Thứ Năm, 24/04/2025, 17:37 (GMT+7)
Từ thực tiễn thực hiện trong thời gian qua và trước yêu cầu mới của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, một số điều trong Hiến pháp năm 1992 quy định công tác quản lý nhà nước về quốc phòng thuộc chế định “Chủ tịch nước” và chế định “bảo vệ Tổ quốc” đã bộc lộ những bất cập. Vì vậy, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định này cho phù hợp là rất cần thiết.
Sau 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu khá toàn diện trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh (QP-AN) và đối ngoại... Trong lĩnh vực QP-AN, theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng (BQP) đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả thiết thực; giữ vững vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Nổi bật là, đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới; Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”… Trên cơ sở đó, BQP kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ ban hành các nghị định, chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước (QLNN) trên từng mặt, từng lĩnh vực công tác quốc phòng. Nhất là, Luật Quốc phòng; Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Luật Dân quân tự vệ; Pháp lệnh về lực lượng Dự bị động viên...; Nghị định 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ về giáo dục QP-AN; Nghị định 119 và Chỉ thị 36 của Chính phủ về “Tiếp tục xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ QP-AN trong tình hình mới”… Nhờ đó, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” được xây dựng, củng cố ngày càng vững chắc, đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” và các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tạo môi trường hòa bình, ổn định để thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH,HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số quy định QLNN về quốc phòng được thể hiện trong Hiến pháp năm 1992 và Luật Quốc phòng, Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam… còn thiếu sự thống nhất, thậm chí nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay. Trong đó, vấn đề Thống lĩnh các lực lượng vũ trang (LLVT) và Chủ tịch Hội đồng QP-AN thuộc chế định “Chủ tịch nước”, chức danh của Bộ trưởng BQP thuộc chế định “BVTQ” là nội dung mà chúng tôi muốn bàn và đề xuất hướng bổ sung, sửa đổi.
1. Vấn đề Thống lĩnh các LLVT trong chế định “Chủ tịch nước”: Đối với nước ta, Thống lĩnh các LLVT luôn được quy định là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn (NV,QH) của Chủ tịch nước hoặc Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Nó được thể hiện rõ trong điểm b Điều 49 Hiến pháp năm 1946, Điều 65 Hiến pháp năm 1959, Điều 103 Hiến pháp năm 1980 và Điều 103 Hiến pháp năm 1992. Tuy nhiên, theo Trung tâm từ điển học - Từ điển Tiếng Việt - thì từ “Thống lĩnh” có nghĩa là “quản lý và chỉ huy một bộ phận lớn hoặc toàn bộ LLVT của đất nước”1. Nhưng, theo các nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật thì khái niệm “Thống lĩnh” trong Hiến pháp năm 1992, 1980 và 1959 khác với từ “giữ quyền tổng chỉ huy quân đội toàn quốc” trong Hiến pháp 1946 ở chỗ “Thống lĩnh” không phải là tổng chỉ huy mà là phụ trách chung2. Như vậy, Thống lĩnh các LLVT thực chất là một nội dung quan trọng trong công tác QLNN về quốc phòng của Chủ tịch nước. Thống lĩnh các LLVT là Thống lĩnh QĐND, Công an nhân dân (CAND) và dân quân, tự vệ của đất nước; bởi Điều 12 Luật Quốc phòng quy định “LLVT nhân dân bao gồm: QĐND, DQ,TV và CAND”. Tuy nhiên, với tư cách là Thống lĩnh các LLVT, Chủ tịch nước có các NV,QH nào? Để giải quyết vấn đề này, qua nghiên cứu Điều 103 Hiến pháp năm 1992 và các điều 13, 29, 30, 31 và 32 Luật Quốc phòng về NV,QH của Chủ tịch nước, chúng tôi có thể khẳng định: Thống lĩnh các LLVT là người chỉ huy cấp trên trực tiếp của người chỉ huy cao nhất trong QĐND, DQ,TV và CAND. Với tư cách là Thống lĩnh các LLVT, Chủ tịch nước có các NV,QH là: căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước công bố tình trạng chiến tranh, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng trong cả nước hoặc ở từng địa phương. Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Chủ tịch nước ra lệnh thiết quân luật; đồng thời, quyết định sử dụng các LLVT nhân dân và áp dụng các biện pháp quân sự trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.
Mặt khác, nghiên cứu về NV,QH Thống lĩnh LLVT trong chế định “Chủ tịch nước” tại Khoản 09 Điều 103 Hiến pháp năm 1992 và Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, chúng tôi thấy còn một số bất cập. Bởi, Khoản 09 Điều 103 Hiến pháp quy định: Chủ tịch nước có quyền “phong hàm cấp sĩ quan cao cấp trong các LLVT nhân dân” mà chưa chỉ rõ là sĩ quan cấp hàm nào. Trong khi đó, Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam và Luật CAND quy định: Chủ tịch nước phong hàm cấp Đại tướng, Thượng tướng và Đô đốc hải quân; Thủ tướng Chính phủ phong hàm cấp Trung tướng, Thiếu tướng, Phó Đô đốc, Chuẩn Đô đốc hải quân. Để bảo đảm sự thống nhất giữa Hiến pháp và Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, theo chúng tôi nên sửa đổi Khoản 09 Điều 103 Hiến pháp 1992 như sau: “Quyết định phong hàm sĩ quan cấp Tướng, Đô đốc, Phó Đô đốc, Chuẩn Đô đốc hải quân, hàm cấp ngoại giao và những hàm cấp Nhà nước khác; quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự Nhà nước;…”. Tuy nhiên, xét về kỹ thuật lập pháp thì NV,QH của Chủ tịch nước trong QLNN về quốc phòng với tư cách là Thống lĩnh các LLVT chưa tập trung, mà còn nằm rải rác trong các khoản khác nhau tại Điều 103 Hiến pháp năm 1992 cũng như trong Điều 13 và 32 Luật Quốc phòng. Vì vậy, người dân dễ hiểu lầm là NV,QH “công bố tình trạng chiến tranh, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương, ra lệnh thiết quân luật và quyết định phong hàm sĩ quan cao cấp trong các LLVT nhân dân”… không thuộc nội dung “Thống lĩnh các LLVT” của Chủ tịch nước. Nhằm khắc phục bất cập nêu trên, theo chúng tôi các quy định NV,QH của Chủ tịch nước với tư cách là Thống lĩnh các LLVT ở các khoản khác nhau trong Điều 103 Hiến pháp 1992 nên được thể hiện tập trung tại một khoản trong Điều này hoặc quy định thành một điều độc lập trong Hiến pháp. Cùng với đó, nên chuyển nội dung “Quyết định phong hàm cấp ngoại giao” ở Khoản 09 Điều 103 sang Khoản 10 Điều 103 Hiến pháp năm 1992. Như vậy, Khoản 09 Điều 103 Hiến pháp năm 1992 chỉ còn lại là: “Quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự Nhà nước”.
2. Về Hội đồng QP-AN trong chế định “Chủ tịch nước”: Kế thừa Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980 (Điều 103), Hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định NV,QH của Chủ tịch nước là “Thống lĩnh các LLVT và giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng QP-AN”. Như vậy, chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng trước đây, Hội đồng QP-AN hiện nay được hiến định liền sau nhiệm vụ Thống lĩnh các LLVT của Chủ tịch nước. Hơn nữa, nghiên cứu Điều 104 Hiến pháp năm 1992 và Điều 34 Luật Quốc phòng chúng ta thấy, Hội đồng QP-AN do Chủ tịch nước làm Chủ tịch, là cơ quan do Quốc hội bầu ra từ kỳ họp đầu tiên và là biểu tượng tập trung quyền lực của Nhà nước khi có chiến tranh. Tuy nhiên, Hiến pháp cũng như Luật Quốc phòng hiện hành mới quy định NV,QH của Hội đồng QP-AN trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, còn NV,QH của Hội đồng QP-AN trong thời bình thì chưa có. Chính vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần bổ sung rõ quy định về NV,QH của Hội đồng QP-AN trong thời bìnhiến pháp và Lu.
3. Về chức danh của Bộ trưởng BQP trong hệ thống chỉ huy QĐND và DQ,TV: Điều 16 Luật Quốc phòng quy định “Bộ trưởng BQP là người chỉ huy cao nhất trong QĐND, DQ,TV”. Song, suy cho cùng danh từ “Bộ trưởng BQP” mới chỉ thể hiện ý nghĩa là người đứng đầu cơ quan chuyên trách QLNN về quốc phòng mà chưa thể hiện rõ chức danh người chỉ huy cấp chiến lược. Trong hệ thống chỉ huy của QĐND Việt Nam bao gồm: Bộ trưởng BQP và các thứ trưởng BQP, dưới đó là tư lệnh các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, binh đoàn, các cơ quan, đơn vị tương đương, dưới nữa lần lượt là các sư đoàn trưởng, trung đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng, trung đội trưởng và tiểu đội trưởng. Như vậy, Bộ trưởng BQP thực chất là Tư lệnh của Tư lệnh các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, binh đoàn trong toàn quân. Nói cách khác, Bộ trưởng BQP chính là Tổng Tư lệnh QĐND và DQ,TV. Để phù hợp với điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, theo chúng tôi nên hiến định hóa chức danh Tổng Tư lệnh QĐND, DQ,TV của Bộ trưởng BQP và bổ sung vào Điều 46 Hiến pháp năm 1992 về chế định “BVTQ”. Tuy nhiên, nghiên cứu quy định Điều 46 Hiến pháp năm 1992 về xây dựng QĐND trong chế định “BVTQ”, chúng tôi thấy, nội dung này đã không còn phù hợp với chiến lược xây dựng QĐND và DQ,TV, Chiến lược BVTQ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011). Bởi, nội dung này mới chỉ đề cập tới phương châm xây dựng QĐND, lực lượng Dự bị động viên và DQ,TV mà chưa quy định vị trí, vai trò của các lực lượng này trong nhiệm vụ BVTQ. Chính vì thế, theo chúng tôi, nội dung Điều 46 Hiến pháp năm 1992 cần được nghiên cứu sửa đổi.
Đại tá, TS. NGUYỄN MAI BỘ
Tòa án Quân sự Trung ương
1 - Trung tâm Từ điển học - Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, H. 2009, tr. 1226 - 1227.
2 - Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật - Bình luận khoa học Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992, Nxb KHXH, H. 1995, tr. 321.
quản lý nhà nước về quốc phòng,Hiến pháp 1992,sửa đổi Hiến pháp 1992
Vấn đề dân tộc trong Hiến pháp năm 2013 16/06/2014
Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam - nhìn từ góc độ nhân văn 08/05/2014
Tính giai cấp và tính xã hội trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 18/03/2014
Nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 11/03/2014
Cơ sở pháp lý để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/01/2014
Hiến pháp và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước 21/01/2014
Sẽ trình Quốc hội 03 bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 27/09/2013
Nên hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 18/06/2013
Sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với đất nước và Quân đội là tất yếu 07/05/2013
Không thể tư nhân hóa đất đai 03/04/2013