Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Bảy, 29/08/2015, 17:12 (GMT+7)
Những điểm nổi bật trong Chiến lược quân sự năm 2015 của Mỹ

Ngày 01-7-2015, Lầu Năm Góc đã công bố Chiến lược quân sự mới. Lần công bố Chiến lược quân sự thứ hai của Chính quyền Tổng thống B. Ô-ba-ma có những điểm mới, mà dư luận cho rằng có khả năng tác động sâu sắc đến cục diện chính trị - quân sự thế giới.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (trái) và Chủ tịch Hội đồng
Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey (phải) tại buổi công bố
Chiến lược quân sự quốc gia ngày 01-7. (Ảnh: AFP/TTXVN
)

1- Nguy cơ xung đột quân sự với một cường quốc khác ở “mức thấp nhưng ngày càng rõ”. Trên cơ sở nhận định về bối cảnh an ninh quốc tế mới, Chính quyền Mỹ đã đưa ra một nội dung mang tính cảnh báo rất đáng chú ý và đó cũng là một trong những điểm nhấn của Chiến lược quân sự năm 2015 của họ. Chúng ta đều biết, sau khi “chiến tranh lạnh” kết thúc, cục diện thế giới hai cực đổ vỡ, Mỹ trở thành siêu cường quốc duy nhất có vai trò lãnh đạo và quyết định đối với trật tự thế giới mới - trật tự thế giới “đơn cực”. Với lợi thế “có một không hai” đó, các thế hệ Tổng thống Mỹ đều cho ra đời các chiến lược quân sự, như: “can dự và mở rộng” (của Tổng thống B. Clin-tơn), “đánh đòn phủ đầu” (của Tổng thống G.W. Bu-sơ) và “can dự thông minh” (năm 2011 của Tổng thống B. Ô-ba-ma), nhằm chống lại những mối đe dọa mới, trọng tâm là chống nguy cơ từ chủ nghĩa khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, v.v. Tuy nhiên, các chiến lược quân sự này chưa từng xác định “đối thủ” một cách rõ ràng. Vì vậy, Chiến lược quân sự năm 2015 xác định nguy cơ xung đột quân sự với một cường quốc, tuy ở “mức thấp nhưng ngày càng rõ” là điểm mới so với các chiến lược quân sự trước đây và là “tiền đề” để Oa-sinh-tơn xác định các biện pháp quân sự mang tính chiến lược nhằm đối phó với nguy cơ này. Đặc biệt, nếu như các chiến lược quân sự trước đây không hoặc đề cập rất ít đến nguy cơ từ Nga và Trung Quốc thì Chiến lược quân sự năm 2015 chỉ đích danh Nga và Trung Quốc là hai “đối thủ tiềm tàng” đe dọa các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Chiến lược này xác định, Nga là quốc gia nguy hiểm nhất đang “phá hoại an ninh khu vực bằng các lực lượng trung gian”; rằng, có sự hiện diện quân sự của Nga trong cuộc xung đột ở U-crai-na (mặc dù Mát-xcơ-va luôn bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc này). Với Trung Quốc, Chiến lược quân sự Mỹ tỏ ý quan ngại sâu sắc về việc Bắc Kinh xây dựng đảo nhân tạo tại Biển Đông và cho rằng, các hoạt động này của Trung Quốc đang “làm gia tăng căng thẳng, gây bất ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Ngoài ra, Chiến lược quân sự mới của Mỹ còn đề cập tới các “mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ và an ninh khu vực”, như: I-ran, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, những nước được cho là đang sở hữu năng lực chế tạo tên lửa đạn đạo và hạt nhân tân tiến. Chiến lược quân sự này còn nhấn mạnh, quân đội Mỹ cần sẵn sàng giải quyết tình huống xung đột quân sự với các mối đe dọa trên, đối phó với các tổ chức khủng bố cực đoan, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở I-rắc và Xy-ry. Như vậy, có thể thấy, Chiến lược quân sự năm 2015 của Mỹ đã đánh giá sâu sắc thực trạng mất ổn định an ninh toàn cầu thời gian qua, dự báo xu hướng tương lai, từ đó điều chỉnh chiến lược quân sự; trọng tâm là, chuyển từ ưu tiên đối phó với chủ nghĩa khủng bố theo các chiến lược quân sự trước đây, sang đối phó với những nước mà Mỹ coi là “đối thủ tiềm tàng” có thể thách thức đến vai trò và vị thế lãnh đạo thế giới của họ. 

