QPTD -Thứ Sáu, 02/05/2014, 08:49 (GMT+7)
Bài học về công tác hậu cần trong Chiến dịch lịch sử

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ có sự đóng góp quan trọng của công tác bảo đảm hậu cần. Trong Chiến dịch này, quân và dân ta, nòng cốt là ngành Hậu cần (lúc đó gọi là ngành Cung cấp) đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, giải quyết thành công nhiều vấn đề về tổ chức bảo đảm hậu cần, để lại những bài học kinh nghiệm quý, đến nay còn nguyên giá trị.

Vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
(Ảnh: Tư liệu).

Khi lựa chọn Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tổng Quân ủy đã nhận định “Để tiến hành chiến dịch rất lớn này, ta có nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất vẫn là cung cấp, mà chủ yếu là vấn đề đường sá”1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đánh giá “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp thực không kém khó khăn về tác chiến.”2. Na-va – Tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp thì cho rằng: “Việt Minh không thể giải quyết được các khó khăn để bảo đảm cho khối chủ lực đánh lớn, đánh dài ngày trên chiến trường rừng núi, xa hậu phương này”3. Những phân tích, đánh giá đó là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, dù đã có kinh nghiệm bảo đảm hậu cần (BĐHC) cho nhiều chiến dịch trước đó, nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta tiến hành BĐHC cho một chiến dịch quy mô lớn, tiến công tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương. Hơn nữa, chiến trường là địa bàn rừng núi hiểm trở, đường vận chuyển độc đạo, thời tiết, khí hậu khắc nhiệt, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn, xa hậu phương chiến lược 500 - 700 km; nhu cầu BĐHC rất lớn, phức tạp,… Trong khi đó, phương châm, kế hoạch tác chiến Chiến dịch thay đổi linh hoạt, lực lượng phương tiện, vật chất hậu cần của ta còn nhiều hạn chế, địch đánh phá ngăn chặn các tuyến vận tải hết sức khốc liệt, v.v.

Ý thức tầm quan trọng đặc biệt của Chiến dịch và vai trò của công tác BĐHC, Trung ương Đảng và Chính phủ đã ra chỉ thị cho toàn dân, phát huy cao độ ý chí tự lực tự cường, với tinh thần “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”. Được sự chi viện to lớn của hậu phương, ngành Hậu cần đã thực hiện tốt chức năng là khâu nối liền hậu phương với tiền tuyến, đưa sức mạnh của hậu phương ra mặt trận. Trong Chiến dịch này, ngành Hậu cần đã dốc toàn lực bảo đảm cho hơn 87.000 người; tổ chức cứu chữa, điều trị cho hơn 10.130 thương binh; 4.490 bệnh binh; vận chuyển, bảo đảm hàng chục nghìn tấn vật chất các loại, đáp ứng kịp thời cho các hoạt động tác chiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thắng lợi của công tác BĐHC trong chiến dịch Điện Biên Phủ là tổng hợp của nhiều yếu tố. Trong đó, trước hết là kết quả của của đường lối “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” của Đảng, với việc xây dựng hậu phương kháng chiến rộng lớn; kết quả của việc huy động, sử dụng hậu cần nhân dân (HCND), hậu cần toàn dân và phát huy vai trò nòng cốt của Hậu cần quân đội trong BĐHC cho Chiến dịch,... Thắng lợi đó cũng đánh dấu bước phát triển vượt bậc của ngành Hậu cần, công tác hậu cần quân đội. Mặc dù còn non trẻ, song ngành Hậu cần đã giải quyết thành công nhiều vấn đề về chỉ đạo, chỉ huy tổ chức BĐHC; nhiều nội dung đã được nâng lên thành nghệ thuật, cơ bản đáp ứng yêu cầu của một chiến dịch mang ý nghĩa chiến lược, v.v.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quyết tâm chiến lược, chúng ta đã chủ động đi trước một bước trong chuẩn bị hậu cần cho Chiến dịch. Trong điều kiện có vô vàn khó khăn, thách thức, để hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm, vấn đề tổ chức tạo lập thế trận, chỉ huy, chỉ đạo hoạt động hậu cần được đặc biệt quan tâm. Ngay sau khi Bộ Chính trị chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược, Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương và Hội đồng Cung cấp các liên khu: 3, 4, Tây Bắc, Việt Bắc được thành lập để huy động nhân lực, vật lực cho Chiến dịch. Tổng cục Cung cấp phái ra bộ phận Tiền phương Tổng cục, tổ chức thành cơ quan Hậu cần chiến dịch (HCCD). Việc cung cấp được chia thành tuyến hậu phương và tuyến chiến dịch. Tuyến chiến dịch (dài trên 350 km) do Tổng cục Cung cấp Tiền phương và Hội đồng Cung cấp Liên khu Tây Bắc đảm nhiệm, tổ chức thành 04 binh trạm. Đây là lần đầu tiên việc phân tuyến giữa hậu cần chiến lược và HCCD được xác lập một cách rõ ràng và có sự điều chỉnh linh hoạt trong suốt quá trình Chiến dịch. Khi Chiến dịch thay đổi phương châm tác chiến, tuyến hậu phương từ Ba Khe, Suối Rút đã vươn lên Sơn La, tiếp cận gần với hỏa tuyến để giảm bớt khó khăn cho tuyến chiến dịch. Tuyến chiến dịch bố trí từ Sơn La lên Điện Biên, các binh trạm được điều chỉnh thành 03 tuyến HCCD (thực chất là 03 căn cứ HCCD), trực tiếp bảo đảm cho các đơn vị chiến đấu. Nhờ tổ chức phân tuyến, bố trí hậu cần trên các hướng phù hợp, chỉ huy thống nhất, chuyển hóa mau lẹ đã hình thành mạng lưới cung cấp rộng khắp, thế BĐHC vững chắc, liên hoàn, tạo cơ sở đáp ứng kịp thời cho các lực lượng tham gia Chiến dịch.

Lường trước khó khăn trong BĐHC cho Chiến dịch, nhất là về lương thực, đạn dược, ta đã thực hiện chủ trương phát huy sức mạnh tổng hợp của hậu cần chiến tranh nhân dân, kết hợp mọi nguồn, mọi phương thức BĐHC cho Chiến dịch, với phương châm: huy động tại chỗ là chính và tích cực vận chuyển từ hậu phương ra tiền tuyến. Để bảo đảm đầy đủ, kịp thời hậu cần cho một chiến dịch quy mô lớn, trên chiến trường xa hậu phương, vận chuyển khó khăn như Điện Biên Phủ thì đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thực hiện chủ trương này, chúng ta đã phát huy cao nhất việc khai thác nguồn tại chỗ, trước hết trên địa bàn Chiến dịch, kết hợp với huy động đưa từ hậu phương lên bằng mọi hình thức; đồng thời, đề cao ý thức tự khai thác, cải thiện sinh hoạt của bộ đội và triệt để thu chiến lợi phẩm, nhất là đoạt dù tiếp tế của địch. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, các địa phương ở: Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Thanh Hóa đã huy động được 23.126 tấn gạo; 922 tấn thịt; 800 tấn rau; 226 tấn muối; 917 tấn thực phẩm khác,… trên 261.000 lượt dân công với 12 triệu ngày công phục vụ Chiến dịch4; trong đó, riêng nhân dân Tây Bắc cung cấp đến gần 50% nhu cầu gạo, thực phẩm cho Chiến dịch. Những hạt gạo “vét từ đáy bồ” của nhân dân vùng Tây Bắc thực sự có giá trị, góp phần quan trọng vào công tác BĐHC cho Chiến dịch. Trong Chiến dịch này, HCND đã khẳng định vai trò hết sức to lớn và có bước phát triển nhảy vọt về nội dung, hình thức bảo đảm. Với nhu cầu vật chất gấp gần 03 lần so với dự kiến ban đầu và gấp hàng chục lần nhu cầu bảo đảm theo phương án “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”, nếu không dựa vào HCND, huy động sức mạnh toàn dân, thì không có cách nào có thể thực hiện được.

Để giải quyết khâu khó khăn nhất, vấn đề quan trọng bậc nhất là đường sá và công tác vận tải (CTVT), công tác bảo đảm cầu, đường đã được ta triển khai đi trước một bước. Ngay từ tháng 12-1953, ta huy động lực lượng tổ chức tu sửa và mở mới các đường số 41, số 13, đường từ Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ, với tổng số trên 500 km; đồng thời, mở nhiều tuyến đường cho phương tiện thô sơ, phá thác để vận chuyển bằng thuyền, mảng, hình thành mạng giao thông vận tải nối liền hậu phương với chiến trường. Nhận thức rõ, vận tải là khâu trung tâm của công tác hậu cần, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã tập trung chỉ đạo giải quyết thành công nhiều vấn đề về CTVT, từ phân tuyến vận tải đến tổ chức, chỉ huy, điều hành, đảm bảo vận tải,... Khác với các chiến dịch trước đó, trên cơ sở phương châm tác chiến chiến dịch, do nhu cầu vận tải lớn, tuyến vận tải dài,… Tổng cục Cung cấp xác định: lấy vận tải cơ giới (VTCG) là chủ yếu, triệt để phát huy cơ giới, đồng thời hết sức tranh thủ mọi phương tiện thô sơ. Thực hiện phương châm đó, chúng ta đã kết hợp chặt chẽ phương thức VTCG với vận tải thô sơ (VTTS), huy động cao nhất VTCG, phát huy thế mạnh của từng phương thức, phù hợp với điều kiện địa hình. Chiến dịch đã huy động sử dụng toàn bộ 16 đại đội ô tô vận tải hiện có lúc đó; 02 vạn xe đạp thồ; gần 4.500 thuyền, mảng cùng hàng trăm xe ngựa, xe trâu, bò kéo. Thực tế, trên 90% khối lượng vận chuyển do VTCG đảm nhiệm. VTTS, sức người tuy đảm nhiệm khối lượng không lớn, nhưng đặc biệt có giá trị, hỗ trợ đắc lực cho VTCG, nhất là khi giao thông bị ách tắc và đưa hàng đến những nơi ô tô không đến được. Điều đặc biệt hơn, VTTS, sức người trong Chiến dịch hoàn toàn do lực lượng dân công đảm nhiệm; qua đó, để lại những bài học quý trong huy động, sử dụng dân công, bổ sung thêm một nét độc đáo trong nghệ thuật Vận tải Việt Nam.

