QPTD -Chủ Nhật, 05/05/2019, 09:27 (GMT+7)
Bộ đội Pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - bài học cho hôm nay

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu bước phát triển vượt bậc về nghệ thuật quân sự của Quân đội ta, trong đó có pháo binh. Những bài học về nghệ thuật quân sự đó vẫn giữ nguyên giá trị và là kinh nghiệm quý để chúng ta vận dụng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh và Kế hoạch tác chiến Chiến dịch, ngày 13-3-1954, pháo binh ta đã đồng loạt khai hỏa, bắn dồn dập vào cứ điểm Him Lam, làm hiệu lệnh tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Qua 56 ngày đêm chiến đấu, lực lượng pháo binh non trẻ của Quân đội ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là hỏa lực mặt đất chủ yếu chế áp, tiêu diệt các trận địa pháo binh, khống chế sân bay, phá hoại sở chỉ huy, kho tàng, triệt đường tiếp tế của địch và chi viện có hiệu quả cho bộ binh thắt chặt vòng vây, tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng vào Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Pháo binh của ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu bước phát triển vượt bậc về nghệ thuật tác chiến của Quân đội ta nói chung, Bộ đội Pháo binh nói riêng. Trong Chiến dịch này, nghệ thuật tổ chức, sử dụng pháo binh đã phát triển toàn diện, từ tạo lập, chuyển hóa thế trận, phân chia sử dụng lực lượng, đến tổ chức hỏa lực;... nhiều nội dung được nâng lên thành nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu của một chiến dịch mang ý nghĩa chiến lược.

65 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và những bài học về nghệ thuật sử dụng pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, đã và đang được phát huy, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Trước hết, chủ động xây dựng lực lượng pháo binh vững mạnh, sử dụng tập trung, có trọng điểm, tạo ưu thế áp đảo trong tác chiến. Nhận rõ vai trò của pháo binh trong tác chiến, cùng với xây dựng các đại đoàn quân chủ lực, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ đạo xây dựng lực lượng pháo binh, nhất là pháo xe kéo. Vì vậy, trong kháng chiến chống Pháp, lực lượng pháo binh của ta đã không ngừng lớn mạnh, có bước phát triển vượt bậc, từ chỗ sử dụng các khẩu đội, trung đội pháo mang vác, đánh độc lập chi viện cho các trận chiến đấu nhỏ, lẻ, tiến lên sử dụng tập trung nhiều trung đoàn, tiểu đoàn pháo xe kéo cỡ lớn, đánh hiệp đồng binh chủng. Khi mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng pháo binh ta được huy động với mức cao nhất và làm quân Pháp bất ngờ khi đưa lựu pháo 105mm tham gia chiến đấu. Theo thống kê, ngoài pháo binh của các đại đoàn bộ binh 308, 312, 316, 304, ta có Đại đoàn Công pháo 351, với 01 trung đoàn lựu pháo lựu 105mm, 01 trung đoàn sơn pháo 75mm, 05 đại đội súng cối 120mm, 01 trung đoàn công binh công trình, 04 tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm. Ngay từ đầu Chiến dịch, ta đã huy động 229 khẩu pháo, cối các loại và đến sát ngày nổ súng tăng lên 258 khẩu và toàn Chiến dịch đã tập trung 261 khẩu. Xét về số lượng, pháo binh ta hơn địch (tỷ lệ là 2,1/1), nhưng về chất lượng thì pháo binh địch hơn hẳn ta (địch chủ yếu là pháo lựu 105mm và pháo lựu 155mm, có tầm bắn xa, uy lực lớn). Bởi vậy, để tạo ưu thế áp đảo về hỏa lực và giải quyết mâu thuẫn giữa số lượng, chất lượng pháo, ta đã tập trung tạo ưu thế về số lượng pháo hơn hẳn địch trong từng thời điểm, từng trận đánh. Trận tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam - trận then chốt mở đầu Chiến dịch, ta đã huy động 100% pháo xe kéo, hơn 70% sơn pháo và 80% súng cối 120mm, tạo ưu thế hỏa lực lớn gấp 10 lần địch; trận đồi Độc Lập, gấp 4,5 lần địch. Cùng với tập trung lực lượng, để tạo ưu thế hơn địch, pháo binh Chiến dịch chú trọng xây dựng, nâng cao ý chí chiến đấu, giác ngộ chính trị, tính tổ chức, tính kỷ luật và năng lực tổ chức chỉ huy, trình độ chiến thuật, kỹ thuật của cán bộ, chiến sĩ pháo binh. Nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ pháo binh luôn có ý chí quyết tâm cao, chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ; tuyệt đối tin tưởng, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của trên, kéo pháo vào, kéo pháo ra để bố trí phù hợp với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, giữ được bí mật, bất ngờ, tạo thuận lợi cho Chiến dịch.

Vận dụng bài học về xây dựng và sử dụng lực lượng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Binh chủng Pháo binh đã chủ động tham mưu cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức, xây dựng lực lượng pháo binh ba thứ quân vững mạnh, phù hợp chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Theo đó, với pháo binh cấp chiến lược, chiến dịch, tập trung xây dựng các lữ đoàn pháo ngày càng hiện đại, uy lực mạnh, có khả năng cơ động tác chiến cao, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn. Với pháo binh bộ đội địa phương, xây dựng có trọng tâm, trọng điểm theo kế hoạch, phương án tác chiến trên từng hướng, địa bàn, khu vực phòng thủ địa phương. Pháo binh dân quân tự vệ, xây dựng vững mạnh, rộng khắp, tổ chức, trang bị phù hợp với đặc điểm, điều kiện và khả năng từng địa phương. Thời gian qua, Binh chủng đẩy mạnh thực hiện Đề án xây dựng Binh chủng Pháo binh theo hướng hiện đại; tích cực triển khai thực hiện các chương trình, dự án cải tiến, nâng cấp, hiện địa hóa vũ khí, trang bị của Binh chủng và lực lượng pháo binh toàn quân theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng.

Cùng với đó, Binh chủng đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng pháo binh các cấp. Theo đó, Binh chủng đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; tập trung đổi mới toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức huấn luyện và đổi mới hình thức, tổ chức, phương pháp huấn luyện, diễn tập, quyết tâm thực hiện tốt “3 thực chất”1 trong huấn luyện. Đặc biệt, Binh chủng chỉ đạo các đơn vị bám sát tiêu chuẩn “Đơn vị pháo binh huấn luyện giỏi” để cụ thể hóa thành các tiêu chí, chỉ tiêu huấn luyện cho từng lực lượng, đảm bảo huấn luyện toàn diện nhưng chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tế chiến đấu, đối tượng tác chiến, phù hợp với tổ chức biên chế, trang bị súng, pháo và yêu cầu tác chiến trong điều kiện chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao.

Hai là, tạo lập thế trận pháo binh vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc, chuyển hóa linh hoạt, phù hợp quyết tâm Chiến dịch. Đây là bài học và cũng là thành công nổi bật của nghệ thuật tổ chức, bố trí đội hình chiến đấu pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước thực tế chiến trường Điện Biên địa hình rừng núi phức tạp, đường cơ động hết sức khó khăn, hiểm trở, địch đã cho rằng, ta không thể đưa pháo cỡ lớn lên đây. Thực hiện quyết tâm của Bộ Tổng Tư lệnh và Chiến dịch, Bộ đội Pháo binh bằng vai trần, chân đất đã làm nên kỳ tích, cùng với các lực lượng vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, vượt núi, trèo đèo, đưa pháo vượt hàng trăm ki-lô-mét lên các sườn núi cao bao quanh tập đoàn cứ điểm, hình thành thế vây hãm địch ngay từ đầu và trong suốt Chiến dịch. Các trận địa pháo binh đều bố trí theo nguyên tắc “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”, bảo đảm bắn được hầu hết các mục tiêu ở cự ly bắn có lợi, hình thành thế trận pháo binh hiểm hóc, vững chắc, có chiều sâu, phát huy cao nhất hiệu quả chiến đấu của từng loại pháo. Không chỉ tạo lập thế trận vững chắc ngay từ đầu, mà suốt quá trình chiến đấu, lực lượng pháo binh luôn tích cực cơ động, chuyển hóa thế trận phù hợp với thế trận Chiến dịch, bảo đảm chi viện hỏa lực chính xác, kịp thời cho bộ binh chiến đấu và chiến thắng.

