Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 15/08/2024, 10:39 (GMT+7)
Lữ đoàn Đặc công 198 phát huy truyền thống anh hùng, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu

Ngày 19/8/1974, Trung đoàn Đặc công cơ động 198 trực thuộc Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (tiền thân của Lữ đoàn Đặc công 198) được thành lập. Sự ra đời của Lữ đoàn đánh dấu sự phát triển về nghệ thuật tổ chức lực lượng, tác chiến đặc công trên chiến trường và là sự chuẩn bị những đòn đánh bí mật, bất ngờ cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Ngay sau khi thành lập, Lữ đoàn khẩn trương củng cố, xây dựng lực lượng, chuẩn bị mọi mặt, tham gia đánh chiếm và chốt giữ nhiều mục tiêu quan trọng, hiểm yếu, hoàn thành nhiệm vụ nghi binh, kiềm chế, chia cắt địch trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975. Tiếp đà thắng lợi đó, Lữ đoàn cơ động chiến đấu theo yêu cầu của chiến dịch, đánh chiếm, chốt giữ, bảo đảm hành lang hướng Tây Bắc để quân ta thần tốc tiến đánh Sài Gòn, góp phần xứng đáng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau ngày đất nước thống nhất, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ truy quét tàn quân địch, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng mới giải phóng, Lữ đoàn bước vào cuộc chiến đấu mới, liên tục cơ động chiến đấu bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm tròn nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia.

Lữ đoàn nhận Cờ Đơn vị huấn luyện Giỏi năm 2022.

Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, mặc dù nhiều lần có biến động lớn về tổ chức, có lúc rút gọn, thay đổi chức năng nhiệm vụ, nhưng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn vượt qua gian khổ, hy sinh, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, mưu trí, táo bạo, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần quan trọng vào sự phát triển, trưởng thành, chiến thắng vẻ vang của bộ đội Đặc công Anh hùng. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Lữ đoàn cùng 03 tập thể, 05 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý1.

Hiện nay, trước sự phát triển của yêu cầu, nhiệm vụ, Lữ đoàn tập trung xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; trong đó, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu được xác định là một nội dung trọng tâm, được triển khai thực hiện với nhiều nội dung, giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Trước hết, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp và luôn coi đây là nhân tố quan trọng hàng đầu, quyết định chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Với quan điểm lãnh đạo phải toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; chỉ đạo sâu sát đến từng bộ phận, từng nhiệm vụ, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của trên, bám sát tình hình nhiệm vụ, đề ra nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo, hiệu quả công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Chú trọng nâng cao nhận thức của cấp ủy, chỉ huy các cấp về vị trí, vai trò của công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; xây dựng quyết tâm chính trị, trách nhiệm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trọng này cho cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ các cấp, tạo chuyển biến đồng bộ, vững chắc.

Hằng năm, Đảng ủy Lữ đoàn và 100% cấp ủy, tổ chức đảng các cấp ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; đồng thời, lấy đó làm khâu đột phá trong nghị quyết thường kỳ của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng. Trong thực hiện, Lữ đoàn yêu cầu từng cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng chương trình thực hiện nghị quyết; chỉ huy các cấp xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chặt chẽ, thống nhất. Thường xuyên sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế, làm rõ nguyên nhân để kịp thời điều chỉnh, bổ sung chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát, đúng, phù hợp với tình hình thực tiễn, khắc phục dứt điểm khâu yếu, mặt yếu.

Đặc thù huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội Đặc công đòi hỏi sức chịu đựng lớn cả về tâm lý và sức bền, rất dễ nảy sinh tư tưởng ngại khó, ngại khổ. Nhận thức rõ điều đó, Lữ đoàn thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự thống nhất ý chí và hành động của cán bộ, chiến sĩ trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Trong đó, tập trung quán triệt mệnh lệnh huấn luyện của Tư lệnh Binh chủng và văn bản của trên về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; làm rõ đối tượng tác chiến, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên địa bàn để cán bộ, chiến sĩ thấu triệt yêu cầu, nhiệm vụ của công tác này. Để bộ đội hiểu thực chất và thấy được sự cần thiết phải tiến hành đồng bộ tất cả các khâu trong quy trình huấn luyện, Lữ đoàn thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, quán triệt cho bộ đội nắm chắc quan điểm, nguyên tắc, mối kết hợp và phương châm huấn luyện; làm rõ nội hàm của từng nội dung và minh họa bằng thực tiễn công tác huấn luyện của đơn vị trong từng nội dung, khoa mục huấn luyện. Chú trọng kết hợp huấn luyện với kể chuyện chiến đấu, giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào, củng cố niềm tin vào vũ khí trang bị, nghệ thuật quân sự, cách đánh đặc sắc của bộ đội Đặc công, xây dựng trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua, duy trì tốt công tác cổ động thao trường, tạo không khí đoàn kết, thi đua sôi nổi, kịp thời biểu dương, động viên những tập thể, cá nhân tiêu biểu, uốn nắn những biểu hiện sai trái.

Cùng với đó, Lữ đoàn yêu cầu cán bộ các cấp phát huy trách nhiệm theo hệ thống chỉ huy, vừa làm tốt nhiệm vụ quản lý, tổ chức điều hành, vừa làm tốt công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Chú trọng thực hiện tốt Quy chế Công tác quản lý tư tưởng quân nhân; nắm và định hướng dư luận trong Quân đội nhân dân Việt Nam, duy trì nền nếp chế độ nắm, dự báo, phân cấp quản lý, định hướng, giải quyết, đấu tranh tư tưởng. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực hiện nhiệm vụ; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với địa phương, gia đình quân nhân, xác định rõ nguyên nhân tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ để có biện pháp giáo dục, động viên, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ kịp thời, hiệu quả.

Công tác chuẩn bị cho huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu luôn được Lữ đoàn quan tâm thực hiện tốt, nhất là trong huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thao trường bãi tập phục vụ tốt cho công tác huấn luyện, diễn tập; quản lý, sử dụng ngân sách huấn luyện chặt chẽ, đúng quy định. Các cơ quan, đơn vị phát huy nội lực và phong trào nghiên cứu, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đầu tư công sức, tập trung củng cố, làm mới hệ thống các văn kiện sẵn sàng chiến đấu, sơ đồ, tranh vẽ, mô hình học cụ, tu sửa phòng học, thao trường bãi tập, v.v.

Song song đó, công tác huấn luyện cán bộ, nhất là cán bộ phân đội được Lữ đoàn đặc biệt coi trọng. Thực hiện khâu then chốt này, hằng năm, Lữ đoàn phân loại cán bộ, xác định rõ nội dung, phương thức và biện pháp bồi dưỡng cụ thể, vừa trang bị những kiến thức chung vừa chuyên sâu gắn với từng đối tượng. Chú trọng bồi dưỡng những nội dung mới, sự phát triển mới về nhiệm vụ, vũ khí, trang bị và nghệ thuật tác chiến; coi trọng bồi dưỡng kỹ năng của liên đội trưởng, đội trưởng đặc công về tổ chức, chỉ huy phân đội trong những điều kiện khó khăn, phức tạp.

Với phương châm “yếu gì thì bồi dưỡng đó”, Lữ đoàn kết hợp việc tự bồi dưỡng với bồi dưỡng có tổ chức, thực hiện tốt quy định cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, lấy bồi dưỡng qua thực tiễn huấn luyện là chủ yếu. Đồng thời, động viên, khuyến khích cán bộ tự học tập, nghiên cứu; tổ chức tốt hội thi, hội thao để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về năng lực, trình độ toàn diện cho cán bộ các cấp, nhất là cán bộ trực tiếp huấn luyện. Đến nay, 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp, có 75% - 90% cán bộ cấp liên đội, 70% cán bộ cấp đội, mũi đạt khá, giỏi, trong đó có trên 35% giỏi.

Để nâng cao chất lượng huấn luyện, Lữ đoàn tích cực đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức huấn luyện, diễn tập sát với địa bàn, đối tượng tác chiến. Trong đó, tập trung đổi mới, tạo chuyển biến công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện, diễn tập theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo; chỉ đạo huấn luyện chiến đấu bằng mệnh lệnh, chỉ thị; quản lý bằng điều lệ, quy chế, quy định và điều hành bằng kế hoạch thông qua công tác kiểm tra, giám sát của các cấp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý, điều hành và thực hành huấn luyện, diễn tập; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ. Trong huấn luyện, Lữ đoàn luôn quán triệt, thực hiện nghiêm mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của Tư lệnh Binh chủng và hướng dẫn của cơ quan cấp trên, tổ chức huấn luyện theo đúng chương trình cơ bản cho các đối tượng, phù hợp tổ chức biên chế, vũ khí trang bị và chức năng, nhiệm vụ, tình hình cụ thể của đơn vị. Chú trọng huấn luyện cho bộ đội làm chủ vũ khí trang bị, thuần thục kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu đặc công, giỏi bắn súng, võ thuật, chiến thuật từ cấp tiểu đội đến cấp đại đội và hiệp đồng chiến đấu tốt cấp tiểu đoàn. Đẩy mạnh huấn luyện đồng bộ cho cán bộ và phân đội, cơ quan và đơn vị; tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động, theo tình huống, nhiệm vụ, giỏi ngụy trang, nghi binh che giấu lực lượng để nâng cao khả năng chiến đấu, nhất là lực lượng làm nhiệm vụ A2, chống khủng bố. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với diễn tập hiệp đồng chiến đấu, xử lý các tình huống, nâng cao khả năng cơ động sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Hằng năm, kết quả kiểm tra kết thúc các đề mục: 100%  đạt yêu cầu, trong đó có 80% khá, giỏi (60% giỏi); trong các năm: 2020, 2022, 2023, Lữ đoàn được Bộ Quốc phòng tặng Cờ đơn vị huấn luyện giỏi.

Cùng với nâng cao chất lượng huấn luyện, công tác sẵn sàng chiến đấu luôn được Lữ đoàn coi trọng, thực hiện nghiêm túc. Trên cơ sở quán triệt các chỉ thị, mệnh lệnh của Tư lệnh Binh chủng, Lữ đoàn duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở tất cả các cấp, nắm chắc tình hình, chủ động ứng phó và xử lý có hiệu quả các tình huống, không để bị bất ngờ. Kịp thời bổ sung, hoàn chỉnh các văn kiện sẵn sàng chiến đấu, tổ chức luyện tập thuần thục các phương án. Đồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị bạn trên địa bàn tổ chức trinh sát nghiên cứu địa bàn, mục tiêu A, A2, A3, chống khủng bố; trinh sát nghiên cứu địa hình biên giới các tỉnh Tây Nguyên; khảo sát, quy hoạch căn cứ chiếu đấu khu vực miền Trung - Tây Nguyên; làm tốt công tác chuẩn bị và tham gia diễn tập tác chiến MT-22, BV-22; diễn tập TC-23, A3-23 đúng thành phần, đạt kết quả tốt. Phối hợp quản lý chặt chẽ các mục tiêu được giao; xây dựng, bổ sung hoàn chỉnh quyết tâm, kế hoạch tác chiến theo các nhiệm vụ và tổ chức luyện tập, diễn tập theo các phương án; chuẩn bị tốt mọi mặt, sẵn sàng làm nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống cháy nổ, cháy rừng. Qua đó, trình độ sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị không ngừng được nâng cao, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tô thắm thêm truyền thống “Luồn sâu, bám tốt, đánh trúng mục tiêu” của Lữ đoàn Đặc công 198 Anh hùng trong thời kỳ mới.

Đại tá PHẠM NGỌC HƯNG, Lữ đoàn trưởng
____________________
        

1 - Huân chương Chiến công hạng Nhất; 02 Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Nhì; 02 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, hạng Ba, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)