Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Chủ Nhật, 17/07/2011, 14:48 (GMT+7)
Lữ đoàn Công binh 249 thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và giải toả ách tắc giao thông

alt
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiếm tra thông cầu phao Chèm (năm 2009)
 

Lữ đoàn Công binh 249 (Đoàn Công binh Sông Lô) thuộc Binh chủng Công binh, thành lập ngày 24-7-1951. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đơn vị đã tham gia nhiều chiến dịch lớn, nhất là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Với phương tiện thô sơ, tận dụng vật liệu tại chỗ là chính, Đơn vị đã bảo đảm cho 2 đại đoàn chủ lực và dân công cùng nhiều phương tiện, trang bị vượt sông; tổ chức phá bom, mở đường Tuần Giáo-Điện Biên, làm đường kéo pháo và thông luồng vận tải sông Nậm Na phục vụ Chiến dịch. Từ năm 1954 đến năm 1964, Lữ đoàn tập trung xây dựng đơn vị tiến lên chính quy, hiện đại và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nổi bật là nhiệm vụ: hàn khẩu đê Mai Lâm trên sông Đuống (Bắc Ninh), xây dựng Công trình thuỷ nông Bắc-Hưng-Hải… Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn bám bến, bám sông, bắc cầu, ghép phà, phá bom ở những địa bàn trọng điểm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân Mỹ ra miền Bắc (Xuân Sơn, Linh Cảm, Long Đại, Phương Thuý…). Lữ đoàn có vinh dự tham gia Chiến dịch Quảng Trị (1972) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tiếp đó, Lữ đoàn còn tham gia vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi hoạ diệt chủng. Với những thành tích xuất sắc đó, ngày 29-8-1985, Lữ đoàn vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Từ năm 1986 đến nay, Lữ đoàn tập trung kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng huấn luyện và sức mạnh chiến đấu, làm chủ phương tiện, trang bị kỹ thuật mới, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, Lữ đoàn còn hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng công trình K9, BV 8.99; làm đường CT 229, đường tuần tra biên giới, rà phá bom mìn, vật nổ. Nổi bật là, Lữ đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và giải toả ách tắc giao thông; trong đó, có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, như: bắc cầu phao Khuyến Lương, cầu phao Chèm, cầu phao sông Đuống…, góp phần giải toả ách tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Lữ đoàn đã rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu sau:

alt
Diễn tập nổ phá đê phân chậm lũ - tìm kiếm cứu nan
Một là, tập trung thực hiện tốt công tác chuẩn bị theo hướng toàn diện, chu đáo, tỉ mỉ. Đối với nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và giải tỏa ách tắc giao thông, công tác chuẩn bị có vai trò hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới việc hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bởi lẽ, thiên tai, lũ lụt thường diễn ra đột xuất, khó lường trước; thời gian chuẩn bị gấp, nhiệm vụ phải thực hiện thường ở xa doanh trại; trong khi đó, nhiều phương tiện, trang bị, khí tài của Lữ đoàn đã qua sử dụng lâu năm, thiếu đồng bộ, một số đã xuống cấp. Nhận rõ điều đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị với tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo, toàn diện cả về con người và phương tiện, cơ sở vật chất, kỹ thuật. Trong đó, Lữ đoàn đặc biệt coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, để mỗi người thấy rõ: phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và giải tỏa ách tắc giao thông là “nhiệm vụ chiến đấu của quân đội trong thời bình”. Từ đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ, Lữ đoàn tăng cường giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ ý thức sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, tinh thần tự giác, lòng dũng cảm vượt qua khó khăn gian khổ, cứu giúp nhân dân trong bão lũ, hoạn nạn; giáo dục tinh thần đoàn kết, tạo sự gắn bó giữa cán bộ với chiến sĩ, cấp trên với cấp dưới, cùng quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Một trong những nội dung mà Lữ đoàn hết sức quan tâm là: chuẩn bị tốt về phương tiện, trang bị kỹ thuật. Để thực hiện tốt công tác này, Lữ đoàn tiến hành đồng bộ các mặt công tác kỹ thuật, từ việc tiếp nhận trang bị đến công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa các phương tiện, trang bị kỹ thuật, bảo đảm hệ số kỹ thuật của nhóm sẵn sàng chiến đấu = 1. Cùng với đó, các đơn vị thường xuyên chuẩn bị đầy đủ lượng dự trữ vật chất hậu cần, kỹ thuật theo quy định; thực hiện phân cấp hợp lý, bao gói gọn gàng, thuận tiện cho việc bốc xếp, cơ động; bảo đảm thông tin thông suốt trong mọi tình huống; công tác trinh sát nắm tình hình (đường bộ, đường sông, bến vượt chính thức, dự bị; tình hình địa bàn, dân cư…), làm cơ sở cho Lữ đoàn xây dựng kế hoạch, xác định quyết tâm và triển khai lực lượng, phương tiện, trang bị kỹ thuật thực hiện nhiệm vụ. Nhờ chuẩn bị toàn diện, chu đáo, cụ thể, nên trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào, Lữ đoàn cũng luôn chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, có lệnh là lên đường trong thời gian nhanh nhất.

alt
Bảo đảm giao thông tại đập Phùng, Đan Phượng, Hà Nội (năm 2008)
Hai là, công tác huấn luyện, diễn tập phải sát với thực tế nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Chỉ lệnh huấn luyện chiến đấu của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và Mệnh lệnh huấn luyện hằng năm của Tư lệnh Binh chủng, Lữ đoàn triển khai toàn diện cả công tác huấn luyện chiến đấu và huấn luyện thực hiện các phương án phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, giải toả ách tắc giao thông. Công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ của Lữ đoàn hằng năm được thực hiện thành nền nếp, tập trung bồi dưỡng, thống nhất về tổ chức, phương pháp huấn luyện và những nội dung mới, bảo đảm cho cán bộ huấn luyện được theo phân cấp. Trong huấn luyện phân đội, Lữ đoàn coi trọng rèn luyện nâng cao khả năng cơ động của bộ đội trong các môi trường phức tạp, như: sông nước, mưa gió, các loại địa hình… Được giao quản lý, khai thác, sử dụng các loại phương tiện, trang bị kỹ thuật đặc chủng với hàng trăm đầu xe máy, tàu, thuyền, nên Lữ đoàn đặc biệt chú trọng huấn luyện, bổ túc nâng cao trình độ thao tác, vận hành thuần thục các loại phương tiện, trang bị kỹ thuật chuyên ngành cho đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật; trong đó, tập trung vào vận hành trạm MRIV, lái tuyến tổng hợp PMP, GSP, PTS… Cùng với đó, Lữ đoàn thực hiện tốt nền nếp huấn luyện nâng cao thể lực, sức chịu đựng của bộ đội trong những điều kiện hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt khi thực hiện nhiệm vụ.

Trong diễn tập, Lữ đoàn đặc biệt chú trọng bám sát phương án, kế hoạch phù hợp với nhiệm vụ, yêu cầu phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và giải tỏa ách tắc giao thông. Lữ đoàn chỉ đạo thực hiện đôn vai diễn tập lên trên một cấp để bồi dưỡng, nâng cao trình độ chỉ huy tham mưu cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp tiểu đoàn. Thông qua diễn tập, Lữ đoàn kiểm tra, đánh giá toàn diện các mặt từ công tác chuẩn bị đến hành động thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ; đồng thời, phát hiện những mặt còn hạn chế để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Ba là, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với địa phương và các lực lượng khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Công tác phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai và giải toả ách tắc giao thông do nhiều lực lượng cùng tham gia; hơn nữa, quá trình thực hiện nhiệm vụ sẽ liên quan nhiều đến địa phương, thậm chí là các hộ gia đình. Vì vậy, Lữ đoàn thường xuyên phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương trên địa bàn được phân công để xây dựng phương án, kế hoạch, dự kiến trước các tình huống có thể xảy ra để cùng giải quyết. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Lữ đoàn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tham gia và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ phận thuộc quyền, bảo đảm tránh sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.

alt
Bảo đảm giao thông cầu phao trên sông Đuống (năm 2010)
Năm 2010, thực hiện nhiệm vụ bắc cầu phao sông Đuống, bảo đảm giao thông phục vụ cho việc sửa chữa Cầu trong thời gian dài, Lữ đoàn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, cảnh sát đường thuỷ, đường bộ, Thanh tra Giao thông, Trạm Quản lý đường sông và các đơn vị có liên quan để thống nhất các biện pháp bảo đảm an toàn cho các hoạt động tại khu vực cầu Đuống. Nhờ đó, Lữ đoàn đã tổ chức thông cầu đúng thời gian quy định và đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trong 85 ngày đêm, với trên 597.000 lượt ô tô (bình quân trên 7.000 xe/ngày đêm), được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và nhân dân khen ngợi, đánh giá cao.

Bốn là, phát huy cao độ tinh thần dân chủ, trí tuệ tập thể và vai trò của người chỉ huy. Qua thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất của Lữ đoàn trong những năm gần đây cho thấy: nếu phát huy tốt dân chủ, trí tuệ tập thể, tinh thần sáng tạo của cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và chiến sĩ, thì dù nhiệm vụ nặng nề, phức tạp, nguy hiểm, đơn vị vẫn hoàn thành tốt. Để triển khai bắc cầu phao sông Đuống, Lữ đoàn phải di chuyển lực lượng, phương tiện, khí tài, trang bị trong điều kiện đường cơ động khó khăn, mật độ giao thông lớn. Nhờ thảo luận dân chủ, Đảng uỷ Lữ đoàn đã xác định chủ trương di chuyển lực lượng bằng đường thuỷ; nhờ vậy, vừa rút ngắn đường đi, vừa tiết kiệm được nhiên liệu và thời gian. Trong điều kiện lòng sông sâu, hẹp, vận tốc dòng chảy trong mùa mưa bão lớn (có thời điểm đạt 2,82m/s, vượt xa chỉ số kỹ thuật cho phép của cầu là 1,5m/s), đội ngũ cán bộ, chuyên môn kỹ thuật của Lữ đoàn đã đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả, bảo đảm an toàn, tiết kiệm nhất. Nổi bật là, các sáng kiến: neo giữ cầu bằng hệ thống dây cáp nối vào bờ có tời cơ khí; nghiên cứu, chế tạo 4 neo điều tốc (nặng từ 250 đến 750 kg); tổ chức hàn vá khí tài “quay vòng” bảo đảm luôn có đủ phương tiện, khí tài duy trì cầu phao hoạt động liên tục.

Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong xây dựng đơn vị và thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là trong phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và giải toả ách tắc giao thông trong những năm vừa qua, Lữ đoàn đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đó là sự khích lệ, động viên để cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Phát huy truyền thống 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, thời gian tới, Lữ đoàn Công binh 249 tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ khi Người đến thăm đơn vị: “Nhiệm vụ của các chú rất nặng nề nhưng rất vẻ vang, các chú cần cố gắng hơn nữa, làm tốt hơn nữa”.

Thượng tá NGUYỄN HỮU HÙNG

Lữ đoàn trưởng

 

Ý kiến bạn đọc (0)