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) sẽ là cuộc chiến tranh hiện đại, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Vận dụng bài học tạo lập, chuyển hóa thế trận pháo binh, Binh chủng tập trung nghiên cứu, nắm chắc tình hình, tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chính xác, kịp thời, có hiệu quả việc điều chỉnh bố trí lực lượng pháo binh trên các địa bàn chiến lược, trong các khu vực phòng thủ, nhất là các lữ đoàn pháo binh - tên lửa dự bị chiến lược. Đồng thời, chỉ đạo, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch, quyết tâm tác chiến pháo binh theo các nhiệm vụ A, A3, A4, v.v. Song song với đó, Binh chủng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị pháo binh toàn quân chú trọng phối hợp với địa phương chủ động xây dựng thế trận pháo binh liên hoàn, vững chắc trên từng địa bàn, hướng, khu vực, gắn với xây dựng thế trận khu vực phòng thủ; làm tốt việc chuẩn bị đường cơ động, khu sơ tán, khu tập trung bí mật, khu tập kết, căn cứ hậu cần - kỹ thuật, trận địa pháo,… theo các phương án, nhiệm vụ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và quản lý chặt chẽ các công trình chiến đấu; hoàn thành việc thiết kế, đo đạc tăng dày mạng khống chế quân dụng, mốc khống chế pháo binh, nhất là trên các hướng, địa bàn chiến lược, biển, đảo, biên giới,... đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến khi có tình huống.

Ba là, vận dụng cách đánh linh hoạt, sáng tạo, phát huy uy lực của mỗi loại pháo. Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch tác chiến hiệp đồng binh chủng có quy mô lớn nhất của bộ đội ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Quán triệt phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, nắm chắc nhiệm vụ được giao, pháo binh ta đã vận dụng linh hoạt cách đánh độc lập và đánh hiệp đồng, kết hợp đánh gần với đánh xa, đánh bất ngờ, đánh liên tục, đánh dồn dập, đánh kéo dài bằng nhiều loại hỏa lực khác nhau, gây cho địch nhiều tổn thất. Đặc biệt, trong Chiến dịch, ta đã sáng tạo đưa pháo lựu 105mm “lên cao, vào gần, bắn thẳng”, nâng mức chính xác, phát huy uy lực lớn của pháo, đạn, gây cho địch bất ngờ và bất lực trước hỏa lực của pháo binh ta. Mặt khác, pháo binh Chiến dịch còn chủ động hiệp đồng với cao xạ đánh khống chế sân bay, triệt đường tiếp tế duy nhất của địch; sử dụng pháo binh tập trung với hoả lực mạnh, mật độ lớn, thời gian ngắn, nhanh chóng sát thương lớn quân địch bộc lộ ngoài công sự khi chúng thực hành phản kích,... khiến quân Pháp trong tập đoàn cứ điểm khiếp sợ.

Để đáp ứng vai trò hỏa lực mặt đất chủ yếu trong điều kiện tác chiến địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử rộng rãi, diễn biến chiến đấu có nhiều biến động khó lường, Binh chủng Pháo binh tiếp tục đi sâu nghiên cứu phát triển nghệ thuật tác chiến pháo binh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với vũ khí, trang bị hiện có, sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đối tượng tác chiến; chú trọng nghiên cứu hoàn thiện cách đánh mới của pháo binh ba thứ quân. Để linh hoạt trong cách đánh, người chỉ huy, cơ quan pháo binh phải lấy tổ chức hỏa lực theo nhiệm vụ chiến dịch và các trận then chốt là chủ yếu. Khi tổ chức hỏa lực theo nhiệm vụ tác chiến hoặc các trận đánh, phải lấy hỏa lực của đơn vị thực hiện nhiệm vụ, trận đánh làm nòng cốt, sử dụng hỏa lực cấp trên chi viện khi cần thiết; phối hợp chặt chẽ với hỏa lực của đơn vị bạn và địa phương liên quan, tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh địch.

Vinh dự, tự hào với những chiến công vẻ vang và sự lớn mạnh, trưởng thành qua Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử cũng như sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội Pháo binh tiếp tục phát huy truyền thống “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng” trong điều kiện mới, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng ĐỖ TẤT CHUẨN, Tư lệnh Binh chủng Pháo binh

____________

1 - 3 thực chất: 1- Huấn luyện thực chất; 2- Ôn luyện thực chất; 3- Kiểm tra đánh giá kết quả thực chất.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 – bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng vừa là nguyên tắc, vừa là cơ sở, nền tảng vững chắc để cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân luôn có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý chí, quyết tâm cao, có niềm tin vững chắc vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng;...