Vấn đề bảo đảm, bảo vệ đường vận tải, bảo vệ hậu cần cũng được hết sức coi trọng. Chiến dịch đã sử dụng 100% lực lượng công binh, 50% lực lượng cao xạ, 02 đại đội thông tin và hàng vạn dân công, với tổng quân số chiếm đến 1/5 lực lượng tham gia Chiến dịch để làm nhiệm vụ này. Vì vậy, mặc dù địch đánh phá ác liệt, thời tiết khắc nghiệt, nhưng tuyến vận tải chiến dịch luôn thông suốt, công tác BĐHC không bị gián đoạn. Kinh nghiệm trong tổ chức, bảo đảm vận tải chiến dịch Điện Biên Phủ là cơ sở quan trọng để sau này quân và dân ta vận dụng, xây dựng thành công tuyến vận tải chiến lược 559 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong Chiến dịch này, công tác hậu cần hỏa tuyến (hậu cần cấp chiến thuật) cũng có những bước tiến vượt bậc trong việc chỉ đạo, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội, vận chuyển, cứu chữa, điều trị thương binh, bệnh binh,… góp phần quan trọng vào kết quả công tác BĐHC và thắng lợi của Chiến dịch.

Thời gian đã lùi xa nhưng những bài học về công tác BĐHC trong chiến dịch Điện Biên Phủ đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, cần được nghiên cứu, kế thừa, phát triển phù hợp với điều kiện mới của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, chúng ta cần quán triệt sâu sắc hơn nữa đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, quan điểm hậu cần toàn dân của Đảng. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh nghiên cứu, quy hoạch xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần chiến tranh nhân, đáp ứng chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong đó, lấy HCND rộng khắp là cơ sở, hậu cần khu vực phòng thủ (KVPT) làm nền tảng, HCCD, chiến lược làm nòng cốt; gắn hậu cần tại chỗ với hậu cần cơ động. Đồng thời, tập trung xây dựng ngành Hậu cần vững mạnh toàn diện, cả về chính trị, tổ chức, ngày càng chính quy, hiện đại, đủ khả năng làm nòng cốt trong BĐHC khi chiến tranh xảy ra.

Trước mắt, ngành Hậu cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 623-NQ/QUTƯ của Quân ủy Trung ương về “Công tác hậu cần đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Trong đó, chú trọng tham mưu cho các địa phương đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực, thế trận hậu cần KVPT; tham mưu cho Bộ Quốc phòng quy hoạch, triển khai xây dựng các căn cứ hậu cần chiến lược, chiến dịch; chỉ đạo xây dựng căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần các KVPT, ưu tiên các địa bàn trọng điểm, hình thành thế trận hậu cần liên hoàn, vững chắc, có thể độc lập bảo đảm trên từng khu vực, hướng chiến lược trong mọi tình huống. Mặt khác, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ hoàn thiện Quy chế hoạt động của Hội đồng Cung cấp KVPT và cơ chế chính sách về động viên hậu cần thời chiến, phù hợp với nền kinh tế thị trường, v.v.

Cơ quan Hậu cần các cấp đẩy mạnh công tác tổng kết, nghiên cứu phát triển lý luận về công tác hậu cần, phù hợp với sự phát triển của nghệ thuật quân sự, tổ chức biên chế, trang bị của lực lượng vũ trang. Cùng với đó, các đơn vị cần triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng công tác huấn luyện hậu cần. Chú trọng huấn luyện, diễn tập nâng cao khả năng cơ động BĐHC theo các phương án, kế hoạch, tình huống tác chiến bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao, nhất là BĐHC cho tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chống chia cắt chiến lược; huấn luyện khai thác, sử dụng các trang bị, phương tiện kỹ thuật hậu cần hiện đại ở các lực lượng tiến thẳng lên hiện đại và coi trọng nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng hậu cần dự bị động viên,... Qua đó, nâng cao hơn nữa chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trung tướng NGUYỄN VĨNH PHÚ, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần
_________________

1 - Tổng cục Hậu cần - Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 1 (1944 - 1954), Nxb QĐND, H. 1993, tr. 270.

2 - Võ Nguyên Giáp - Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, Nxb QĐND, H. 1974, tr. 158.

3 - H. Na-va – Đông Dương hấp hối, Nxb Plông, Pari 1956, tr. 203.

4 - Tổng cục Hậu cần - Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 1 (1944 - 1954), Nxb QĐND, H. 1993, tr. 305 - 306.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 – bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng vừa là nguyên tắc, vừa là cơ sở, nền tảng vững chắc để cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân luôn có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý chí, quyết tâm cao, có niềm tin vững chắc vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng;...