2- Tiếp tục khẳng định sự dịch chuyển trọng tâm Chiến lược quân sự sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tăng cường củng cố mạng lưới đồng minh và đối tác toàn cầu. Cũng như Chiến lược quân sự năm 2011, khi đề cập đến việc coi trọng lợi ích toàn cầu và an ninh ở các châu lục trên thế giới, Chiến lược quân sự năm 2015 tiếp tục khẳng định sự dịch chuyển trọng tâm chiến lược từ khu vực châu Âu sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, sự dịch chuyển trọng tâm chiến lược này nằm trong mục tiêu, kế hoạch thế kỷ của Mỹ - Chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương, còn gọi là Chiến lược tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương thế kỷ XXI của nước này.

Chiến lược quân sự năm 2015 nêu rõ, Nhà Trắng coi trọng điều chỉnh bố trí chiến lược ở các khu vực để việc dịch chuyển trọng tâm chiến lược đảm bảo tốt nhất lợi ích toàn cầu của Mỹ. Theo đó, Mỹ tiếp tục thực hiện kế hoạch điều chuyển quân từ châu Âu về châu Á - Thái Bình Dương, hiện đại hóa các căn cứ quân sự bằng việc bố trí những loại phương tiện, vũ khí tiên tiến nhất nhằm gia tăng sức mạnh quân sự ở khu vực này, v.v. Mỹ cũng đẩy mạnh hợp tác an ninh với các đồng minh truyền thống, chú trọng các đối tác hàng đầu là Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Hàn Quốc và Thái Lan; làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Niu Di-lân, Xin-ga-po,… coi đây là các liên minh chiến lược có vai trò to lớn trong việc duy trì an ninh, ngăn chặn các cuộc xung đột, đặc biệt là cái mà họ gọi là “mưu đồ gây hấn” của các đối thủ tiềm tàng ở các khu vực. Mặt khác, Mỹ coi trọng mở rộng quan hệ hợp tác với các nước đồng minh, các nước đối tác mới ở các châu lục trong việc giữ gìn hòa bình và an ninh theo ý đồ của họ. Đánh giá về chủ trương xây dựng liên minh và hợp tác an ninh của Mỹ, giới phân tích cho rằng, đây là một phần trọng yếu trong cái gọi là “học thuyết ngoại giao thông minh” của Tổng thống B. Ô-ba-ma, nhằm chia sẻ gánh nặng tài chính, trách nhiệm an ninh với các đồng minh; đồng thời, đề cao vai trò “lãnh đạo” của Mỹ trong những vấn đề quốc tế quan trọng. Cùng với việc đặt trọng tâm vào châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ cũng đặc biệt quan tâm tới những bất ổn định đang xảy ra ở châu Âu, Trung Đông - Bắc Phi…, những khu vực Mỹ có lợi ích mang tính sống còn.

3- Tổ chức, trang bị, xây dựng quân đội trở thành lực lượng mạnh hàng đầu thế giới. Chiến lược quân sự mới của Mỹ nhận định, môi trường an ninh toàn cầu hiện nay là “vô cùng phức tạp”. Sự xuất hiện hàng loạt công nghệ mới khiến cho “cuộc chiến trong tương lai giữa các quốc gia sẽ ngày càng khó đoán, xảy ra nhanh hơn, kéo dài hơn với công nghệ quân sự ngày càng hiện đại và khó kiểm soát”. Đặc biệt, chiến tranh sẽ không chỉ dừng lại ở việc sử dụng các thế hệ vũ khí thông minh, như: rô-bốt, la-de và vệ tinh mới mà sẽ tiến xa hơn trong việc thiết lập những kế hoạch thông minh từ các nhà lãnh đạo sáng tạo, có tố chất, năng lực mới. Ngoài ra, Chiến lược còn cảnh báo những lợi thế cạnh tranh về ưu thế công nghệ quân sự của Mỹ đang bị thách thức, nhất là khả năng cảnh báo sớm và tấn công chính xác, v.v. Do vậy, theo Chiến lược quân sự mới, Mỹ cần xây dựng quân đội có tổ chức chặt chẽ, trang bị mạnh hàng đầu thế giới, đủ khả năng đối phó với các mối đe dọa sắp tới từ các đối thủ nhà nước và các tổ chức khủng bố; trong đó, chú trọng nâng cao khả năng tác chiến hiện đại, khả năng hợp nhất công tác quản lý, điều hành tác chiến quy mô toàn cầu và trình độ cơ động, tấn công tầm xa bảo đảm nhanh, mạnh, chính xác. Để đạt được mục tiêu đó, Mỹ tiếp tục điều chỉnh bố trí, triển khai các căn cứ quân sự “tiền tiêu” ở một số khu vực trọng yếu; các đơn vị quân đội sẽ được nghiên cứu cải tiến tổ chức biên chế theo hướng tinh, gọn, nhất thể hóa, được trang bị, huấn luyện tốt đảm bảo khả năng cơ động linh hoạt, tác chiến theo thời gian thực. Một nội dung khác, được Chiến lược quân sự mới nhấn mạnh là, Mỹ sẽ tăng ngân sách đầu tư cho việc nghiên cứu chế tạo các công nghệ mang tính “đột phá” để tạo ưu thế công nghệ so với các đối thủ, tập trung vào những lĩnh vực then chốt, như: hệ thống cảnh báo sớm và chỉ thị mục tiêu, các thiết bị cảnh giới, trinh sát tích hợp liên quân (ISR), các loại vũ khí tiến công chính xác tầm xa, hệ thống ngầm trong lòng biển, lực lượng tác chiến đặc biệt, lực lượng điều khiển học và hiện đại hóa các kho vũ khí hạt nhân…, coi đây là nhân tố chính để giành ưu thế quân sự và xây dựng quân đội Mỹ thành quân đội mạnh hàng đầu thế giới. Cùng với đó, quân đội Mỹ còn coi trọng nghiên cứu ứng dụng các phương thức tác chiến mới, cải tiến công tác đào tạo để phát triển các nhà lãnh đạo quân sự có tư duy đổi mới, có trình độ cao đáp ứng yêu cầu chỉ huy tác chiến liên quân hiện đại.   

