Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:14 (GMT+7)
Hiến pháp 1992 ra đời đúng vào thời điểm ngay sau khi các nước XHCN Đông Âu lâm vào khủng hoảng, thoái trào. Việc kịp thời ban hành Hiến pháp có ý nghĩa quan trọng, không những đã giữ vững chế độ XHCN, mà còn thúc đẩy đất nước phát triển, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều thay đổi, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 là tất yếu khách quan.
Hiến pháp ở Việt Nam được định nghĩa là "Luật lệ căn bản của một Nhà nước quy định chế độ chính trị, kinh tế xã hội, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, tổ chức bộ máy Nhà nước"1. Còn Từ điển La-rau-dơ của các học giả cách mạng Pháp 1791, thì định nghĩa Hiến pháp là "Luật căn bản của đất nước gồm tổng thể những quy tắc pháp lý chi phối các mối quan hệ giữa các nhà cầm quyền và những người thuộc quyền". Như vậy, khái niệm hiến pháp của hai cuốn từ điển trên tuy có sự khác nhau nhưng thống nhất về nội dung cơ bản. Theo đó, một nhà nước, một chế độ muốn tồn tại cần phải thiết lập những quy tắc pháp lý, xác định các mối quan hệ giữa nhà cầm quyền với "đối tượng" quản lý của mình để quy định chế độ kinh tế - chính trị - xã hội và bộ máy nhà nước; cùng với đó, tạo sự đồng thuận của “chủ thể với những người thuộc quyền" để xây dựng thành bản "khế ước xã hội".
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và giáo dục, Hiến pháp nước Việt Nam có chức năng thể chế hóa cương lĩnh, đường lối của Đảng thành luật pháp nhưng không có nghĩa đó là chức năng duy nhất, tách rời nguyện vọng chính đáng của hơn 80 triệu người Việt đang sinh sống ở mọi nơi. Cương lĩnh, đường lối của Đảng là công cụ để thực hiện sự lãnh đạo, dù quan hệ tới vận mệnh của đất nước, của nhân dân nhưng vẫn là văn kiện "nội bộ", lấy mấy triệu đảng viên làm đối tượng, phải kinh qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, đi trước nêu gương, hướng dẫn hành động mới biến các nghị quyết của Đảng thành hiện thực. Nó không mặc nhiên biến thành "luật căn bản của đất nước" nếu chưa kinh qua quá trình chuyển hóa những nội dung cần thiết thành "những quy tắc, lề luật buộc mọi người phải tuân theo". Nếu "thể chế hóa" một cách giản đơn, bằng cách chép nguyên văn những quan điểm, phương châm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng vào Hiến pháp mà không coi trọng việc giải quyết tốt các mối quan hệ giữa nhà cầm quyền với nhân dân thì rơi vào tình trạng Hiến pháp ngày càng dài mà vẫn thiếu tính pháp chế.
Mặc dù, Hiến pháp là "bộ luật căn bản của đất nước", nhưng sau "bộ luật căn bản" vẫn còn hàng trăm bộ luật trên từng lĩnh vực thì sửa đổi, bổ sung Hiến pháp không có nghĩa là đất nước mở ra bao nhiêu ngành hoạt động đều phải biên soạn thành chừng ấy chương, điều của Hiến pháp, mà phải lựa chọn những chủ đề trực tiếp quyết định đến chế độ chính trị, kinh tế - xã hội (KT-XH), bộ máy nhà nước; nhất là, những vấn đề quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân thì mới đưa vào Hiến pháp. Ví như đối với các tổ chức chính trị - xã hội, Hiến pháp 1946 và 1959 đều không có chương, điều riêng cho từng tổ chức mà chỉ viết gọn vào một điều chung; dành các vấn đề cụ thể cho bộ luật về các tổ chức chính trị - xã hội, Luật Công đoàn, Luật về từng giới, từng ngành nghề khi thấy cần thiết, nhưng không thể thiếu các chương, điều về nghĩa vụ và quyền thực sự làm chủ của người dân.
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Nam - Bắc sum họp một nhà, cả nước cùng đi lên CNXH, chúng ta đã sửa đổi và bổ sung thành Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nhưng đã phạm sai lầm chủ quan duy ý chí, nóng vội trong việc cải tạo KT-XH, xóa bỏ nền kinh tế nhiều thành phần, duy trì quá lâu cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp, có những chủ trương sai trong cải cách giá cả, tiền lương, không kiềm chế nổi cuộc khủng hoảng KT-XH, gây nhiều khó khăn trong đời sống. Trước sự đổ vỡ của hệ thống XHCN, tâm lý bi quan, dao động nẩy nở ngay trong đảng viên, cán bộ, cá biệt có cán bộ cao cấp công khai truyền bá quan điểm đa nguyên, đa đảng, coi đó là giải pháp để cứu vãn chế độ. Đại hội VII của Đảng tiến hành giữa năm 1991 đã đánh giá đúng những kết quả đạt được sau 5 năm đổi mới2, thông qua "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH". Tinh thần đổi mới đó được thể chế hóa trong Hiến pháp 1992, đã từng bước giữ vững ổn định chính trị, đưa đất nước vững bước tiến lên theo con đường XHCN.
Hiến pháp 1992 khẳng định: chế độ chính trị của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nền tảng là liên minh công nông và trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thông qua việc tuyên bố: "Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân... Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân"..., Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế XHCN...", Hiến pháp 1992 đã đặt nền móng cho nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN, bước đầu cải cách nền hành chính quốc gia. Về chế độ kinh tế, Hiến pháp 1992 khẳng định "Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN", thừa nhận chế độ sở hữu tư nhân, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế gia đình bên cạnh kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, lấy sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể làm nền tảng; khuyến khích và bảo đảm mọi quyền lợi hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vốn và công nghệ vào Việt Nam. Từ đó, thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, phá thế bao vây cấm vận, tạo các nhân tố cần thiết để hội nhập kinh tế thế giới. Hiến pháp 1992 còn khẳng định tính độc lập, tự chủ của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tính kiên định của chế độ, đập tan khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa về đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đẩy lùi tư tưởng hoài nghi dao động, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, hòng đẩy ta đến sụp đổ. Qua 20 năm thực hiện, Hiến pháp 1992 chẳng những đã góp phần đưa đất nước thoát khỏi thế bị bao vây cấm vận, ra khỏi cuộc khủng hoảng KT-XH mà còn vượt mức các nước chậm phát triển có thu nhập thấp, gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình; trở thành thành viên tích cực của các tổ chức khu vực và quốc tế, như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (khối ASEAN), Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); góp phần đưa Việt Nam lên vị thế chưa từng có trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh đất nước đang chuyển từ cơ chế quản lý tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN, nền dân chủ XHCN mới được xây dựng, Nhà nước pháp quyền XHCN mới hình thành, phải mầy mò để tìm lấy đường đi, nhất là việc hội nhập kinh tế thế giới mà không xa rời định hướng XHCN. Trong quá trình tìm đường đó, trải qua 4 nhiệm kỳ Đại hội, Đảng ta đã tổng kết được nhiều kinh nghiệm quý báu, hình thành đường lối và phương châm chỉ đạo (cả về đối nội và đối ngoại) trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Từ thực tế đó, Đại hội XI của Đảng đã bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991 lên trình độ mới. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, sinh hoạt dân chủ ở cơ sở không ngừng được mở rộng, quốc phòng - an ninh luôn được xây dựng, củng cố vững chắc. Nhìn toàn cảnh, sau hơn 20 năm đổi mới, đất nước vừa có những bước phát triển quan trọng, vừa xuất hiện những yêu cầu khách quan đòi phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới.
Từ ngày biên soạn Hiến pháp 1946, qua 66 năm, ta đã trải qua 3 lần sửa đổi và Hiến pháp 1992 đã là bản Hiến pháp thứ tư của cả nước, Hiến pháp thứ hai của Cộng hòa XHCN Việt Nam. Hiến pháp 1946 sau 13 năm đã chỉ đạo thắng lợi toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, còn phát huy tác dụng trong 4 năm sau ngày miền Bắc được giải phóng. Hiến pháp 1959 do yêu cầu tập trung vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã được giữ nguyên trong 21 năm. Hiến pháp 1980 phát huy tác dụng được 12 năm thì gặp phải cuộc khủng hoảng trầm trọng trong hệ thống XHCN, đặt nước ta trước tình thế phải khẳng định chế độ kinh tế, chính trị - xã hội một cách dứt khoát, nhưng phải kịp thời rút kinh nghiệm từ những nước XHCN đã đổ vỡ. Khắc phục thiên hướng tả khuynh, vừa nóng vội vừa duy ý chí, chủ động phát hiện những khuyết tật của mẫu hình XHCN ban đầu, tiến hành đổi mới một cách căn bản, vạch ra "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH" một cách chủ động và độc lập. Hiến pháp 1992 ra đời đã củng cố và giữ vững được thể chế chính trị, từng bước ổn định nền kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng đưa đất nước tiến gần đến một nền công nghiệp hiện đại. Qua hơn 20 năm đổi mới, chúng ta đã có nhiều bài học quý báu để phát triển đất nước nhanh hơn, bền vững hơn. Do vậy, sửa đổi và bổ sung Hiến pháp lần này phải theo đúng tinh thần chỉ đạo của mấy nhiệm kỳ Đại hội Đảng, nhất là Đại hội XI của Đảng đã nhấn mạnh: phải nhằm mục tiêu "đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020", mở rộng tầm nhìn tới vài thập kỷ sau để trở thành "nước XHCN phồn vinh vào giữa thế kỷ XXI".
Hiến pháp 1992 sửa đổi và bổ sung nhất thiết phải trở thành Hiến pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam theo hướng hiện đại, thực sự trở thành "bộ luật căn bản" của nước XHCN với dân số xấp xỉ 90 triệu người, có 4 triệu người Việt sinh sống ở nước ngoài. Trên cơ sở nền pháp chế XHCN được xây dựng ngày càng hoàn chỉnh, nền tư pháp độc lập, không bị các lợi ích riêng chi phối, Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung phải góp phần đắc lực xây dựng Nhà nước pháp quyền vững mạnh, thực hiện dân chủ với nhân dân, nghiêm trị mọi loại tội phạm gây hại cho chế độ, tạo được khung pháp lý đầy đủ để mọi người Việt Nam (không phân biệt ngành nghề, tôn giáo, dân tộc, nơi cư trú) hoàn thành nghĩa vụ công dân và tôn trọng Hiến pháp, được luật pháp bảo đảm mọi quyền lợi chính đáng, bao gồm dân quyền và nhân quyền, không thua kém bất cứ nước tiên tiến nào trên thế giới. Trên cơ sở Tổng kết 20 năm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN (gồm nhiều thành phần kinh tế và nhiều hình thức sở hữu, kinh doanh, phân phối…), việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 phải tạo ra được cơ chế quản lý rành mạch, bảo đảm cho mọi thành phần kinh tế đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trước pháp luật; bảo đảm cho thành phần kinh tế nhà nước hoạt động có hiệu quả, thực sự giữ vai trò chủ đạo, mọi đơn vị kinh tế đều tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh, không ỷ lại vào Nhà nước, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và mở rộng, cùng kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Cơ chế quản lý cũng phải bảo đảm không ngừng cập nhật nền kinh tế tri thức là yếu tố hàng đầu để nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế Việt Nam trong thời hội nhập.
Muốn đạt tới yêu cầu đó, việc sửa đổi và bổ sung Hiến pháp phải xuất phát từ thực tế (mạnh, yếu) hiện nay của xã hội ta, bên cạnh những mặt tích cực và ổn định, so với yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN còn không ít nhược điểm. Đó là sự minh bạch, công bằng trong công tác quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành chưa thật tốt, dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện không đáng có; cải cách hành chính nhiều khâu chưa triệt để, tỷ lệ nhân viên nhà nước làm việc kém hiệu quả còn nhiều. Bởi vậy, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cần được coi là "ngày hội dân chủ của toàn dân". Sau khi được các ủy ban chuyên sâu chuẩn bị, cần lắng nghe, tiếp nhận kho kiến thức, trí tuệ vô tận của nhân dân, đóng góp cho bản dự thảo, tỉnh táo lọc bỏ những luận điệu sai trái, ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng sự mơ hồ trong dư luận để xuyên tạc Hiến pháp. Nhân dân tham gia càng rộng rãi3 thì cơ sở xã hội của Nhà nước pháp quyền càng được củng cố.
Cùng với chế độ chính trị bảo đảm cho Nhà nước pháp quyền hoạt động có hiệu quả, luật pháp ngày càng nghiêm minh, dân chủ XHCN ngày càng mở rộng, thực sự trở thành Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Hiến pháp 1992 được sửa đổi, bổ sung phải góp phần đắc lực xây dựng nền tảng kinh tế của CNXH ngày càng phồn vinh với kiến trúc thượng tầng về chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh phù hợp, bảo đảm tới 2020, nước ta thực sự trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại./.
Thiếu tướng, GS. BÙI PHAN KỲ
________
1 - Trung tâm Từ điển học - Từ điển Tiếng Việt - Nxb Giáo dục H. 1994, tr. 421.
2 - Tình hình kinh tế, đời sống nhân dân dần được cải thiện, sinh hoạt dân chủ ngày càng mở rộng, lòng tin của nhân dân được củng cố.
3 - Hiến pháp 1959 đã phát động toàn dân thảo luận từ 01-4-1959 tới 18-12-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới đọc báo cáo về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
Vấn đề dân tộc trong Hiến pháp năm 2013 16/06/2014
Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam - nhìn từ góc độ nhân văn 08/05/2014
Tính giai cấp và tính xã hội trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 18/03/2014
Nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 11/03/2014
Cơ sở pháp lý để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/01/2014
Hiến pháp và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước 21/01/2014
Sẽ trình Quốc hội 03 bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 27/09/2013
Nên hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 18/06/2013
Sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với đất nước và Quân đội là tất yếu 07/05/2013
Không thể tư nhân hóa đất đai 03/04/2013