QPTD -Thứ Sáu, 29/03/2013, 14:08 (GMT+7)
Không thể "phi chính trị hóa" quân đội

Việc góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một hoạt động chính trị quan trọng có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống xã hội của một Nhà nước dân chủ. Đây là bản Hiến pháp được xây dựng một cách khá công phu, là kết quả của nhiều lần chỉnh sửa với sự góp ý nghiêm túc và có trách nhiệm bởi nhiều chuyên gia, hay của những người có tâm huyết, có trình độ và có chất lượng từ những nhà khoa học chuyên ngành. Sự mở rộng đợt sinh hoạt chính trị lần này cho nhân dân Việt Nam cả trong nước và ở nước ngoài tham gia có một ý nghĩa rất to lớn và nâng cao ý thức chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời cũng làm cho nhân dân có cơ hội để nâng cao hiểu biết về pháp luật nói chung, Hiến pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nói riêng.

Thế nhưng, thời gian vừa qua, lợi dụng quá trình đóng góp ý kiến vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí trong và ngoài nước đã đưa ra những ý kiến, quan điểm sai trái, thậm chí đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc như: Đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi bỏ Điều 4 của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đòi Việt Nam thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng; đòi tam quyền phân lập; đòi tư hữu hóa đất đai, các nguồn tài nguyên thiên nhiên; họ đòi “phi chính trị hóa” các lực lượng vũ trang nhân dân… Trong đó, luận điệu "phi chính trị hóa" quân đội được họ xác định là một nội dung trọng tâm để chống phá Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Sự thật, từ những năm 90 của thế kỷ XX, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động luôn thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội, đây là một thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, nhằm loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, làm cho quân đội “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mất phương hướng, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, xa rời bản chất giai cấp công nhân, dẫn đến suy yếu về chính trị, tiến tới làm cho quân đội bị vô hiệu hóa.

Tuy nhiên, đó là ảo tưởng. Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội cách mạng, quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, gắn bó máu thịt với Đảng, với nhân dân. Mối quan hệ đó được tôi luyện bằng xương máu qua mấy chục năm chống kẻ thù xâm lược trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, bất cứ thế lực nào, dù mạnh và hiểm độc đến đâu cũng không thể chia rẽ được quân đội với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đó là điều tất yếu, đã, đang và sẽ tiếp tục được khẳng định.

Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời từ các phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức xây dựng, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, nhằm bảo vệ lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Quân đội ta không có mục tiêu chiến đấu nào khác là độc lập dân tộc và CNXH để đem lại tự do, bình đẳng và hạnh phúc cho nhân dân lao động. Đó cũng là mục tiêu chính trị cao cả của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quân đội ta không chỉ mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân mà còn mang đầy đủ tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Bản chất của Quân đội nhân dân Việt Nam thể hiện rõ nét ở sự thống nhất về tính đảng, tính giai cấp, tính nhân dân và tính dân tộc, được biểu hiện sinh động ở lý tưởng chiến đấu, cơ sở chính trị - xã hội, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy và chức năng, nhiệm vụ của quân đội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(1). Lòng trung thành của quân đội đối với Đảng, bảo vệ Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội được toàn dân thừa nhận, thực tiễn cách mạng khẳng định, các văn kiện của Đảng thể hiện và điều đó được thừa nhận là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, trong bối cảnh các thế lực thù địch đang ra sức lợi dụng điểm này để xuyên tạc, kích động, chống phá, thì việc bổ sung nội dung này tại Điều 70 (Chương IV) của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là rất cần thiết, nhằm đảm bảo tính pháp lý về vai trò trách nhiệm của quân đội; đồng thời, qua đó cho thấy sự phát triển tư duy hiến định của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn cách mạng mới. Những người đưa ra quan điểm “phi chính trị hóa” quân đội là thể hiện nhận thức “mơ hồ” về chính trị hoặc vì ý đồ cá nhân đã cố tình không hiểu bản chất giai cấp của quân đội nhân dân Việt Nam.

Tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN đòi hỏi phải sử dụng hợp lý và phát huy tối ưu vai trò của quân đội trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, trong xử trí các tình huống; ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cán bộ, đảng viên. Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của quân đội, sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi tình huống phức tạp có thể xảy ra, bảo đảm cho đất nước luôn chủ động về chiến lược. Thực hiện điều này cần có những quy định thật rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm và thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quân ủy Trung ương, của Tổng Bí thư đồng thời là Bí thư Quân ủy Trung ương, của Chủ tịch nước đồng thời là Thống lĩnh các lực lượng vũ trang đối với các vấn đề tổ chức và hoạt động của các lực lượng vũ trang nhân dân.

Đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội, tiếp tục tăng cường và giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội là vấn đề chiến lược có tính kế thừa những bài học kinh nghiệm trong đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng cần tích cực tổng kết thực tiễn kết hợp với nghiên cứu lý luận để nhận thức ngày càng sâu sắc hơn vai trò lãnh đạo của Đảng, không ngừng bổ sung, hoàn thiện và nâng cao hiệu lực cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, xã hội nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng trong thời kỳ mới.

 

Trung tướng NGUYỄN VĂN THANH

Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng PK-KQ

 

___________

  1. - Hồ chí Minh - Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 1996, tr. 350.

 

 

Nguồn: qdnd.vn

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Những điểm mới nổi bật trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tổ chức nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh lý Dự thảo và ngày 2-1-2013, đã công bố lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có 11 chương, 124 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo giảm 1 chương, 23 điều, giữ nguyên 14 điều, sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới.