Thứ Năm, 21/11/2024, 00:23 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Kiên Giang là tỉnh biên giới1, ven biển, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh có 15 huyện, thành phố với 144 xã, phường, thị trấn; có hơn 13% dân số là người Khmer (đứng thứ ba trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long). Những năm qua, Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” trong toàn Tỉnh được triển khai sôi nổi, rộng khắp nên diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp, mạng lưới giao thông nông thôn phát triển; công tác giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường nông thôn được chú trọng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, chất lượng, hiệu quả hoạt động được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh có 111/116 xã và 07 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng và toàn thể nhân dân trong Tỉnh cùng tham gia, trong đó lực lượng vũ trang Tỉnh hưởng ứng, chung sức xây dựng nông thôn mới với các giải pháp trọng tâm có ý nghĩa quan trọng.
Trước hết, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch, hướng dẫn của trên về thực hiện Phong trào thi đua “Lực lượng vũ trang Quân khu chung sức xây dựng nông thôn mới”2. Quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị nghiên cứu về thực tiễn, xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm địa bàn và khả năng của cơ quan, đơn vị mình; trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả 05 nhóm nội dung3 theo Hướng dẫn của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Quân khu 9. Để đạt hiệu quả, các cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan quân sự cấp huyện, thành phố tích cực tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng hệ thống chính trị địa phương vững mạnh; tham gia giúp dân xóa đói giảm nghèo; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, v.v. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ban ngành, đoàn thể địa phương và các lực lượng đứng chân trên địa bàn xây dựng kế hoạch, tổ chức ký kết phối hợp4 cùng thực hiện Phong trào xây dựng nông thôn mới bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, khoa học, khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu sót về nội dung của Phong trào. Qua đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất của toàn thể cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, sự nỗ lực cố gắng, quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện các mô hình tiêu biểu: “Tết Quân - Dân”; “Tết Quân - Dân mừng Chôl Chnăm Thmây”; “Nhà đồng đội”; “Nghĩa tình đồng đội”; “Tiếp bước em đến trường”, mang lại hiệu quả thiết thực, giải quyết được những vấn đề vướng mắc đã và đang đặt ra ở địa phương cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Để Phong trào “Lực lượng vũ trang Kiên Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” đạt kết quả cao, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp với Ban Dân vận và các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nhân đạo thực hiện chương trình “Tết Quân - Dân”, vận động hỗ trợ địa phương xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là cầu, đường giao thông nông thôn, trường học và xây tặng nhà cho đối tượng khó khăn về nhà ở trên những địa bàn còn khó khăn, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Chỉ tính riêng năm 2023, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh tổ chức thành công “Tết Quân - Dân” tại xã Bình Giang, huyện Hòn Đất và “Tết Quân - Dân mừng Chôl Chnăm Thmây” tại xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng; chỉ đạo các huyện, thành phố tổ chức tại các xã trên địa bàn các huyện, thành phố, với tổng kinh phí trên 150 tỉ đồng (kinh phí cấp tỉnh hơn 13 tỉ đồng). Lực lượng vũ trang Tỉnh đã hỗ trợ địa phương xây dựng 88 căn nhà, 10 cây cầu, 01 tuyến đường, tặng trên 2.000 phần quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, học sinh nghèo vượt khó, học giỏi. Đồng thời, huy động, tập hợp sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng xây dựng các công trình phúc lợi nhằm phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tô thắm thêm truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.
Cùng với những việc làm trên, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức khảo sát, thống nhất chọn đối tượng hộ nghèo, nắm nhu cầu, khả năng, nguyện vọng của gia đình cần giúp đỡ, nhất là các hộ gia đình có đất ở, đất sản xuất nhưng thiếu vốn, thiếu sức lao động, thiếu kiến thức về kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, làm cơ sở xây dựng kế hoạch, thống nhất lộ trình, mốc thời gian cụ thể để giúp đỡ các hộ gia đình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động phối hợp với Hội nông dân Tỉnh tổ chức tập huấn, tư vấn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ mô hình sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho nhân dân. Năm 2023, lực lượng vũ trang Tỉnh đã vận động trên 4.000 lượt cán bộ, chiến sĩ đóng góp kinh phí ủng hộ quỹ “Ngày vì người nghèo” số tiền trên 900 triệu đồng; tham gia quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên 800 triệu đồng, góp phần cùng với địa phương phát triển sản xuất, hỗ trợ gia đình chính sách. Đồng thời, tích cực tham gia thực hiện các chương trình giáo dục cộng đồng, như: vận động đưa trẻ đến trường; tham gia ngày công xây dựng, sửa chữa lớp học; hỗ trợ kinh phí, dụng cụ, đồ dùng, phương tiện học tập cho nhà trường và học sinh, v.v. Lực lượng vũ trang Tỉnh còn tích cực tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới, phòng, chống các tệ nạn xã hội, thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Năm 2023, lực lượng vũ trang Tỉnh đã tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí trên 1.500 lượt người; thăm, tặng trên 2.000 suất quà gia đình chính sách, hộ nghèo; tặng 100 suất học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi trên 25 triệu đồng; nhân dịp các ngày lễ, Tết tổ chức thăm, tặng quà cho gia đình chính sách, người có công, người có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 03 tỉ đồng. Qua đó, đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành 19 tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Một tiêu chí quan trọng trong tham gia xây dựng nông thôn mới được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đặc biệt quan tâm, đó là tham gia củng cố hệ thống chính trị gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của trên về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ5; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các cấp, các ngành, cán bộ đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa việc thực hiện mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quyết định quan trọng đến việc xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tham mưu kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện; tham gia chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện, chiến đấu phòng thủ cấp xã và tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh đúng theo kế hoạch, chất lượng đạt khá. Cùng với đó, chỉ đạo cơ quan quân sự các huyện, thành phố phối hợp, giúp địa phương củng cố, xây dựng lực lượng thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân ngày càng vững mạnh; xây dựng các tổ chức đảng, tổ chức quần chúng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ở cơ sở. Tập trung xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đảm bảo số lượng, chất lượng và độ tin cậy về chính trị. Nhờ đó, đến nay có 100% chi bộ quân sự cấp xã có cấp ủy, xây dựng, củng cố lực lượng dân quân tự vệ đạt 1,2% so với dân số, tỷ lệ đảng viên đạt 28,62%; xây dựng lực lượng dự bị động viên đúng và gần đúng chuyên nghiệp quân sự, đăng ký, quản lý, sắp xếp biên chế hợp lý, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, tỷ lệ đảng viên đạt 15,16%. Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ được tiến hành chặt chẽ từ khâu nắm nguồn, xét duyệt chính trị, bình xét, bình nghị, tuyên truyền, giáo dục, gặp gỡ; tổ chức tốt hội trại tòng quân, thăm hỏi, động viên, tặng quà thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Kết quả hằng năm đều đạt trên 100% chỉ tiêu. Bên cạnh đó, phối hợp tốt trong việc đón quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phương và hướng nghiệp học nghề, tạo việc làm ổn định cuộc sống; đồng thời, chọn nguồn cán bộ đưa đi đào tạo lớp trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở được thực hiện đúng quy trình, góp phần bảo đảm nguồn cán bộ quân sự ở địa phương cơ sở ổn định, vững chắc.
Những kết quả đạt được trên là tiền đề quan trọng để lực lượng vũ trang Tỉnh tiếp tục nỗ lực, chung sức xây dựng nông thôn mới, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tỉnh Kiên Giang vượt qua khó khăn, hoàn thành tiêu chí theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đại tá LÊ HOÀNG VŨ, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh ___________________
1 - Có đường biên giới trên đất liền và trên biển giáp với Vương quốc Campuchia.
2 - Kế hoạch số 80/KH-CCT, ngày 02/02/2012 và Hướng dẫn số 138/HD-CCT, ngày 20/02/2012 của Cục Chính trị Quân khu 9, Hướng dẫn số 1631/HD-BCĐ, ngày 18/12/2013 của Ban Chỉ đạo Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới Bộ Tư lệnh Quân khu 9 về hưởng ứng thực hiện Phong trào thi đua “Lực lượng vũ trang Quân khu chung sức xây dựng nông thôn mới”.
3 - 05 nhóm nội dung: Tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; vận động, đóng góp kinh phí để hỗ trợ vốn cho gia đình nghèo phát triển sản xuất nhằm xóa đói giảm nghèo; tuyên truyền vận động học sinh nghèo bỏ học đến lớp, giữ gìn vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, giáo dục truyền thống của địa phương, đơn vị; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể địa phương vững mạnh; phối hợp địa phương tham gia huấn luyện, diễn tập, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng địa bàn an toàn.
4 - Đến năm 2024 các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang Tỉnh đã ký kết với 50 xã trên địa bàn; trong đó, có 49 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới.
5 - Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”; Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ, v.v.
Lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang,xây dựng nông thôn mới,hệ thống chính trị địa phương,xóa đói giảm nghèo
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Sư đoàn 10 đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong tình hình mới 19/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh