Thứ Bảy, 23/11/2024, 18:50 (GMT+7)
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã đoàn kết, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, gian khổ, cung cấp đầy đủ nhân lực, vật lực, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Bài học về hậu phương, hậu cần trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, phát triển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Cuối năm 1953, khi quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, thực dân Pháp cho rằng, ta không thể tiếp tế khối lượng vật chất lớn lên Điện Biên để bảo đảm cho khối chủ lực đánh lớn, đánh dài ngày trên chiến trường rừng núi hiểm trở, xa hậu phương chiến lược (500 - 700km), đường vận chuyển độc đạo, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, dân cư thưa thớt, kinh tế kém phát triển. Trong khi đó, quân Pháp lại có ưu thế về không quân, vừa thuận lợi cho tiếp tế, vừa có hỏa lực mạnh để đánh phá, ngăn chặn lực lượng ta.
Song, với quyết tâm cao, tinh thần tự lực, tự cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, phát huy cao nhất vai trò của hậu phương, hậu cần nhân dân, hậu cần Quân đội, tạo sức mạnh tổng hợp, đáp ứng kịp thời lương thực, thực phẩm, vũ khí, trang bị cho hoạt động tác chiến, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch.
Để có được thành công đó, trước hết, Bộ Chính trị, Chính phủ, Tổng Quân ủy đã coi trọng xây dựng hậu phương vững mạnh làm chỗ dựa, nguồn chi viện sức người, sức của cho kháng chiến; cổ vũ tinh thần to lớn cho tiền tuyến đánh giặc. Thực hiện đường lối “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hậu phương kháng chiến không ngừng được mở rộng, phát triển. Chuẩn bị cho Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, ta đã mở hàng loạt chiến dịch trên các địa bàn chiến lược của cả nước, nhằm mở rộng, nối liền căn cứ kháng chiến Việt Bắc với các nước xã hội chủ nghĩa anh em và vùng tự do Liên khu 3, 4,... tạo vùng hậu phương rộng lớn. Đồng thời, thực hiện cải cách ruộng đất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để huy động sức mạnh của cả dân tộc cho kháng chiến. Ngay sau khi Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược, Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương và Hội đồng Cung cấp các liên khu: 3, 4, Tây Bắc, Việt Bắc được thành lập để huy động nhân lực, vật lực cho Chiến dịch. Từ đầu năm 1954, Trung ương Đảng, Chính phủ ra lời kêu gọi “Tất cả cho mặt trận”, “Tất cả để chiến thắng”, nhằm dốc toàn lực chi viện cho Điện Biên Phủ. Theo đó, cả nước đều hướng ra mặt trận; nhân dân vừa tích cực đóng thuế, bán thực phẩm, vừa cho vay, ủng hộ để cung cấp tiếp tế cho bộ đội và tích cực tham gia dân công phục vụ Chiến dịch. Nhờ phát huy cao nhất việc khai thác, huy động nguồn vật chất từ hậu phương đưa lên, kết hợp khai thác nguồn tại chỗ trên địa bàn Chiến dịch nên chỉ trong thời gian ngắn, ta đã huy động được khối lượng lớn sức người, sức của từ vùng tự do (Thanh - Nghệ - Tĩnh, Việt Bắc,...) đến vùng bị địch tạm chiếm để chi viện cho Chiến dịch, với hơn 23.000 tấn gạo, 266 tấn muối, gần 2.000 tấn thực phẩm, cùng gần 21.000 xe đạp thồ, gần 1.000 con ngựa thồ, hơn 3.000 chiếc thuyền và hơn 261.400 lượt dân công với 12 triệu ngày công1. Riêng nhân dân Tây Bắc đã cung cấp 47% nhu cầu gạo, 43% thịt, 100% rau tươi, thuyền và ngựa thồ2. Có thể nói, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, công tác tổ chức, chỉ huy, huy động hậu phương chi viện hậu cần cho tiền tuyến trong Chiến dịch hết sức chặt chẽ, linh hoạt. Đây thực sự là một cuộc cách mạng hậu cần, sức mạnh của cả dân tộc, của hậu phương chiến lược với niềm tin chiến thắng kẻ thù, giành độc lập dân tộc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: chưa bao giờ nhân dân ta lại góp công sức nhiều như thế. Na-va cũng phải thốt lên: “Người ta chỉ còn thừa nhận nỗ lực phi thường đó (của nhân dân phục vụ chiến đấu) và khâm phục hiệu quả mà Bộ Chỉ huy và Chính phủ (Việt Nam) đã biết cách tạo được”3.
Để nối liền hậu phương với tiền tuyến, đưa sức mạnh của hậu phương tới mặt trận, công tác bảo đảm hậu cần được tổ chức rất chặt chẽ, phù hợp với tình hình cụ thể, tạo nên thế trận hậu cần vững chắc. Do địa bàn Chiến dịch ở xa hậu phương, nên ta đã tổ chức cung cấp thành hai tuyến: tuyến hậu phương do Tổng cục Cung cấp và Hội đồng Cung cấp mặt trận các liên khu: Việt Bắc, 3, 4 đảm nhiệm; tuyến chiến dịch do Tổng cục Cung cấp tiền phương, Hội đồng Cung cấp mặt trận Liên khu Tây Bắc phụ trách và được tổ chức thành 04 binh trạm, mỗi binh trạm gồm đủ các lực lượng vận tải, kho, quân y,... để bảo đảm tốt nhất cho bộ đội. Đồng thời, các tuyến được linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp với tình hình cụ thể. Khi thay đổi phương châm tác chiến Chiến dịch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, tuyến hậu phương từ Ba Khe, Suối Rút đã vươn xa tới Sơn La để giảm bớt khó khăn cho tuyến sau; tuyến chiến dịch được bố trí từ Sơn La đến Điện Biên và các binh trạm cũng được điều chỉnh cho phù hợp. Đây là cách tổ chức rất khoa học, các tuyến được phân định rõ ràng, hình thành mạng lưới cung cấp rộng khắp, tạo nên thế trận hậu cần vừa vững chắc vừa liên hoàn; công tác chỉ huy, hiệp đồng nhịp nhàng, thống nhất, kịp thời bảo đảm cho các lực lượng tham gia Chiến dịch.
Trong Chiến dịch, do nhu cầu vận tải lớn, tuyến vận tải dài, hiểm trở, địch lại đánh phá ác liệt, nên công tác vận tải được đặc biệt quan tâm. Trung ương chỉ đạo: bằng mọi cách và phải vượt qua khó khăn, đưa sức mạnh đến tiền tuyến. Để thực hiện, Tổng cục Cung cấp xác định phương châm: lấy vận tải cơ giới là chủ yếu, triệt để phát huy cơ giới, đồng thời tranh thủ mọi phương tiện vận tải thô sơ. Trong khi đó, đường cho cơ giới lên Tây Bắc toàn bộ là đường hẹp, cầu yếu, nhiều đoạn sụt lở và đi qua địa hình hiểm trở, núi cao, suối sâu; tuyến quan trọng từ Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ mặt đường lại rất nhỏ, phần lớn là độc đạo,... xe cơ giới không thể cơ động được, nên rất khó khăn cho công tác vận tải. Để khắc phục, ta đã chủ động làm mới gần 100km đường cơ giới; tu sửa, mở rộng Đường số 41, 13 cho xe cơ động với tổng chiều dài đến 500km; đồng thời, mở nhiều tuyến đường cho phương tiện vận tải thô sơ, phá thác để vận chuyển bằng thuyền, bè. Công tác bảo vệ, ngụy trang, sửa sang sau mỗi đợt hỏa lực địch đánh phá cũng được tiến hành chặt chẽ, liên tục, nên mạng lưới giao thông cơ bản thông suốt, đáp ứng yêu cầu về công tác vận tải. Ta đã huy động cao nhất vận tải cơ giới, với toàn bộ 16 đại đội ô tô vận tải và kết hợp chặt chẽ với các phương tiện vận tải khác, như: xe đạp thồ, ngựa thồ, thuyền, mảng, người gánh,... tạo nên hệ thống vận tải đa dạng. Đây là sự vận dụng rất sáng tạo, phát huy thế mạnh của từng phương thức vận tải, phù hợp với điều kiện cụ thể nhằm hỗ trợ, chi viện lẫn nhau. Thực tế, trên 90% khối lượng vật chất được vận chuyển bằng các phương tiện cơ giới; còn vận tải thô sơ và sức người tuy không nhiều nhưng đã hỗ trợ đắc lực, nhất là khi giao thông bị ách tắc và đưa hàng đến những nơi ô tô không đến được. Điều đặc biệt hơn, vận tải thô sơ, sức người trong Chiến dịch hoàn toàn do lực lượng dân công đảm nhiệm. Đây là bài học quý trong huy động, sử dụng dân công, bổ sung thêm một nét độc đáo trong nghệ thuật vận tải Việt Nam.
Lường trước mức độ ác liệt của Chiến dịch khi chúng ta tiến công Điện Biên Phủ, ngành Hậu cần đã huy động toàn bộ lực lượng của 11 đội điều trị, trong đó 05 đội được xây dựng thành bệnh viện mặt trận, 03 đội triển khai ở tuyến hậu cần hỏa tuyến để cứu chữa thương binh, bệnh binh. Đặc biệt, nhiều giáo viên và sinh viên ngành y, dược được điều động đến tăng cường cho mặt trận. Thực hiện mỗi xe chuyển thương là một “bệnh xá lưu động”, mỗi tổ cáng thương là một “gia đình yêu thương”,... ta đã cứu chữa hàng vạn thương binh, bệnh binh để bổ sung cho các đơn vị chiến đấu và kịp thời chuyển hàng nghìn thương, bệnh binh nặng (cả ta và địch) về tuyến sau điều trị.
Bằng ý chí, quyết tâm và lòng dũng cảm vô song của quân và dân ta, sau 56 ngày đêm chiến đấu đầy cam go, gian khổ và ác liệt, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi. Thắng lợi của Chiến dịch đã khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; vai trò to lớn của hậu phương và công tác hậu cần. Tại đây, hậu phương, hậu cần, nòng cốt là hậu cần Quân đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để lại nhiều bài học thực tiễn quý báu và tiếp tục được phát triển, vận dụng sáng tạo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã và đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải xây dựng, chuẩn bị tốt mọi mặt trong thời bình, khi chiến tranh xảy ra ta có đủ tiềm lực, sức mạnh và khả năng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Theo đó, chúng ta cần quán triệt sâu sắc hơn nữa đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, quan điểm hậu cần toàn dân của Đảng và nhận thức đầy đủ vai trò của hậu phương trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó, coi trọng xây dựng hậu phương chiến lược gắn với xây dựng hậu phương tại chỗ vững mạnh; đẩy mạnh nghiên cứu, quy hoạch, xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần chiến tranh nhân dân, đáp ứng Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, lấy xây dựng hậu cần nhân dân rộng khắp là cơ sở, hậu cần khu vực phòng thủ vững chắc làm nền tảng, hậu cần chiến dịch, chiến lược làm nòng cốt; gắn hậu cần tại chỗ với hậu cần cơ động. Đồng thời, tập trung xây dựng ngành Hậu cần Quân đội ngày càng chính quy, hiện đại, đủ khả năng làm nòng cốt, bảo đảm tốt hậu cần trong điều kiện chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao. Thực hiện mục tiêu đó, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, làm cho mỗi bước phát triển của kinh tế là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng, tiềm lực hậu cần tại chỗ, nhất là trên địa bàn chiến lược, trọng điểm. Tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch, xây dựng hậu phương chiến lược, xây dựng thế trận hậu cần, trọng tâm là căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần các cấp gắn với thế trận phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố). Đẩy mạnh xây dựng lực lượng hậu cần dự bị động viên đồng bộ, có số lượng hợp lý, chất lượng cao. Ngành Hậu cần Quân đội tiếp tục bám sát thực tiễn, nghiên cứu tham mưu cho Bộ Quốc phòng đề xuất với Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách về huy động, động viên hậu cần thời chiến, phù hợp với nền kinh tế thị trường. Đồng thời, làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu phát triển lý luận về công tác hậu cần phù hợp với sự phát triển của nghệ thuật quân sự, tổ chức biên chế, trang bị của lực lượng vũ trang và điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; tăng cường dự báo, tham mưu, đề xuất những vấn đề liên quan xây dựng hậu phương, tiềm lực hậu cần, bảo đảm cho lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.
Thiếu tướng TRẦN DUY GIANG, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần
____________
1 - Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 1, Nxb QĐND, H. 1993, tr. 305 - 306.
2 - Tổng kết Công tác hậu cần Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb QĐND, H. 1979, tr. 131.
3 - Chiến thắng Điện Biên Phủ cột mốc vàng lịch sử, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 258.
Chiến dịch Điện Biên Phủ,thế trận hậu cần,hậu phương
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - giá trị dân tộc và thời đại 28/12/2022
“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - nửa thế kỷ nhìn lại 28/12/2022
Xây dựng Sư đoàn 361 vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ 28/12/2022
Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 26/12/2022
Phát huy bài học công tác tư tưởng trong chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 26/12/2022
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - sự hội tụ và phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam 25/12/2022
Phát huy nghệ thuật bảo đảm kỹ thuật Chiến dịch phòng không cuối năm 1972 trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 24/12/2022
Bảo đảm Giao thông Vận tải trong Chiến dịch phòng không năm 1972 và bài học đối với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc 23/12/2022
“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - chiến thắng của sự kết tinh ý chí, niềm tin và sức mạnh tổng hợp 22/12/2022
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và yêu cầu mới đối với Bộ đội Phòng không - Không quân 21/12/2022