Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 16/09/2024, 10:20 (GMT+7)
Viện Công nghệ tích cực nghiên cứu thiết kế, chế tạo sản phẩm mới, hiện đại

Nghiên cứu thiết kế, chế tạo sản phẩm mới, hiện đại, đặc biệt là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, từng bước làm chủ công nghệ lõi trong thiết kế, chế tạo các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi bức thiết trong xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng “tự chủ, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại”, xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi phải hội tụ nhiều yếu tố, nhất là về nguồn nhân lực chất lượng cao và sở hữu nền công nghiệp vững chắc, toàn diện; cơ chế, chính sách bảo đảm; hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và sự hỗ trợ, chuyển giao công nghệ từ các đối tác trong nước và nước ngoài, v.v. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Viện Công nghệ, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã bám sát chức năng1, nhiệm vụ và định hướng của trên, triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu khoa học; trong đó, trọng tâm hướng vào nghiên cứu thiết kế, chế tạo sản phẩm mới, hiện đại.

Đội ngũ kỹ sư trẻ nghiên cứu, chế thử sản phẩm mới.

Thực hiện mục tiêu xác định, trước hết, Viện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới phương châm từ nghiên cứu, chế tạo sản phẩm theo mẫu sang nghiên cứu thiết kế, chế tạo sản phẩm mới. Quán triệt Nghị quyết số 209-NQ/ĐU, ngày 08/7/2019 của Đảng ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng về lãnh đạo đẩy mạnh nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật mới; góp phần thực hiện chủ trương hiện đại hóa Quân đội; Nghị quyết số 814-NQ/ĐU, ngày 07/4/2023 của Đảng ủy Tổng cục về lãnh đạo công tác khoa học, công nghệ đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Viện phát huy vai trò của Hội đồng khoa học, công nghệ trong nắm bắt xu hướng phát triển trang bị kỹ thuật trên thế giới, định hướng trang bị cho Quân đội của Bộ Quốc phòng và các chương trình, dự án bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật phục vụ sản xuất quốc phòng để xây dựng định hướng nghiên cứu khoa học, công nghệ trung hạn, dài hạn. Trong đó, lấy nghiên cứu thiết kế, chế tạo sản phẩm mới là mục tiêu trọng tâm; đồng thời, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể trong nghiên cứu, đề xuất ý tưởng, chủ trương, giải pháp thực hiện. Những năm qua, với quan điểm “không có nghiên cứu cơ bản sẽ không có được công nghệ”, Viện từng bước đổi mới tư duy, cách làm, chú trọng điều chỉnh, cân đối giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng nhằm triển khai phát triển sản phẩm mới trên cả hai hướng: ứng dụng công nghệ mới để cải tiến, nâng cấp, tích hợp bổ sung tính năng kỹ, chiến thuật của vũ khí, trang bị hiện có và nghiên cứu thiết kế, chế tạo mới. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Viện tập trung xây dựng, phát huy vai trò của các “Nhóm nghiên cứu”, “Tổ chuyên gia” và xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh theo chuyên ngành, liên ngành. Hoàn thiện cơ chế quản lý, tài chính theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, phân luồng nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu cho cơ quan, đơn vị trực thuộc và các tập thể, cá nhân, nhất là chủ nhiệm đề tài nhằm tăng tính tự chủ, linh hoạt trong xây dựng kế hoạch, đề xuất mở mới và thử nghiệm, nghiệm thu. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết với các cơ sở nghiên cứu khoa học trong và ngoài Quân đội để triển khai các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu.

Với việc đột phá đổi mới cơ chế quản lý, điều hành và tư duy, cách làm khoa học, Viện đã khuyến khích, phát huy tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong nắm bắt những vấn đề thực tiễn đặt ra, nhu cầu của các cơ quan, đơn vị để đề xuất đề tài, hướng nghiên cứu mới. Từ năm 2015 đến nay, Viện đã thực hiện thành công 84 đề tài, nhiệm vụ về nghiên cứu, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật mới từ cấp Viện đến cấp Nhà nước. Đặc biệt, Viện đã cơ bản làm chủ thiết kế và công nghệ chế tạo hầu hết các loại đạn vũ khí lục quân, phòng không và một số loại đạn hải quân, đạn pháo, nòng pháo, giàn phóng; một số mác hợp kim đặc biệt, vật liệu đặc chủng cho chế tạo chi tiết tên lửa, đầu đạn, vỏ liều, sơn máy bay, tàu ngầm. Bước đầu nghiên cứu, chế tạo và làm chủ công nghệ từng phần các loại vũ khí công nghệ cao, vũ khí cơ động, tích hợp hệ thống, như: tên lửa phòng không tầm thấp, robot chiến đấu và trinh sát, xe chiến đấu bộ binh, pháo tự hành, rađa hỏa lực mạng khe tầm gần,... góp phần nâng cao tính chủ động của công nghiệp quốc phòng trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí, vật tư, linh kiện từ nước ngoài, cũng như tạo ra các sản phẩm vũ khí mới trang bị cho Quân đội.

Là trung tâm nghiên cứu đa ngành hàng đầu của Tổng cục, Viện được giao chủ trì và tham gia các dự án, đề tài trọng điểm cấp Nhà nước, Bộ Quốc phòng với yêu cầu nghiên cứu thiết kế, chế tạo các sản phẩm mới, tích hợp nhiều công nghệ hiện đại, phức tạp. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, Viện chú trọng đầu tư, xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ theo hướng đồng bộ, có chiều sâu, lấy xây dựng, phát triển nguồn lực con người làm trung tâm. Mục tiêu đặt ra là xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, cơ cấu hợp lý, đồng bộ về chuyên ngành, chuẩn hóa về trình độ chuyên môn theo từng lĩnh vực, có năng lực, trí tuệ, tâm huyết, đam mê nghiên cứu khoa học và chuyên nghiệp. Những năm qua, cùng với làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, Viện chú trọng tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng; ưu tiên xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trẻ, chuyên gia công nghệ đầu ngành; đào tạo, xây dựng tổng công trình sư. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, Viện đẩy mạnh kết hợp giữa đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ với đào tạo chuyên sâu ở trong nước và quốc tế2. Đồng thời, coi trọng bồi dưỡng năng lực thực tiễn cho cán bộ bằng hình thức tăng cường cử cán bộ xuống các đơn vị, nhà máy tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất để nắm bắt, đề xuất hướng cải tiến và thiết kế trang bị mới; vừa tạo động lực, khuyến khích, động viên vừa tạo áp lực để cán bộ tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ. Cùng với đó, Viện luôn quan tâm làm tốt công tác chính sách tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên yên tâm công tác, cống hiến. Hiện nay, 90% cán bộ của Viện có trình độ đại học trở lên; trong đó, trên 70% có trình độ sau đại học với 18% cán bộ được công nhận chức danh chuyên môn nghiên cứu viên chính, kỹ sư chính và cao cấp; bước đầu xây dựng được đội ngũ chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực, làm nòng cốt cho sự phát triển của Viện.

Thực hành bắn nghiệm thu sản phẩm đề tài cấp Nhà nước.

Cùng với xây dựng nguồn lực về con người, Viện chủ động đề xuất, tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nghiên cứu theo hướng hiện đại, đồng bộ, có chiều sâu; ưu tiên các trang thiết bị kiểm tra, đo lường, thử nghiệm vũ khí, trang bị kỹ thuật mới và phục vụ công tác nghiên cứu cơ bản, tạo nền tảng kỹ thuật nâng cao năng lực nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển sản phẩm. Theo đó, Viện đã xây dựng, đề xuất cấp trên phê duyệt và triển khai các dự án, đề án nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nghiên cứu, thử nghiệm với lộ trình cụ thể. Giai đoạn 2019 - 2023, Viện đã hoàn thành 01 dự án phòng thí nghiệm, 04 nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ phòng thí nghiệm cấp Bộ Quốc phòng, v.v. Cùng với đó, Viện đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ nghiên cứu khoa học3. Đến nay, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu của Viện đã được củng cố, nâng cấp, hiện đại hóa và phát huy hiệu quả, trực tiếp nâng cao năng lực nghiên cứu thiết kế, chế tạo sản phẩm mới. Trên nền tảng đó, Viện đẩy mạnh triển khai thực hiện “Đề án xây dựng và phát triển Viện Công nghệ đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035”. Trong đó, tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án đầu tư cơ sở vật chất, các phòng thí nghiệm đặc chủng, như: “Nâng cao năng lực Viện Công nghệ”, “Phòng thí nghiệm vật liệu đặc chủng”, “Phòng thí nghiệm cao su”, “Phòng thí nghiệm tính toán mô phỏng các hệ thống vũ khí có điều khiển, vũ khí công nghệ cao”, “Xưởng chế thử thực nghiệm”,... nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Trước mắt, Viện nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế; tiếp nhận, làm chủ công nghệ chế tạo một số vũ khí, khí tài hiện đại, công nghệ tích hợp vũ khí trên một số phương tiện chiến đấu, tăng khả năng cơ động cho vũ khí, trang bị.

Để rút ngắn khoảng cách về công nghệ chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật mới với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, Viện đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tận dụng, kế thừa các kết quả nghiên cứu trong nước và thế giới, tranh thủ các trang thiết bị, trình độ công nghệ của các đối tác, tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, cùng với tham gia tiếp nhận, chuyển giao công nghệ của đối tác nước ngoài theo các chương trình hợp tác của Nhà nước và Bộ Quốc phòng, Viện tăng cường tổ chức hội thảo khoa học để giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các cơ sở nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Đồng thời, tích cực liên kết, hợp tác với các trung tâm nghiên cứu, nhà máy để chia sẻ công nghệ, khai thác hệ thống phòng thí nghiệm, mô phỏng, trang thiết bị nghiên cứu hiện đại, chuyên dụng để triển khai các dự án, đề tài. Thời gian qua, Viện đã hợp tác với các chuyên gia Liên bang Nga, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự (Bộ Tổng Tham mưu), Viện Công nghệ (Bộ Công Thương), Học viện Kỹ thuật quân sự và các viện, nhà máy trong Tổng cục triển khai thực hiện thành công nhiều đề tài, dự án lớn. Thông qua đó, giúp đội ngũ cán bộ của Viện trưởng thành, nắm bắt, làm chủ các công nghệ mới, như: vật liệu mới, mô phỏng, FPGA xử lý ảnh và kỹ thuật xử lý số tín hiệu, kỹ thuật đo lường và điều khiển số, v.v. Đây là nền tảng quan trọng để Viện ứng dụng vào nghiên cứu thiết kế, chế tạo sản phẩm mới.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Viện Công nghệ tiếp tục rà soát, bổ sung định hướng nghiên cứu khoa học, công nghệ giai đoạn 2025 - 2030 và những năm tiếp theo; chủ động đề xuất các nội dung nghiên cứu phù hợp với định hướng bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm trang bị, xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại, xây dựng nền công nghiệp quốc phòng “tự chủ, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại”. Đồng thời, tích cực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Tổng cục các chủ trương, giải pháp tháo gỡ khó khăn về quy định, cơ chế, chính sách, cũng như cơ chế hợp tác với nước ngoài để triển khai các chương trình liên kết nghiên cứu, trao đổi thông tin, mua sắm trang thiết bị,... nhằm tận dụng tốt các thành tựu khoa học, công nghệ của thế giới với phương châm đứng trên vai người khổng lồ”, nhanh chóng làm chủ được công nghệ nền, công nghệ lõi, tạo ra sản phẩm quốc phòng tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá, TS. PHẠM TUẤN HẢI, Viện trưởng
____________________
       

1 - Nghiên cứu công nghệ chế tạo các sản phẩm quốc phòng; thiết kế chế tạo máy, thiết bị và các dây chuyền sản xuất quốc phòng và kinh tế.

2 - Giai đoạn 2019 - 2024, Viện đã cử 360 đoàn cán bộ đi hợp tác nghiên cứu, học tập, hội thảo và làm việc với chuyên gia nước ngoài để chuyển giao công nghệ, thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ và môi trường.

3 - Năm 2023, Viện đã triển khai thành công sáng kiến “Nâng cấp, số hóa kính hiển vi đo lường phục vụ kiểm tra các chi tiết vũ khí có yêu cầu độ chính xác cao”.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.