Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 09/08/2012, 15:38 (GMT+7)
Ngành Hậu cần Quân khu 3 thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ

Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 10/CT-BQP, Chương trình hành động số 554/CTr-BQP của Bộ Quốc phòng về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, thời gian qua, ngành Hậu cần Quân khu 3 đã có nhiều giải pháp phù hợp, đồng bộ; trong đó, tập trung vào đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, giữ ổn định đời sống bộ đội, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ, đồng thời góp phần bảo đảm cho lực lượng vũ trang Quân khu hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

alt
Kiểm tra việc bảo đảm định lượng ăn tại bếp
 

Với tinh thần chủ động và trách nhiệm cao, ngay sau khi có Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần, Cục Hậu cần Quân khu đã chủ động tham mưu cho Bộ Tư lệnh (BTL) Quân khu ra Chỉ thị số 1175/CT-BTL, ngày 18-3-2011 về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tốt đời sống bộ đội và Chương trình hành động của BTL Quân khu về thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP. Trên cơ sở đó, Cục cũng kịp thời xây dựng Chương trình hành động và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong Quân khu tổ chức thực hiện.

Để việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ đạt hiệu quả cao, Đảng ủy, chỉ huy Cục đã coi trọng và tập trung trước hết vào lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Mục tiêu đặt ra là, phải làm cho mọi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ nhận thức rõ khó khăn của nền kinh tế đất nước, nhất là thấy được những khó khăn trong công tác hậu cần (CTHC) của Quân khu, cũng như các chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước, BQP; từ đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức, trách nhiệm, xây dựng quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Để thực hiện tốt vấn đề này, Cục đã có Hướng dẫn số 59/HD-CT, ngày 07-4-2011 quy định cụ thể tài liệu, phương pháp, thời gian tiến hành quán triệt, học tập cho từng đối tượng, từ cấp ủy, chỉ huy cơ quan đến cán bộ, đảng viên, nhân viên hậu cần các cấp. Về nội dung, Ngành tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu về Nghị quyết 11/NQ-CP; Kết luận số 02-KL/TW, ngày 16-3-2011 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 10/CT-QP, Chương trình hành động số 554/CTr-BQP của Bộ Quốc phòng; Công văn số 314/HC-TM, ngày 24-3-2011 của Tổng cục Hậu cần, cùng các mục tiêu, yêu cầu, biện pháp thực hiện đã được BTL Quân khu và Cục cụ thể hoá trong các chương trình hành động. Trong quá trình tiến hành, Ngành chú trọng phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng cơ quan, phân đội hậu cần và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở các cấp; tích cực vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền, phổ biến, với phương châm “thiết thực, hiệu quả, hướng mạnh về đơn vị cơ sở”. Mặt khác, Cục tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị cụ thể hoá việc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, trực tiếp là Chương trình hành động của BTL Quân khu bằng những kế hoạch hành động, biện pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời, chỉ đạo cơ quan hậu cần các cấp coi trọng phát hiện, phê phán, khắc phục kịp thời nhận thức lệch lạc, biểu hiện thờ ơ trong quán triệt và thực hiện. Không dừng lại ở đó, sau 6 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, Chỉ thị số 10/CT-BQP, Cục đã xây dựng và thực hiện tốt Kế hoạch số 186/KH-CT, ngày 18-8-2011, tổ chức tuyên truyền trực quan về những hoạt động và kết quả đạt được trên các mặt CTHC của Quân khu. Đây là cách làm sáng tạo, không chỉ kịp thời khích lệ tinh thần tự lực, tự cường của bộ đội, cổ vũ những tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, mà còn giúp toàn thể cán bộ, chiến sĩ thấy rõ hơn ý nghĩa và giá trị thiết thực của những giải pháp trong chương trình hành động của Quân khu, ngành Hậu cần; từ đó, đề cao trách nhiệm, tích cực tham gia, tạo động lực để việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đi vào chiều sâu, ngày càng hiệu quả.

Tập trung giữ ổn định đời sống bộ đội là nội dung trọng tâm trong Chương trình hành động của Quân khu nhằm cụ thể hoá, thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP, đồng thời cũng là vấn đề cơ bản tạo cơ sở cho lực lượng vũ trang Quân khu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, thực hiện được yêu cầu này là vấn đề không đơn giản. Trên thực tế, giá các loại mặt hàng thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm (LTTP) liên tục tăng trong thời gian dài, nguồn cung không ổn định… đã gây không ít khó khăn cho công tác bảo đảm hậu cần, tác động trực tiếp đến tiêu chuẩn, định lượng ăn hằng ngày của bộ đội. Trước tình hình đó, Cục đã tham mưu cho Đảng ủy, BTL Quân khu và chỉ đạo hậu cần các đơn vị triển khai nhiều biện pháp tích cực, đồng bộ; đặc biệt là chỉ đạo đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất (TGSX) ở tất cả các cấp trong toàn Quân khu, coi đây là giải pháp then chốt, nhằm tạo nguồn LTTP tại chỗ ổn định, không để lạm phát làm ảnh hưởng đến đời sống bộ đội.

alt
Một số sản phẩm tăng gia sản xuất của bộ đội
 

Thực hiện giải pháp này, Ngành đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác TGSX; đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt trong tổ chức thực hiện, tập trung chỉ đạo quyết liệt, sát sao đối với công tác này. Để đạt hiệu quả cao, Cục chỉ đạo các đơn vị tận dụng tối đa mọi nguồn lực, chủ động xây dựng kế hoạch TGSX với các chỉ tiêu, biện pháp cụ thể cho từng tháng, quý phù hợp với đặc điểm của đơn vị và địa bàn. Thời gian qua, Quân khu chú trọng phát huy hiệu quả của các điểm chăn nuôi, TGSX tập trung đã được đầu tư; đồng thời, tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh TGSX ở cấp tiểu đoàn theo mô hình “vườn - ao - chuồng - giàn”, nhằm tạo nguồn LTTP tại chỗ bảo đảm trực tiếp cho bữa ăn hằng ngày của bộ đội. Mặt khác, Quân khu tích cực rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư TGSX đã được phê duyệt, đặc biệt là các dự án  gắn với căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần khu vực phòng thủ, để sớm đưa vào khai thác, tạo thêm sản phẩm góp phần giải quyết khó khăn trước mắt. Theo sự chỉ đạo của Ngành, các đơn vị đã tận dụng mọi nguồn đất đai (một số đơn vị đã thuê, mượn thêm đất của địa phương, đơn vị bạn để sản xuất), giống, vốn, sức lao động của bộ đội để mở rộng diện tích gieo trồng, đầu tư củng cố chuồng, trại, để tăng quy mô đàn gia súc, gia cầm, chú trọng chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng theo mùa, vụ và ưu tiên trồng các loại rau màu chất lượng cao, ngắn ngày. Cùng với đó, các đơn vị đã tích cực đa dạng hoá vật nuôi, cây trồng; đẩy mạnh xen canh, gối vụ, tổ chức trồng trọt theo hướng thâm canh, chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp; đẩy mạnh tự túc sản xuất cây, con giống phù hợp với từng cấp để giảm chi phí; đồng thời, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả TGSX. Cuối năm 2011, khi giá LTTP trên thị trường tăng cao, công tác TGSX gặp khó khăn, Ngành đã kịp thời tham mưu cho BTL Quân khu, một mặt, tạm ứng ngân sách cho các đơn vị mua thực phẩm dự trữ để ổn định nguồn cung, hạn chế tác động của việc tăng giá ảnh hưởng đến bữa ăn của bộ đội; mặt khác, cho các đơn vị đủ quân vay vốn (với tổng số tiền 370 triệu đồng), giúp các đơn vị bổ sung thêm 374 đầu lợn và 1.780 con gia cầm, góp phần mở rộng sản xuất.

Cùng với các biện pháp đẩy mạnh tăng gia, chăn nuôi, Ngành chỉ đạo các đơn vị coi trọng phát huy hiệu quả hoạt động của các cơ sở sản xuất, trạm chế biến để cân đối, điều hoà sản phẩm TGSX giữa các bếp ăn, nhất là khi giáp vụ, lúc giá cả tăng cao, thực hiện khép kín từ sản xuất đến sử dụng sản phẩm. Trạm chế biến, giết mổ tập trung của các đơn vị được củng cố theo hướng cơ bản, biên chế đủ nhân viên và trang, thiết bị cần thiết, duy trì hoạt động ổn định, tăng cường tổ chức giết mổ, chế biến thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn; qua đó, tự đảm bảo được 100% nhu cầu giò, chả, đậu phụ, giá đỗ…

Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng nhờ nỗ lực cao của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công tác TGSX, tạo nguồn của Quân khu đã có bước phát triển đồng đều ở cả 3 cấp (tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn và tương đương), ở cả các đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, Quân khu đã thu hoạch được 1.584 tấn rau xanh; 483 tấn thịt xô lọc; 107 tấn cá tươi; 4,3 tấn lạc, vừng cùng hàng triệu quả trứng gia cầm... Tổng giá trị sản phẩm đạt trên 57 tỷ đồng; giá trị lãi đạt gần 13 tỷ đồng. Từ hiệu quả TGSX, Quân khu đã tự túc được 90% định lượng rau, củ, quả; 70% định lượng thịt; 35% định lượng cá; trong đó, nhiều đơn vị tự túc được 100% định lượng rau xanh, 90-100% định lượng thịt, cá. Các sản phẩm TGSX đưa vào bếp ăn luôn có giá thấp hơn so với giá sản phẩm cùng loại ngoài thị trường ở cùng thời điểm trung bình từ 5-15%. Qua đó, giúp các đơn vị giữ ổn định và cải thiện một bước chất lượng bữa ăn của bộ đội; đồng thời, góp phần tích cực vào việc bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Quân khu.

alt
Huấn luyện tổ chức ăn, ở dã ngoại

Đi đôi với các giải pháp trên, thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí được Cục xác định là nội dung quan trọng trong thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Thời gian qua, Ngành đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho cán bộ, chiến sĩ và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều biện pháp thực hành tiết kiệm trong CTHC; đặc biệt là trong đầu tư xây dựng cơ bản, sử dụng xăng dầu, điện, nước… Cơ quan Hậu cần các cấp đã tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo đảm, kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm và quản lý, duy trì nghiêm các nguyên tắc, chế độ quy định trong CTHC; đồng thời, tích cực mở rộng đấu thầu trong mua sắm, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Quán triệt sâu sắc chủ trương, định hướng của cấp trên và chỉ đạo của Ngành, các đơn vị đã duy trì nghiêm túc các quy chế, quy định về quản lý, sử dụng xăng dầu, điện, nước, doanh cụ..., tiến hành giao chỉ tiêu, định mức sử dụng cho từng nhiệm vụ, từng đầu mối đơn vị; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tiết kiệm trên tất cả các khâu, các mặt CTHC, như: hạn chế thải bỏ trong chế biến, nấu ăn; đầu tư thay thế, sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, tiết kiệm chất đốt; quản lý chặt chẽ kế hoạch sử dụng xe, tăng cường kết hợp vận chuyển 2 chiều, ghép xe khi đi công tác; tận dụng năng lực của đơn vị, huy động công sức của cán bộ, chiến sĩ để sửa chữa phương tiện, doanh trại để tiết kiệm kinh phí… Từ đầu năm 2011 đến nay, các đơn vị trong Quân khu đã mua sắm, thay thế trên 70% đèn sợi đốt bằng đèn com-pắc tiết kiệm điện; tổ chức lắp đặt, đưa vào sử dụng 80 bếp lò hơi cơ khí, giúp giảm 20-25% lượng chất đốt so với quy định. Với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp trên, năm 2011, các ngành, đơn vị đã tiết kiệm được trên 3,57 tỷ đồng cho dự phòng chi tiêu của BTL Quân khu và 344 triệu đồng theo Chỉ thị số 10/CT-BQP; 6 tháng đầu năm 2012, Quân khu đã tiết kiệm gần 4 tỷ đồng. Từ thực tiễn đã xuất hiện nhiều cách làm hiệu quả, nhiều đơn vị điển hình, tiêu biểu như: Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố Hải Phòng đã tiết kiệm được hơn 266 triệu đồng từ hạ mức đun than, tiết kiệm điện, nước, xăng dầu, tự giết mổ, chế biến; Đoàn 273 tiết kiệm được trên 300 triệu đồng,

Lữ đoàn 513 tiết kiệm được hơn 82 triệu đồng từ việc phát huy nội lực tự sửa chữa, xây dựng doanh trại… Những con số trên thật có ý nghĩa, song quan trọng hơn, thông qua đó, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn Quân khu. Đây cũng là biểu hiện sinh động của lực lượng vũ trang Quân khu trong việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 317-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Tuy nhiên, không thoả mãn với kết quả đã đạt được, ngành Hậu cần Quân khu đang tiếp tục phấn đấu và quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu, giải pháp đã xác định trong Chương trình hành động của Quân khu; qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ trong thời gian tới.

Đại tá  PHAN BÁ DÂN

Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu



 

Ý kiến bạn đọc (0)