Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:12 (GMT+7)
Kế thừa Hiến pháp năm 1992, những nội dung cơ bản liên quan đến quy định về trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân của cơ quan, tổ chức và công dân trong bản Hiến pháp lần này đã được sửa đổi, bổ sung và thể hiện, lồng ghép tại nhiều điều khoản, như: Lời nói đầu; khoản 2 Điều 9; Điều 11; 12; 37; 60; 64; 65; 66; 67; 68… trong đó có nhiều nội dung quan trọng tại Điều 45 quy định “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân; Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”; khoản 9 Điều 88 quy định về nhiệm vụ của Chủ tịch nước trong việc thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng… trong lực lượng vũ trang; khoản 2, Điều 89 bổ sung nhiều thẩm quyền của Hội đồng Quốc phòng và An ninh như: Trình Quốc hội quyết định tình trạng chiến tranh, trường hợp Quốc hội không thể họp được thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định; quyết định việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới...
Bên cạnh việc quy định những nội dung chung có liên quan nói trên, bản Hiến pháp vẫn có riêng Chương IV “Bảo vệ Tổ quốc”. Trên cơ sở kế thừa và phát triển của Chương IV Hiến pháp năm 1992 với 4 điều, bản Hiến pháp lần này xác định bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, phải được thể hiện trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; đã khẳng định và làm sâu sắc hơn vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, gắn kết giữa nhiệm vụ đối ngoại với quốc phòng, an ninh trong việc xây dựng đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện nghĩa vụ quốc tế và góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Những nội dung cơ bản về chế định bảo vệ Tổ quốc là cơ sở pháp lý cho việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh ở nước ta.
Thể chế hóa chủ trương, chính sách về bảo vệ Tổ quốc
Những nội dung của Chương IV đã được khái quát hóa cao và quy định cụ thể hơn theo hướng sửa đổi, sắp xếp lại thứ tự và bổ sung một số vấn đề quan trọng để thể chế rõ hơn quan điểm, đường lối của Đảng, nhất là tư tưởng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991, sửa đổi, bổ sung năm 2011; xác định cụ thể hơn về trách nhiệm của Nhà nước đối với nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang; cụ thể hơn về phương châm xây dựng đối với từng lực lượng vũ trang là Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ, bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, phù hợp với điều kiện và khả năng của nền kinh tế, đã kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc; quy định cụ thể hơn về chế độ, chính sách đãi ngộ với đối tượng phục vụ trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, phù hợp với tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ và lĩnh vực hoạt động, phù hợp với khả năng của đất nước, khắc phục việc pháp luật quy định thiếu tính khả thi, nhằm động viên nguồn nhân lực có chất lượng cao vào phục vụ trong quân đội và công an; khẳng định rõ trách nhiệm của Việt Nam trong việc tham gia bảo vệ hòa bình thế giới và khu vực, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Quy định rõ hơn nhiệm vụ, vị trí, vai trò của lực lượng vũ trang
Tiếp tục xác định xây dựng lực lượng vũ trang là trách nhiệm chính của Nhà nước, Hiến pháp lần này vẫn khẳng định và cụ thể hóa hơn về phương thức xây dựng đối với từng thành phần của lực lượng vũ trang, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện, khả năng của đất nước trong tình hình mới, cụ thể:
Đối với Quân đội nhân dân, tiếp tục khẳng định phương châm xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, Hiến pháp lần này đã thể chế hóa quan điểm của Đảng là xây dựng Quân đội có lực lượng thường trực hợp lý. Đây là yêu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay đã được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng quan tâm thực hiện trong thời gian vừa qua, nhằm giảm chi phí cho ngân sách quốc phòng, phù hợp với điều kiện nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện nhiệm vụ xây dựng Tổ quốc, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương này vẫn phải bảo đảm khả năng sẵn sàng thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, càng đặt ra sự quan tâm hơn đến yếu tố con người và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vừa qua, chúng ta đã tập trung xây dựng Quân đội theo hướng tinh nhuệ, nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, trang bị, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, riêng Quân đội đã được ưu tiên hiện đại hóa bốn lĩnh vực mũi nhọn để từng bước nâng cao khả năng phòng thủ của đất nước như Hải quân, Phòng không - Không quân, Thông tin, Tác chiến điện tử. Trong năm 2015, các dự án đầu tư, trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại bước đầu sẽ cơ bản được hoàn thành.