4- Tác động từ Chiến lược quân sự mới của Mỹ đến cục diện chính trị - quân sự thế giới. Theo chuyên gia quân sự nhiều nước, với việc xác định các cường quốc Nga, Trung Quốc là các “đối thủ tiềm tàng” có thể thách thức vị thế lãnh đạo của mình, Chiến lược quân sự mới của Mỹ là Chiến lược mang đậm tư duy của thời kỳ “chiến tranh lạnh”; thể hiện chính sách cường quyền, chính trị bá quyền thế giới, có thể đẩy thế giới vào thời kỳ “đối đầu” bất ổn định. Trước hết, Chiến lược này đang làm quan hệ giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc vốn đã căng thẳng nay càng căng thẳng hơn. Một số tờ báo của Nga mới đây đã chỉ trích, “Chiến lược quân sự năm 2015 của Mỹ thể hiện cách nghĩ cũ kỹ, lỗi thời về một “mối đe dọa” tưởng tượng mang tên nước Nga đối với hòa bình thế giới trong khi họ phớt lờ chính những hành động dọa dẫm, gây bất ổn của Oa-sinh-tơn”. Phải chăng, Mỹ đang cố tình “tạo cớ” để đẩy mạnh việc triển khai lực lượng, phương tiện quân sự của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến sát tuyến biên giới của Nga. Ngày 03-7-2015, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố, phản đối những nội dung trong báo cáo chiến lược của Mỹ về việc xác định “mối đe dọa Trung Quốc” và yêu cầu Oa-sinh-tơn cần loại bỏ tư tưởng “chiến tranh lạnh”. Một số học giả Trung Quốc còn chỉ trích Mỹ đang cố tình chơi trò “bài Trung” để hợp lý hóa việc triển khai lực lượng, trang bị quân sự ngày càng tăng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thứ hai, với chủ trương tăng cường đầu tư phát triển công nghệ mới để giành ưu thế quân sự nhằm răn đe, ngăn chặn các đối thủ, Chiến lược quân sự mới “đậm mùi thuốc súng” của Mỹ là tác nhân thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang và cuộc cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị giữa Mỹ với các cường quốc ngày càng gay gắt, nguy hiểm đối với an ninh, ổn định của các khu vực và thế giới. Nhiều chính khách Mỹ lo ngại, việc Nhà Trắng tăng ngân sách đầu tư phát triển công nghệ quân sự mới có thể gây “hiệu ứng ngược” trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang phục hồi chậm và chưa ổn định vững chắc.  

Chiến lược quân sự năm 2015 cùng với Chiến lược an ninh quốc gia và Chiến lược quốc phòng quốc gia tạo thành ba trụ cột trong chính sách quốc phòng của Mỹ, có tác động mạnh mẽ đến cục diện, trật tự và ổn định an ninh thế giới. Dư luận cho rằng, trong thời đại toàn cầu hóa, tất cả các quốc gia đều có lợi ích ràng buộc lẫn nhau và gắn liền với lợi ích của khu vực cũng như thế giới. Vì vậy, để bảo đảm hài hòa các lợi ích, các cường quốc kể cả Mỹ phải tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước khác; giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm, góp phần xây dựng thế giới hòa bình, ổn định cùng phát triển./.   

 

DUY KHÁNH - ĐỨC MINH

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...