Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 20/11/2017, 08:31 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Thủ đô đẩy mạnh thực hiện công tác kỹ thuật

Xuất phát từ vị trí chiến lược trọng yếu của địa bàn Thủ đô Hà Nội và yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, những năm gần đây, nhu cầu bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật của lực lượng vũ trang Thủ đô cũng tăng mạnh; số lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật cần sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp, đồng bộ tăng. Trong khi đó, vũ khí, trang bị kỹ thuật của các đơn vị đa dạng về chủng loại, phần lớn đã sử dụng qua nhiều năm, thiếu đồng bộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao; tổ chức lực lượng ngành Kỹ thuật và năng lực của hệ thống kho tàng, cơ sở bảo đảm kỹ thuật các cấp có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; ngân sách bảo đảm cho công tác kỹ thuật còn hạn hẹp, v.v.

Trước tình hình đó, Cục Kỹ thuật - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về công tác kỹ thuật, nhất là Nghị quyết 382-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và bám sát nhiệm vụ chính trị của lực lượng vũ trang Thủ đô, chủ động tham mưu, đề xuất cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh về chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật. Trong đó, trọng tâm là triển khai thực hiện Chương trình 925-CTr/ĐU của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội về thực hiện Nghị quyết 382-NQ/ĐUQSTW; Chỉ thị 984-CT/ĐU về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và khắc phục ùn tắc giao thông và Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn tiết kiệm và An toàn giao thông” (Cuộc vận động 50). Để đạt mục đích, yêu cầu đề ra, Cục đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các đơn vị, địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác kỹ thuật; tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống nội quy, quy định công tác kỹ thuật,... phù hợp với tình hình thực tiễn, làm cơ sở xây dựng nền nếp chính quy công tác kỹ thuật; đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan kỹ thuật các cấp trong tổ chức thực hiện. Do đặc thù hoạt động, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố. Vì thế, Cục đã tích cực nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đổi mới phương thức bảo đảm kỹ thuật, nhất là phân cấp bảo đảm, quản lý; quy hoạch sử dụng, đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; tích cực huy động, khai thác ngân sách địa phương tăng cường nguồn bảo đảm cho công tác kỹ thuật,... nâng cao năng lực bảo đảm của kỹ thuật các cấp. Mặt khác, Ngành tích cực tham mưu, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bộ đội đối với công tác kỹ thuật; đồng thời, tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các nội dung trọng tâm, khắc phục triệt để khâu yếu, mặt yếu trong công tác kỹ thuật.

Thực tế cho thấy, hệ thống các kho, trạm, xưởng sửa chữa là hạt nhân trong bảo đảm kỹ thuật cho lực lượng vũ trang Thủ đô và năng lực, chất lượng thực hiện của các cơ sở bảo đảm kỹ thuật này quyết định chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật. Nhận thức rõ điều đó, Cục đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh xây dựng Quy hoạch hệ thống kho tàng kỹ thuật giai đoạn 2015 - 2020 và Quy hoạch hệ thống cơ sở trạm, xưởng các cấp theo Chương trình thực hiện Nghị quyết 382-NQ/ĐUQSTW, đảm bảo chính quy, thống nhất, liên hoàn từ cấp Bộ Tư lệnh đến các đơn vị, gắn với thế trận khu vực phòng thủ quận, huyện, Thành phố. Để đạt hiệu quả cao, Ngành thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, dứt điểm cho từng đơn vị, ưu tiên những hạng mục thiết thực phục vụ công tác kỹ thuật của đơn vị và cơ sở bảo đảm kỹ thuật trên các hướng, địa bàn trọng điểm theo kế hoạch tác chiến phòng thủ. Bằng nhiều biện pháp đồng bộ, kết hợp phát huy nội lực với tranh thủ sự quan tâm của Thành phố và các quận, huyện, đến nay, hệ thống kho kỹ thuật của Đơn vị đã được củng cố một bước; nhiều nhà kho vũ khí, đạn của các đơn vị, quận, huyện, thị xã được di dời, đầu tư xây mới, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Các cơ sở sửa chữa cấp chiến dịch, chiến thuật được đầu tư cơ bản, nâng cấp cả về công nghệ và trang thiết bị, với hàng nghìn mét vuông mặt bằng được làm mới, hàng trăm trang thiết bị công nghệ được bổ sung; trong đó, có nhiều trang, thiết bị bảo dưỡng, sửa chữa chuyên ngành hiện đại. Đáng chú ý là, năm 2016, Cục đã tham mưu, giúp Bộ Tư lệnh xây dựng Chương trình, mục tiêu thực hiện Nghị quyết 382 giai đoạn 2016 - 2021. Trên cơ sở đó, lập dự án đề nghị Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt và Thành phố cấp ngân sách xây dựng hệ thống kho vũ khí, trang bị kỹ thuật theo mẫu thống nhất trong toàn quân; đầu tư chiều sâu công nghệ, nâng cấp trạm, xưởng sửa chữa tổng hợp của Bộ Tư lệnh và Sư đoàn Bộ binh 301; xây dựng nâng cấp Trạm kiểm định thành Trung tâm kiểm định kết hợp bảo dưỡng, sửa chữa ô tô,… góp phần từng bước làm chủ bảo đảm kỹ thuật cho dòng xe thế hệ mới. Mặt khác, Ngành cũng ưu tiên đồng bộ các công trình xa để tăng cường khả năng sửa chữa cơ động, v.v. Qua đó, nâng cao một bước năng lực, trình độ công nghệ trong sửa chữa, bảo dưỡng vũ khí, trang bị kỹ thuật, thực hiện tốt phân cấp sửa chữa, kết hợp bảo đảm kỹ thuật tại chỗ theo khu vực với bảo đảm cơ động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ được giao của lực lượng vũ trang Thủ đô.

Cùng với đầu tư nâng cấp kho tàng, trạm, xưởng, cơ sở bảo đảm kỹ thuật, Ngành quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật vững mạnh. Đây là vấn đề vừa có tính cấp thiết, vừa cơ bản lâu dài và là yếu tố quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ công tác kỹ thuật. Trước thực trạng lực lượng chuyên môn kỹ thuật thiếu so với biên chế, chưa cân đối về ngành nghề, lứa lớp; trình độ tay nghề có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; thợ lành nghề còn ít,… Cục đã chủ động phối hợp với các cơ quan cán bộ, quân lực rà soát đánh giá số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật các cấp; xây dựng kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, gắn quy hoạch, đào tạo với bố trí sử dụng. Trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ nhân viên, thợ kỹ thuật lành nghề ở các chuyên ngành; nhất là cán bộ, nhân viên kỹ thuật chuyên ngành khí tài đặc chủng và cán bộ, nhân viên kỹ thuật ở đơn vị cơ sở. Để khắc phục khó khăn trước mắt, thời gian qua, Cục tham mưu cho Bộ Tư lệnh tuyển chọn chiến sĩ đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng nghề để bổ sung cho các trạm, xưởng sửa chữa, nhất là xưởng sửa chữa tổng hợp của Bộ Tư lệnh, nâng cao năng lực khai thác làm chủ các trang thiết bị mới, hiện đại trong bảo dưỡng, sửa chữa các loại xe thế hệ mới.

Để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, thời gian qua, cùng với việc cử cán bộ, nhân viên đi đào tạo, bổ túc tại các cơ sở đào tạo, ngành Kỹ thuật chú trọng nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, tập huấn kỹ thuật hằng năm. Trong huấn luyện, Ngành luôn bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp huấn luyện; kết hợp hài hòa giữa huấn luyện toàn diện với chuyên sâu; tích cực cập nhật kiến thức mới về khai thác, sử dụng các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới. Mặt khác, Ngành coi trọng tổ chức diễn tập kỹ thuật, nâng cao trình độ toàn diện cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật các cấp, nhất là trình độ, năng lực chỉ huy, tổ chức bảo đảm kỹ thuật trong tác chiến. Từ năm 2015 đến nay, Ngành tổ chức huấn luyện khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật cho 8.189 lượt người; bồi dưỡng, thi nâng bậc thợ, kiểm tra tay nghề lái xe 362 lượt người; bổ túc lái xe thiết giáp 150 lượt người. Năm 2016, Ngành đã hoàn thành tốt việc tổ chức bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị diễn tập chỉ huy cơ quan 1 bên, 2 cấp có một phần thực binh cơ động đường dài, bắn đạn thật và 09 quận, huyện, thị xã diễn tập khu vực phòng thủ. Ngoài ra, Ngành còn thực hiện tốt công tác chính sách đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để họ yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị, nhất là đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có trình độ, tay nghề cao. Đến nay, hơn 90% cán bộ ngành Kỹ thuật Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội có trình độ đại học; 100% cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị có trình độ đại học và trên đại học, có năng lực lãnh đạo, chỉ huy, quản lý và điều hành nghiệp vụ công tác kỹ thuật vững vàng; đội ngũ nhân viên kỹ thuật giỏi một nghề, biết nhiều nghề, đủ khả năng thực hiện tốt chức năng làm nòng cốt trong công tác kỹ thuật ở các cấp.

Nhằm duy trì và phục hồi tính năng kỹ thuật, chiến thuật của vũ khí, trang bị, hạn chế tác động của các yếu tố khí hậu, môi trường và điều kiện sử dụng, Ngành tập trung nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật. Trọng tâm là tổ chức tốt việc sửa chữa, bảo đảm đồng bộ vũ khí, trang bị theo phân cấp; chú trọng nâng cao chất lượng bảo dưỡng, sửa chữa tại đơn vị, kết hợp chặt chẽ giữa sửa chữa tại trạm, xưởng các cấp với cơ động sửa chữa, đồng bộ. Đồng thời, duy trì nghiêm chế độ bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất vũ khí, trang bị kỹ thuật, bảo đảm đúng định kỳ, quy trình công nghệ; trong đó, chú trọng sử dụng công nghệ vật liệu mới trong niêm cất, bảo quản, nhất là đối với các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật đặc chủng. Để nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật, Ngành duy trì nền nếp hội thi, hội thao kỹ thuật; đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở các cấp, các ngành. Thông qua hội thi, hội thao, hàng trăm xe, pháo được sửa chữa đồng bộ, sơn mới; hàng ngàn mét vuông nhà kho, trạm, xưởng sửa chữa được tu sửa, xây mới; hệ thống phòng, chống cháy nổ được củng cố và từng bước hoàn thiện. Năm 2016, tham gia Hội thi thợ sửa chữa vũ khí bộ binh giỏi và Hội thi kho kỹ thuật cấp chiến dịch toàn quân, ngành Kỹ thuật Bộ Tư lệnh Thủ đô đạt 01 giải Nhất, 01 giải Nhì; thi sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện toàn quân đạt 01 giải Nhì, 01 giải Ba và 01 giải Khuyến khích. Điều đó đã khẳng định chất lượng công tác kỹ thuật của lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội.

Cùng với các nội dung, giải pháp trên, Ngành đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động 50, tạo động lực để nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật. Ngành tích cực tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo Cuộc vận động 50 các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và tinh thần tự giác cho mọi đối tượng; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai Cuộc vận động 50, với các chủ trương, biện pháp phù hợp tình hình thực tế của đơn vị, địa phương mình. Do đặc điểm địa bàn Thủ đô Hà Nội có mật độ giao thông cao, tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông là vấn đề được Thành phố đặc biệt quan tâm. Trong khi đó, hằng ngày có hàng nghìn lượt phương tiện vận tải quân sự, phương tiện cá nhân của cán bộ, công nhân viên quốc phòng tham gia giao thông. Nhận thức rõ điều đó, từ năm 2009, Cục đã tham mưu, giúp Bộ Tư lệnh xây dựng “Kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giữa các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn thành phố Hà Nội” và chủ trì phối hợp thực hiện, góp phần làm giảm đáng kể tai nạn giao thông ở cả ba tiêu chí, được Ủy ban nhân dân Thành phố và Ban Chỉ đạo Cuộc vận động 50 Bộ Quốc phòng đánh giá cao.

Phát huy những kết quả đã đạt được và kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện, lực lượng vũ trang Thủ đô tiếp tục phấn đấu, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại tá NGUYỄN XUÂN QUANG, Cục trưởng Cục Kỹ thuật - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

Ý kiến bạn đọc (0)