Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:02 (GMT+7)
Triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và về việc lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Dự thảo Hiến pháp), các tầng lớp nhân dân trên cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp hàng chục triệu ý kiến tâm huyết cho đạo luật gốc có liên quan đến định hướng phát triển và tương lai của đất nước.
Không chỉ bày tỏ sự đồng tình với nội dung được đề cập trong Dự thảo Hiến pháp, nhiều người đã thẳng thắn góp ý, đề nghị chỉnh sửa từng điều, từng khoản, thậm chí từng chữ với sự nghiên cứu công phu, nghiêm túc. Việc đóng góp ý kiến cũng là quyền lợi và trách nhiệm chính trị của mỗi công dân trong việc xây dựng một bản Hiến pháp khoa học, khách quan phù hợp với truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc, thể hiện ý chí, nguyện vọng của toàn dân tộc.
Đi ngược lại ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số người Việt Nam yêu nước và có trách nhiệm với đất nước, có những nhóm người đã thông qua một số trang mạng, blog cá nhân hay qua những "cái loa" của một số hãng thông tấn, báo chí nước ngoài, truyền bá tư tưởng phản động, nói xấu chế độ, gây rối xã hội. Thậm chí, có nhóm người còn nhân danh này nọ, đưa ra ý kiến phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước, với dân tộc, kêu gọi "phi chính trị hóa quân đội"... Chúng tôi cho rằng, đây là những hành động xuất phát từ âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Thực ra những luận điệu đó không mới, vẫn là mượn danh "dân chủ", "nhân quyền" để mưu đồ lợi ích, có khác chăng chỉ là lợi dụng việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào Dự thảo Hiến pháp để kích động "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", gây bất ổn xã hội, phá hoại tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.
1. Có những người lập luận rằng: Tổ quốc phải cao hơn Nhà nước và chế độ, hay Tổ quốc là cội nguồn chung của mọi người, vì thế không thể mang một ý thức hệ nào... Lập luận nêu trên dựa vào cơ sở nào, những người đưa ra quan điểm như vậy nhằm mục đích gì? Sở dĩ phải nêu câu hỏi này bởi Tổ quốc, nhân dân là cái tồn tại vĩnh hằng của một quốc gia, dân tộc, nhưng không có Tổ quốc nào, không có dân tộc nào không tồn tại với những điều kiện lịch sử cụ thể. Trên thế giới này, từ đông sang tây, từ nam chí bắc, không có Tổ quốc nào, nhân dân nào không gắn liền với một chế độ xã hội. Trong tiến trình phát triển của nhân loại, không có Tổ quốc phi lịch sử. Hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cũng đã chứng minh điều đó. Trong bài thơ Thần, đọc bên sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt khẳng định, Tổ quốc ta là nơi "Vua Nam ở" - Nam quốc sơn hà, Nam đế cư. Trong Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Tổ quốc chính là "thái ấp của ta", là "xã tắc tổ tông". Trong bài Cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi, Tổ quốc gắn liền với nền tự chủ của các vương triều "Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập"... Dòng chảy lịch sử Việt Nam đã ghi nhận những chủ nhân của đất nước Việt Nam.
Tổ quốc Việt Nam ngày nay là thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thắng lợi của các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Không ai khác, chính Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh thức truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc, ý chí quật cường trong mỗi con người Việt Nam. Không ai khác, chính Đảng ta đã tiếp thu, phát triển những tư tưởng lớn lao nhất của thời đại - tư tưởng độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, lãnh đạo nhân dân ta đập tan xiềng xích áp bức, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tạo nên nền tảng vững chắc cho sự nghiệp đổi mới phát triển. Xây dựng đất nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" là ý chí của Đảng cũng là nguyện vọng của nhân dân. Đảng ta gắn bó chặt chẽ với nhân dân. Do vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo đất nước, lãnh đạo nhân dân là tất yếu và cũng là sự lựa chọn của lịch sử.
Một vấn đề nữa, lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng minh rằng không thể tách rời khái niệm Tổ quốc với hệ tư tưởng của lực lượng cầm quyền hay một chế độ xã hội. Hệ tư tưởng là toàn bộ những quan điểm chính trị, luật pháp, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật, triết học, biểu hiện quyền lợi của một giai tầng nào đó. Khi xuất hiện nhà nước và giai cấp sẽ xuất hiện hệ tư tưởng. Đây là một quy luật. Ví dụ, các nước lấy tôn giáo làm quốc đạo, hệ tư tưởng ở các quốc gia đó phải là giáo lý và với các nước tư bản, đương nhiên là ý thức hệ tư sản, là CNTB... Bất cứ quốc gia nào trên thế giới, việc lựa chọn một hệ tư tưởng đều trải qua một quá trình lịch sử, có khi phải trả giá bằng xương máu của nhiều thế hệ. Chọn hình thái nhà nước nào, hệ tư tưởng nào là quyền tự quyết của mỗi dân tộc vì lợi ích của chính dân tộc đó.
Dân tộc Việt Nam đã trải qua đêm trường nô lệ dưới ách đô hộ của thực dân, đế quốc, thiếu “ngọn đuốc” soi đường nên những phong trào yêu nước như con thuyền không lái, thất bại, bị đàn áp dã man. Khi người con ưu tú nhất của dân tộc Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, cách mạng Việt Nam đã tìm được kim chỉ nam dẫn đường. Đảng ta, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và trong công cuộc kiến thiết đất nước. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta, tư tưởng Hồ Chí Minh đã hình thành với "một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; là kết quả của sự vận động, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại"... Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là nền tảng tư tưởng của Đảng và của dân tộc ta.
Vậy, những người đưa ra khái niệm: Tổ quốc phải cao hơn Nhà nước và chế độ hay Tổ quốc là cội nguồn chung của mọi người, vì thế không thể mang một ý thức hệ nào..., nhằm mục đích gì? Không gì khác, họ muốn phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó chính là hành động phủ nhận lịch sử, phủ nhận thành quả đấu tranh cách mạng của dân tộc, phủ nhận những mất mát, hy sinh của đồng bào cho độc lập tự do của Tổ quốc, phủ nhận ý chí, nguyện vọng, niềm tin vào tương lai của dân tộc...
2. Chúng tôi cho rằng những người đưa ra ý tưởng "phi chính trị hóa quân đội" thật sự là những kẻ gây rối. Bởi lẽ họ không thể không hiểu trong lịch sử nhân loại, quân đội luôn luôn gắn với lực lượng chính trị cầm quyền. Trong thời bình và trong chiến tranh, sứ mệnh của quân đội là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước. Để thực hiện sứ mệnh đó, quân đội phải đặt dưới sự lãnh đạo của lực lượng cầm quyền nhằm bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhà nước. Trong các xã hội hiện đại, không có quốc gia nào không do một đảng chính trị lãnh đạo và không có quân đội nào không gắn với đảng chính trị cầm quyền. Do vậy, "phi chính trị hóa quân đội" là điều không tưởng. Quan điểm quân đội chỉ trung thành với Tổ quốc là mơ hồ, bởi chưa bao giờ quân đội trung lập về chính trị được thực tiễn xác nhận.
Đảng Cộng sản Việt Nam là người khai sinh, rèn luyện, giáo dục quân đội, là người đề ra đường lối quân sự cách mạng, thống lĩnh các lực lượng vũ trang. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Người phân tích, sở dĩ quân đội ta phải trung với Đảng, hiếu với dân là vì quân đội ta " là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục". Quân đội ta là quân đội của nhân dân, các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là chiến tranh nhân dân do Đảng ta lãnh đạo. Thực tế, trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng không chỉ lãnh đạo, phối hợp các mặt trận đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao mà còn trực tiếp chỉ đạo quân đội ta trong những cuộc tiến công chiến lược, những chiến dịch lớn, như: Điện Biên Phủ; Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975... Do vậy, Quân đội ta gắn bó mật thiết với Đảng, với nhân dân. Những kiến nghị muốn quân đội thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng là đi ngược với lịch sử. Một vấn đề nữa, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, các quốc gia - dân tộc không chỉ đối diện với những cuộc chiến tranh xâm lược bằng lực lượng vũ trang chớp nhoáng từ bên ngoài mà còn phải đối diện với những cuộc chiến tranh "không khói súng", những cuộc chiến tranh tư tưởng chính trị và chiến tranh kinh tế - giành giật "biên giới mềm" của các thế lực thù địch phản động. Các cuộc khủng hoảng chính trị xã hội, kéo theo bạo loạn lật đổ đã và đang diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới tuy có khác nhau nhưng chung thủ đoạn là những lực lượng can thiệp bên ngoài câu kết với các nhóm chính trị "tự diễn biến", tổ chức đối lập trong nước. Do vậy, bảo vệ Tổ quốc không chỉ là xây dựng quân đội tinh nhuệ, chính quy, hiện đại mà còn phải có Bộ tham mưu kiên định về chính trị, tuyệt đối trung thành với dân tộc, có khả năng đánh giá đúng các thủ đoạn chính trị, quân sự của kẻ thù. Như vậy, quân đội càng không thể nằm ngoài chính trị, không thể thoát ly sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng.
Từ những vấn đề nêu trên, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng: Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội là tất yếu lịch sử và Quân đội nhân dân Việt Nam không thể thoát ly sự lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trân trọng những ý kiến đóng góp có trách nhiệm, tôn trọng bảo đảm quyền tự do của người dân trong việc góp ý vào Dự thảo Hiến pháp, nhưng các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần có những biện pháp cứng rắn trước những âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Vạch trần, ngăn chặn những thủ đoạn "tự diễn biến, tự chuyển hóa" của những kẻ lợi dụng việc góp ý vào Dự thảo Hiến pháp để phá hoại tiến trình đổi mới, gây chia rẽ trong lòng dân tộc, gây bất ổn cho xã hội là việc làm cần thiết.
Trí Dũng
(Nguồn: hanoimoi.com.vn)
Vấn đề dân tộc trong Hiến pháp năm 2013 16/06/2014
Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam - nhìn từ góc độ nhân văn 08/05/2014
Tính giai cấp và tính xã hội trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 18/03/2014
Nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 11/03/2014
Cơ sở pháp lý để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/01/2014
Hiến pháp và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước 21/01/2014
Sẽ trình Quốc hội 03 bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 27/09/2013
Nên hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 18/06/2013
Không thể tư nhân hóa đất đai 03/04/2013
Cơ sở của Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 01/04/2013