Thứ Sáu, 25/04/2025, 00:06 (GMT+7)
Bảo vệ Tổ quốc là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân được hiến định trong Hiến pháp của nước ta. Trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, vấn đề bảo vệ Tổ quốc được thể hiện tập trung ở chương IV với nhiều nội dung mới, nhưng vẫn cần có những sửa đổi, bổ sung phù hợp hơn.
Từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 1992, lịch sử lập hiến Việt Nam đã ghi nhận trang trọng 4 bản hiến pháp. Ra đời ở mỗi thời điểm lịch sử khác nhau, sứ mệnh của mỗi bản hiến pháp gắn liền với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chế định bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong mỗi bản hiến pháp tuy có sự khác nhau nhất định về ngôn từ và cách thể hiện, nhưng nội dung cốt lõi đều toát lên tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt, đó là: trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải bảo đảm công cuộc xây dựng, phát triển đất nước đi đôi với giữ gìn độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Từ một số quy định khái quát trong Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, Chế định BVTQ đã được kế thừa và phát triển thành một chương trong Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 (Chương IV). Chế định BVTQ trong các bản hiến pháp đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào những thắng lợi to lớn của dân tộc ta, trong mỗi giai đoạn cách mạng. Hiến pháp 1946 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, đúng với tinh thần là Hiến pháp kháng chiến - kiến quốc; Hiến pháp 1959 là Hiến pháp xây dựng CNXH gắn với đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; Hiến pháp 1980 là Hiến pháp cả nước đồng lòng xây dựng CNXH, đi đôi với bảo vệ thành quả cách mạng và Hiến pháp 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới.
Chúng ta biết rằng, Hiến pháp 1992 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển những ưu điểm của các bản hiến pháp trước, đặc biệt là những quan điểm đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Cương lĩnh 1991) và văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng. Hơn 20 năm qua, Hiến pháp 1992 luôn khẳng định vai trò của một văn bản chính trị - pháp lý, là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc của Nhà nước, phản ánh ý chí, lợi ích của toàn dân tộc. Nó đã tạo cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng cho công cuộc đổi mới đất nước và thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, để đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng và BVTQ trong tình hình mới, thể chế hóa về mặt nhà nước những định hướng chiến lược của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 là rất cần thiết. Trong 6 nhóm vấn đề lớn của Hiến pháp 1992 đang được triển khai xin ý kiến nhân dân, chúng tôi tập trung đề xuất những vấn đề cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung về Chế định BVTQ (nhóm vấn đề thứ 5).
Về bố cục của Hiến pháp, cần nghiên cứu sửa đổi cách kết cấu vấn đề BVTQ. Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959 không có chương riêng quy định về BVTQ, nhưng Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 thì vấn đề BVTQ Việt Nam XHCN được kết cấu thành một chương riêng (Chương IV). Việc dành một chương quy định về BVTQ Việt Nam XHCN có ưu điểm là nhấn mạnh vị trí, vai trò quan trọng của một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam (xây dựng đất nước và BVTQ). Tuy nhiên, nhìn tổng thể toàn bộ Hiến pháp 1992 dễ nhận thấy, sự nghiệp BVTQ không chỉ có các quy định của Chương IV, mà còn rất nhiều quy định tại các chương khác liên quan đến sự nghiệp thiêng liêng, cao cả này, như: quy định tại Điều 1 - Chương I là tuyên ngôn của Nhà nước ta về chủ quyền quốc gia và lãnh thổ; quy định tại Chương V (ở Dự thảo sửa đổi là Chương II) về nghĩa vụ của công dân trung thành với Tổ quốc, nghĩa vụ quân sự (NVQS) của công dân… hoặc các quy định về thẩm quyền quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh (QP&AN) của Quốc hội (thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội về vấn đề này trong trường hợp Quốc hội không thể họp được hoặc thẩm quyền của Chủ tịch nước trong trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng không thể họp được - Chương VI; thẩm quyền của Chủ tịch nước với tư cách là Chủ tịch Hội đồng QP&AN - Điều 104 - Chương VI và một số quy định về thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp về nhiệm vụ QP&AN). Do đó, việc kết cấu một chương riêng về Chế định BVTQ như Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 cần được nghiên cứu, chỉnh sửa theo hướng không nên quy định thành một chương riêng mà nên tập trung, thu hút vào Chương I - Chế độ chính trị. Bởi suy cho cùng, QP&AN đều là những vấn đề thuộc phạm trù chính trị; còn những quy định về BVTQ cụ thể gắn với từng chủ thể (quyền và nghĩa vụ BVTQ của công dân; nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực QP&AN của các thiết chế trong bộ máy nhà nước…) nên để ở các chương tương ứng.
Về nội dung cụ thể cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung về Chế định BVTQ trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Điều 48 - Chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” (sửa đổi, bổ sung Điều 77 Hiến pháp 1992): đối với NVQS của công dân được quy định trong Dự thảo Hiến pháp công bố lấy ý kiến nhân dân là “Công dân phải làm NVQS và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân; việc thực hiện nghĩa vụ thay thế NVQS do luật định”. Quy định này có thể dẫn đến quan niệm cho rằng, đây là quy phạm tùy nghi, công dân có thể lựa chọn làm NVQS hoặc nghĩa vụ thay thế tùy ý, vô hình chung đã làm mất đi ý nghĩa của NVQS là “nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân”. Để bảo đảm công bằng xã hội giữa người làm NVQS và người không được Nhà nước gọi làm NVQS nên quy định rõ “Công dân phải làm NVQS, trường hợp không được Nhà nước gọi làm NVQS thì phải thực hiện nghĩa vụ thay thế do luật định”.
Điều 69 - Chương IV về BVTQ (sửa đổi, bổ sung Điều 44 Hiến pháp 1992): cơ bản nội dung quy định tại Điều này của Dự thảo là phù hợp. Tuy nhiên, tại khổ đầu vẫn giữ cụm từ “giữ vững an ninh quốc gia” là không cần thiết, vì Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (khóa IX) của Đảng đã xác định: Chiến lược BVTQ bao gồm hai lĩnh vực cấu thành là QP&AN. Do đó, nếu giữ cụm từ này thì cần viết “Bảo đảm quốc phòng và giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân” hoặc chỉ cần thể hiện ngắn gọn “BVTQ Việt Nam XHCN là sự nghiệp của toàn dân”.
Điều 70 (sửa đổi, bổ sung Điều 45 Hiến pháp 1992): cần nghiên cứu bổ sung vào Điều này nguyên tắc “Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Việc đưa nguyên tắc này vào Hiến pháp vừa nâng cao về giá trị pháp lý, vừa thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trước âm mưu của các thế lực thù địch muốn “phi chính trị hóa” LLVT nhân dân. Mặt khác, nếu nguyên tắc này được ghi nhận trong Hiến pháp thì các luật chuyên ngành về LLVT không cần phải quy định nhắc lại (hiện nay rất nhiều luật, pháp lệnh chuyên ngành về lĩnh vực QP&AN đều có quy định này. Sự lặp lại một quy định hiển nhiên đó, không chỉ có vấn đề về kỹ thuật lập pháp mà còn có thể dẫn đến những suy diễn không cần thiết). Cụ thể Điều 70, sau khi sửa có nội dung hoàn chỉnh là: “LLVT nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, chế độ XHCN, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.
Điều 71 (sửa đổi, bổ sung Điều 46 Hiến pháp 1992): đề nghị bỏ từ “từng bước”, vì Hiến pháp là đạo luật gốc có tính định hướng cho sự phát triển trước mắt và lâu dài, nên cần tránh những quy định quá cụ thể. Cũng tại Điều này, cần sửa lại cách thể hiện mối quan hệ giữa Quân đội nhân dân (QĐND) với lực lượng dự bị động viên (DBĐV), vì QĐND gồm hai bộ phận: lực lượng thường trực và lực lượng DBĐV. Cách viết trong Hiến pháp 1992 cũng như trong Dự thảo xin ý kiến nhân dân đều làm cho người đọc hiểu DBĐV là lực lượng độc lập, nằm ngoài QĐND giống như lực lượng dân quân, tự vệ. Theo đó, Điều 71 cần viết lại là: “QĐND Việt Nam cách mạng được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có lực lượng DBĐV hùng hậu; dân quân tự vệ được xây dựng rộng khắp, cùng với QĐND làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”.
Điều 72 (sửa đổi, bổ sung Điều 47 Hiến pháp 1992): đề nghị bỏ từ “từng bước” với lý do tương tự như đã đề cập đối với QĐND (Điều 71); sửa lại cách viết để thể hiện chính xác quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng “chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” là đối với lực lượng chuyên trách, còn Công an xã là LLVT bán chuyên trách mà đặt vấn đề xây dựng “chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” thì không phù hợp về bản chất, lại khó bảo đảm tính khả thi trong điều kiện kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn. Theo đó, Điều 72 cần được thể hiện lại như sau: “Công an nhân dân Việt Nam cách mạng được xây dựng với lực lượng chuyên trách chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và lực lượng bán chuyên trách phù hợp với yêu cầu, làm nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm”.
Điều 73 (sửa đổi, bổ sung Điều 48 Hiến pháp 1992): đề nghị Điều này cần viết gọn lại, chỉ nêu khái quát nhất những định hướng lớn về chính sách và giải pháp tăng cường khả năng BVTQ, cụ thể như sau: “Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục QP&AN cho toàn dân; thực hiện chế độ NVQS, các hình thức nghĩa vụ thay thế, chính sách hậu phương cho LLVT nhân dân; phát triển công nghiệp quốc phòng là một bộ phận của công nghiệp quốc gia đáp ứng nhu cầu trang bị của LLVT nhân dân, kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho LLVT nhân dân, xây dựng tiềm lực QP&AN để tăng cường khả năng BVTQ”.
Sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng, nhất là những nội dung liên quan đến Chế định BVTQ hay nói cụ thể hơn là: nhiệm vụ QP&AN của đất nước. Do đó, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Chế định BVTQ cần phải đặt trong tổng thể nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chế định khác của Hiến pháp 1992, nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ vững chắc Tổ quốc và xây dựng nước Cộng hòa XHCN Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
LÊ VIỆT TRƯỜNG
chế độ bảo vệ Tổ quốc,Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Vấn đề dân tộc trong Hiến pháp năm 2013 16/06/2014
Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam - nhìn từ góc độ nhân văn 08/05/2014
Tính giai cấp và tính xã hội trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 18/03/2014
Nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 11/03/2014
Cơ sở pháp lý để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/01/2014
Hiến pháp và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước 21/01/2014
Sẽ trình Quốc hội 03 bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 27/09/2013
Nên hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 18/06/2013
Sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với đất nước và Quân đội là tất yếu 07/05/2013
Không thể tư nhân hóa đất đai 03/04/2013