Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 12/01/2017, 08:05 (GMT+7)
Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng nguồn nhân lực kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa

Thực hiện chủ trương xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân tiến lên hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng, những năm qua, các đơn vị trong Quân chủng được đầu tư trang bị nhiều loại vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật tiên tiến thế hệ mới, vũ khí, khí tài cải tiến, hiện đại hóa. Điều đó giúp nâng cao một bước khả năng sẵn sàng chiến đấu, tạo sức mạnh chiến đấu mới cho Quân chủng, nhưng cũng đặt ra cho Quân chủng, trực tiếp là ngành Kỹ thuật nhiệm vụ nặng nề, với không ít khó khăn, thách thức, nhất là trong bảo đảm kỹ thuật cho các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới. Do được thiết kế, chế tạo dựa trên ứng dụng những thành tựu tiên tiến về công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới,… nên công tác bảo đảm kỹ thuật cho các loại vũ khí, khí tài, trang bị này rất phức tạp, khắt khe và có sự khác biệt lớn so với vũ khí, khí tài thế hệ cũ. Trong khi đó, khả năng của ngành Kỹ thuật Quân chủng còn hạn chế, nhiều mặt chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ, sự phát triển nhanh của khoa học, công nghệ. Trước thực tế đó, thực hiện phương châm “công tác kỹ thuật phải đi trước một bước”, Quân chủng đã triển khai đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp, nhằm củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực toàn diện ngành Kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Quân chủng trong tình hình mới. Đặc biệt là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, “vừa hồng, vừa chuyên”, làm nòng cốt thực hiện công tác kỹ thuật; xác định đây là một trong những yếu tố quyết định sự thành công việc hiện đại hóa của Quân chủng, đảm bảo cho Quân chủng hoàn thành tốt nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

Thực hiện mục tiêu trên đây, Cục Kỹ thuật Quân chủng đã bám sát các kế hoạch mua sắm trang bị, các chương trình, dự án cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật của Quân chủng, chỉ đạo các đơn vị rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật ở các cấp để chủ động kiện toàn lực lượng, xây dựng kế hoạch tạo nguồn, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, chuẩn bị nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác kỹ thuật và tiến trình hiện đại hóa Quân chủng. Trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành ở các lĩnh vực kỹ thuật hàng không, tên lửa, ra-đa, cán bộ, nhân viên, thợ kỹ thuật giỏi, tay nghề cao đủ khả năng làm chủ công nghệ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa trang bị, khí tài mới. Thời gian qua, Quân chủng đã kiện toàn một bước tổ chức lực lượng ngành Kỹ thuật, ưu tiên các đơn vị mới thành lập, đơn vị được điều chuyển, bổ sung trang bị, tiếp nhận vũ khí, khí tài mới mua sắm, cải tiến và các trạm, xưởng, nhà máy của Quân chủng. Cục Kỹ thuật đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng và các đơn vị rà soát, tham mưu với cấp trên điều động, sắp xếp lại nhiều vị trí công tác của cán bộ, nhân viên, thợ kỹ thuật, nhằm đáp ứng sự phát triển nhiệm vụ. Cùng với kiện toàn tổ chức, Quân chủng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao, quan điểm phục vụ đúng đắn, sẵn sàng vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngành Kỹ thuật Quân chủng và các đơn vị đã thực hiện đa dạng hình thức giáo dục chính trị, quán triệt nhiệm vụ; trong đó, chú trọng tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, nhân viên kỹ thuật nhận thức rõ về vị trí, vai trò của công tác kỹ thuật, về nhiệm vụ của Quân chủng, ngành Kỹ thuật trong tình hình mới, cùng những thuận lợi, khó khăn, thách thức, v.v. Đáng chú ý là, các cơ quan, đơn vị đã chủ động làm tốt công tác tư tưởng, kịp thời động viên số cán bộ, nhân viên kỹ thuật phải thay đổi vị trí công tác phục vụ nhiệm vụ chuyển loại khí tài. Nhờ đó, cán bộ, nhân viên kỹ thuật nhận nhiệm vụ mới đều thấy rõ vinh dự, trách nhiệm, yên tâm công tác; tình hình tư tưởng trong các cơ quan, đơn vị kỹ thuật được giữ vững ổn định.

Trên cơ sở kiện toàn tổ chức, Quân chủng chỉ đạo đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện kỹ thuật ở tất cả các cấp, với mục tiêu chuẩn hóa trình độ chuyên môn, tay nghề cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật theo từng vị trí công tác, đáp ứng yêu cầu công tác kỹ thuật, nhất là làm chủ bảo đảm kỹ thuật cho các loại trang bị, khí tài mới. Những năm qua, Quân chủng đã thực hiện đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật; kết hợp chặt chẽ giữa tạo nguồn đưa đi đào tạo với đào tạo lại, giữa huấn luyện, bồi dưỡng tại Quân chủng, đơn vị với đào tạo chuyên sâu tại các cơ sở trong nước và nước ngoài. Cục Kỹ thuật đã tích cực liên kết, phối hợp với Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Phòng không - Không quân, các trung tâm công nghệ,… và triệt để khai thác các chỉ tiêu đi đào tạo, huấn luyện chuyển giao công nghệ ở nước ngoài để đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt, để đảm bảo lực lượng cán bộ, nhân viên kỹ thuật phục vụ kịp thời việc tiếp nhận, khai thác, sử dụng trang bị, khí tài mới, Quân chủng đã đẩy mạnh huấn luyện chuyển loại khí tài. Với chủ trương chuẩn bị chu đáo lực lượng kỹ thuật trước khi tiếp nhận trang bị, khí tài mới, Cục Kỹ thuật đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, lựa chọn những cán bộ, nhân viên có đủ tiêu chuẩn, ưu tiên cán bộ trẻ, cử đi huấn luyện chuyển loại và nhận chuyển giao công nghệ ở nước ngoài; trong đó, chú trọng tổ chức lực lượng theo kíp đồng bộ nhằm xây dựng nòng cốt tiến hành công tác kỹ thuật và làm giáo viên cho bồi dưỡng, huấn luyện chuyển loại trong nước. Trước yêu cầu cao của công tác huấn luyện chuyển loại, ngành Kỹ thuật Quân chủng đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ này. Đồng thời, triển khai nhiều biện pháp tích cực, chủ động chuẩn bị toàn diện các yếu tố cần thiết, nhất là tổ chức bồi dưỡng “kiến thức nền” về công nghệ thông tin, điện - điện tử, ngoại ngữ cho cán bộ, nhân viên trước khi tham gia chuyển loại kỹ thuật, phù hợp với các dự án tiếp nhận khí tài, chuyển giao công nghệ, tạo cơ sở cho tiếp cận, nghiên cứu, nắm bắt các kiến thức kỹ thuật chuyên ngành. Thời gian qua, Quân chủng đã chỉ đạo thực hiện đột phá về học tập ngoại ngữ. Cục Kỹ thuật đã phối hợp với các đơn vị, cơ sở đào tạo mở nhiều khóa học tiếng Nga, tiếng Anh cho hàng nghìn lượt cán bộ, nhân viên; đồng thời, có chính sách động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên kỹ thuật tự học để nâng cao trình độ ngoại ngữ; chỉ đạo các đơn vị lấy kết quả học ngoại ngữ làm một tiêu chí trong đánh giá chất lượng cán bộ, bình xét thi đua hằng năm. Hiện nay, Quân chủng đã quy định chuẩn ngoại ngữ cho các chức danh cán bộ kỹ thuật được quy hoạch, đề bạt, xác định đây là yêu cầu bắt buộc, v.v. Vì vậy, việc học ngoại ngữ đã trở thành phong trào sâu rộng, hoạt động tự giác, được đông đảo cán bộ, nhân viên ngành Kỹ thuật Quân chủng tham gia và đạt kết quả tích cực.

Các đại biểu tham dự khai mạc Lớp tập huấn, huấn luyện vận hành, khai thác sử dụng và bảo đảm kỹ thuật Hệ thống VQ1-M, ngày 12-9-2016. (Ảnh: phongkhongkhongquan.vn)

