QPTD -Thứ Ba, 18/06/2013, 20:05 (GMT+7)
Nên hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Về vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay đang có những ý kiến khác nhau trong góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bài viết này đồng tình với số đông ý kiến rằng, nên hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

 

Một số người đã đồng nhất kinh tế nhà nước (KTNN) với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và chỉ nhìn thấy yếu kém của DNNN ở nước ta thời gian qua để cho rằng, Hiến pháp không nên hiến định vai trò của thành phần KTNN. Chúng tôi cho rằng, nên hiến định, bởi những lý do sau:

Một là, không hiến định vai trò chủ đạo của KTNN trong Hiến pháp sửa đổi lần này là không quán triệt mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011) (gọi tắt là Cương lĩnh). Việc xây dựng hiến pháp phải dựa trên nhiều căn cứ; trong đó, không thể bỏ qua cương lĩnh của chính đảng cầm quyền. Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: “Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của CNXH…, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước XHCN ngày càng phồn vinh và hạnh phúc”1. Nền tảng kinh tế của CNXH là gì? Đó là cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại dựa trên chế độ công hữu về những tư liệu sản xuất chủ yếu. Mặt khác, một trong những đặc trưng của xã hội XHCN mà nhân dân ta đang xây dựng là “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”2. Quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp là quan hệ sản xuất dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và xu thế phát triển của nhân loại. Đối chiếu với những dấu hiệu trên cho thấy, KTNN là thành phần kinh tế dựa trên sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Đây là thành phần kinh tế vừa phù hợp với mục tiêu tổng quát đã được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định trong Cương lĩnh, vừa phù hợp với đặc trưng của xã hội XHCN mà nhân dân ta đang xây dựng. Nếu KTNN không giữ vai trò chủ đạo thì nước ta không xây dựng được nền tảng kinh tế của CNXH và không trở thành nước XHCN như mục tiêu tổng quát mà Cương lĩnh của Đảng đã xác định.

Hai là, không hiến định vai trò chủ đạo của KTNN trong Hiến pháp sửa đổi lần này thì chúng ta không thể giữ vững định hướng XHCN đối với nền kinh tế. Để thực hiện thành công mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ và mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI mà Đảng ta xác định trong Cương lĩnh, chúng ta cần giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, trong đó có mối quan hệ “giữa kinh tế thị trường (KTTT) và định hướng XHCN”. Bởi lẽ, trong nền KTTT, bên cạnh những ưu điểm, cũng tồn tại những khuyết tật. Việc khắc phục khuyết tật của KTTT không thể dựa vào kinh tế tư nhân (vì tính chất hai mặt của nó) và cũng không thể dựa vào ai khác ngoài Nhà nước với thực lực kinh tế của mình (tức là vai trò của KTNN). Nhà nước sử dụng nhiều cách thức và công cụ để điều tiết, định hướng thị trường, trong đó có công cụ là KTNN. Đây là sự bảo đảm để nền KTTT ở nước ta phát triển đúng định hướng XHCN. Nếu KTNN không “đủ sức” định hướng phát triển của nền kinh tế, thì sự định hướng XHCN của nền KTTT chỉ tồn tại trên lý thuyết và không giải quyết thành công mối quan hệ lớn giữa “KTTT và định hướng XHCN” như Cương lĩnh đặt ra. Mặt khác, Cương lĩnh cũng xác định: “Phát triển nền KTTT định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật… KTNN giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. KTNN cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”3. Như vậy, việc hiến định vai trò của KTNN trong Hiến pháp sửa đổi lần này vừa để giữ vững định hướng XHCN của nền KTTT, vừa đúng với những nội dung mà Đảng đã xác định trong Cương lĩnh được trình bày trên.

Ba là, để hiến định vai trò chủ đạo của KTNN cần có sự thống nhất nhận thức về vai trò của thành phần kinh tế này. KTNN có nội hàm rất rộng, không chỉ gồm DNNN mà còn có cả một số lĩnh vực phi doanh nghiệp khác, như: các tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu (đất đai, tài nguyên, hệ thống kết cấu hạ tầng…), ngân sách nhà nước, hệ thống dự trữ quốc gia, phần vốn thuộc sở hữu nhà nước góp vào các thành phần kinh tế khác… Do vậy, khi xem xét vai trò của KTNN trong nền kinh tế cần phải nhìn nhận đầy đủ các bộ phận cấu thành, không được đồng nhất KTNN với DNNN. Theo đó, vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế này không nên xem xét ở mặt số lượng, quy mô, tỷ trọng của DNNN trong cơ cấu các doanh nghiệp của nền kinh tế, mà quan trọng hơn là ở mặt chất lượng; ở khả năng chi phối xu hướng vận động của nền KTTT theo định hướng XHCN; khả năng khắc phục những khuyết tật của nền KTTT. Để chi phối, dẫn dắt sự phát triển của nền KTTT, các DNNN (với tư cách là lực lượng nòng cốt của KTNN) cần nắm giữ những vị trí then chốt, tập trung vào những ngành, lĩnh vực trọng yếu của quốc gia, những địa bàn chiến lược, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, cần thiết cho sự phát triển lâu dài, bền vững… mà các thành phần kinh tế khác không thể hoặc không muốn đầu tư.

Vai trò chủ đạo của KTNN còn thể hiện ở chỗ mở đường, hướng dẫn, kích thích, hỗ trợ các thành phần kinh tế khác phát triển theo mục tiêu đã định. Mục tiêu cao nhất của các chủ thể sản xuất, kinh doanh trên thị trường là lợi nhuận và do đó, họ có khuynh hướng lựa chọn những ngành, lĩnh vực, địa bàn thuận lợi nhất để đầu tư kinh doanh nhằm tối ưu hóa lợi ích. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến nhiều ngành, lĩnh vực có lợi cho quốc kế dân sinh hoặc thỏa mãn lợi ích tổng thể lâu dài, những địa bàn khó khăn, bất lợi, vùng sâu, biên cương, hải đảo… sẽ không được quan tâm phát triển, gây ra mất cân đối cho nền kinh tế và mất cân bằng trong phát triển xã hội. Để khắc phục vấn đề này, nhất định và chỉ có thể dựa vào vai trò mở đường của KTNN. Khi đã tạo được nền tảng kinh tế - xã hội nhất định thì nó sẽ có tác dụng kích thích, hỗ trợ và hướng dẫn các thành phần kinh tế khác cùng phát triển. Nếu những ngành, lĩnh vực, địa bàn đã có mặt của các thành phần kinh tế kinh doanh có hiệu quả rõ rệt thì các DNNN có vai trò “kiến tạo” ban đầu có thể “nhường sân” hoặc đa dạng hóa sở hữu để tập trung vào những lĩnh vực then chốt, mở đường kiến tạo “sân chơi” mới cho các doanh nghiệp của thành phần kinh tế khác. Các doanh nghiệp lớn của Nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển một số ngành công nghiệp, dịch vụ nền tảng, mũi nhọn, sử dụng công nghệ cao, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giải quyết đa mục tiêu ở các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa… Thực trạng hoạt động cũng như tiến trình sắp xếp, đổi mới, phát triển DNNN ở nước ta vừa qua đã khẳng định rõ vấn đề này. Chúng ta đang tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế, chính sách, luật pháp để quản lý nền kinh tế sao cho không còn DNNN thua lỗ, yếu kém, như: Vinashin, Vinalines… Mặt khác, phải làm cho xuất hiện ngày càng nhiều hơn các DNNN hoạt động thực sự hiệu quả (cả kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh), như: Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, Tân Cảng, Ngân hàng cổ phần Thương mại Quân đội (MB)… Nếu không có vai trò mở đường, dẫn dắt, hỗ trợ của KTNN thì biết đến bao giờ khu vực nông thôn, miền núi, các vùng biên cương, hải đảo của Tổ quốc mới phát triển được như ngày nay, v.v..

Vai trò chủ đạo của KTNN theo cách đề cập trên đây không mâu thuẫn với sự bình đẳng, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh lành mạnh của các thành phần kinh tế. Cũng không thể khẳng định, sự yếu kém của một số DNNN thời gian qua bắt nguồn từ quan điểm coi KTNN là chủ đạo. Hơn nữa, sự phát triển thiếu bền vững của kinh tế tư nhân ở nước ta thời gian qua càng cho thấy sự cần thiết có vai trò mở đường, hỗ trợ, dẫn dắt và định hướng của KTNN, cần phải có những DNNN mạnh làm nòng cốt, chủ lực trong hội nhập quốc tế. Thiết nghĩ, đây là một vấn đề hệ trọng, thể hiện bản chất của chế độ kinh tế đất nước, vốn đã được làm rõ cả về lý luận và thực tiễn, được thể hiện trong Cương lĩnh của Đảng và do vậy, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của KTNN trong nền KTTT định hướng XHCN là cần thiết. Xuất phát từ nhận thức như vậy, chúng tôi cho rằng, nếu viết như Điều 54 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Nền kinh tế Việt Nam là nền KTTT định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế… sẽ chỉ nói lên được đó là nền KTTT nói chung, không thể hiện được đầy đủ bản chất, đặc trưng chủ yếu của nền KTTT định hướng XHCN mà chúng ta đang quyết tâm xây dựng. Do đó, nên sửa lại như sau: Nền kinh tế Việt Nam là nền KTTT định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế phát triển lâu dài, cùng hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật; trong đó, KTNN giữ vai trò chủ đạo.

 

Thượng tá, TS. ĐỖ HUY HÀ

Học viện Chính trị

 

____________

1, 2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 71, tr. 70.

3 - Sđd, tr. 73 – 74.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Những điểm mới nổi bật trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tổ chức nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh lý Dự thảo và ngày 2-1-2013, đã công bố lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có 11 chương, 124 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo giảm 1 chương, 23 điều, giữ nguyên 14 điều, sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới.