Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:21 (GMT+7)
Kế thừa các Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Điều 57) tiếp tục khẳng định đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật. Vấn đề này đã nhận được sự đồng tình, nhất trí cao trong nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến cho rằng, phải đa hình thức sở hữu về đất đai, trong đó có sở hữu tư nhân là phù hợp với nền kinh tế thị trường nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế ở nước ta hiện nay.
Xem xét một cách khách quan khoa học cho thấy rằng, đối với nước ta hiện nay, không thể tư nhân hóa đất đai, đất đai phải thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Bởi vì:
1. Trên cơ sở nghiên cứu sản xuất nông nghiệp, trực tiếp là địa tô trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, C. Mác chỉ ra sự bóc lột của tư bản và địa chủ; ruộng đất giảm bớt màu mỡ là hậu quả của kinh doanh ruộng đất theo lối tư bản chủ nghĩa dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về ruộng đất. Phát triển lý luận địa tô của C. Mác, V.I. Lê-nin chỉ ra tính chất vô lý của chế độ sở hữu tư nhân về ruộng đất, nguồn gốc đẻ ra địa tô, kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp, do đó phải quốc hữu hóa ruộng đất, thay vào đó là chế độ công hữu về ruộng đất.
2. Hiện nay, nếu quay trở lại chế độ sở hữu tư nhân về ruộng đất là sự phủ nhận thành quả to lớn giành lại ruộng đất từ tay đế quốc, thực dân, phong kiến về tay đại đa số nhân dân lao động của cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Xuất phát từ đặc điểm là nước nông nghiệp, đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu, nông dân chiếm đại đa số trong dân cư; đồng thời, từ đặc điểm xã hội thuộc địa, nửa phong kiến, một trong những mâu thuẫn cơ bản của xã hội nước ta đầu thế kỷ XX là mâu thuẫn giữa nhân dân ta, chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến, ngay từ khi ra đời (năm 1930), Đảng ta đã rất quan tâm đến giải quyết vấn đề ruộng đất. Trong Luận cương chính trị (năm 1930), Đảng ta đã xác định “Quyền sở hữu ruộng đất thuộc về chánh phủ công nông”. Tuy nhiên, từ xã hội thuộc địa nửa phong kiến, dựa trên chế độ sở hữu phong kiến về ruộng đất để tiến tới sở hữu toàn dân về ruộng đất là một quá trình cách mạng đầy khó khăn, gian khổ.
Trên cơ sở thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thắng lợi từng bước của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Nhà nước ta ký Sắc lệnh giảm tô và ra chỉ thị chia ruộng đất các đồn điền, trại ấp vắng chủ cho nông dân. Đến năm 1953, Quốc hội nước ta ban hành Luật Cải cách ruộng đất, chủ trương tịch thu ruộng đất của địa chủ, cường hào trao cho dân cày, đồng thời xác định quyền sở hữu của họ trên những diện tích đất đó. Từ năm 1954 đến năm 1957, thực hiện chủ trương khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh, phấn đấu hoàn thành những nhiệm vụ của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện khẩu hiệu người cày có ruộng, Đảng và Nhà nước ta đã hoàn thành cải cách ruộng đất với một loạt biện pháp giúp nông dân sau khi được chia ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác từng bước khôi phục nền kinh tế nông nghiệp. Từ năm 1959, Hiến pháp năm 1959 của nước ta đã ghi nhận trong thời kỳ quá độ lên CNXH có các hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất sau: Sở hữu nhà nước, tức là sở hữu toàn dân; sở hữu hợp tác xã, tức là sở hữu của tập thể của nhân dân lao động; sở hữu của người lao động riêng lẻ; sở hữu của nhà tư sản dân tộc. Từ quy định quyền sở hữu về tư liệu sản xuất của nông dân, của những người làm nghề thủ công và những người làm nghề riêng lẻ và các nhà tư sản dân tộc quy định trong Hiến pháp, Nhà nước ta đã thực hiện sự bảo hộ quyền sở hữu về đất đai.
Khi miền Bắc nước ta xây dựng CNXH, để tiến hành công cuộc cải tạo XHCN, Đại hội Đảng lần thứ III của Đảng ta chủ trương cải biến chế độ sở hữu cá thể và chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất thành các hình thức khác nhau của chế độ sở hữu XHCN. Thực hiện chủ trương này, Nhà nước ta vừa bảo hộ những tư liệu sản xuất của người lao động riêng lẻ được quy định cụ thể trong Hiến pháp năm 1959, vừa cải tạo nền kinh tế cá thể theo con đường hợp tác hóa dựa trên chế độ sở hữu tập thể về tư liệu sản xuất và lao động tập thể của xã viên. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ quá độ xây dựng CNXH, một dấu mốc quan trọng về chính sách đất đai được thể hiện thông qua Quyết định số 188-CP ngày 25-9-1976 của Chính phủ, Nhà nước tiến hành quốc hữu hóa các đồn điền và ruộng đất của tư sản nước ngoài; trực tiếp quản lý, sử dụng tất cả các loại ruộng đất; thu hồi toàn bộ ruộng đất thuộc sở hữu quốc gia, ruộng đất của tư sản mại bản, của địa chủ phản quốc, của bọn cầm đầu ngụy quân, ngụy quyền, cầm đầu tổ chức phản động, của bọn gián điệp, tay sai đế quốc. Dựa trên cơ sở kinh tế - xã hội, trực tiếp là thực tế về sở hữu đất đai, Hiến pháp năm 1980 của nước ta quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Như vậy, có thể thấy rằng, sự ra đời của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là thành quả vô cùng to lớn của cách mạng nước ta giành được trải qua cả một quá trình đấu tranh gian khổ, với bao sự hy sinh mất mát của các thế hệ chiến sĩ cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng mà ngày nay chúng ta phải giữ gìn.
3. Mặc dù hiện nay nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, song cũng không thể thực hiện đa hình thức sở hữu về đất đai. Bởi đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân, là tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước, không giống như các tư liệu sản xuất, tài sản thông thường khác. Do đó, đất đai phải thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật thì việc khai thác, sử dụng đất đai mới bảo đảm hiệu quả cao nhằm phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước.
4. Thực tiễn cách mạng nước ta cho thấy, từ khi từng bước thực hiện cho đến khi thực hiện hoàn toàn chế độ sỡ hữu toàn dân về ruộng đất (năm 1980), đất đai ở nước ta được khai thác, sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh hợp lý, phục vụ đắc lực hơn cho quốc kế, dân sinh. Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) đã nhận định: “Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước, chúng ta đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần khai thác và phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định xã hội, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường... Hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai từng bước được tăng cường; chính sách, pháp luật về đất đai ngày càng được hoàn thiện; các quyền của người sử dụng đất được mở rộng và được Nhà nước bảo đảm; thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất đã được hình thành và phát triển nhanh”.
5. Mặc dù trong thời gian qua ở nước ta nảy sinh những tiêu cực, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) đánh giá: “… công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều hạn chế, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, các thủ tục hành chính về đất đai. Lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng; nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn; thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch "ngầm" còn khá phổ biến; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp”.
Song, chúng ta cần thống nhất nhận thức rằng, những hạn chế, tiêu cực đó không phải do bản chất của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Những hạn chế, tiêu cực đó một mặt, do sự yếu kém trong quản lý đất đai của Nhà nước ta, chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ, đến nay, chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai còn một số nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp, tổ chức bộ máy, năng lực đội ngũ cán bộ về quản lý đất đai còn không ít hạn chế, yếu kém, một bộ phận còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tham nhũng; mặt khác, do nước ta trải qua nhiều thời kỳ, giai đoạn lịch sử khác nhau, đất đai có nguồn gốc rất phức tạp. Từ thực trạng này, Nghị quyết cũng đã đề ra những chủ trương, chính sách biện pháp phù hợp, trong đó tập trung là tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, tiêu cực nảy sinh trong quản lý, sử dụng đất đai.
Tóm lại, từ những cơ sở lý luận và thực tiễn trên, cho thấy việc quy định đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là sự cần thiết và đúng đắn, bảo đảm sự thống nhất lợi ích của người dân và lợi ích quốc gia.
PGS,TS. NGUYỄN ĐỨC ĐỘ
Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự.
Nguồn: qdnd.vn
sở hữu đất đai
Vấn đề dân tộc trong Hiến pháp năm 2013 16/06/2014
Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam - nhìn từ góc độ nhân văn 08/05/2014
Tính giai cấp và tính xã hội trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 18/03/2014
Nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 11/03/2014
Cơ sở pháp lý để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/01/2014
Hiến pháp và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước 21/01/2014
Sẽ trình Quốc hội 03 bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 27/09/2013
Nên hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 18/06/2013
Sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với đất nước và Quân đội là tất yếu 07/05/2013
Cơ sở của Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 01/04/2013