Cùng với đó, Quân chủng chỉ đạo các đơn vị duy trì nghiêm nền nếp chế độ huấn luyện, tập huấn kỹ thuật hằng năm, tăng cường huấn luyện chuyển loại trong nước, nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật các cấp. Để công tác huấn luyện đạt hiệu quả, các đơn vị đã bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm”; kết hợp hài hòa giữa huấn luyện toàn diện và chuyên sâu, sát với chức trách của từng đối tượng; chú trọng huấn luyện thực hành, huấn luyện những nội dung mới về công tác kỹ thuật và kiến thức, kỹ năng phục vụ chuyển giao công nghệ, bảo đảm kỹ thuật cho trang bị, khí tài mới. Quân chủng đã chỉ đạo các chuyên ngành kỹ thuật tổ chức biên dịch, hiệu đính, biên soạn hàng trăm đầu tài liệu, giáo trình, thuyết minh kỹ thuật với hàng triệu trang tài liệu về trang bị, khí tài mới, như: máy bay Su-30MK2, C-295; tên lửa Spyder, S300-PMU1; ra-đa ELM-2288ER,... khắc phục được tình trạng thiếu tài liệu phục vụ huấn luyện kỹ thuật ở đơn vị. Đồng thời, tích cực huy động các nguồn lực đầu tư mua sắm cơ sở vật chất phục vụ công tác huấn luyện, nâng cấp các phòng học kỹ thuật ở đơn vị theo hướng hiện đại; qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả học tập, nghiên cứu của các đối tượng. Song song với tổ chức tốt huấn luyện, bồi dưỡng theo chế độ quy định, ngành Kỹ thuật Quân chủng tăng cường cử cán bộ, nhân viên tham gia các dự án nghiên cứu, cải tiến, sản xuất trang bị, khí tài, tham gia bảo dưỡng, sửa chữa, xử lý các sự cố kỹ thuật. Đồng thời, chú trọng tranh thủ các chuyên gia nước ngoài sang chuyển giao, bảo hành, bảo dưỡng khí tài để thực hiện hình thức “huấn luyện chuyển loại trong nước bằng chuyên gia nước ngoài”, cũng như đẩy mạnh hoạt động hội thao kỹ thuật, hội thi nâng bậc thợ,... xem đây là những “kênh thực tế” trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng, giúp đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật nâng cao trình độ, kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp. Những năm qua, Quân chủng đã tổ chức thành công hàng trăm lớp huấn luyện chuyển loại khí tài mới, khí tài cải tiến ở cả trong nước và nước ngoài; mỗi năm tổ chức tập huấn, bổ túc kỹ thuật chuyên ngành cho hàng chục nghìn lượt cán bộ, nhân viên, thợ kỹ thuật các cấp. Ngành Kỹ thuật Quân chủng đã duy trì thành nền nếp nhiều hội thi, hội thao kỹ thuật, như: Hội thao quy trình công nghệ; Hội thao kíp bảo đảm kỹ thuật chiến đấu; tổ chức “Ngày mẫu kỹ thuật” đối với các đơn vị phòng không, v.v. Qua đó, kịp thời phổ biến, nhân rộng những kinh nghiệm hay trong công tác kỹ thuật giữa các đơn vị.

Đi liền với các nội dung trên, Quân chủng chú trọng thực hiện công tác chính sách đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, tạo điều kiện để họ yên tâm công tác. Cục Kỹ thuật đã rà soát và tham mưu, đề xuất với Quân chủng đề nghị Bộ Quốc phòng bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và hàng chục chức danh đặc thù quân sự, phù hợp với sự phát triển nhiệm vụ của Quân chủng. Các đơn vị đã coi trọng đầu tư cải thiện môi trường làm việc cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật; kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác. Đặc biệt, các đơn vị, nhất là các nhà máy bước đầu có những chính sách phù hợp để tận dụng số cán bộ kỹ thuật có trình độ cao, thợ lành nghề đã hết tuổi phục vụ tiếp tục cống hiến và thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực tốt nghiệp các trường kỹ thuật, tổ chức gửi đi đào tạo chuyển loại, nhằm chuẩn bị tốt nhất về mặt lực lượng, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.

Với định hướng đúng đắn, quyết tâm cao và những biện pháp đồng bộ, lực lượng kỹ thuật của Quân chủng đã có bước phát triển nhanh, toàn diện, nhất là về chất lượng chuyên môn. Nguồn nhân lực đó đã và đang phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện các nội dung công tác kỹ thuật, góp phần quan trọng vào tiến trình hiện đại hóa Quân chủng, xây dựng Quân chủng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó.

Đại tá LÊ NGỌC BẢO, Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân chủng

Ý kiến bạn đọc (0)