QPTD -Thứ Sáu, 27/09/2013, 10:26 (GMT+7)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:
Sẽ trình Quốc hội 03 bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

* Đại biểu Quốc hội chuyên trách đề xuất thu hẹp diện thu hồi đất

Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII sẽ có 03 bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được trình. Thứ nhất là bản được chỉnh lý, bổ sung dựa trên sự tổng hợp các ý kiến đóng góp từ trước tới nay để các đại biểu Quốc hội thảo luận và cho ý kiến. Sau đó, cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, bổ sung thành bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hoàn thiện hơn rồi tiếp tục gửi các đại biểu cho ý kiến bằng phiếu. Căn cứ phiếu trả lời của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo hoàn thiện lại lần cuối cùng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bản dự thảo lần cuối cùng này sẽ được đưa ra để các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói như vậy chiều ngày 26-9, khi phát biểu kết luận hai ngày làm việc tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Hội nghị được tổ chức để lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội chuyên trách về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội cũng cho hay, dự kiến, Quốc hội sẽ dành 02, 05 ngày để thảo luận tại tổ và thảo luận tập trung tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại kỳ họp thứ sáu sắp tới.

Tổng kết những nội dung quan trọng được các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh sự đồng thuận cao, với tỷ lệ 100% nhất trí, về vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội.

Về tổ chức công đoàn tại Điều 10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói, tuy vẫn còn ý kiến không nên tổ chức riêng thành một điều mà nên nhập vào Điều 9 cùng với quy định về các tổ chức chính trị khác, nhưng đa số vẫn đồng thuận có quy định riêng về tổ chức công đoàn tại Điều 10.

Các đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng thống nhất cao với việc xác định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, có nhiều hình thức sở hữu, có nhiều thành phần kinh tế và thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Thảo luận về Điều 54, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu cũng nhất trí với nội dung quy định, việc thu hồi đất được thực hiện trong trường hợp thật sự cần thiết do luật định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu thống nhất quản lý.

Về vấn đề các cấp chính quyền địa phương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết luận, đa số đại biểu đồng ý rằng chính quyền nông thôn bao gồm 03 cấp (tỉnh, huyện, xã), chính quyền đô thị có 02 cấp (thành phố và quận hoặc phường), chính quyền hành chính đặc khu chỉ có 01 cấp. Mỗi cấp chính quyền địa phương sẽ bao gồm hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân.

Riêng quy định mới về Hội đồng Hiến pháp, Chủ tịch Quốc hội nói, việc thành lập cơ quan này là rất cần thiết để bảo đảm việc thực thi Hiến pháp. “Chúng ta thành lập Hội đồng Hiến pháp là vì sự cần thiết ấy, hoàn toàn không phải vì các nước làm nên chúng ta cũng làm, càng không phải các nước làm thế nào thì chúng ta cũng phải theo như thế ấy”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.

* Cũng trong ngày 26-9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành nội dung, các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Qua 24 ý kiến của các đại biểu, một trong những vấn đề được đóng góp nhiều nhất là các trường hợp được phép thu hồi đất quy định tại Điều 62, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) nhấn mạnh rằng, vấn đề thu hồi đất luôn là vấn đề nóng. Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị chỉ nên quy định những trường hợp thu hồi đất tại Điều 62, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong trường hợp vì mục đích quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và vì mục tiêu kinh tế ở những dự án đầu tư công. Các trường hợp còn lại để chủ đầu tư tự thỏa thuận về giá cả đền bù, phương án hỗ trợ với người dân có đất bị thu hồi.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cũng đề nghị phải xem xét lại 12 trường hợp thu hồi đất tại Điều 62, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), vì “có những trường hợp không đúng là đặc biệt quan trọng về phát triển kinh tế”. Đại biểu cũng đề nghị không nên để quy định mở “Chính phủ quy định chi tiết thi hành”, đồng thời kiến nghị bổ sung quy định nghiêm cấm thu hồi đất ngoài những trường hợp được quy định tại Điều 62.

Tổng kết vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đều yêu cầu cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sớm nghiên cứu, rà soát, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo.

MINH THẮNG

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Những điểm mới nổi bật trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tổ chức nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh lý Dự thảo và ngày 2-1-2013, đã công bố lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có 11 chương, 124 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo giảm 1 chương, 23 điều, giữ nguyên 14 điều, sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới.