Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 15/08/2024, 08:58 (GMT+7)
“Ba nhất” ở Lữ đoàn Công binh 513

Lữ đoàn Công binh 513 là đơn vị công binh hỗn hợp của Quân khu 3, làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; thi công công trình quốc phòng; tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, ứng cứu sập đổ công trình và các nhiệm vụ đột xuất khác. Đặc điểm nhiệm vụ của Lữ đoàn đa dạng, phức tạp, yêu cầu cao, triển khai trên nhiều địa bàn, lực lượng phân tán; mật độ phương tiện tham gia huấn luyện, thi công công trình lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, v.v. Trước thực tế đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, vươn lên giành “ba nhất”1, tạo chuyển biến tích cực, vững chắc các mặt công tác, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bảo đảm vượt sông trong Diễn tập PT-23.

Nhận thức, trách nhiệm và ý chí quyết tâm cao nhất

Cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đúng, trách nhiệm cao và ý chí quyết tâm sắt đá là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định kết quả hoàn thành nhiệm vụ của mỗi đơn vị. Đối với Lữ đoàn, điều đó càng đặc biệt quan trọng, do đặc thù tính chất nhiệm vụ rất nặng nhọc, khó khăn, nguy hiểm, tiến hành chủ yếu ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nên cán bộ, chiến sĩ hoạt động độc lập, xa đơn vị, gia đình dài ngày. Vì vậy, Lữ đoàn xác định tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đúng đắn, ý chí quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao nhất, sẵn sàng khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao là mục tiêu, giải pháp quan trọng hàng đầu. Với nhận thức đó, thời gian qua, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 2423-CT/QUTW, ngày 09/11/2023 của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương “Về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị trong giai đoạn mới” bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế đơn vị và sát với từng đối tượng. Thực hiện chỉ đạo của Lữ đoàn, các cơ quan, đơn vị tích cực nghiên cứu, biên soạn các chuyên đề về giáo dục pháp luật, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, phát huy truyền thống, công hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới,… đưa vào giáo dục; kết hợp giữa giáo dục chính trị cơ bản với giáo dục truyền thống và các hình thức giáo dục khác, như: “Mỗi tuần một câu chuyện về tư tưởng, văn hóa, kỷ luật”, “Câu lạc bộ lý luận trẻ”, v.v. Qua đó, tạo môi trường, điều kiện để bộ đội được thông tin, trao đổi, chia sẻ quan điểm cá nhân qua từng câu chuyện, tình huống; đồng thời, bồi dưỡng kỹ năng sống, kỹ năng quản lý, duy trì bộ đội chấp hành kỷ luật Quân đội, quy định của đơn vị và xây dựng mối đoàn kết, gắn bó giữa các quân nhân; xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ lý tưởng đẹp, trách nhiệm cao, động cơ trong sáng, hành động đúng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Cùng với làm tốt công tác giáo dục, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường biện pháp nắm, quản lý, định hướng tư tưởng bộ đội, nhất là với các đơn vị hoạt động độc lập, ở xa, thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm, độc hại, nguy cơ mất an toàn cao và quân nhân có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, kịp thời nắm bắt, giải quyết dứt điểm các tình huống tư tưởng ngay từ cơ sở, không để nảy sinh phức tạp. Không dừng lại ở đó, Lữ đoàn thường xuyên phát huy hiệu quả các mô hình: “Đôi bạn cùng tiến”, “Hòm tiết kiệm vì nghĩa tình đồng đội”, “Tổ chiến sĩ tiết kiệm vì gia đình” nhằm xây dựng tinh thần đoàn kết, gắn bó “hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường, cũng như lúc ra trận”, giúp bộ đội giảm bớt khó khăn, yên tâm gắn bó, xây dựng đơn vị. Nhờ đó, 100% cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn có lập trường tư tưởng kiên định vững vàng, ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao nhất

Bám sát chức năng, nhiệm vụ và quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, hằng năm, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, nắm và đánh giá đúng tình hình, phát huy tinh thần dân chủ, trí tuệ tập thể của cấp ủy, chỉ huy các cấp và tập thể quân nhân trong tham mưu, đề xuất chủ trương, giải pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị. Để đạt hiệu quả cao, Lữ đoàn chú trọng lựa chọn đơn vị “làm điểm” trên từng mặt công tác và nhiệm vụ để tổ chức rút kinh nghiệm và nhân rộng. Theo đó, với đơn vị điểm về huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cùng với làm tốt công tác chuẩn bị, Lữ đoàn chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp huấn luyện theo hướng thiết thực, hiệu quả; huấn luyện toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, tập trung huấn luyện để bộ đội khai thác, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật công binh có trong biên chế và các trang bị mới; nâng cao khả năng cơ động sẵn sàng chiến đấu, giỏi bảo đảm công binh trong mọi tình huống. Với lực lượng công binh vượt sông, Lữ đoàn coi trọng thực hiện huấn luyện chuyên ngành theo kế hoạch kết hợp với huấn luyện khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, nhằm thông qua thực tiễn để rèn luyện bản lĩnh, tác phong, khả năng thích ứng linh hoạt trong điều kiện khó khăn, phức tạp. Với lực lượng rà phá bom mìn, do đặc thù nhiệm vụ phức tạp, nguy hiểm, đòi hỏi bộ đội vừa phải nắm chắc tính năng, kỹ thuật các loại bom, mìn, vừa thành thục các yếu lĩnh, động tác theo quy trình,... nên Lữ đoàn bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành, lấy thực hành làm chính; tập trung vào luyện tập phân đoạn, chia nhỏ tập nhiều, tăng cường thực hành trên mô hình, đưa bộ đội vào huấn luyện sát địa bàn, với tình huống sát thực tế nhiệm vụ.

Huấn luyện xe cứu hộ đa năng.

Trong thực hiện nhiệm vụ thi công công trình quân sự, do bộ đội phải sử dụng nhiều loại trang bị kỹ thuật, thuốc nổ và hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt, địa chất đất, đá không ổn định dễ gây sụt, sạt, nguy cơ mất an toàn cao,… Lữ đoàn đột phá vào “bảo đảm an toàn cao nhất”. Trên cơ sở huấn luyện cơ bản, chuyên sâu theo chuyên ngành hẹp, như: xây, trát, ốp, lát, khoan, nổ,… cho bộ đội, bảo đảm mỗi người có thể đảm nhiệm được từ 2 - 3 vị trí công tác. Trước mỗi nhiệm vụ, Lữ đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị lập kế hoạch chi tiết về công tác bảo đảm an toàn, lựa chọn con người, dự kiến các tình huống có thể xảy ra, phương án xử lý và các trang thiết bị bảo đảm. Đặc biệt, trong các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, Lữ đoàn ưu tiên lựa chọn, phân công đội ngũ cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm, tác phong công tác khoa học, cẩn trọng, tỉ mỉ trực tiếp giám sát, kiểm tra, theo dõi hoạt động của từng đơn vị, bộ phận. Đồng thời, thành lập các tổ kiểm tra chuyên trách do các đồng chí trong Ban Chỉ huy Lữ đoàn trực tiếp phụ trách; kết hợp kiểm tra thường xuyên và đột xuất nhằm kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót để rút kinh nghiệm, khắc phục và hỗ trợ, giúp đỡ các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Cùng với đó, Lữ đoàn triển khai sâu rộng các phong trào thi đua: “Bí mật hàng đầu, an toàn trên hết, chất lượng tiên phong”; “Kíp khoan nổ xuất sắc”; “Ca vận chuyển hiệu quả nhất”; “Tổ hoàn thiện mĩ thuật đẹp nhất”,... tạo khí thế thi đua sôi nổi, khích lệ, động viên cán bộ, chiến sĩ nỗ lực vượt khó, phấn đấu vươn lên hoàn thành nhiệm vụ với kết quả cao nhất. Bằng các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, từ năm 2022 đến nay, Lữ đoàn luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị; triển khai, hoàn thành hàng trăm công trình quân sự, quốc phòng đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, an toàn, được hội đồng nghiệm thu các cấp đánh giá cao; 02 năm liền (2022, 2023) được Bộ Quốc phòng tặng cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi” và danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”; năm 2023 được tặng cờ thi đua của Chính phủ.

Xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật nghiêm nhất

Xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật là nội dung bao trùm, liên quan trực tiếp đến hoạt động hằng ngày của mỗi quân nhân và chất lượng, hiệu quả của công tác này chỉ đạt được khi mọi quân nhân có nhận thức đúng, hành động tự giác. Điều này đối với Lữ đoàn lại càng quan trọng, bởi có nhiều bộ phận hoạt động trong điều kiện dã ngoại, xa sự quản lý, chỉ huy; bộ đội hàng ngày, hàng giờ chịu tác động của mặt trái kinh tế thị trường, tệ nạn xã hội, lằn ranh giữa chấp hành kỷ luật và vi phạm rất mong manh. Để biến nhận thức trở thành ý thức, hành động tự giác cho cán bộ, chiến sĩ, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản của Bộ Quốc phòng, Quân khu về xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật, trọng tâm là Chỉ thị số 11/CT-TM, ngày 12/4/2023 của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam về nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật trong toàn quân; duy trì nghiêm nền nếp chế độ, chức trách, nhiệm vụ người chỉ huy và chế độ công tác ngày, tuần, tháng,... tạo sự chuyển biến vững chắc trong công tác này. Quá trình thực hiện, Lữ đoàn chú trọng kết hợp giáo dục, thuyết phục với biện pháp hành chính; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc của chỉ huy, cơ quan đối với đơn vị; thường xuyên quán triệt nhiệm vụ, dự báo tình hình để cán bộ, chiến sĩ chủ động thu xếp công việc hậu phương, gia đình yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường đối thoại dân chủ, duy trì nền nếp, hiệu quả Ngày Chính trị và văn hóa, tinh thần; tổ chức các buổi sinh hoạt, tọa đàm phổ biến, quán triệt tình hình vi phạm kỷ luật trong toàn quân, thực hiện “mỗi vi phạm là một chủ đề sinh hoạt tư tưởng”, v.v. Đáng chú ý, trong quản lý, rèn luyện kỷ luật đối với các đơn vị, bộ phận ở xa, hoạt động độc lập, Lữ đoàn luôn chú trọng phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trực tiếp quản lý bộ đội; đồng thời, thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân và thực hiện nhiệm vụ để nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ mối quan hệ của quân nhân, thực hiện tốt công tác dự báo và có biện pháp chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa các nguy cơ mất an toàn, biểu hiện vi phạm kỷ luật của bộ đội. Mặt khác, kiên quyết xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, không bao che, nể nang, né tránh nhằm vừa giáo dục, răn đe, vừa phòng ngừa vi phạm.

Cùng với các nội dung trên, Lữ đoàn tích cực phát huy nội lực, đẩy mạnh tăng gia sản xuất; củng cố cảnh quan, xây dựng môi trường “Sáng, xanh, sạch, đẹp”, bảo đảm tốt đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội, để cán bộ, chiến sĩ yên tâm gắn bó với đơn vị. Với các biện pháp thiết thực, hiệu quả, công tác xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật của Lữ đoàn có sự chuyển biến, tiến bộ vững chắc; nhiều năm liền không có trường hợp vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường dưới 0,2%; Đảng bộ Lữ đoàn trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, Đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Đây là cơ sở quan trọng để Lữ đoàn tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá NGUYỄN TRỌNG TIẾN, Lữ đoàn trưởng
_________________
       

1 – (1). Nhận thức, trách nhiệm và ý chí quyết tâm cao nhất; (2). Thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao nhất; (3). Xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật nghiêm nhất.

Ý kiến bạn đọc (0)