QPTD -Thứ Bảy, 04/05/2019, 14:26 (GMT+7)
Miền Đông Nam bộ trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954

Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ làm nên bước ngoặt trong tiến trình lịch sử dân tộc, mà còn mang tầm vóc quốc tế và ý nghĩa thời đại. Thắng lợi vĩ đại đó, trước hết bắt nguồn từ đường lối cách mạng, đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng; là đỉnh cao của nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp tác chiến giữa các chiến trường, trong đó có chiến trường Đông Nam Bộ.

Đầu năm 1951, theo chỉ đạo của trên và tình hình thực tiễn, Trung ương Cục miền Nam tổ chức, bố trí lại lực lượng, tạo thế và lực mới trên chiến trường. Nam Bộ được chia làm ba vùng: Phân liên khu miền Đông, Phân liên khu miền Tây và Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Phân liên khu miền Đông gồm 05 tỉnh: Thủ Biên, Gia Ninh, Bà Chợ, Mỹ Tân Gò và Long Châu Sa1. Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 lấy Ðiện Biên Phủ làm trung tâm thì Nam Bộ nói chung, Đông Nam Bộ nói riêng là chiến trường xa nhất về phía Nam. Thực dân Pháp coi đây là địa bàn hết sức nhạy cảm về chiến lược, có tầm quan trọng đặc biệt, là đầu cầu đường biển thuận tiện, gần nhất nối với Pháp, mảnh đất giàu có cung cấp nhân lực, vật chất để phục vụ chiến tranh. Nó còn có ý nghĩa quan trọng hơn, khi ở đây có nhiều quyền lợi trước mắt cũng như lâu dài của đế quốc Mỹ mà thực dân Pháp phải bảo vệ để đổi lấy viện trợ quân sự.

Đánh giá đúng tình hình, trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định chiến trường Nam Bộ là hướng phối hợp quan trọng, có nhiệm vụ phân tán, cầm chân, tiêu hao lực lượng địch, gây bất ổn ngay tại hậu phương lớn của chúng. Đồng thời, đẩy mạnh dân vận, địch vận, chống bắt lính, mở rộng các căn cứ, khu du kích. Quán triệt tinh thần đó, tháng 10-1953, Phân liên khu ủy miền Đông tổ chức Hội nghị quân - dân - chính - đảng, đánh giá tình hình và đề ra nhiều biện pháp thực hiện cụ thể. Các cơ quan, đơn vị vũ trang tiến hành đợt chỉnh Đảng, chỉnh quân sâu rộng. Phân liên khu ủy mở nhiều lớp tập huấn tới cán bộ cấp huyện, xã, đại đội vũ trang. Nội dung học tập bao gồm chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, ý thức giai cấp, lập trường “trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, nhất định thắng lợi”, v.v. Đợt chỉnh Đảng, chỉnh quân đã góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao sức mạnh chiến đấu cho lực lượng vũ trang, xây dựng niềm tin kháng chiến nhất định thắng lợi trong mọi tầng lớp nhân dân. Tổ chức đảng các cấp được củng cố, nhiều xã “trắng” trước đây nay đã lập được chi bộ. Ở tỉnh Bà Chợ - một trong những tỉnh vùng sâu, có 108 xã và 2 thị xã (Vũng Tàu, Bà Rịa), có 2 chi bộ/2 thị xã, 8 chi bộ/8 xã căn cứ, 81 chi bộ/100 xã du kích và tạm bị chiếm2, v.v.

Cùng với hoạt động chỉnh Đảng, chỉnh quân, các cấp bộ đảng còn tập trung lãnh đạo phát triển toàn diện phong trào chiến tranh du kích, đẩy mạnh hoạt động tác chiến, chống càn quét, tập kích, tiêu diệt đồn bốt địch. Ở Thủ Biên, Gia Ninh, Long Châu Sa, Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, bộ đội và quân du kích tổ chức nhiều trận phục kích, diệt xe cơ giới, tàu thuyền quân sự trên sông. Tấn công vào hàng loạt các trục giao thông quan trọng của địch như: quốc lộ 1, 13, 14, các tuyến đường sắt Sài Gòn - Phan Thiết, Sài Gòn - Lộc Ninh; tập kích khu kho quân sự Phú Thọ Hòa, phá hủy: 9.000 tấn bom đạn, mười triệu lít xăng dầu, v.v. Tính trong mùa khô 1953 - 1954, ta đánh hơn 2.000 trận, tiêu diệt bức rút hàng trăm đồn bốt, tháp canh; loại khỏi vòng chiến đấu trên 10.000 tên địch; phá hủy gần 20.000 tấn đạn; thu hơn 3.000 súng các loại3, v.v.

Mặt khác, các cấp bộ đảng còn lãnh đạo đẩy mạnh công tác củng cố và phát triển cơ sở kháng chiến, mở rộng khu căn cứ cách mạng. Lấy hệ thống cơ sở làm nòng cốt vận động nhân dân nổi dậy, phối hợp với bộ đội, du kích bao vây bức rút đồn bốt, diệt tề, trừ gian, giải phóng cho hàng chục vạn dân trở về vùng tự do. Đến giữa năm 1954, Chiến khu Đ vươn tới sông Đồng Nai, giáp quốc lộ 14. Chiến khu Dương Minh Châu nối thông với căn cứ Định Thành, mở sang cả phía Đông sông Sài Gòn và biên giới Cam-pu-chia, tạo thành một mạng lưới căn cứ địa liên hoàn, tạo thế cài răng lược trên toàn bộ chiến trường.

Cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh công tác địch vận, tuyên truyền cho mọi người dân không hợp tác với chính quyền tay sai, thanh niên không đi lính cho thực dân Pháp. Tại vùng du kích, các đội công tác tổ chức gặp gỡ các gia đình ngụy binh, hướng dẫn họ kêu gọi con em trở về với kháng chiến. Tại Gia Ninh, vùng Suối Tre, Trà Cú và Tòa thánh Tây Ninh, các đội vũ trang tuyên truyền tổ chức nói chuyện với đồng bào tín đồ Cao Đài, có lần lên đến hàng nghìn người nghe. Tại Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, phong trào đấu tranh chính trị  phát triển mạnh mẽ đòi dân sinh, dân chủ, hòa bình, chống đàn áp, v.v. Báo chí cách mạng và Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt ở Sài Gòn - Chợ Lớn cực lực lên án hành động bắt lính của Pháp và chính quyền bù nhìn, đòi chấm dứt hành động bắt thanh niên Việt Nam đi lính cho Pháp, chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút quân viễn chinh Pháp về nước, v.v. Phong trào đấu tranh chính trị “chống bắt lính” như một đòn tấn công phối hợp nhịp nhàng với quân dân cả nước trên mọi chiến trường. Mùa khô 1953 - 1954, trên địa bàn có hơn 4.000 binh sĩ ngụy bỏ ngũ, 6 đại đội, 5 trung đội tan rã không xây dựng lại được4.

Lực lượng vũ trang Quân khu diễn tập nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu

Thắng lợi trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng vĩ đại đó đã để lại nhiều bài học quý giá về tư tưởng chỉ đạo chiến lược nhạy bén, sắc sảo của Trung ương Đảng và sự vận dụng sáng tạo, sát thực tế của Trung ương Cục miền Nam trên chiến trường Đông Nam Bộ. Đó là thắng lợi của đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Để tiếp tục vận dụng tư tưởng, đường lối đó vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, lực lượng vũ trang Quân khu 7 cần tiếp tục thực hiện tốt những nội dung sau:

Một là, tăng cường xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, chiến trường Đông Nam Bộ đã phát huy cao độ phong trào cách mạng của quần chúng. Cùng với các hoạt động quân sự của lực lượng vũ trang, nhân dân đã nổi dậy bức rút đồn bốt, diệt tề, trừ gian,… với khí thế sôi sục và tinh thần tự giác cao độ. Để tiếp tục phát huy tinh thần đó, cấp ủy, cơ quan quân sự các cấp đề cao trách nhiệm, chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, bồi đắp lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, củng cố niềm tin, tình cảm gắn bó với chế độ, với Đảng. Qua đó, chuyển hóa sâu sắc thành nhận thức, tình cảm, ý chí và hành động tự giác cho mỗi người, tạo động lực chính trị - tinh thần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cơ quan quân sự các cấp phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tích cực tham gia giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ cứu nạn, v.v. Qua đó, tăng cường mối đoàn kết máu thịt quân - dân, củng cố niềm tin yêu của nhân dân đối với Quân đội, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Hai là, phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng và các nghị quyết, chỉ thị của trên về xây dựng khu vực phòng thủ, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, cơ quan quân sự các cấp trên địa bàn chủ động tham mưu cho cấp ủy, ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, gắn kết chặt chẽ trong thế trận phòng thủ chung của Quân khu và cả nước. Trong đó, tập trung xây dựng tiềm lực, thế trận khu vực phòng thủ, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, nơi “phên giậu” của Tổ quốc. Cơ quan quân sự các cấp phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng đấu tranh, phòng chống, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, an ninh biên giới, tạo điều kiện để phát triển kinh tế bền vững.