Đối với lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ: Trong các bản Hiến pháp trước đây chỉ quy định chung phương châm xây dựng theo hướng “hùng hậu”, nhưng Hiến pháp lần này đã thể chế rõ quan điểm của Đảng về xây dựng dân quân tự vệ theo hướng vững mạnh và rộng khắp. Đây cũng là thể hiện sự kế thừa những kinh nghiệm trong các cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, phát huy truyền thống quý báu “ngụ binh ư nông” đã góp phần đem lại chiến thắng vẻ vang cho dân tộc, đánh bại nhiều kẻ thù xâm lược có tiềm lực về quân sự, kinh tế. Việc xác định rõ hơn các định hướng này còn nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ của các tổ chức, cá nhân, tăng cường khả năng bảo vệ chính quyền, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở, cũng như tạo nguồn cán bộ có phẩm chất, năng lực đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, vị trí, vai trò của lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ và công an trong Hiến pháp lần này cũng được xác định rõ hơn, đó là phải thực sự làm “nòng cốt” trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Qua đó sẽ giúp cho việc xác định đúng, đủ và thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng, khắc phục từng bước sự chồng chéo đã xảy ra ở một số địa phương, đơn vị, tăng cường lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Về nhiệm vụ của lực lượng vũ trang: Nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới và phù hợp với xu thế chung trên thế giới, Hiến pháp lần này đã bỏ cụm từ có nhiệm vụ “sẵn sàng chiến đấu”. Điều này cũng phù hợp với mục đích xây dựng quân đội và bản chất của Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ và truyền thống vẻ vang luôn xứng đáng là “Đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động, sản xuất” trong thời kỳ đổi mới. Việc bỏ quy định này không có nghĩa là chúng ta lơ là, mất cảnh giác mà cần luôn sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Ngoài bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội và chế độ XHCN như quy định của Hiến pháp hiện hành, Hiến pháp lần này đã bổ sung nhiệm vụ của lực lượng vũ trang là “bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước”, là những chủ thể quan trọng, nhân tố quyết định đến sự tồn vong của chế độ.
Quy định cụ thể về định hướng xây dựng công nghiệp phục vụ cho quốc phòng, an ninh
Kế thừa các quy định của Hiến pháp 1992 là “Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân, xây dựng công nghiệp quốc phòng”, Hiến pháp lần này đã bổ sung chính sách xây dựng công nghiệp an ninh, thể hiện sự quan tâm phát triển nền công nghiệp cho Quân đội, Công an, phù hợp với đường lối của Đảng. Việc phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo tinh thần các Nghị quyết số 27 và 06 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, theo hướng công nghiệp quốc phòng trở thành một bộ phận của Công nghiệp quốc gia, phát triển công nghiệp lưỡng dụng. Hiện nay, chúng ta đang sắp xếp và nâng cao khả năng tự bảo đảm của Công nghiệp quốc phòng, tập trung đầu tư vào những lĩnh vực đặc thù phục vụ quốc phòng, an ninh mà công nghiệp dân sinh không có khả năng bảo đảm, nhằm tránh dàn trải. Tuy nhiên, quy định này cũng không có nghĩa là đầu tư ngang bằng cho Công nghiệp quốc phòng và Công nghiệp an ninh mà cần có sự kết hợp hài hòa, Công nghiệp quốc phòng tạo điều kiện cho Công nghiệp an ninh phát triển và ngược lại.
Kế thừa quy định về việc kết hợp quốc phòng với kinh tế và kinh tế với quốc phòng, Hiến pháp lần này đã bổ sung chính sách gắn kết với việc bảo đảm an ninh. Qua hoạt động khảo sát, giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho thấy, mặc dù đã có những quy định của pháp luật về việc kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, nhưng nhận thức của một số cán bộ, đảng viên và quá trình triển khai thực hiện ở một số địa phương trong một số lĩnh vực còn hạn chế, thậm chí nhiều nơi chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, nhất là trong xây dựng quy hoạch, thu hút đầu tư nước ngoài, đã ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Việc gắn kết 03 yếu tố này trong Hiến pháp thể hiện việc nắm vững quy luật và quan điểm của Đảng là muốn phát triển kinh tế - xã hội thì phải có môi trường hòa bình, ổn định và ngược lại, việc phát triển kinh tế - xã hội sẽ tạo điều kiện để nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh cho đất nước. Nội dung bổ sung này tuy không nhiều nhưng rất có ý nghĩa trong khi xuất phát điểm của nước ta là nông nghiệp, còn nhiều khó khăn lại thường xuyên bị các thế lực thù địch chống phá.
Bên cạnh việc kế thừa quy định về chính sách ưu tiên đối với những người phục vụ trong Quân đội và Công an, Hiến pháp lần này đã bổ sung và quy định rõ hơn yêu cầu các chính sách này phải phù hợp với đặc thù của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Điều đó đã thể hiện rõ sự quan tâm và chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với hai lực lượng này, đặt ra yêu cầu cần phải xây dựng những chính sách, chế độ phù hợp với đặc thù, môi trường công tác trong hai lực lượng này, phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước, từng bước khắc phục nhiều quy định của pháp luật thiếu tính khả thi, góp phần thu hút nguồn nhân lực vào phục vụ trong Quân đội và Công an.
Khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế
Hiến pháp đã thể chế rõ được quan điểm về chính sách đối ngoại nhất quán của Đảng ta chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế bằng bổ sung quy định “góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới” (Điều 64) và khẳng định cam kết “thực hiện nghĩa vụ quốc tế” (Điều 65). Vừa qua, bằng các hoạt động tích cực của mình, Việt Nam đã từng bước khẳng định vai trò, vị thế và trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Qua nghiên cứu cho thấy, một trong những hoạt động tương đối phổ biến để thực hiện mục đích này là việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ). Đây là nghĩa vụ và hoạt động bình thường của một quốc gia thành viên LHQ và phù hợp với Hiến chương LHQ. Vì vậy, đến nay có 120 trong số 193 nước thành viên LHQ đã cử lực lượng tham gia hoạt động này. Trên thực tế, lực lượng vũ trang nước ta đã từng bước tham gia vào các hoạt động góp phần duy trì và củng cố môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, cho dù bước đầu chủ yếu là các hoạt động đối thoại, trao đổi để tạo dựng và tăng cường lòng tin giữa các nước và giữa lực lượng vũ trang các nước với nhau. Việc bổ sung quy định này như lời tuyên ngôn vô cùng quan trọng thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam trong đời sống quốc tế. Tới đây, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Tham khảo nhiều nước, để cụ thể hóa nội dung của Hiến pháp, các nước đều ban hành luật hoặc văn bản pháp luật chuyên ngành để quy định về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Phi-líp-pin, Hàn Quốc...
Thạc sĩ ĐOÀN PHÚC THỊNH
Phó vụ trưởng Vụ Quốc phòng và An ninh, Văn phòng Quốc hội
Nguồn: qdnd.vn
Cơ sở pháp lý,nền quốc phòng,Hiến pháp
Vấn đề dân tộc trong Hiến pháp năm 2013 16/06/2014
Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam - nhìn từ góc độ nhân văn 08/05/2014
Tính giai cấp và tính xã hội trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 18/03/2014
Nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 11/03/2014
Hiến pháp và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước 21/01/2014
Sẽ trình Quốc hội 03 bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 27/09/2013
Nên hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 18/06/2013
Sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với đất nước và Quân đội là tất yếu 07/05/2013
Không thể tư nhân hóa đất đai 03/04/2013
Cơ sở của Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 01/04/2013