QPTD -Thứ Năm, 08/05/2014, 15:00 (GMT+7)
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và vấn đề xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn Quân khu 2

Sự chi viện trực tiếp, kịp thời, hiệu quả của nhân dân các dân tộc trên địa bàn Tây Bắc đóng vai trò hết sức quan trọng trong Chiến thắng Điện Biên Phủ. Vận dụng bài học đó, quân và dân Quân khu 2 đang đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ngày càng vững chắc.

Ảnh minh họa: Khai mạc Diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Lai Châu, năm 2013
(Nguồn: qdnd.vn)

Với vai trò vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương trực tiếp của mặt trận Điện Biên Phủ, quân và dân Tây Bắc đã đoàn kết một lòng, chủ động chuẩn bị các phương án, kế hoạch tác chiến, tích cực đánh địch càn quét, nhằm thu hẹp phạm vi chiếm đóng của chúng, tạo điều kiện cho các lực lượng Chiến dịch cơ động, triển khai, tạo lập thế trận; đồng thời, phối hợp với bộ đội chủ lực tiễu phỉ, trừ gian bảo vệ địa bàn, bảo vệ các huyết mạch giao thông. Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương trên địa bàn, nhất là ở Mường Lầm, Thuận Châu (Sơn La), Sa Pa, Bình Lư (Lào Cai), Tam Đường, Phong Thổ (Lai Châu),… đánh hàng trăm trận, tiêu diệt, bắt sống và gọi hàng hàng nghìn tên phỉ, bảo đảm an toàn cho các tuyến đường: quốc lộ 41, A13 nối liền Việt Bắc với chiến trường Điện Biên Phủ. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra Chiến dịch, quân và dân Tây Bắc đã ngày đêm bám đường đánh địch, khắc phục giao thông, nhất là ở các trọng điểm địch đánh phá, như: đèo Lũng Lô, ngã ba Cò Nòi, bến Âu Lâu, phà Hiên,… phá tan âm mưu của địch định cắt đứt đường tiếp tế của ta cho Chiến dịch. Hơn nữa, phát huy tiềm năng và thế mạnh của địa bàn tại chỗ, đồng bào Tây Bắc đã kịp thời cung cấp, bổ sung cho Chiến dịch hơn 7.310 tấn gạo (bằng 35,5% tổng số gạo huy động) và động viên hơn 31.800 lượt dân công (chiếm gần 80% tổng số dân công toàn Chiến dịch). Những đóng góp quan trọng đó của quân và dân Tây Bắc đã góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Hiện nay, trên địa bàn Quân khu, các địa phương đang đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh (QP-AN), xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) trong điều kiện thuận lợi là cơ bản, nhưng cũng có không ít khó khăn. Đáng chú ý là các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng các vấn đề về “dân tộc”, “tôn giáo” và đặc điểm địa bàn để đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”; kích động tư tưởng ly khai, đòi thành lập cái gọi là “vương quốc Mông” tự trị, hòng gây mất ổn định chính trị, xã hội. Tình hình đó đặt ra cho nhiệm vụ xây dựng KVPT những yêu cầu mới. Trên cơ sở kế thừa bài học thành công của chiến dịch Điện Biên Phủ và kinh nghiệm, kết quả đạt được trong 25 năm qua, Quân khu và các địa phương trên địa bàn đang tập trung xây dựng KVPT tỉnh, huyện theo chiều sâu, vững chắc, với một số nội dung chủ yếu sau:

1. Tập trung xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của KVPT. Thực tiễn chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy, yếu tố chính trị - tinh thần góp phần quyết định chiến thắng. Trong điều kiện hết sức khó khăn do mật độ dân cư thấp, địa bàn rừng núi rộng, song quân và dân Tây Bắc với quyết tâm, trách nhiệm cao đã tích cực xây dựng hậu phương, không quản gian khổ, hy sinh đóng góp sức người, sức của cho Chiến dịch. Vận dụng kinh nghiệm đó vào xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần hiện nay, cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn luôn chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, LLVT và toàn dân, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong xây dựng KVPT, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Nội dung tuyên truyền, giáo dục đã tập trung nâng cao nhận thức của nhân dân, vận động nhân dân các dân tộc trên địa bàn thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là quan điểm, chính sách dân tộc, tôn giáo; giúp đồng bào nhận rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Đồng thời, tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở; coi trọng xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, tích cực bồi dưỡng phát triển đảng viên ở cơ sở, địa bàn vùng sâu, vùng xa. Các cấp đã chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng với phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, như: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc…, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ hủ tục, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo tiềm lực chính trị - tinh thần cho KVPT. Triển khai các chỉ thị, nghị định của Đảng và Chính phủ về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (QP&AN), các địa phương trong Quân khu đã chủ động thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Công tác bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, già làng, trưởng bản được duy trì nghiêm túc. Đối với học sinh, sinh viên, các nhà trường luôn coi trọng lồng ghép chương trình giáo dục chính khóa với các hoạt động ngoại khóa sinh động, hấp dẫn nhằm hun đúc lòng yêu nước, phát huy tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với quê hương, đất nước. Cùng với đó, công tác giáo dục QP&AN cho toàn dân cũng được quan tâm thích đáng với nhiều biện pháp, hình thức phù hợp, góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

2. Đẩy mạnh phát triển KT-XH; kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN, tạo nguồn lực vật chất - kỹ thuật của KVPT. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mặc dù địa bàn Tây Bắc mới được giải phóng, kinh tế chưa phát triển, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, nhưng do chính sách, phương thức động viên phù hợp, nên các địa phương đã huy động được nguồn lực tại chỗ khá lớn để phục vụ kịp thời, hiệu quả cho Chiến dịch. Vận dụng bài học đó, hiện nay cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn luôn coi trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đồng thời tạo nguồn lực vật chất cho KVPT. Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của các địa phương có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ; sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp phát triển tương đối toàn diện; thu nhập bình quân đầu người tăng lên đáng kể. Quán triệt quan điểm của Đảng về kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược trong tình hình mới, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN. Sự kết hợp đó được thực hiện ngay trong quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển KT-XH hằng năm và giai đoạn của từng tỉnh, ngành, lĩnh vực. Các địa phương tập trung trước hết vào phát triển cơ sở hạ tầng, ưu tiên những dự án, công trình mang tính lưỡng dụng, các công trình hạ tầng cơ sở trọng điểm, như: tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường tuần tra biên giới; hệ thống bưu chính - viễn thông; kênh, mương nội đồng và các hồ đập thủy lợi, thủy điện ở các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La,… Trước mắt, các cơ quan, đơn vị tăng cường phối hợp với các địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tạo chuyển biến tích cực trong công tác định canh, định cư, ổn định đời sống nhân dân và bảo đảm an ninh cơ sở. Thời gian qua, Quân khu còn phát huy vai trò của các đoàn kinh tế - quốc phòng (327, 345,...) trong việc tham gia phát triển KT-XH gắn với xây dựng địa bàn, điều chỉnh, bố trí dân cư trên các địa bàn trọng điểm, chiến lược, biên giới, góp phần hoàn thiện thế trận KVPT từng tỉnh và trên toàn tuyến biên giới của Quân khu.

Để xây dựng tiềm lực văn hóa, xã hội trong KVPT, các địa phương luôn chú trọng bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của 34 dân tộc vùng Tây Bắc; đồng thời, tích cực đấu tranh chống sự xâm nhập của văn hóa độc hại, phản động. Các chính sách xã hội được quan tâm thực hiện hướng vào công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

3. Nâng cao chất lượng tổng hợp của LLVT địa phương trong KVPT. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã khẳng định vai trò to lớn của LLVT ba thứ quân, gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Phát huy bài học đó, Quân khu đang tập trung xây dựng LLVT địa phương vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đủ sức làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng và hoạt động của KVPT.

Đối với lực lượng thường trực, Quân khu tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp và xây dựng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; trong đó, coi trọng xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng. Trên cơ sở ổn định tổ chức biên chế, các đơn vị tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, bảo đảm sát với địa bàn, cách đánh địch ở địa hình rừng núi và hiệp đồng binh chủng đánh địch trong công sự vững chắc; đồng thời, tăng cường diễn tập KVPT, huấn luyện đêm, nâng cao khả năng cơ động trên các địa hình phức tạp. Lực lượng dự bị động viên, được đăng ký, quản lý và tổ chức huấn luyện diễn tập theo quy định; trong đó, các địa phương chú trọng nắm và quản lý chặt chẽ các loại phương tiện dự bị động viên, sẵn sàng huy động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khi cần thiết. Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng theo Luật Dân quân tự vệ, bảo đảm “vững mạnh, rộng khắp”; có tổ chức biên chế chặt chẽ; có chất lượng chính trị ngày càng cao; có trình độ sử dụng vũ khí, trang bị hiện có và khả năng hiệp đồng với các lực lượng trên địa bàn.

Cùng với xây dựng lực lượng, các địa phương luôn coi trọng đẩy mạnh xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân trên từng địa bàn; coi trọng nâng cao hiệu quả phối hợp giữa lực lượng Quân sự, Công an theo Nghị định 77/2007/NĐ-CP của Chính phủ trong quản lý địa bàn, xử lý các tình huống QP-AN. Trên cơ sở kết quả xây dựng điểm KVPT tỉnh Yên Bái, Quân khu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án quy hoạch xây dựng thế trận quân sự KVPT; trong đó, ưu tiên cho các công trình trọng điểm, như: đường hầm sở chỉ huy, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, KVPT then chốt…, gắn xây dựng với nâng cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu hoạt động của KVPT trong thời bình và thời chiến.

Từ những bài học về phát huy tiềm lực tại chỗ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, LLVT và đồng bào các dân tộc Tây Bắc đang nỗ lực phấn đấu xây dựng KVPT vững chắc bằng các giải pháp phù hợp. Trong đó, đặc biệt coi trọng phát huy tinh thần và khí phách Điện Biên Phủ trong việc xây dựng các tiềm lực của KVPT, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để hoàn thành tốt hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trung tướng DƯƠNG ĐỨC HÒA

Ủy viên BCHTƯ Đảng, Tư lệnh Quân khu

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 – bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng vừa là nguyên tắc, vừa là cơ sở, nền tảng vững chắc để cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân luôn có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý chí, quyết tâm cao, có niềm tin vững chắc vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng;...