Ba là, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao. Trên chiến trường Đông Nam Bộ, cũng như trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, để đạt được mục tiêu chiến lược phải có những đòn đánh quyết định của lực lượng vũ trang. Vận dụng bài học ấy, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu thường xuyên tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức mạnh chiến đấu, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, kiện toàn tổ chức, biên chế các cơ quan, đơn vị theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, cân đối giữa các thành phần, lực lượng; xây dựng lực lượng dự bị động viên đáp ứng tốt yêu cầu động viên khi có lệnh; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”. Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, gắn huấn luyện, diễn tập với thực hiện các phương án tác chiến trên địa bàn, nhất là các phương án phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng thủ dân sự trong khu vực phòng thủ. Đồng thời, duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, nâng cao khả năng, trình độ sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu.

Bốn là, đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng, góp phần tích cực vào quá trình phát triển toàn diện các địa phương trên địa bàn. Thực tiễn cho thấy, thắng lợi của Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ được nhân lên gấp bội vì có sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ trên thế giới. Đó cũng là thắng lợi của đường lối ngoại giao, đối ngoại của Đảng ta. Vì vậy, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu luôn ý thức được tầm quan trọng của công tác đối ngoại quốc phòng. Địa bàn Quân khu là khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, có cảng biển, sân bay quốc tế và đường biên giới dài hơn 600km với nước bạn Cam-pu-chia. Theo đó, Quân khu tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, nguyên tắc, quan điểm, phương châm chỉ đạo, chính sách đối ngoại và chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước; phát huy tinh thần sáng tạo, có cách nhìn đúng đắn, linh hoạt về đối tượng và đối tác trong bối cảnh mới; gắn công tác đối ngoại quốc phòng với hoạt động đối ngoại của cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo sức mạnh tổng hợp, góp phần tăng cường, củng cố thế trận quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Quân khu.

Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống vẻ vang: “Trung thành vô hạn - Chủ động sáng tạo - Tự lực tự cường - Đoàn kết quyết thắng” trong thời kỳ mới, lực lượng vũ trang Quân khu 7 tiếp tục nỗ lực vươn lên làm nên những “Điện Biên Phủ mới” trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trung tướng TRẦN HOÀI TRUNG, Chính ủy Quân khu 7

_____________

1 - Tỉnh Thủ Biên gồm các địa phương: Thủ Dầu Một, Biên Hòa; tỉnh Gia Ninh gồm: Gia Định, Tây Ninh; tỉnh Bà Chợ gồm: Bà Rịa, Chợ Lớn; tỉnh Mỹ Tân Gò gồm: Mỹ Tho, Tân An, Gò Công; tỉnh Long Châu Sa gồm: Sa Đéc, phần Long Xuyên, Châu Đốc phía tả ngạn sông Hậu.

2 - Báo cáo tình hình tổ chức năm 1953, hồ sơ 66, lưu trữ tại Bộ Quốc phòng.

3 - Báo cáo tình hình tổng quát Phân liên khu miền Đông (từ tháng 9-1953 đến tháng 5-1954), tài liệu LS-53, lưu tại Phòng Khoa học Quân sự Quân khu 7.

4 - Báo cáo tình hình tổng quát Phân liên khu miền Đông (từ tháng 9-1953 đến tháng 5-1954), tài liệu LS-53, lưu tại Phòng Khoa học Quân sự Quân khu 7.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 – bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng vừa là nguyên tắc, vừa là cơ sở, nền tảng vững chắc để cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân luôn có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý chí, quyết tâm cao, có niềm tin vững chắc vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng;...