tạo sự chuyển biến vững chắc về nhận thức và hành động chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội.
Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức và trình độ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đây là vấn đề hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Để làm tốt công tác này, cấp ủy các cấp cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 769-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”. Trong đó, phải chủ động làm tốt công tác quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược và cán bộ quân sự địa phương tham gia các tỉnh ủy, thành ủy. Đồng thời, phải quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, trình độ năng lực, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảm bảo cho họ có đủ khả năng hoàn thành cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao. Cần phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống theo Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) và Quy định 646-QĐ/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện nói đi đôi với làm, cấp trên làm gương cho cấp dưới, cán bộ làm gương cho chiến sĩ học tập, noi theo. Tích cực đổi mới phương pháp, tác phong công tác, thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội
Bốn là, thực hiện tốt công tác dân vận, củng cố mối quan hệ đoàn kết quân - dân. Thời gian tới, các đơn vị trong toàn quân cần tập trung quán triệt sâu sắc Nghị quyết 25-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI). Trên cơ sở đó, tích cực đổi mới nội dung, hình thức công tác dân vận cho phù hợp với từng địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược biên giới, biển, đảo, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo. Các đơn vị cần chủ động phối hợp với các lực lượng trong việc tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ và giúp nhân dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo…, góp phần củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc. Qua đó, tăng cường mối đoàn kết máu thịt quân - dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Quân đội, với Đảng, với Nhà nước và chế độ XHCN.
Năm là, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chủ động đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Trong tình hình hiện nay, các đơn vị phải chú trọng thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Trong đó, phải thường xuyên rà soát, quản lý chặt chẽ nội bộ, thực hiện nghiêm các quy định, quy chế về an toàn nội bộ; tuyệt đối tránh để xảy ra hiện tượng lộ, lọt thông tin và các hoạt động cài cắm, móc nối…; phấn đấu 100% đơn vị an toàn tuyệt đối về chính trị. Cùng với đó, QĐND phải chủ động phối hợp với các lực lượng, nắm chắc tình hình, phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu hành động chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; nhất là thủ đoạn thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội của chúng, nhằm giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội.
Với niềm vinh dự, tự hào về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, CB,CS QĐND Việt Nam nguyện tiếp tục phát huy truyền thống, bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, “Bộ đội của dân” tăng cường đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng nòng cốt của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Thượng tướng NGÔ XUÂN LỊCH
Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ QUTƯ
Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam _________________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 534.
2 - Sđd, Tập 8, tr. 433.
3 - Dự kiến thời gian nổ súng mở màn: 20-01-1954, diễn ra trong 02 ngày 03 đêm.
4 - Chiến thắng Điện Biên Phủ, mốc vàng lịch sử, chân lý thời đại, Nxb QĐND, H. 2004, tr. 99.
5 - Võ Nguyên Giáp - Vài hồi ức về Điện Biên Phủ, Nxb QĐND, H. 1977, tr. 80.
6 - Lê Duẩn - Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Tạp chí Học tập, Số 2-1970, tr. 31.
chính trị,tinh thần,Điện Biên Phủ
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - giá trị dân tộc và thời đại 28/12/2022
“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - nửa thế kỷ nhìn lại 28/12/2022
Xây dựng Sư đoàn 361 vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ 28/12/2022
Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 26/12/2022
Phát huy bài học công tác tư tưởng trong chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 26/12/2022
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - sự hội tụ và phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam 25/12/2022
Phát huy nghệ thuật bảo đảm kỹ thuật Chiến dịch phòng không cuối năm 1972 trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 24/12/2022
Bảo đảm Giao thông Vận tải trong Chiến dịch phòng không năm 1972 và bài học đối với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc 23/12/2022
“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - chiến thắng của sự kết tinh ý chí, niềm tin và sức mạnh tổng hợp 22/12/2022
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và yêu cầu mới đối với Bộ đội Phòng không - Không quân 21/12/2022